Ca cổ, một bộ môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của hầu hết người dân Nam Bộ. Từ thời khẩn hoang mở đất, lưu dân người Việt mang theo một nền văn hóa và nghệ thuật truyền thống ăn sâu trong tâm hồn. Sản xuất để nuôi thân, quây quần bên nhau để chống lại thú dữ, cướp bóc và thiên nhiên khắc nghiệt, người dân bắt đầu hình thành xóm ấp và văn nghệ dân gian cũng phôi sinh, phát triển.
Các truyền thuyết, huyền thoại, chuyện kể, tiếu lâm, ca múa… từ chất liệu sẵn có trong tâm hồn người ta gắn kết hài hòa với những điều cảm nhận được trên đường khai phá để hình thành một kho tàng nghệ thuật dân gian trên vùng đất mới phong phú, đa dạng, hấp dẫn để cân bằng đời sống tinh thần và vật chất khi bắt đầu an cư lạc nghiệp. Lúc đầu, tưởng chỉ để vui chơi, giải trí tao nhã trong thôn xóm, dần dần giao lưu mở rộng và liên tục phát triển, sáng tạo một cách lý thú.
Đây cũng là pho sử thi truyền miệng giá trị và độc đáo ghi nhận lại lịch sử một thời kỳ chân trần mở cõi. Khi có giặc ngoại xâm lại trở thành vũ khí sắc bén góp phần đánh bại kẻ thù bảo vệ từng tấc đất quê hương. Trong giai đoạn này, một loại hình mang tính tập thể ra đời và không ngừng được cải tiến, phát triển, phổ biến rộng rãi vì nhanh chóng đi vào tâm hồn mọi người. Đó là bộ môn đờn ca tài tử với một phong cách âm nhạc độc đáo, đặc thù của người phương Nam, dù xuất phát từ nền nhạc cung đình Huế nhưng đã đổi thay phong cách, hương vị do thổ nhưỡng, hoàn cảnh, tình cảm, tâm trạng của con người trên quê hương mới. Người viết, người đờn, người ca phải hòa quyện nhau mới làm rung động hồn người. Tính chất này cũng nói lên sự đoàn kết để tồn tại và phát triển trong thời kỳ ấy.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều nhân vật tài hoa xuất hiện với các bài bản mới được lưu truyền mạnh mẽ trong giới đờn ca tài tử và người hâm mộ. Song song đó, những danh cầm danh ca đồng loạt xuất hiện và nhanh chóng nổi tiếng khắp miền đất trù phú Nam Bộ. Có sáng tác tất nhiên có nhạc công và ca diễn, phong trào được lan rộng và nhiều người trở thành nghệ nhân dân gian. Lời ca giọng hát tiếng đờn đi vào lòng người thưởng ngoạn, đi vào cuộc sống; tiếc rằng thời bấy giờ không có ghi âm, ghi hình nên không lưu giữ được những tinh hoa ấy mà đời sau chỉ biết được qua sự truyền tụng và một số sách vở hiếm hoi ghi lại.
Ở vùng sông Tiền, những người tiên phong trong việc sáng tác bài bản, lập dàn cổ nhạc đi hát dạo, hát trong đám tiệc hoặc lễ quyên tiền như Nguyễn Tống Triều (Tư Triều), Trần Văn Chiều (Bảy Triều), Năm Khương (Nguyễn Tri Khương) ở Mỹ Tho; Tống Hữu Định (Phó Mười Hai), Trần Quan Quờn (Ký Quờn), Phạm Đăng Đàng ở Vĩnh Long; Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) ở Long An…
Vùng sông Hậu cũng rầm rộ phát triển không kém với những soạn giả, danh cầm như Nhạc Khị (Lê Tài Khí), thiền sư Nguyệt Chiếu (Lưu Hữu Phước) ở Bạc Liêu; Mộc Quán (Nguyễn Trọng Quyền) ở Cần Thơ… và một loạt tài năng cổ nhạc đến nay vẫn còn lưu tên trong sách sử mà hầu hết xuất thân từ hai lò đào tạo của Nhạc Khị và sư Nguyệt Chiếu ở Bạc Liêu: Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa), Trịnh Thiên Tư (Giáo Chín), Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ), Bảy Kiên (Phạm Ngươn Kiên), Ba Chột (Lê Văn Túc), Bảy Cao (Lê Văn Cao), Mộng Vân (Phan Long Trung), Ba Khi (Lý Khi)...
Ở Đồng Nai có Phụng Hoàng Sang, ở Sài Gòn có Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tùng Bá (Tư Bá) là những người viết sách, dạy đờn nổi tiếng. Ngoài ra, còn phải kể đến hai ông Tôn Thọ Tường và Phan Hiển Đạo (ở Mỹ Tho) đi học đờn từ Huế về truyền bá ở miền Nam.
Dần dần, các ban nhạc cổ, nhóm đờn ca tài tử được leo lên sân khấu trong các chương trình phụ diễn cho hát bóng (chiếu phim). Thấy có khán giả ủng hộ, những người mê hát có tiền lập gánh đi biểu diễn khắp nơi; trong đó có Hồ Văn Trung (nhà văn Hồ Biểu Chánh), Đốc Phủ Bảy (Lê Quang Liêm), thầy Phó Mười Hai (Tống Hữu Định), cô Trần Ngọc Viện (gánh Nữ Đồng Ban), thợ bạc Hai Cu (gánh Nam Đồng Ban, Tái Đồng Ban), cô Tư Sự (gánh Đồng Bào Nam), Phạm Minh Tấn (gánh Hậu Tấn), thầy Mười Vui (gánh Văn Hí Ban, Võ Hí Ban), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi - gánh Tập Ích Ban), Nguyễn Ngọc Cương (gánh Phước Cương)…
Cải lương có thời kỳ cực thịnh, nhưng cũng lắm lúc thăng trầm bởi vì các đoàn hát lập ra phải kinh doanh để nuôi sống, còn đờn ca tài tử vẫn tồn tại vì thường mang tính phục vụ, giúp vui. Trong những lúc nông nhàn, trong các hội hè đình đám, nhất là lễ giỗ, lễ nói hoặc đám cưới, đờn ca tài tử có mặt làm tăng thêm không khí vui tươi, sinh động, hấp dẫn và có khi lôi cuốn người xem đến quá nửa đêm.
Ngày nay, đờn ca tài tử còn được tổ chức phục vụ cho các lễ hội, tổng kết liên hoan, nhà hàng quán rượu, khách du lịch, hội thi hội diễn tưng bừng từ thành thị đến nông thôn. Đờn ca tài tử trở thành một bộ môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Nam Bộ. Ngày càng xuất hiện nhiều nghệ sĩ biểu diễn cũng như những soạn giả viết bài bản phong phú, đa dạng, mượt mà, truyền cảm và chất lượng văn học trong bài ca cũng được chú ý hơn, ý nghĩa sâu sắc và hấp dẫn người nghe hơn.
Nam Bộ là một vùng đất trù phú với đồng bằng mênh mông bát ngát, sông rạch dọc ngang đậm sắc phù sa, rừng xanh man mác cánh cò, núi non hùng vĩ thơ mộng; con người hiếu khách, hào phóng, lãng mạn, trữ tình… Nên đây cũng là vùng đất màu mỡ để loại hình đờn ca tài tử phát triển.
Người xưa ca hát để cho đời thêm vui, không cầu mong gì hơn là giãi bày tâm sự và góp vui cho làng xóm, thế mà hết mình vì nghệ thuật và cuộc chơi hết sức tao nhã, chân tình và điệu nghệ. Tiếc rằng không có thu băng thu dĩa để ngày nay chúng ta có thể thưởng thức những ngón đờn lão luyện, những giọng ca vàng của các bậc tiền bối. Các bài hát xưa cũng không còn được lưu truyền bao nhiêu, dù đầu thế kỷ XX nước ta đã có kỹ thuật in, một số tác phẩm đã được xuất bản, nhưng mấy ai còn giữ.
Theo tài liệu ghi lại, khoảng từ năm 1900 đến 1920, một số tập bài ca hoặc sách dạy đờn có kèm bài ca được xuất bản ở miền Nam như: Bản đờn tranh và bài ca của Phụng Hoàng San, Lục tài tử của Đặng Tiền Nhiều và Đinh Thái Sơn, Thập tài tử của Đặng Tiến Lợi và Đinh Thái Sơn, Tứ tài tử của Đặng Nhiều Hơn và Đinh Thái Sơn, Bát tài tử của Nguyễn Tùng Bá và Đinh Thái Sơn, Bản đờn kìm của Nguyễn Tùng Bá, Tập bài ca của Mạnh Tự (Trương Duy Toản), Tập bài ca của Nguyễn Trung Hậu…
Ngày nay, có điều kiện in ấn, thu tiếng thu hình để phổ biến rộng và lưu giữ qua nhiều thế hệ; nhiều tập bài ca, vở tuồng cải lương đã được xuất bản hay dàn dựng thu dĩa phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc phổ biến đến tận gia đình người xem. Với điều kiệm thuận lợi đó, phong trào đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc thù của vùng đất Nam Bộ, cần được bảo tồn và phát huy đúng với tính chất nghệ thuật lãng mạn của nó, để mãi mãi là món ăn ngon miệng và phổ cập trong tâm hồn mọi người.
TRỊNH BỬU HOÀI (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét