Ông nội tôi ngồi nhìn gốc mai trơ trụi vì bị ngập lâu ngày trong lũ,
thở dài, ngao ngán:
- Thế là tết năm nay không có mai.
Mọi năm lũ chỉ tràn qua sơ. Năm nay do mưa nhiều kết hợp với việc xả
lũ của các đập thủy điện nên lũ lớn quá. Nước lũ chảy mạnh làm gốc mai bật gốc.
Mất gốc mai mà nội tôi cứ thẫn thờ như mất đi một người thân.
Một tuần sau, không biết nội tôi tìm ở đâu một cây mai con đem về
trồng vào ngay chỗ gốc mai vừa bật gốc.
Vừa trồng nội vừa lẩm bẩm một mình:
- Năm nay miền trung mình qua cơn lũ này tài sản mất mát lớn quá.
Nghe nội lẩm bẩm, ông hàng xóm bảo:
- Nhiều nhà trôi hết bò, heo, gà, vịt…mới buồn chứ nhà ông chỉ trốc
một gốc mai có gì đâu mà ông buồn dữ vậy?
Nội buồn buồn nhìn ông hàng xóm nói:
- Tôi buồn không những gốc mai của tôi mà còn buồn cho cả miền trung
nữa đấy ông! Lũ kiểu này thì hoa gì cũng thúi rễ hết. Những nhà trồng hoa tết
năm nay điêu đứng đấy ông.
Ông hàng xóm đi rồi nội tôi lại lụi cụi đóng cây rào xung quanh gốc
mai.
Thấy ông nội vừa rào, vừa rưng rưng nước mắt, tự nhiên tôi lại thương
bà nội vô cùng.
Theo lời cha tôi, thì bà nội tôi ngày xưa cũng chăm sóc cây mai
không khác gì ông nội. Ngày nào bà cũng cắt cành, tỉa lá cho mai. Mỗi lần như
thế, bà thường ngâm mấy câu thơ của nhà thơ Song Nhi trong bài "Mai
vàng."
Xuân này sót một gốc mai
Vàng hoa cánh rũ, như ai không
tình
Gửi em cả lá lẫn cành
Thay hoa hồng cũ để dành làm duyên
Một mai quê hết ưu phiền
Vàng mai nở rộ đất thiêng anh
về...
Lúc ấy, cha tôi còn nhỏ nên chưa đủ hiểu vì sao
mỗi lần chăm sóc mai bà lại ngâm những câu thơ như thế. Lớn lên nghe bà kể, cha
tôi mới biết cây mai đó là kỷ vật của ông nội tôi để lại.
Ngày mới cưới bà nội, ông nội tôi xin một cây mai
con của một người bà con bên vợ đem về trồng ngay trước nhà. Hằng ngày ông và
bà chăm sóc cây mai rất chu đáo. Cây mai cũng không phụ
công của ông bà. Nó lớn nhanh như thổi. Chẳng mấy chốc nó đã ra hoa.
Cứ tưởng cây mai sẽ gắn bó với ông bà mãi mãi. Nhưng đất nước chiến
tranh ông phải cầm súng xa nhà đi kháng chiến. Ngày ông đi, bà tiễn ông ra tận
đầu làng trao ông một cành mai thế liên hoàn, dặn:
- Anh đi, anh nhớ năm chữ “Nhân, trí, tín, lễ, nghĩa” như cành mai
vàng này nghe anh!
Ông cầm cành mai vàng dắt vào ba lô, hứa:
- Anh nhất định sẽ giữ đúng lời em!
Nói xong, ông khoát tay tạm biệt bà.
Bà đứng nhìn theo bóng dáng ông cho đến khi không còn nhìn thấy nữa
mới trở về.
Từ đó trở đi bà chỉ biết bầu bạn với cây mai. Cây mai hình như cũng
cảm nhận được tình cảm của bà dành cho nó, nên tết nào nó cũng nở vàng rực cả
sân nhà. Ai đến mừng tuổi nhìn cây mai cũng tấm tắc khen. Mỗi lần nghe người ta
khen bà thường bảo: “Cây mai của nhà tôi trồng đấy”.
Bà tôi chăm sóc cây mai rất cẩn thận như chăm sóc một con người. Bà
bắt sâu, nhổ cỏ, tưới nước, bón phân… Những hôm bà bị bọn ngụy quân ngụy quyền
bắt xuống xã học tập, bà cứ đứng ngồi không yên, bà lo cho cây mai, bà sợ không
ai tưới nước cây mai sẽ héo, chết. Rồi những lần mai trúng đạn bà lại xót đau.
Bà băng bó kỹ lưỡng…
Tháng 8 năm 1967, đại bác của bọn Mỹ ngụy từ cầu Cây Bứa bắn xuống
hòng ngăn cản bước tiến của quân ta, khi quân dân ta đánh chiếm cứ điểm hải
thuyền tại Cổ Lũy đã làm cây mai của bà tôi bị bật gốc. Sau trận pháo bà ôm cây
mai khóc nức nở. Bà dùng bồ hóng bôi vào những vết thương của cây rồi trồng
lại. Sáng nào bà cũng tưới nước. Một tuần sau cây mai nhú ra những búp non, bà
mừng không thể tả. Qua một tuần nữa búp non lại khô dần. Nhìn những búp mai khô
héo, ruột gan bà như đứt từng khúc. Mặt bà buồn rười rượi. Biết thế nào mai
cũng không sống được, bà liền chạy về quê mẹ xin một cây mai con khác trồng ngay
dưới gốc của nó.
Khi cây bắt đầu phát triển cành, bà bắt chước ông nội tôi tạo thế
liên hoàn. Mới tạo được ba thế (nhân, trí, tín) thì bà tôi đã hy sinh. Bà hy
sinh vào một ngày cuối xuân năm 1968, trong lúc đang nấu cơm cho các chiến sĩ
cách mạng.
Hôm ấy bọn ngụy ập vào nhà bà. Chúng bới tro bếp lên, thấy một nồi
cơm to, bọn chúng bắt bà khảo tra.
Thằng sĩ quan ngụy cầm cái dùi nung lửa đỏ chót đưa lên trước mặt bà
hỏi:
- Mày nấu cơm cho ai mà một nồi to thế này?
Bà tôi bình tĩnh trả lời:
- Tui nấu dùm cho mấy đứa cháu gần bên.
- Tại sao lại nấu cho chúng nó?
- Nhà chúng nó vừa rồi bị các ông đốt phá hết, nên không có gạo ăn.
- Láo. Có phải mày nấu cho cộng sản không? Nói mau!
- Các ông không tin thì thôi. Tui không nói nữa.
Nó đâm dùi lửa vào bàn tay phải của bà. Bà cắn răng chịu đựng. Nó
rút dùi lửa ra hỏi:
- Mày giấu cộng sản ở đâu?
Bà tôi trả lời:
- Không biết.
Nó đâm tiếp dùi lửa vào bàn tay trái. Bà tôi vẫn cắn răng chịu đựng.
Nó rút dùi lửa ra quăng xuống đất, lấy dây thừng cột hai chân bà treo ngược lên
cây, đổ nước vôi vào mặt bà. Bà vẫn không khai. Nó dùng báng súng đánh vào lưng
bà.
Bà quay lại phun nước miếng vào mặt nó, chửi:
- Tụi bây là đồ chó, đồ ác ôn, đồ bán nước hại dân. Trước sau gì tụi
bây cũng bị tan xương nát thịt.
Nó rút súng lục bắn vào hai bàn chân bà rồi bỏ đi.
Bà đã được dân làng đưa đi nhà thương nhưng không kịp. Trước khi
nhắm mắt bà dặn bà con hàng xóm:
- Bà con chăm sóc cây mai và thằng Bé dùm tôi! Ngày nhà tôi về bà
con nói với ảnh là tôi trọn đời chung thủy với ảnh, với cách mạng, với đất nước…
Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, bà con hàng xóm không thể giữ
nổi lời hứa với bà. Họ chỉ chăm sóc được cha tôi.
Ngày nước nhà thống nhất, ông nội tôi trở về mang theo một nhánh mai
vàng thế liên hoàn để tặng bà. Nhưng bà chẳng còn. Và gốc mai ngày xưa giờ là cái
hố bom sâu như cái giếng. Ông buồn rầu cắm cành mai vào độc bình to đặt trên
bàn thờ, thắp ba nén nhang.
Mấy ngày sau ông chạy về quê bà nội tôi xin một cây mai con đem về
trồng ngay miệng hố bom.
Từ đó đến nay đã mấy chục năm rồi, ông tôi sáng nào cũng bắt sâu,
nhổ cỏ, tạo thế cho mai. Ông cũng chỉ tạo một thế duy nhất: thế liên hoàn.
Ông nội tôi mỗi năm mỗi già, nhưng năm nào cũng vậy cứ đến tiết đông
chí ông lại tỉa cành hun khói cho mai để đến tết mai nở rộ. Tết nào dù đói, dù
no, dù vui, dù buồn…ông cũng cắt một cành mai thế liên hoàn cắm vào độc bình to
đặt trước bàn thờ tổ tiên để cúng tết.
Bây giờ, lũ đã cướp mất cây mai của ông. Lũ đâu có biết ông quý cây
mai đến chừng nào. Cây mai như là một chứng nhân cho sự chung thủy trong tình
yêu của ông và bà nội tôi. Mấy ngày nay ông mất ăn mất ngủ cũng vì nó.
Thấy ông nội buồn, tôi nói:
- Nội ơi! Nội đừng có buồn nữa! Tết này cháu sẽ chở nội đi chợ hoa
thành phố mua mai. Không có mai nhà mình cắm đỡ mai chợ cũng được.
- Ừ, cháu nói cũng phải. Nhưng không biết bây giờ họ có uốn thế liên
hoàn không? Vả lại lũ vùa rồi sợ mai chết hết.
- Mai miền Nam
nhiều lắm, đủ loại thế. Ông tha hồ mà mua.
- Không biết họ có đem ra ngoài này không?
- Chỗ nào không có là họ chở tới liền chứ ông. Chắc mai năm nay đắt
lắm ông.
- Có đắt cũng phải mua chứ cháu. “Đói ngày tết hết ngày mùa” mà.
- Vậy thì tết này ông cháu mình đi chợ hoa thành phố mua một cành
mai thế liên hoàn về cắm vào độc bình đặt trước bàn thờ tổ tiên nghe ông!
- Ừ, gần tết ông cháu mình đi!
Tôi thấy nội tôi vui vẻ trở lại.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét