- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Mỗi khi tiết trời se se lạnh của tháng Mười
Hai trở về, màu đỏ và ánh đèn rực rỡ khắp phố phường Sài Gòn, tôi
lại nghĩ đến cái tết Nguyên đán. Dọc các con phố từ nơi bình dân đến những nơi
sang trọng, người ta bày bán quần
áo mới đủ kiểu, với các chương trình khuyến mãi xả hàng cuối năm. Rồi những cửa
hàng hoa giả, các cửa hàng trang trí nội thất cũng nhộn nhịp người ra kẻ vào.
Tôi rất thích được đi ra phố, ngồi nơi một góc quán quen, chọn một vị trí có thể
quan sát hết tất cả sự náo nhiệt của một thành phố luôn thay đổi, những nụ cười
rạng rỡ của những người bán hàng chợ đêm khi khách hàng vào ra nườm nượp. Một
buổi tối thư giãn cho người mua và người
bán.
Trong câu chuyện của mỗi người tán gẫu
cùng nhau, tôi nghe thoang thoáng rất nhiều câu hỏi: Tết này mày có về quê không? Tết
này ông có nhiều tiền thưởng không? Tết này đã mua sắm gì không? Câu chuyện của
những người tri kỷ - tri âm của nhau dài lắm, nhất là với người xa quê tha
hương cầu thực. Câu chuyện đầy sự phân vân của những người đàn bà có hai quê: quê mẹ và quê chồng, biết về
quê ai trong những ngày Tết này đây. Cái Tết - cái xuân của quê nhà luôn có
một ký ức mênh mang trong từng hơi thở của mỗi con người Việt Nam. Đã sinh ra
trên mảnh đất hình chữ S này, thì dù người Trung - Nam - Bắc đều mang theo
trong tâm hồn mình những ký ức của một thời tuổi thơ trong những ngày Tết đến
xuân về.
Tuổi thơ của tôi lớn lên từng ngày với những
hy vọng tràn đầy mỗi khi tiết trời có sự chuyển biến, khi mẹ bảo tôi cần phải
chăm tưới vườn hoa vạn thọ, mào gà, cúc
áo sau nhà để kịp mang ra bán. Mẹ tôi rất thích trồng hoa, miền quê ngày ấy rất nhiều
hương vị Tết khi tôi có một người mẹ chăm chỉ với từng luống hoa. Mẹ tôi luôn
nói hoa vạn thọ là loài hoa dâng lên chúc Tết ông bà tổ tiên thích hợp nhất. Ai
cũng chọn loại hoa này để chưng trong nhà, ngoài ngõ và mang vào nghĩa trang để
tỏ đạo hiếu. Mẹ trồng hoa đâu chỉ để bán, mà cốt là để cho nhà có mùa xuân. Bán
chỉ là góp phần làm nên mùa xuân cho cả xóm. Các cô bác tới chọn từng chậu hoa
rồi gửi cho mẹ ít tiền để đặt mẹ sang năm nhớ trồng cho họ vài chậu. Vì hoa của
mẹ trồng nở rất to, cây bông cứng cáp, có khi tươi đến hết tháng Giêng. Tuổi
thơ của tôi cứ mỗi năm lại lớn lên với những sắc hoa vàng rực rỡ. Khi hoa tàn, tôi lại giúp mẹ phơi khô những
bông hoa ấy, mào gà, cúc áo, vạn thọ, móng tay, chuồn chuồn... rồi cứ mỗi khi mùa mưa đến lại
gieo cho nó mọc khắp các khoảng không gian trống của sân nhà. Ngôi nhà của gia
đình tôi luôn ngập sắc hoa. Ba tôi, thỉnh thoảng lấy vòi nước tưới cho chúng mỗi
khi chiều về, rồi mở vài bản nhạc xưa cũ. Nhờ vậy mà khi tuổi còn nhỏ, tôi thuộc
rất nhiều các bài hát bolero, thuộc tên rất
nhiều loài hoa dại.
Mùa xuân của tuổi thơ tôi luôn trở về thật
sống động, ngay khi tôi đang ở một thành phố dày đặc các các siêu thị với rất
nhiều loại bánh kẹo, các ngã đường ngập hàng quán thì tôi vẫn không thể nào
quên cái khuôn dùng để đổ bánh thuẫn. Với mẻ bánh đầu tiên, mẹ luôn bảo, ngồi xem đổ bánh thì phải cười, chứ đừng có mặt mày “chù ụ” mà bánh nó không chịu cười,
bánh không nở hoa thì xấu lắm, khách đến chúc Tết thì sao dám mời. Rồi tôi cười vui vẻ theo ý
mẹ, nhưng mẻ bánh đầu tiên nó cứ trơn tru như người đi tu, lần này thì mẹ tôi
cười trừ với tôi, chắc tại mẹ đánh bột chưa tới nên bánh không nở hoa. Mẹ tôi lại
tiếp tục đánh bột, thử lại kiểm tra độ nổi của bột. Tới khi vừa ý thì mẹ bắt đầu tiếp tục những mẻ
bánh, mẻ nào cũng cười tươi như hoa khi mẹ mở nắp ra. Tôi cứ ngồi háo hức phụ mẹ
cho tới tận khuya, dù có lúc hai con mắt díp lại, vì buồn ngủ. Mẹ giục tôi đi
ngủ nhưng tôi cứ ngồi huyên thuyên hỏi mẹ đủ thứ điều. Các câu hỏi về các loại
bánh mẹ tôi sắp làm. Mai là ngày hai mươi sáu Tết, mẹ sẽ làm bánh in. Hai bảy Tết, mẹ sẽ qua nhà dì Ba mượn lò
trán bánh trán. Ngày hai chín,
mẹ và tôi sẽ hái lá chuối, lau lá, ngâm nếp, ngâm đậu, ướp thịt - chuẩn bị đầy
đủ các nguyên liệu để đến đêm là cả ba và mẹ ngồi giữa nhà gói bánh. Chị em tôi
sẽ phụ trách buộc dây, khâu cuối cùng khi những
đòn bánh tét hoàn tất. Gói xong có năm tới tận khuya, mẹ tôi dọn dẹp còn ba tôi
thì nhóm bếp luộc bánh. Ba sẽ là người thức để canh lửa, châm nước cho nồi bánh. Thường
tới trưa ba mươi Tết là các đòn bánh tét đã được treo lên nơi góc bếp. Mẹ chọn
hai cặp bánh đẹp nhất để cúng ông bà. Ba thì sắp xếp cho bàn thờ cho thật hài
hòa. Ba tôi luôn chu đáo với cái bàn thờ và phòng khách. Tôi luôn thấy ba cặm cụi
lau chùi từng chút bụi nơi cạnh tủ, góc bàn. Cái không khí Tết đến sao mà nao nức,
ấm áp đến xuyến xao. Chị em tôi trong giờ phút đó, đứa thì lo tắm rửa, gội đầu
sạch sẽ thơm tho, đứa thì xếp từng bộ quần áo dự định mặc cho các ngày mồng. Tết
nhà tôi, người lớn hay trẻ nhỏ
đều phải mặc đồ mới, và không được làm ai buồn ai giận ai khóc, vì theo lời mẹ
nói đó là điều không hên, kiêng kỵ trong những ngày đầu năm. Mẹ tôi dù có giận
đứa con nào không ngoan thì cũng không quở trách mà thay vào đó là ôm hôn lên
trán rồi nói: “Tết mà con, vui lên
nào!”
Tôi nhớ nhất là ngày mồng một, nhớ từng
khoảnh khắc khi kim đồng hồ vừa chấm số mười hai, bắt đầu có vài tiếng vài tiếng
pháo nổ đì đùng. Sau khi thắp nén hương đầu tiên dâng lên ông bà, ba bắt đầu
châm lửa đốt dây pháo đã chuẩn bị sẵn. Tiếng pháo nổ thức chị em tôi tỉnh giấc,
nhưng mẹ không cho chúng tôi ra khỏi phòng vì mẹ rất sợ sự nguy hiểm của những
viên pháo chưa nổ. Chị em tôi sẽ
nhặt, rồi sáng mồng một, trong
bộ quần áo mới lại tụm nhau đốt pháo. Những năm đó có rất nhiều vụ nghịch pháo để mang thương tật, nên vài năm sau thì cái lệ tục
đốt pháo được chính quyền bỏ hẳn đi. Tục đốt pháo đã đi vào ký ức, không còn những
dây pháo nổ đỏ hồng trước ngõ, nhưng Tết vẫn còn rất nhiều hoạt động có ý
nghĩa, an toàn.
Mọi cảm xúc trong thời khắc Giao thừa
thiêng liêng vẫn không thay đổi. Ba tôi năm nào cũng chờ đợi để sống cùng giây phút ấy. Thay cho pháo là những
thanh gỗ mục, những củi khô, được dồn lại thành đống rồi đốt lên rực sáng một
góc sân giữa vùng quê tỉnh mịch. Làn khói ấm, ngọn lửa ấm như muốn xua tan những
điều không vui của năm cũ bay đi, cầu mong điều tốt đẹp cho năm mới đang đến. Mẹ
tôi vẫn lom khom ở dưới bếp, đổ thêm gạo vào cho đầy bồ, bơm thêm nước cho đầy
các chạng, các món ăn cho ba ngày tết đã sẵn sàng. Ba mẹ tôi luôn nói với nhau,
rằng nghèo giàu gì thì ngày tết cũng phải tươm tất, “đói ngày Tết - thất ngày mùa”. Có lẽ nhờ cái quan niệm ấy mà tuổi
thơ của chị em tôi đã lớn lên với những mùa xuân thật đẹp. Khi đã xong hết tất
cả công việc gọi là cần thiết của đêm Giao thừa, mẹ tôi mang ra sân trước - nơi
có hơi ấm của khóm lửa, ba vừa đốt đang dần tàn -
những chén chè đậu đỏ nghi ngút hương thơm của đậu, đường, nước dừa, vani hòa
quyện vào. Cả nhà cùng nhau thưởng thức thật say mê, bởi trong lòng ai cũng
mong theo lời mẹ, thêm một tuổi mới, vận đỏ luôn mỉm cười với mình.
Giai điệu mùa xuân réo rắt từng nốt nhạc. Không khí, cảnh vật bình
yên, hạnh phúc trong khu vườn, ngôi nhà đầy sắc hoa đung đưa
trong gió. Tôi nhớ lắm những bữa cơm ngày Tết,
mẹ chu toàn từng buổi, dù bận rộn tiếp họ
hàng hai bên nội ngoại rồi hàng xóm. Cứ nghĩ mẹ sẽ mệt không có thời gian dọn
cơm, nhưng nhờ có thức ăn đã chuẩn bị sẵn,
những loại rau ăn sống, kim chi, cải
chua, củ kiệu đã sẵn sàng, nên mỗi giờ cơm đều hết
veo. Ba tôi cứ ngợi khen mẹ, bảo chị em tôi phải lo mà học mẹ để sau này lấy chồng
biết chăm lo cho mái ấm. Rồi chuyện chúc tết ông bà, họ hàng, hàng xóm, bạn bè
của ba mẹ biết bao nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ như mới vừa hôm qua.
Ngày Tết của gia đình tôi cứ sống mãi
trong tôi. Dù tôi có đi lấy chồng xa, thì quê hương tôi, ngôi nhà nơi tôi lớn
lên mãi đẹp như cổ tích. Mỗi năm Tết về, dù có bận rộn đến thế nào, tôi vẫn
dành thời gian để về với ba mẹ, được sống lại ký ức bắt đầu từ ngày hai mươi ba
giáp Tết trở đi. Tết đến xuân về, mỗi
nhà mỗi cảnh, người nghèo có cách ăn Tết của người nghèo, người giàu theo hướng
của người giàu, công nông hay tri thức đều có chung một ước nguyện mùa xuân về
sẽ ấm áp bên gia đình. Mỗi người một tay góp phần làm nên mùa xuân cho gia đình
mình. Một đến nhiều gia đình làm nên mùa xuân cho đất nước Việt.
Ký ức về mùa xuân của tôi đã đi qua bao nhiêu
năm tháng của tuổi thơ - tuổi trẻ - rồi gần chạm đến cái tuổi sắp già, mà sao
nó vẫn sống mãi, luôn là điểm tựa cho tôi mỗi khi vấp ngã. Hơi ấm của gia đình
mỗi khi mùa xuân về luôn là mơ ước của từng đứa trẻ, có lẽ vậy mà dù có mua thêm nhiều bánh trái ở siêu
thị thì tôi vẫn dành ít thời gian để làm vài loại bánh mứt đơn giản cho các con cảm nhận cái Tết của dân
tộc, của quê hương mình. Và cái món bánh tét tôi học từ mẹ ngày xưa trở thành
món gia truyền cho con trai, con gái thực hành. Nhìn các con náo nức lau lá cột
dây, tự nhiên thấy có một sự vuông tròn trong những năm tháng dài phía trước
của tương lai các con. Tôi gọi những giấc mơ trở về, trong hơi ấm tình thân của
gia đình.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét