Người đưa thư trẻ sống ở một thị trấn nhỏ, khuất trong những ngọn núi. Anh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tài sản của anh chỉ vẻn vẹn có cái xắc xanh, chiếc mũ lưỡi trai màu vàng và cặp môi đỏ mọng luôn mỉm cười. Mỗi ngày hai lần, anh đi khắp thị trấn để phân phát cho mọi người những bức thư và những tấm bưu thiếp từ những miền xa gửi tới. Có những bức thư được gửi từ khắp nơi trên thế giới. Mọi người đều mến anh. Thoáng thấy bóng anh ngoài cửa sổ, họ đã kháo nhau:
- Kìa, anh đưa thư đã đến! Chẳng biết anh có mang cho chúng ta cái gì không?
Anh đưa thư vốn vui tính. Mọi người ai cũng cảm thấy vui khi gặp anh. Trong suốt cuộc đời anh phát thư, chưa hề có ai nhận được bức thư báo nào tin về cái chết, về sự mất mát hay nói chung là về bất kỳ chuyện rủi ro nào. Chính anh cũng biết điều đó và thường lấy làm tự hào.
Ở cuối một đường phố dài của thị trấn có một ông già râu bạc trắng. Ông thường mặc chiếc áo bành tô vạt dài, màu xám. Đôi cẳng chân run rẩy đã đi khắp đó đây của ông xỏ trong đôi ủng cũ kỹ. Cặp mắt đục lờ khiến ông chẳng nhìn được gì nữa. Suốt ngày, ông ngồi bên cửa sổ. Về mùa hè, ông thường ngồi ở mảnh vườn con trước nhà để tưởng nhớ tới đứa con trai đang đi tìm vàng mãi tận bên nước Mỹ. Mọi người hầu như đã quên ông và để mặc ông sống trong cảnh hoàn toàn cô độc. Chỉ có anh đưa thư mỗi tháng một lần mang đến cho ông một bức thư. Anh phải đọc thư cho ông nghe vì dù có đeo đến hai chiếc kính, ông cũng chẳng nhìn thấy gì.
Anh đọc về những vùng đất xa lạ, những dãy núi cao hơn cả mặt trời, những con sông nước màu vàng, những thổ dân da đen tàn ác và xảo quyệt, về cuộc chiến tranh đẫm máu để giành giật thứ quặng vàng và về biết bao cuộc phiêu lưu kỳ lạ mà con trai ông đã tả trong thư. Ở cuối thư, con trai ông đã viết rằng nếu Chúa phù hộ cho được trở nên giàu có, thì sắp tới anh sẽ về nước.
Ông già chăm chú nghe, như sợ bỏ sót một lời nào. Ông rất yêu con trai và đó là người duy nhất có thể đưa lại ý nghĩa cho cái cuộc đời đang tàn lụi của ông.
- Ước gì em nó đừng có làm sao! Ông già nói, giọng run run mỗi khi anh đưa thư đọc xong.
- Anh ấy có thể gặp chuyện gì, hở ông?
- Nếu quen biết em, chắc anh sẽ hiểu là mọi chuyện đều có thể xảy đến với nó. Anh sẽ hiểu rằng trên đời này, không có tai họa nào có thể buông tha nó. Nhất là lại ở nơi cái nước Mỹ ấy! Giá nó còn ở đây! Chẳng thà không có tiền, không có vàng!
Anh đưa thư tìm mọi cách an ủi ông già. Ông thấy vui vẻ vì đã tìm được người tri kỷ để trò chuyện về con trai mình. Và chỉ sau lá thư thứ ba, ông già đã mến anh đưa thư tới mức đề nghị anh dọn đến ở trong căn phòng sạch sẽ của cái ngôi nhà đã trở nên trống vắng từ sau ngày con trai ông rời bỏ nó.
- Tôi chẳng cần lấy tiền thuê nhà của anh. Chỉ cần hàng ngày, anh đọc cho tôi nghe một lượt bức thư cuối cùng. Bây giờ, tôi đã lẫn, nghe xong là lại quên ngay. Cứ mỗi lần tôi lại tưởng như mới nghe lần đầu. Như vậy là, Chúa đã thương đến những người già chúng tôi!
Anh đưa thư vui vẻ nhận lời. Đồng lương của anh ít ỏi, nên ở nhờ đây cũng là dịp may để anh có thể dành dụm được chút đỉnh. Hiện, anh sống ở nhà một bà góa miệng lưỡi cay độc, chỉ còn một chiếc răng. Anh trả nhà cho bà ta rồi cầm cái xắc, chiếc mũ lưỡi trai để đến nhà ông già. Chắc là vì quá bực mà bà ta đã nói oan cho anh thôi thì chẳng còn thiếu điều gì.
Hai người sống rất hòa thuận với nhau. Ban ngày, anh bận đi làm. Tối đến, anh lại đọc cho ông già nghe thư của con trai ông. Cả hai đều được sống dễ chịu hơn trước.
Ngay bên cạnh, trong một căn nhà ọp ẹp, thậm chí, chẳng còn lấy một chiếc cửa sổ tàm tạm, là một gia đình nghèo của một người làm công nhân có tới 7 đứa con. Sáu đứa là con đẻ và cô bé Hêlenca bị bỏ rơi ngoài đường mà hai vợ chồng người làm công thương hại đã nhận về nuôi. Vì nghèo mà họ chẳng cho các con được gì nhiều. Đến lúc cảnh nhà quá khốn quẫn, người mẹ liền xua lũ con ra ngoài phố để ăn xin. Mỗi đứa con đẻ đều mang về nhà được ít tiền. Riêng có Hêlenca thường phải về tay không. Đó là vì cô bé có đôi mắt to, đẹp và thông minh như mắt phượng. Nhìn vào mắt em, mọi người đều ngần ngại, không muốn bố thí. Đó là một em bé kỳ lạ chừng như ở đâu rơi xuống cái thế giới này. Những kẻ độc ác còn ghen ghét em. Họ thường nói:
- Đừng có trông chờ gì ở đứa bé có cặp mắt thư thế!
Hêlenca nhìn thấy người khách mới dọn đến nhà ông cụ láng giềng ở trước tất cả. Ngay cái hôm đầu tiên, lúc đi qua trước mặt em, anh đưa thư đã vuốt tóc em và mỉm cười. Em thấy sợ ông già, tưởng ông là phù thủy nhưng lại mến anh đưa thư ngay từ lúc mới gặp. Tối đến, em ngồi sát bên hàng rào để lắng nghe câu chuyện giữa hai người. Em nghe thấy họ nói về nước Mỹ, về người con trai đi tìm vàng, về những ngọn núi cao tới tận trời. Những chuyện đó rất hấp dẫn em. Em cố ghé tai vào giữa những tấm ván gỗ ở hàng rào và trốn ngồi im ở đó cho tới lúc hai người đứng dậy, lên giường ngủ.
Một hôm, gặp lúc trời nổi cơn giông, ông già cảm thấy buồn và bảo với anh đưa thư:
- Anh bạn ạ, hôm nay, tôi thấy rất bồn chồn. Đêm qua, tôi mơ thấy như con trai tôi đã bị chết ở cái nơi nước Mỹ đó. Tôi mơ thấy nó nằm trong cỗ quan tài màu đen với một vết thương lớn ở tim. Ồ, nhất định là nó đã gặp chuyện gì rồi. Lạy Chúa, nếu đúng như vậy, thì tôi sẽ không chịu đựng nổi!
Anh đưa thư lại lựa lời an ủi ông già. Nhưng lần này, anh đã không đạt được kết quả. Ông già vẫn luôn luôn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng. Họ quay vào nhà và không sao chợp mắt được. Ngoài trời, nổi cơn giông. Suốt đêm, gió đập vào cửa mạnh đến nỗi chỉ nghe đã thấy sợ.
Ngày hôm sau, người ta trao cho anh một phong thư đề tên ông già. Đó là chiếc phong bì lớn màu xám có năm con dấu đỏ và một con tem lớn màu đen. Bức thư thật đáng sợ. Địa chỉ trên phong bì không phải do con trai ông già viết. Anh đưa thư đã thuộc nét chữ của anh. Đây là chữ của một người lạ, nét chữ run run. Bên dưới địa chỉ là mấy chữ to: “Chuyển tận tay.”
“Người nào có thể viết cho ông già từ nước Mỹ, ngoài con trai ông?” Nhìn vào phong thư, anh đưa thư tự hỏi như vậy. Nằm trên lòng bàn tay anh, bức thư câm lặng như một nấm mồ. Năm con dấu đỏ của nó trông tựa như năm chiếc lưỡi rộng đỏ rực trước mắt anh.
Mang phong thư về nhà, nhưng anh không trao cho ông già, mà lại đặt nó trên bàn trong phòng mình và bắt đầu nghĩ ngợi mung lung, “Mình chưa bao giờ cầm trên tay phong thư như vậy, chắc là trong đó đã chứa đựng điều dữ.”
Anh thấy là nên bóc phong thư ra. Đúng là ông già thường mân mê và vuốt nhẹ những bức thư chưa bóc. Nhưng nếu anh bóc phong bì ra đọc qua nó rồi dán lại thì vì mắt kém mà ông già sẽ không thể phát hiện được. Nhưng anh đã không dám làm như vậy. Chính là vì trên phong bì có đề 3 chữ đáng sợ “Chuyển tận tay.”
Những chữ đó có sức mạnh buộc anh phải khuất phục chúng. Anh đến gần cửa sổ để soi phong thư ra ánh sáng. Chiếc phong bì trở nên trong suốt. Bên trong nó nổi rõ những hình thù màu đỏ như thấm máu của những tờ giấy gì đó. Anh áp chặt chiếc phong bì vào cửa kính. Rồi anh cứ nhìn, nhìn mãi... cho tới khi anh ngạc nhiên thấy rằng chỉ đọc được một chữ “chết” khủng khiếp.
Anh đưa thư rất sợ. Anh chợt nhớ tới giấc mơ gở đêm qua của ông già. Chắc là bức thư báo tin về cái chết của con trai ông.
“Mình phải làm gì bây giờ? Nếu đó là thư báo tử, thì ông già sẽ chết vì đau khổ. Tốt hơn hết là đừng trao nó cho ông. Nhưng ngộ nhỡ có người biết được thì sao? Họ sẽ đưa mình ra tòa vì tội không làm tròn bổn phận. Ông giám đốc bưu điện sẽ thải hồi và bỏ tù mình, hay còn tệ hơn nữa.”
Anh thấy rất bối rối. Anh quyết định hãy tạm giữ lại bức thư để chờ đến ngày mai xem có cách gì tốt hơn không.
Một ngày rồi hai ngày trôi qua mà anh vẫn chưa nghĩ ra được cách gì. Trái lại, sự việc ngày càng trở nên phức tạp, khó hiểu hơn. Anh cảm thấy bất lực. Thậm chí, anh phát ốm và đi lại trong thị trấn như đi trong cơn mơ. Mọi người đều biết vậy và đều cảm thấy ngạc nhiên và thương hại anh. Người ái ngại cho anh hơn cả là cô bé Hêlenca đã không bỏ sót, dù chỉ là một chiếc bóng qua trước mặt anh. Nhưng anh vẫn giữ cho ông già chẳng hay biết gì. Hoặc nếu có nhận thấy điều gì khác lạ thì ông lại nghĩ là vì chuyện yêu đương gì đó thôi. Ông biết rằng những người trẻ tuổi mà bập vào cái chuyện đó thì họ cứ như người ốm dở và họ bước đi cứ như là ở trong mộng ấy.
Trong lúc đó, phong thư lớn có năm con dấu đỏ vẫn được giấu kín dưới những tờ báo trên bậu cửa sổ.
Anh đưa thư đã mất bao thì giờ suy nghĩ về nó. Nhưng nó vẫn nằm đó lặng lẽ như giễu cợt. Bên trong nó còn có một cái gì đó khủng khiếp khiến anh sợ hơn cả. Cứ mỗi ngày nó lại nặng hơn. Dường như, nó cứ lún sâu mãi vào hòn đá ở trên tường. Tất cả sự sửng sốt của anh gần như đều tập trung vào nó. Trước kia, anh có thể cầm nó chỉ bằng một tay, nhưng bây giờ, anh phải bê bằng cả hai tay. Anh thấy như mình phải nhấc cả một tảng đá lớn. Thậm chí, anh còn bị loạng choạng. Một tháng sau, anh quyết định trả nó cho ông già để trút khỏi nỗi đau khổ mà anh không sao bê nổi nó nữa. Anh phải gân lên để lay nó, nhưng không chuyển. Căn phòng bị rung rinh nhưng bức thư vẫn nằm bất động như bị đóng chặt vào cửa sổ giữa những tờ báo và chiếc chậu hoa.
Cùng ngày hôm đó, một chiếc ô tô sang trọng đi tới thị trấn. Nó dừng lại ở giữa quảng trường. Nhiều kẻ tò mò xúm quanh chiếc ô tô vì ít khi được thấy nó. Từ trong ô tô, bước ra một người đàn ông có bộ râu đen và nước da rám nắng, cặp mắt sáng ngời. Chân anh ta đi đôi ủng bóng láng, con dao và khẩu súng lục giắt bên người. Tay trái còn nguyên, nhưng tay phải cụt đến khuỷu.
- Cha tôi đâu? - Vừa xuống khỏi ô tô, anh ta đã hỏi ngay.
Chẳng người nào biết cha anh ta là ai và ở đâu.
- Tôi đã viết thư nói rõ là hôm nay, tôi sẽ tới. Cha tôi hãy còn sống chứ?
Anh ta bước nhanh qua quảng trường, rẽ vào một phố bên và dừng lại trước ngôi nhà cuối cùng gần giới hạn của thị trấn, vừa đúng cái nơi ông già và anh đưa thư đang ở. Những kẻ vô công rồi nghề vẫn bám lẵng nhẵng theo anh ta.
Trời đã về trưa. Ông già đang ngồi với anh đưa thư trên mảnh vườn trước nhà để sưởi ánh nắng mùa xuân.
- Cha ơi! Anh ta kêu lên và dang rộng hai cánh tay.
Ông già giật thót mình. Sự việc xảy ra bất ngờ quá đỗi. Cơn xúc động của niềm vui quá mạnh so với cái cơ thể ốm yếu khiến tim ông không chịu nổi.
- Frantisek! Ông chỉ khẽ thì thào như một tiếng gọi từ xa. Rồi ông tuột khỏi chiếc ghế dài và ngã vật xuống đất. Khi người ta đỡ ông dậy, thì ông đã ngừng thở. Nét mặt ông vẫn tươi tỉnh vì hạnh phúc, khiến một lúc sao mà mọi người vẫn chưa tin là ông đã chết thật.
Frantisek bật khóc, nhưng rồi anh ta đã trấn tĩnh ngay được.
- Chắc là người ta không báo cho ông biết là tôi sẽ về nhà. Với hai bàn tay, con dao và khẩu súng lục này tôi đã kiếm đủ tiền. Tôi đã mất đi nhiều công sức và cả cánh tay phải của mình nữa! Tôi đã nhờ người viết thư báo cho cha tôi biết rằng tôi sẽ từ nước Mỹ trở về. Tôi biết nếu tôi trở về đột ngột, thì ông sẽ chết mất. Rõ ràng là ông đã không nhận được cả bức thư lẫn số tiền tôi bỏ trong đó. Tên khốn kiếp nào đã lấy cắp thư, tiền và đã giết chết cha tôi?
Anh đưa thư run lên.
- Tôi đã không đưa cho cha ông bức thư - Anh buồn rầu nói. Nhưng chỉ cốt là để giữ cho ông khỏi bị chết. Địa chỉ ở bức thư do người khác đề nên tôi nghĩ là nó báo tin về cái chết của ông. Suốt cả tháng trời, tôi đã giấu bức thư trong phòng của mình. Lạy chúa, xin ông thứ lỗi vì tôi đã làm việc này không phải do ác ý. Mong ông hãy tin tôi.
Người khách vụt trở nên dữ tợn. Anh ta rút con dao ra, huơ lên trước mặt anh đưa thư.
- Tên giết người! Anh ta gào lên. Mi đã ăn cắp bức thư vì trong thư, có những đồng tiền mà ta đã liều mạng kiếm được trong các hầm mỏ của nước Mỹ! Vì chúng mà tao phải vật lộn với cả người và cả với đất nữa! Vì chúng mà tao buộc phải giết chóc áp dụng mọi mánh khóe thâm độc! Vì chúng mà tao bị mất cánh tay phải!
- Tôi nhìn thấy cái chết trong bức thư - Anh đưa thư nói, mắt tái đi vì đau đớn.
- Mi là kẻ giết người! Mi đã giết cha tao, không báo cho ông biết trước là tao sẽ về! Hãy bắt nó bỏ tù!
Mọi người bắt anh đưa thư và dẫn thẳng đến trại giam. Họ không cho anh nói. Mà giả dụ anh có thanh minh thì chắc cũng chẳng ai tin. Chỉ có cô bé Hêlenca thường đứng sau hàng rào là ái ngại nhìn anh, nhưng cô bé cũng chẳng có thể giúp được gì.
Người ta bỏ tù và kết án tử hình anh đưa thư vì tội giết người, cướp của. Lúc anh kể rằng bức thư cứ mỗi ngày một nặng hơn, thì không những chẳng ai tim mà họ còn cười thẳng vào mặt anh.
Một cái bục bằng gỗ lát được dựng lên giữa quảng trường. Người Mỹ nọ còn tự tay đặt trên đó chiếc giá treo cổ lớn. Người ta cố ý chọn ngày hành quyết trùng ngày phiên chợ là lúc ở thị trấn tập trung đông người để làm hài lòng những người lương thiện và răn đe những kẻ tội phạm.
Mọi người trong thị trấn đều nguyền rủa anh đưa thư. Nguyền rủa cay độc hơn cả là mụ góa một răng. Lúc này, trong mồm mụ đã mọc lên đúng bảy cái lưỡi.
Ngày thi hành án đã tới. Từ khắp các vùng, người xem nô nức kéo về rất đông để chứng kiến cái cảnh tượng hiếm thấy. Họ đứng chật khắp quảng trường. Những kẻ béo ị và hói đầu tò mò nhìn qua cửa sổ. Thậm chí, nhiều người hiếu kỳ còn đứng cả lên mái nhà để nhìn cho rõ hơn. Để khỏi thua kém kẻ khác, những người giàu còn bỏ tiền ra mua những chỗ ngồi ngay cạnh giá treo cổ.
Ở đây, cũng có cả những em bé và những chú thiếu niên. Chúng chơi quanh quẩn dưới chân người lớn như những con thằn lằn. Quảng trường hết sức náo động về tiếng ồn ào, tiếng huýt sáo. Nó đang chờ đợi xem cái chết.
Cô bé Hêlenca đang đứng trên đầu mọi người, trong một khám nhà thờ. Mặt cô bé tái mét, tay run lên, mắt rơm rớm nước. Tiếng kèn, tiếng trống nổi lên inh ỏi. Hai người hiến binh giải anh đưa thư tới cái bục. Viên đao phủ đứng ngay đằng sau anh, vẻ mặt và trang phục của anh trông dữ dội đến nỗi đám đông phải lặng yên như có lệnh. Anh đưa thư khốn khổ, đầu trần bước đi. Anh đưa mắt nhìn quảng trường, nhìn những ngôi nhà và bầu trời như muốn tìm ai đó mà không thấy. người ta dẫn anh tới bên dưới giá treo cổ và bắt đầu đọc bản án. Tiếp đó, quan tòa hỏi xem anh có muốn cầu nguyện không.
Anh đưa thư gật đầu. Anh đưa bàn tay run rẩy vuốt cổ họng như để tìm lại cái giọng đã khô cạn vì đau khổ, lơ đễnh nhìn vào những cặp mắt của hàng nghìn con người rồi nói, vẻ ai oán:
- Các người ơi, tôi đã khai rõ sự thật trước tòa. Giờ đây, tôi lại nói lên sự thật trước cái chết. Tôi không lấy cắp bức thư, không muốn giết chết ông già. Giá treo cổ tôi cũng chẳng sợ. Tôi chỉ sợ sự cô đơn trước cái chết. Có ai trong số các người tin là tôi vô tội hay không? Có ai trong số các người tin vào những điều tôi đang nói đây không?
Nhưng ngự trị trên quảng trường vẫn là một im lặng khủng khiếp. Anh đưa thư khụy xuống, hai tay giơ lên và nhắc lại lời thỉnh cầu với vẻ hoàn toàn tuyệt vọng:
- Tôi xin các người đừng bắt tôi phải chết mà không được một ai che chở! Phải chăng chẳng còn có ai tin tôi?
Đám đông vẫn lặng yên. Người đưa thư khốn khổ áp mặt xuống đất, kêu lên một tiếng, đầy căm giận.
- Tại sao người bỏ rơi ta, hỡi con người?
Bỗng, một tiếng nói vang lên. Tiếng nói đó như được vọng xuống từ trên trời, vang lên như tiếng chuông bạc giữa bầu không khí yên lặng đến khó chịu. Nó bay phấp phới trên đầu đám đông như một lá cờ trắng trên tòa tháp đen xỉn của nhà tù.
- Em tin anh.
Tất cả đều giật mình. Điều đó xảy ra bất ngờ đến nỗi chẳng ai dám ngoái lại nhìn. Anh đưa thư vụt đứng thẳng người, mặt ửng hồng, hướng về phía tiếng nói như cây hướng dương hướng về mặt trời. Cái tiếng nói đó được phát ra từ phía khám nhà thờ, nơi cô bé Hêlenca đang đứng trố mắt nhìn đám đông, nhìn chiếc giá treo cổ và anh đưa thư.
Mọi người từ từ quay lại và nhìn thấy đôi mắt cô bé mở to, sáng long lanh như hai hồ nước xanh. Họ ngạc nhiên thấy là đôi mắt đó còn to hơn cả cái quảng trường cùng với những cái tháp cao của nó. Trong khoảnh khắc, họ thấy như mình bị rơi xuống và chết chìm dưới hai cái hồ đó. Như những kẻ chết đuối, cổ bị buộc đá, họ cứ đứng yên, mắt nhìn chăm chú vào một điểm và bị ngây ngất bởi cái nhìn kỳ lạ.
- Em tin anh! Cô bé Hêlenca vừa nhắc lại vừa tụt xuống khỏi cái khám nhà thờ và bước nhanh về phía cái bục. Đám đông giãn ra trước cô bé giống như nước biển giãn ra trước ông già Môidơ. Chẳng ai nói một lời. Cô bé đi giữa mọi người, bước lên bục, nắm lấy tay anh đưa thư và nói:
- Ta đi thôi!
Và anh đưa thư bỏ đi.
Quan tòa, hiến binh, đao phủ, binh lính, lính cứu hỏa, các em bé đứng lặng như những đồ chơi tiện bằng gỗ. Họ tránh cho cô bé Hêlenca và anh đưa thư đi. Họ bị khuất phục trước cái nhìn của cô bé. Họ có cảm giác như đó không phải là cô bé mồ côi, mà là vị Chúa tể đầy quyền lực của một quốc gia hùng mạnh nhất.
Không ai kịp nhìn xem anh đưa thư và cô bé Hêlenca đã biến đi đâu mất. Sau khi trấn tĩnh lại, mọi người cố hiểu xem cái gì đã xảy ra.
Chúng ta thật là đồ ngốc! Cuối cùng, vị quan tòa đứng cạnh giá treo cổ kêu lên: đáng lẽ, chúng ta phải treo cổ ngay nó lên!
- Hãy đuổi theo tên sát nhân! Viên cẩm quát to.
Mọi người đã tỉnh lại. Quan tòa, hiến binh, đao phủ, lính cứu hỏa, trẻ em và người lớn hò nhau chạy trên các đường phố và ngoại ô của thị trấn, ra sức đuổi theo anh đưa thư và cô bé Hêlenca.
Nhưng họ đã không sao đuổi kịp được. Hai người đã biến mất tăm.
Từ đó, người ta đã kể nhiều câu chuyện có thật và bịa đặt về anh đưa thư. Nhưng họ còn kể nhiều hơn về cô bé mồ côi Hêlenca. Mỗi người giải thích cái sức mạnh bí ẩn của cô bé theo cách riêng của mình, người thì cho rằng cô là quỷ, kẻ khác thì đoán chắc cô là một thiên thần. Nhưng tất cả đều nhất trí ở cái điểm: cô bé có đôi mắt thật kỳ lạ.
JIRI WOLKER (Czech)
ĐỖ THANH (dịch từ tiếng Nga)
___________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét