Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Bảy Thưa, phương tiện di chuyển duy nhất vào mật khu là ghe hoặc xuồng. Vì vùng đất Láng khi xưa có nhiều lau sậy um tùm, nước đọng quanh năm. Xây dựng căn cứ chống Pháp mà thiếu phương tiện di chuyển là không thể thực hiện được. Vì vậy, trong quá trình mở rộng căn cứ có rất nhiều ghe xuồng tới lui để chuyển quân, vận chuyển lương thực và vũ khí cần thiết cho nghĩa quân. Đặc biệt trong các loại ghe ở căn cứ Bảy Thưa có một loại ghe rất đặc biệt đó là ghe “Sáu bổ” của Đức Cố Quản Trần Văn Thành.
Thế nào là ghe “Sáu bổ” ? Đây là loại ghe độc mộc, ghe có đến sáu bổ chèo dành cho sáu người nên ghe di chuyển rất nhanh.
Nguồn gốc chiếc ghe “Sáu bổ” cũng khá ly kỳ. Trước khi cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bùng nổ uy danh của Đức Cố lan truyền khắp nơi làm nhiều người mến phục. Nhưng cũng có những kẻ dèm pha tìm cách hãm hại. Trong đó phải kể đến một người có tên là Sãi Xà Lan. Ông ta quê quán ở Rạch Giá, rất giỏi về bùa phép, nhất là biết “thư” miếng da trâu vào bụng người khác. Nếu người ấy uống phải nước của ông thì bụng sẽ to dần và chết ngay ! Hay tin Đức Cố Quản là người có tài nên vội đến Láng Linh để thử. Khi đến Láng Linh ông khóan bùa, rồi rót nước cho Đức Cố Quản uống, nhưng chờ mãi không thấy gì mà Đức Cố vẫn bình thường. Thấy vậy ông sụp lạy Đức Cố xin tha tội !
Về sau ông hiến tặng cho Đức Cố Quản chiếc ghe “Sáu bổ” dùng để đi lại trong vùng Láng Linh. Ghe Sáu còn gọi là “Ông Sầm”. Tương truyền, ngày xưa muốn đi đâu phải đụng mũi ghe vào vật gì đó thì ghe mới di chuyển được, bằng không chèo mãi nhưng không thấy ghe đi ! Đặc biệt ghe không bao giờ đi qua đồn Tây. Ai mặc đồ Tây, đội nón Tây thì không nên bước xuống ! Sau trận Bảy Thưa, ghe” Sáu bổ” được Bà Cố đem về Bửu Hương tự. Nhưng vào thời điểm đó quân Pháp hay ruồng bố. Bà Cố và ông hai Trần Văn Nhu (con trưởng nam Đức Cố Quản) khi xây dựng chùa Bửu Hương tự thiếu tiền nên bán ghe cho ông Phan Văn Cậy (tức Đạo Cậy) đem về Cốc (nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) trông nôm.
Vào những năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, tình hình vùng đất Láng có nhiều biến động. Nhiều người lợi dụng đạo Hòa Hảo muốn tạo uy tín trong vùng đất Láng, tìm cách lấy cho bằng được ghe “Sáu bổ”. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Chí Thiện (Mười Thiệu) cháu của Ông Hai Nhu biết việc. Họ bắt ông Mười đến cốc Đạo Cậy đem ghe về.Ông Mười kể lại: “Lúc đó tôi biết nếu họ lấy đem về thì thế nào họ cũng làm hư hoặc phá hoại, nhưng trong tay họ có quyền lực nên tôi không dám cãi, dẫu vậy vẫn tìm cách đối phó. Tôi đồng ý đến cốc Đạo Cậy, nhưng để tôi tắm rửa xong đâu đó, rồi lên xin quẻ Đức Cố (một hình thức hỏi người đã khuất). Thấy vậy tôi vào nhà nói nhỏ với vợ tôi :
- Bà phải bơi xuồng riết xuống cậu Tư (Tư Cậy) cho hay. Họ sắp xuống Cốc để lấy ghe Sáu. Vì vậy nhờ cậu Tư di chuyển nhanh ghe Sáu đi nơi khác mau.
Lúc đó tôi dã bộ tắm cho thật lâu, rồi lên đốt nhang, xin quẻ. Tôi nói với họ:
- Xin quẻ chỉ đạt trung bình mấy ông tính sao ?
Ho nói:
- Thôi quẻ nào cũng được, ông cứ đi cùng tụi tôi.
Lúc ấy vợ tôi chẳng may bơi bị lạc đến gần láng Ông Tà, chứ không đến nhà cậu Tư Cậy ! Khi đó họ chở tôi đến Cốc và họ bố trí lực lượng xung quanh. Tôi bước vào nhà gặp cậu Tư Cậy. Cậu Tư hỏi :
- Mầy đi đâu đó Thiệu ?
- Tôi đến gặp cậu có chuyện. Trước hết cậu cho tôi rót rượu mời cậu uống cho phải lễ !
Cậu Tư khóat tay:
- Thằng này bữa nay sao kỳ vậy ?
- Không giấu gì cậu trước đây chiếc ghe Sáu của tộc họ tôi có đổi cho cậu để lấy đất. Nhưng nay cha tôi bệnh nặng, cậu có thể cho tôi mượn về nhà khấn váy, nếu cha tôi lành bệnh tôi sẽ trả lại.
Cậu Tư Cậy chưa kịp trả lời, họ bao vây bên ngoài vội vã nhảy vào xét nhà. Họ cho rằng cốc Đạo Cậy chứa Việt Minh nên lùng sụt khắp nơi. Nhưng thực chất chúng muốn lấy ghe Sáu. Nhưng chúng không thấy ghe đâu cả ? Thực ra chiếcghe “Sáu bổ” vẫn trơ trơ đó mà họ không biết. Cuối cùng, không lấy được ghe Sáu họ nổi nóng bắt ông mười Thiệu thúc ké cho rằng ông theo Việt Minh và chở ông về chùa Láng. Chúng lại truy hỏi Tư Cậy và ra lệnh cho ông trong vòng một tuần lễ nếu không đưa ghe Sáu cho chúng thì ông đừng trách ! Bốn ngày sau lực lượng thanh niên Tiền Phong của cách mạng phát triển ở vùng đất Láng, chúng hốt hoảng rút đi. Sau đó ông Tư Cậy mang ghe “Sáu bổ” về Kiến An (Chợ Mới) để cất giấu. Về sau lập chùa thờ, xem ghe “Sáu bổ” là vật linh thiêng, di vật còn lại của Đức Cố Quản gắn liền sự kiện Bảy Thưa được bảo quản chu đáo cho đến ngay nay.
Năm 2007, tôi có đến Kiến An (huyện Chợ Mới) để quan sát. Ngày nay nơi đây trở thành chùa Ghe Sáu. Đây là di tích còn sót lại của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Một di tích đáng được trân trọng và giữ gìn, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân ta. Do khoảng cách giữa chùa Ghe Sáu (Kiến An, Chợ Mới) và Bửu Hương tự (Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) khá xa, nên nhiều người chưa biết về hiện vật này.
Ngày nay tại cốc Đạo Cậy (Đào Hữu Cảnh, Châu Phú) còn có chiếc ghe “Bốn bổ” chèo của ông Trần Văn Nhu được thờ trong cốc Đạo Cậy (di tích được công nhận). Nơi từng chứa nữ tường Nguyễn Thị Định phó tư lệnh lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
VÕ THÀNH PHƯƠNG (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét