Sứ bộ của ông thất bại vì
không được diện kiến vua Minh Mạng. Tuy nhiên, những điều mắt thấy tai nghe của
John Crawfurd cộng với những ký thuật của người đồng hương là Gibson- đến Việt
Nam trong sứ đoàn của Miến Điện vào năm 1823 - đã được in lại trong cuốn
“Journal of an embassy from the Governor-General of India to the courts of Siam
and Cochin-China : exhibiting a view of the actual state of those kingdoms”
(Tường thuật về một sứ bộ do Toàn quyền Ấn Độ gửi sang triều đình các nước Siam
và Cochin-China: trình bày một quan điểm về hiện trạng của các vương quốc đó).
Quyển sách được ấn hành lần đầu năm 1828 tại Luân Đôn, trong đó có một số bức
ảnh minh họa được chú thích là “Drawn by a Chinese” (Được vẽ bởi một người
Hoa). Trong đó, hai bức ảnh ở trang 509 với chú thích: “King of Cochin Chinese,
and Deputy Governor of Kamboja” (Vua xứ Cochin Chinese, và Thống đốc đại diện
của Kamboja) là rất đáng chú ý.
Bức ảnh thứ nhất
là một người có tuổi đang đứng, tay trái đưa lên vuốt râu. Ông này mặc quan
phục, đội mũ cánh chuồn, râu dài, thân hình béo tốt. Bức thứ hai là một người
trẻ tuổi, mặc triều phục, đang ngồi trên ghế, phía sau có hai người hầu. Người
thứ nhất cầm trên tay một vật giống như là cái ấn còn người kia thì giấu hai
bàn tay vào trong ống áo. Chúng ta dễ dàng nhận ra người trẻ tuổi chính là vua
Minh Mạng- “King of Cochin Chinese” trong chú thích của Crawfurd. Vậy người còn
lại chính là “Deputy Governor of Kamboja”. Ông ta là ai?
King of Cochin Chinese and Deputy Governor of Kamboja.
(Bức ảnh Hoàng dế Việt
Nam (phải) tức vua Minh Mạng và vị quan Thống đốc (trái)
có thể là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại
“The
Governor of Kamboja” trong ký thuật của Gibson.
Vào năm 1823, một
phái bộ ngoại giao đã được triều đình Miến Điện cử sang Sài Gòn để cùng Tổng
trấn Lê Văn Duyệt xúc tiến một liên minh Việt-Miến nhằm chống lại Xiêm. Trong
phái bộ này có một người Anh gốc Madras là Gibson. Ông đã ghi những điều mắt
thấy tai nghe của mình trong nhật ký. Khi trở về và gặp John Crawfurd ở
Singapore, Gibson đã đưa cuốn nhật ký của mình cho Crawfurd xem và cho phép
Crawfurd tóm tắt nó theo ý của mình. Crawfurd đã đưa phần nhật ký này của
Gibson vào phần phụ lục của quyển sách xuất bản năm 1828. Crawfurd cũng nhận
xét thêm rằng vì sự học của Gibson chẳng đến nơi đến chốn nên nhật ký của ông
ta đầy những lỗi chính tả và ngữ pháp. Vì vậy Crawfurd đã ghi lại nhật ký này
dưới sự giải thích của Gibson và nếu có thể được thì lưu giữ luôn cách trình
bày của Gibson. Trong ký thuật đó, có hai lần tác giả nhắc đến một người giữ
chức “Governor of Kamboja”.
“Governor of
Kamboja” được nhắc đến lần đầu trong phần giới thiệu của ký thuật. Theo đó thì:
“In 1882, a certain Cochin Chinese petty chief, or inferior officer, who had
once professed the Christian religion, but apostatized, represented to Chao
Kun, the Governor of Kamboja, so frequently mentioned in my Journal, that a
mine of wealth might be made by purchasing esculent swallows' nests in Ava and
sending them as a speculation for sale to China”(1) (Vào năm
1822, một thủ lĩnh nhỏ hoặc viên chức cấp thấp gì đó, người đã từng theo đạo
Thiên chúa, nhưng đã bỏ đạo, người đại diện cho Chao Kun, Thống đốc của
Kamboja, đã được đề cập thường xuyên trong báo cáo của tôi, rằng sẽ có thể làm
giàu nếu sang mua tổ yến ở Ava [Miến Điện] rồi gửi sang bán ở Trung Hoa). Cách
trình bày rối rắm này khiến ta có hai cách hiểu. Một là, “the Governor of
Kamboja” chính là “Chao Kun” tức Tả quân Lê Văn Duyệt. Cách hiểu thứ hai là
“the Governor of Kamboja” chính là người đã gợi ý cho Lê Văn Duyệt (Chao Kun)
về vụ mua bán kia. Về người này thì chính Gibson cũng không rõ quyền hạn cụ thể
của ông ta là thủ lĩnh nhỏ hay viên chức cấp thấp. Nếu căn cứ vào ngữ pháp của
câu, một thứ ngữ pháp mà Crawfurd đã hết sức phàn nàn, thì “the Governor of
Kamboja” chính là Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên, những ghi chép tiếp theo lại bác bỏ
cách hiểu này vì ở đó Lê Văn Duyệt được gọi là “the Governor-General” (Toàn
quyền) hoặc thường hơn là “his Excellency the Governor-General” (Đức ngài Toàn
quyền). Nhân vật “the Governor of Kamboja” xuất hiện lần thứ hai và cũng là lần
cuối cùng càng chứng minh ông ta không phải Lê Văn Duyệt mà là một người khác.
Ký thuật viết: “June 21.—The Mission had a visit from the First Minister of
the King of Kamboja, and from the Governor of Kamboja, a Cochin Chinese”(2) (Ngày
21 tháng 6, phái bộ được thăm viếng bởi ngài Bộ trưởng thứ nhất của vua
Kamboja, và bởi ngài Thống đốc Kamboja, một người Việt Nam). Ghi chép này cho
phép ta đi đến hai kết luận:
Một là, “the
Governor of Kamboja” không phải là Tổng trấn Lê Văn Duyệt- “the
Governor-General”.
Hai là, ông ta là
một quan chức mà chức danh có liên quan tới vương quốc Kamboja nhưng lại không
phải một người Kamboja mà là “một người Cochin Chinese (Việt Nam)” như chính
Gibson đã lưu ý. Vào thời điểm đó, trong hệ thống quan chức của triều Nguyễn chỉ
có một người duy nhất có chức vụ liên quan tới Kamboja và cũng
chỉ có duy nhất một chức vụ khiến ta liên tưởng tới cụm từ “the Governor of
Kamboja”. Đó là chức Bảo hộ Chân Lạp do Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đảm
nhiệm!
Lê Văn Duyệt qua sự tưởng tượng của người
đời sau
Điều đáng lưu ý là
trong tất cả những tài liệu hiện biết về Thoại Ngọc Hầu, không có một tài liệu
nào cho thấy bản thân ông hoặc gia đình ông có xu hướng theo Thiên chúa giáo.
Tuy vậy, việc ông đã từng theo Thiên chúa giáo, rồi sau đó đã bỏ đạo cũng không
phải là không thể xảy ra. Chúng ta nên lưu ý rằng nguyên nhân gia đình Thoại
Ngọc Hầu phải “tị địa nam lai” (lánh mình vào Nam) thì vẫn chưa có tài liệu nào
nói rõ. Một điều lạ nữa là vì sao mẫu thân Thoại Ngọc Hầu là bà Nguyễn Thị
Tuyết lại được chôn ở cù lao Dài (Vĩnh Long) còn phụ thân là ông Từ thừa Nguyễn
Văn Lượng-một người rõ ràng theo tín ngưỡng cổ truyền- lại chôn ở Đà Nẵng? Thêm
vào đó, trong thời gian bôn tẩu, Nguyễn Ánh đã dựa dẫm rất nhiều vào Giám mục
Pigneau (Bá Đa Lộc) và nhiều thừa sai khác. Biết đâu việc Thoại Ngọc Hầu xin
vào đạo chẳng phải là một biện pháp nhằm lôi kéo và ràng buộc các giáo sĩ để họ
theo phe chúa Nguyễn, ngộ biến thì phải tùng quyền?
Chúng tôi cho rằng
nhân vật “the Governor of Kamboja” trong ký thuật của Gibson chính là Bảo hộ
Chân Lạp Nguyễn Văn Thoại. Tuy nhiên, vì bức ảnh được chú thích với chữ
“Deputy” (đại diện) nên chúng ta cần phải xem xét thêm trước khi đề cập về chủ
nhân đích thực của tấm ảnh này.
Người
trong tấm ảnh “A Deputy Governor of Kamboja” có thể là ai?
Đầu tiên chúng ta
phải lưu ý rằng hai bức ảnh trong sách của Crawfurd không phải do Crawfurd hoặc
Gibson vẽ mà là tác phẩm của một người Hoa. Chính vì lẽ đó nên dù cả Crawfurd
lẫn Gibson đều không được diện kiến vua Minh Mạng nhưng Crawfurd vẫn có ảnh của
nhà vua trẻ này để đăng vào sách của mình. Mặt khác, chúng ta có thể tin rằng
một số chi tiết lớn trong bộ phẩm phục của viên quan trong hình vẽ là không quá
xa sự thật.
Một điều lạ là
Crawfurd lại không đăng ảnh của Lê Văn Duyệt, người mà ông nhắc rất nhiều trong
cuốn sách của mình. Crawfurd cũng đã tả khá tường tận về Lê Văn Duyệt: “Viên
Tổng trấn già là một hoạn quan nhưng nếu không biết trước thì không thể đoán
ra. Tuy cằm ông ta không có râu và giọng nói yếu ớt như đàn bà, nhưng chưa tới
mức khiến người ta phải nghi ngờ”(3). Chúng ta có thể khẳng định
“Deputy Governor of Kamboja” không phải là Lê Văn Duyệt (mà Crawfurd gọi là
Governor of Saigon) vì người này có râu, không giống với sự mô tả của Crawfurd.
Chức vụ Bảo hộ
Chân Lạp được thiết lập từ năm 1813. Ban đầu có hai viên Bảo hộ, người thứ nhất
là Thoại Ngọc Hầu được gọi là Thống chế lãnh ấn bảo hộ Chân Lạp (quan võ),
người thứ hai là Tham tri Binh bộ Đàn Ngọc Hầu Trần Công Đàn được gọi là Hiệp
đồng bảo hộ (quan văn). Thoại Ngọc Hầu giữ nhiệm vụ này từ năm 1813-1816. Người
kế nhiệm ông lần lượt là Lưu Phước Tường rồi Nguyễn Văn Xuân. Sau đó, Thoại
Ngọc Hầu lại trở lại làm Bảo hộ trong một thời gian ngắn rồi được Trần Văn Tuân
thay. Chức vụ Bảo hộ bị bãi bỏ năm 1819 rồi đến năm 1821 được lập lại dưới sự
thỉnh cầu của vua Nặc Chăn. Từ đó đến năm 1829, người Bảo hộ Chân Lạp chính là
Thoại Ngọc Hầu, không có Hiệp đồng Bảo hộ mà chỉ có Binh bộ Lang trung Trần
Thái Tín theo ông lo việc giấy tờ mà thôi. Phải đến sau khi Thoại Ngọc Hầu mất,
vua Minh Mạng mới lập ty Bảo hộ thuộc lại gồm một số thư lại. Do đó, có thể kết
luận trong khoảng thời gian từ năm 1822 (năm Crawfurd sang nước ta) đến năm
1828 (năm quyển sách xuất bản), chỉ có một người được gọi là Bảo hộ Chân Lạp:
đó là Thoại Ngọc Hầu. Mặc dù vậy, vẫn không thể loại trừ khả năng người trong
ảnh là Binh bộ Lang trung Trần Thái Tín.
Phục trang của
người trong ảnh có thể cho ta một số gợi ý. Không khó gì để nhận ra người này
mặc áo có thêu hình rồng. Vì họa sĩ là một người Hoa nên chắc là ông ta hiểu rõ
không phải ai cũng được quyền thêu hình này lên trang phục. Đó là tội đại
nghịch. Việc ông ta vẽ nhân vật “Deputy Governor of Kamboja” mặc áo thêu hình
rồng hẳn là có nguyên nhân.
Hoàng Việt luật lệ
quyển IX- Lễ luật, điều 12 của phần Nghi chế có quy định: về áo bào:
“- Toàn dùng áo cổ
tròn;
- Nhất phẩm
trở lên, văn võ đều dùng mãng bào màu tía.
- Từ chánh
nhất phẩm đến tùng tam phẩm, văn võ đều dùng mãng bào màu xanh, lục, lam, đen,
các màu tùy lúc mà dùng.
- Chánh tứ
phẩm, tùng tứ phẩm, văn võ đều dùng HOA BÀO màu xanh, lục, lam, đen, các màu
tùy lúc mà dùng”(4).
Hoa bào và Mãng bào triều Nguyễn
Mãng bào chính là
áo có thêu hình rồng bốn móng (rồng của vua có 5 móng) còn hoa bào là áo có
thêu hoa mà thôi (xem ảnh). Chúng ta còn giữ được một mẫu áo đại triều do triều
đình quy định (thời Thiệu Trị) cho quan văn từ nhất phẩm đến tam phẩm, tương tự
như bộ áo mà “Deputy Governor of Kamboja” mặc. Do đó có thể kết luận người
trong hình là một ông quan không dưới tam phẩm. Trong khi đó, theo Quốc sử di
biên, năm 1821, vua Minh Mạng đã định lại phẩm cấp của các quan. Theo đó, Lục
bộ Thanh Lại ty Lang trung (chức của Trần Thái Tín) là chánh ngũ phẩm còn chư
quân Thống chế (chức của Thoại Ngọc Hầu) là chánh nhị phẩm. Do đó, người trong
bức ảnh “Deputy Governor of Kamboja” không thể là Binh bộ Lang trung Trần Thái
Tín mà rất có thể là Khâm sai Thống chế Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.
Đây là một chi
tiết rất thú vị vì lần đầu tiên chúng ta có một bức ảnh về Thoại Ngọc Hầu, mặc
dù nó không giống với sự tưởng tượng của người đời sau về vị công thần có nhiều
đóng góp cho sự khai phá vùng đất Nam Bộ. Đằng sau vẻ mập mạp béo tốt của con
người trong ảnh, chúng ta vẫn có thể nhận ra đôi mắt ưu tư nhìn về một nơi xa
xăm nào đó. Đó là con mắt của một người từng trải, có tầm, có tâm, khác hẳn với
ánh mắt của nhà vua trẻ Minh Mạng ở hình bên cạnh còn vương chút vô tư tuổi
trẻ.
Trên đây là một số
nhận xét của tôi về nhân vật “The Governor of Kamboja” trong ký thuật của
Gibson cũng như nhân vật “Deputy Governor of Kamboja” trong bức ảnh mà John
Crawfurd cung cấp. Mặc dù có nhiều dấu vết chỉ báo đây có thể là Thoại Ngọc Hầu
Nguyễn Văn Thoại nhưng với sự cẩn thận không thừa thãi, tôi vẫn mong các bậc
thức giả lưu tâm nghiên cứu, sưu tầm thêm các tài liệu liên quan đến bức ảnh dù
có thể những tài liệu đó chứng minh một cách rõ ràng là tôi sai. Lịch sử là sự
thực, chứ không phải là sự dối lừa.
CHÚ
THÍCH:
(1), (2) John
Crawfurd. “Journal of an embassy from the Governor-General of India to
the courts of Siam and Cochin-China : exhibiting a view of the actual state of
those kingdoms”, London: Henry Colburn, New Burlington Street, 1828, trang
571, 574.
(3) Nguyễn
Thị Chân Quỳnh. “Lối xưa xe ngựa”, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
& Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2000, trang 219.
(4) Nguyễn Văn
Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu. “Hoàng Việt luật lệ, tập 3”. NXB Văn
hóa-Thông tin, 1994, trang 432.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO:
John
Crawfurd. “Journal of an embassy from the Governor-General of India to
the courts of Siam and Cochin-China : exhibiting a view of the actual state of
those kingdoms”, London: Henry Colburn, New Burlington Street, 1828.
Nguyễn Đôn. “Costumes
de cours des mandarins civils et militaries et costumes des grades” (Phẩm phục
của các quan văn võ và phẩm phục theo cấp bậc), Tạp chí: Bulletin des Amis
du Vieux Hue, 2è année – No 3 – Jullet-Septembre 1916.
Nguyễn Thị Chân
Quỳnh. “Lối xưa xe ngựa”, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh &
Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2000.
Nguyễn Văn Thành,
Vũ Trinh, Trần Hựu. “Hoàng Việt luật lệ, tập 3”. NXB Văn
hóa-Thông tin, 1994.
Phan Thúc
Trực. “Quốc sử di biên”. NXB Văn hóa-Thông tin, 2009.
Quốc sử quán triều
Nguyễn. “Đại Nam thực lục, tập 2”. NXB Giáo dục, 2007.
TRẦN VŨ HOÀNG (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét