Hồi còn lớp chín lớp mười, đọc "Hương rừng Cà Mau" của nhà văn Sơn Nam, tôi phục ông quá sức. Phục vì sự hiểu biết của ông với người và đất miệt tận cùng Tổ quốc, phục vì cái giọng văn bình dị, chân tình của ông. Ví dụ như các truyện ngắn "Một tấm lòng", "Hương rừng", "Mùa len trâu", "Bác vật xà bông"...
qua bút pháp của nhà văn Sơn Nam thấy rõ cái sức sống mãnh liệt của những người đi mở đất phương Nam, cái trầy trật của cuộc sống mới nơi đất rừng "sơn lam chướng khí" và thấy cả cái hào khí của tầng lớp lưu dân trên miệt rừng ngập mặn miền Nam nước Việt.
Lớn lên, lên Sài Gòn vừa đi học vừa viết báo, tôi được gặp nhà văn của Hương rừng Cà Mau ngay tại tòa soạn báo Điện Tín đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi). Gặp ông trong quán cà phê Thái ở đầu một con hẽm nhỏ, thấy ông viết văn đăng feulleton trên báo sao mà dễ quá. Ông mặc áo sơ-mi phạch ngực vì nóng, ngồi bỏ một chân lên ghế đẩu, viết mà đôi lúc ông còn góp chuyện với bàn cà phê bên cạnh có nhà văn Hoài Khanh, Hàn Song Thanh, nhà thơ Kiên Giang, Trấn Tuấn Kiệt... Gặp người mình bái phục, thấy ông rất gần gũi mình, không làm dáng ta đây là nhà văn lớn, thấy ông cũng như mọi người dân lao động thành thị. Sau này khi học về văn học dân gian, biên khảo... tôi lại gặp ông trong các tác phẩm lớn "Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa”, "Lịch sử khẩn hoang miền Nam", "Cá tính miền Nam", "Gia định xưa và nay"... thấy trong con người nhà văn của ông có thêm kiến thức của một nhà văn hóa dân gian, một nhà nghiên cứu lịch sử có phong cách giản dị như vùng đất mà ông sinh ra và yêu quý...
Rồi theo nghề viết lách, tôi có nhiều dịp gặp ông, thân tình hơn, đôi lần lai rai bia bọt... với ông và được gọi ông là "bố già" như bao đồng nghiệp khác, "thần tượng" của tôi trở nên gần gũi hơn. Chính cái tính cách của ông khiến cho các cây bút đàn em không ngần ngại khi tiếp xúc, và cảm cái cảm của ông, yêu cái yêu thích của ông. Dù nghèo tiền bạc nhưng không nghèo kiến thức và còn sức thì còn đi, còn viết. Ông thường nói vậy. Sức làm việc của ông khó có người bì kịp dù hôm nay ông đã lên tới cái tuổi 73. Chỉ trong năm 1998, kỷ niệm Sài Gòn 300 tuổi, có tới mười quyển sách mới và cũ của ông được xuất bản trong đó có cuốn Sài Gòn ấn tượng 300 năm viết sau chuyến du hành vượt 7.000 cây số thăm một số vùng quê của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tận vùng đất Quảng Bình.
Đó là đi xe hơi. Còn sức đi bộ của ông mới đáng nể hơn. Ông không biết đi xe hai bánh, có lẽ do xuất thân từ vùng đất Rạch Giá nhiều kinh rạch, nên đi bộ trở thành cái thú của ông. Vừa đi ông vừa nhìn ngó đường phố, thấy cái thay đổi nho nhỏ của một con đường, một góc phố; la cà nói chuyện nầy nọ với anh xích lô, ông thợ hớt tóc, bà bán chè, chị bán báo... và nhiều lần được mời "nói chuyện" về các đề tài văn hóa, kiến trúc cổ tại các hội nghị khoa học tầm cở, được mời tế lễ trong các lễ hội đình chùa theo đúng bài bản...
Con người ông là như vậy. Rất cao nhưng cũng rất dễ gần. Đôi lúc thấy ông ngồi xe... dân biểu (xích lô), ông cho biết đi xích lô để "xóa đói giảm nghèo" cho người lao động mình, chớ đi bộ vẫn khoái hơn. Gặp nhau ông nhắc: "Có gặp thì kêu tui nghen. Lúc này mắt yếu rồi, chào sợ không thấy đâm ra thất lễ với anh em". Ông có nhà nhưng thích đi lang thang. Sáng, uống cà phê Nhà truyền thống Gò Vấp, 8 giờ là ông thả bộ đi. Có khi ông tới NXB Trẻ bàn công việc in sách, có lúc ở báo Văn Nghệ... và nhiều lần rời thành phố đi tận Kiên Giang, An Giang, theo đoàn làm phim "cố vấn" cho đạo diễn trôi ra tận Quảng Bình, Huế...
Ông đi nhiều, hiểu nhiều... nên viết rất khỏe. Kiến thức của ông là “mênh mông”. Và hơn tất cả, là sự giản dị, gần gũi với mọi tầng lớp. Cái tâm của ông sáng, cái lòng của ông trong. Đó là tính cách của một nhà văn lớn xứ Nam bộ vậy!
DIỆP HỒNG PHƯƠNG (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét