Đại hội VI của hội LH VHNT An Giang vừa khép lại, để lại trong lòng người bao niềm hân hoan, tin tưởng vào một nhiềm kỳ BCH mới sẽ phát triển vững mạnh nền VHNT tỉnh nhà. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên một nhà thơ vẫn âm thầm đóng góp bao tâm huyết và công sức với hội VHNT An Giang trong hai nhiệm kỳ qua, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài.
Trong khóa IV và V, anh là người đã "cầm lái" con thuyền văn nghệ An Giang, đầu nhiệm kỳ mới, trở về với cuộc sống đời thường sau những năm bận bịu, tuy nhiên chắc hẳn anh em văn nghệ tỉnh nhà sẽ không bao giờ quên những đóng góp to lớn của anh. Hôm nay, BÔNG TRÀM xin phép đăng lại bài phỏng vấn anh trên Tuổi trẻ, như ghi nhận tình yêu của văn nghệ sĩ An Giang dành cho anh.
*
* *
"Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp / Quê nhà một góc nhớ mênh mông" Câu thơ ấy của Trịnh Bửu Hoài đã khiến nhiều người biết đến và yêu mến anh hơn. Nhà thơ suốt đời đằm thắm một chữ tình ấy sinh ra và sống ở An Giang. Tuổi học trò, cậu Hoài nhát lắm! Vậy mà, chính anh cũng không ngờ những bài thơ "còn hoài trong vở" của mình khi đó lại sớm trở thành "thơ tình trong ngăn cặp" của nhiều người. Anh hiện là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật An Giang, phó ban công tác Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL, là một trong những người thực hiện trang web Văn nghệ sông Cửu Long. Công việc luôn tất bật nên anh phải tranh thủ viết, có cảm hứng là viết, không đợi phải có nơi yên tĩnh hoặc một mình. Đến nay anh đã có gần 50 tập thơ, truyện được in riêng.
Sau Hành Tây Bắc, Hành Tây Nguyên, nay mai anh viết xong Hành Tây Nam, sẽ "khai sinh" tập Hành phương Tây đầy lý thú. Trò chuyện với chúng tôi anh cười rất tươi, giọng hóm hỉnh khi nhắc lại thời áo trắng...
* Các nhà thơ nam trẻ thường bắt đầu làm thơ để "cua" gái. Thời trẻ anh có như vậy?
- Tôi bắt đầu làm thơ vì "thất tình" chứ không phải để "cua" gái!
* Anh còn nhớ bài thơ đó?
- Đó là những bài sau này tôi in trong tập "Người hành hương tình yêu", Nhà xuất bản Khai Phá ấn hành năm 1974 tại Sài Gòn. Một số bạn trẻ thời bấy giờ đã thuộc một số câu trong tập này để "tán" gái như: Trời sinh ra là để nhớ thương / Em không nhớ, là đời em phạm lỗi / Em không thương, là hồn em bóng tối / Vườn chiêm bao ai mở cửa bây giờ / Nhà của em ai đến để nên thơ...
* Cô gái đã tạo cảm hứng cho anh làm thơ?
- Cô gái đầu tiên tạo cảm hứng cho tôi làm thơ là một cô bạn học chung trường, bây giờ đã là "bà ngoại" và cách xa nửa vòng trái đất. Còn đối với người con gái mà tôi yêu thương nhất và trở thành người bạn đời chung thuỷ, trong đời làm thơ của tôi cũng có một giai thoại vui: Cô ấy học khác trường nhưng chúng tôi quen nhau qua sự giới thiệu của một người bạn tôi là anh họ cô ấy.
Sau một thời gian, chúng tôi yêu nhau, khi ấy cô là sinh viên khoa văn Trường đại học Cần Thơ. Khi yêu nhau, cô mới thổ lộ với tôi là mấy năm qua có một anh chàng học chung lớp gửi thư tỏ tình và viết rất nhiều bài thơ tặng cô. Cô lấy những bài thơ đó ra cho tôi xem thì té ra... đều là thơ của tôi! Tôi nói vui với cô ấy: Thì ra mấy năm nay anh này "tán" em giùm anh, anh phải cảm ơn anh ta!
* Có người nói cô đơn là sự tối cần của người viết, đó là điều kiện hàng đầu của một nhà văn. Điều này có đúng với anh?
- Với tôi, cô đơn chẳng phải là sự "tối cần" và cũng chẳng phải là điều kiện hàng đầu của người viết. Người viết hoàn thành tác phẩm với nhiều yếu tố, nhiều hoàn cảnh và thói quen khác nhau.
Thời trung học tôi có học với nhà văn, nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu. Ông có thói quen viết bất cứ nơi nào, khi ngồi trên xe, khi vào lớp học (lúc học sinh đang làm bài, ông tranh thủ viết). Ông là người cần cù lao động và có nhiều tác phẩm công phu, giá trị để lại cho đời. Tôi học ở ông đức tính này và tập thói quen lúc nào có cảm hứng là viết, không đợi phải có nơi yên tĩnh hoặc một mình. Tôi thường nghe nhạc khi viết. Khi làm thơ tôi thường nghe nhạc không lời. Lúc tôi nhập tâm vào trang viết thì không có sự ồn ào nào chi phối được.
* Anh từng viết truyện có cuốn bán rất chạy. Sao gần đây anh không viết truyện nữa?
- Khi về làm công tác quản lý ở Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, tôi không có thời gian để viết truyện dài dù còn nhiều đề tài đang ấp ủ. Khi sắp xếp được, tôi sẽ tiếp tục. Tôi còn đề cương một cuốn tiểu thuyết viết về vùng đất nơi tôi sinh ra và lớn lên với những biến dịch khôn lường, bi kịch từ trong gia đình ra tới xã hội, đó là quyển "Thăm thẳm đêm sâu" dự kiến dày trên một ngàn trang. Tôi rất tâm đắc với tác phẩm này vì tôi có nhiều cảm xúc và vốn sống về nó.
* Tập thơ đầu tay của anh có gặp khó khăn khi xuất bản và phát hành?
- Tập thơ đầu tay của tôi là tập "Thơ tình" do Nhà xuất bản Khai Phá ấn hành năm 1974 tại Sài Gòn. Tôi rất cảm ơn mẹ tôi và bạn bè đã giúp cho tập thơ này ra đời. Mẹ tôi không biết gì về văn chương nhưng vì thương con nên cho tôi tiền để in. Nhà xuất bản và tạp chí Khai Phá là do một số anh em văn nghệ quê Châu Đốc thành lập và hoạt động ở Sài Gòn. Anh Ngô Nguyên Nghiễm chăm sóc và trình bày tập thơ, anh Lưu Nhữ Thuỵ vẽ bìa. Tập thơ ra đời khá suôn sẻ và bán được chút ít nhờ cái tựa "Thơ tình" và in khá đẹp, tôi thừa thắng xông lên và in tiếp tập thứ hai "Người hành hương tình yêu" cũng trong năm đó.
* Anh có lời khuyên gì với các bạn trẻ muốn in tập thơ đầu tay?
- Tập thơ đầu tay rất quan trọng đối với cuộc đời của người cầm bút. Đó là sự khích lệ cho ta có niềm đam mê và thêm nghị lực đi tới, đồng thời giúp ta nghe được sự phản hồi của bạn đọc để tự hoàn thiện mình. Cho nên, tập thơ đầu tay ta không thể cầu toàn và cũng không thể dễ dãi quá làm mất niềm tin nơi người đọc.
* Anh nghĩ gì về văn học trên mạng và văn học in trên giấy?
- Văn học trên mạng và văn học in mỗi cái đều có lợi thế và nhược điểm riêng. Văn học trên mạng chuyển tải đến người đọc nhanh và rộng hơn. Văn học in hấp dẫn nhờ hình thức trình bày phong phú và tiện lợi, người ta có thể mang theo và đọc bất cứ nơi đâu.
* Anh có mở blog cá nhân và có thường vào xem blog của giới trẻ ngày nay?
- Tôi chưa có blog cá nhân và ít vào xem blog của giới trẻ vì không có thời gian.
* Với cương vị là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật An Giang, anh có kế hoạch gì giúp bạn trẻ ở tỉnh nhà phát triển khả năng sáng tác văn thơ?
- Từ nhiều năm qua, giải văn chương Thủ Khoa Nghĩa do Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật và Sở Giáo dục đào tạo tỉnh An Giang kết hợp tổ chức, phát động trong các trường trung học, đại học đã phát hiện và bồi dưỡng một lực lượng viết trẻ khá sung sức cho nền văn học địa phương. Một số cây bút đã khẳng định được mình và có nhiều tác phẩm xuất hiện trên các báo, tạp chí khu vực và trung ương, có tác phẩm xuất bản và được bạn đọc chú ý như: Trương Thị Thanh Hiền, Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Võ Diệu Thanh, Mai Bửu Hoàng Hưng, Trần Mỹ Hiền, Trần Hoàng Trâm, Nhâm Bá Phương...
Hội luôn quan tâm và hỗ trợ cho các câu lạc bộ sáng tác trẻ ở Chi hội Văn học nghệ thuật cấp huyện, thị xã, các bút nhóm hoặc câu lạc bộ thơ văn trong trường học phát triển bằng cách tạo điều kiện cho các em đi thực tế sáng tác, giao lưu, gặp gỡ và nghe các nhà văn, nhà thơ nói chuyện về kinh nghiệm sáng tác; mở trại sáng tác, tổ chức xuất bản các tuyển tập thơ văn cho các em. Gần đây, Gia đình Áo Trắng An Giang được tái lập và đi vào hoạt động có nề nếp với sự chăm sóc trực tiếp của trưởng gia đình là nhà văn Mai Bửu Minh, giúp cho hội có thêm một khu vườn văn học tươi trẻ và đầy triển vọng, hi vọng sẽ sản sinh nhiều hoa thơm trái ngọt.
* Xin được cám ơn anh đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện đầy thú vị này! Chúc anh gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác.
TRỊNH BỬU HOÀI (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét