Đọc lại. Tôi cũng không hiểu sao phải bắt
đầu như thế nầy.
Nhiều lần tôi ngồi rất lâu, lòng
chùng xuống, khi nghe tin bạn bè mất đi. Ít khi tôi viết lời bày tỏ nỗi
đau như anh em đã làm. Tôi vụng về trong phản ứng đối xử? Nhưng tôi biết một
điều, chỉ ngần âý, nó là cơn đau gậm nhấm thấm dần, để rồi không viết không nói
gì hết.
Tôi sống ngoài mặt bình tâm hay thật mềm lòng.? Đối với tôi nỗi
buồn sâu kín đến thật muộn màng và ở lại. Chính trong sự gần gũi bình tâm
nầy, nó trở thành người láng giềng khó quên.
Tôi không nhớ lúc nào tôi quen biết
họa sĩ Nguyễn văn Minh ở Virginia. Anh lớn hơn tôi nhiều tuổi, mỗi lần họp mặt
chung vui. Anh vẫn thường nhắc tôi có mặt. Anh thích đọc truyện tôi viết, và
điều đặc biệt. Anh đọc nội dung rất kỹ. Anh nhớ cả chi tiết, câu văn, nhân vật
trong truyện để bàn đến. Điều nầy cho thâý cái thú đọc sách ở anh, thưởng thức
và sẵn lòng phê phán, phản ứng trước một đoạn văn, một câu thơ của tác
giả nào đó. Anh bộc trực thẳng tính, cái tính của người miền Nam.
Đáp lại tôi coi anh như một người anh trong tình cảm chân thật. Anh mất đi mấy
năm qua rồi.
Không hiểu sao tôi vẫn thường nghĩ
đến, nhắc, nhớ, hình ảnh anh. Tháng ngày cuối, nhiều lần hỏi thăm để đến với
anh, nhưng lần nào cũng nhiều lý do về phía người quen biết anh ngăn cản. Để
rồi sau nầy nghĩ tới, tôi thâý ân hận trong lòng. Câu anh nói. Anh viết
dùm cho tôi một truyện tình nào, nó tàn nhẫn vô nhân đạo, khó chấp nhận theo
nghĩa thường tình.. Lúc đó tôi không hiểu anh muốn nói gì. Anh muốn tôi
bày tỏ những ẩn ức gì cho anh qua ngòi bút. Mãi đến khi anh mất đi, tôi mới hư
cấu hình thành truyện Tình yêu tay dài. Nó có bẽ bàng, tàn nhẫn như thế
nào. Chắc chỉ ngần ấy thôi. Trút hết ra, nó vẫn hiền lành như bàn chân
đất lội ruộng của người miền Tây.
Lần theo nỗi chết, tôi lại nhắc đến
tình người đã khuất. Phải chăng một lúc nào đó khi cảm thấy cuộc đời, là
những con số không hoàn trả, chừng ấy mỗi người chúng ta rất dể thuận thời quay
đầu ngó lại. Người quen sau nầy, cái tình trên xứ người, còn chạnh lòng nhớ.
Huống gì ở một thời tuổi nhỏ, chung một mái trường, sống cùng đất địa quê nhà.
Có tình nào chân thật hơn ở buổi đầu mới lớn.?
Đã hơn bốn mươi năm qua, nói lại
chuyện văn nghệ, những người quanh tôi, kẻ còn người mất. Người buông tay bỏ
nghiệp cầm bút. Kẻ còn nặng nợ với cái tình năm xưa. Còn đeo đẳng là còn nghèo
cơm áo. Được chăng là niềm vui sống với chính mình, với anh em bạn hữu. Tôi chỉ
viết lại theo trí nhớ. Chuyện buổi đầu ở tỉnh lẽ, vùng đất Thất Sơn từ những
năm 64, 65 về sau. Mượn câu chuyện bạn tôi, chuyện hàng xóm, những người cầm
bút trước năm 75, trong sinh hoạt văn nghệ cùng thời, như một tâm tình xớt
chia.
Khởi đầu từ nhà thơ Thương hoài
Diệp, tức Phạm yến Anh. Người bạn thơ, có thơ đăng báo nhiều nhất trong thời
điểm nầy. Không mấy người biết, tôi rất thân với anh trên lảnh vực thơ văn,
trong lúc người bạn chí tình bên tôi là Hoài Nga. Cùng trường, sống cùng địa
phương, chúng tôi gặp nhau, khi cả hai có bài đăng báo, dĩ nhiên anh là người
xuất hiện trước tôi trên văn đàn. Lúc bấy giờ rất nhiều nhà thơ ở tỉnh tôi như
các anh Mạc phong Lan, Nghi do Thaí, Mặc lan Hoài, Hoài lan Vân, Song an Châu,
Hàn Thanh, Ngô nguyên Nghiễm, Mai thanh Tuyền . Nhiều thi văn đoàn thành lập,
sinh hoạt, làm báo... Lúc nầy Thương hoài Diệp không lập thi văn đoàn, mà lập
nhóm Cô Đơn, rủ tôi gia nhập. Bài giới thiệu nhóm đăng trên báo Thời
Luận, do anh Ngọc hoài Phương phụ trách trang văn nghệ. Nhóm khoảng năm sáu
người, nhưng chủ lực viết bài đăng báo, chỉ có tôi với anh.
Là một quận, tỉnh sát biên giới.
Người phương xa, vùng ngoài nghe nói dân bảy núi là mường tượng đến nơi chốn quê
mùa lạc hậu, võ biền. Chính bản nhạc Dòng An Giang của nhạc sĩ Anh Việt Thu đã
mang đến cho người nghe hình ảnh một đời sống thơ mộng hiền hòa bên dòng sông,
ruộng lúa. Tiếp theo là những ca khúc như Tám điệp khúc, Đa tạ..., một thời
được ưa chuộng. Người nghe chỉ biết chừng ấy, nhạc và tên tác giả. Cho đến bây
giờ không có một tài liệu rõ ràng nào về một Huỳnh hữu Kim Sang (AVT). Phải
chăng bản chất hiền lành, chất phác của người miền đồng bằng, nó lặng lẽ không
thích nói về mình, là sự thua thiệt khi bước ra cuộc đời, bên lề cuộc sống bon
chen.
Nói đến Thất sơn, không biết lúc
nào, khách thường nghĩ đến bùa chú, thần linh. Ở đây miền đất xa thủ đô, xa ánh
sáng văn minh, náo nhiệt. Nhưng bao quanh khu vực địa phương, quả thực có rất
nhiều huyền thoại để nói về đời sống tâm linh, về chuyện bảy núi, thú rừng cây
cỏ thuốc men.. Châu đốc cũng là điểm hẹn cho các lần tranh giải võ thuật, ở
thập niên 50- 60. Các cuộc đấu võ đài sống chết với sự tham dự của các lò võ
Việt, Miên, Lào, thường tổ chức tại rạp hát Lạc Thanh, khu vực chợ. Lạ một
điều, giới trẻ ở đây sinh hoạt văn nghệ rất mạnh. Ban nhạc chuyên nghiệp với
nhạc sĩ Hoàng Bích, một thời nổi đình đám. Ban nhạc học trò có ban
Solitaire(Phước, Đằng, Thành, Tỏ) , với đàn guitar điện, trống, đầy đủ
dàn âm thanh , khí cụ của một ban nhạc đúng nghiã, phục vụ sinh hoạt địa
phương. Phải nói vào thời điểm nầy, bỏ tiền ra để mua sắm những dụng cụ, thành
lập ban nhạc, không phải là một số tiền nhỏ. Nếu không có Đằng (tiệm vàng Kim
Quang), chịu chi, chắc không có ai đủ khả năng để ban nhạc Solitaire thành hình.
Nhiều tờ đặc san được các thi nhóm in ấn, phát hành với giấy phép, kiểm duyệt
của Ty thông tin. Tờ tập san in đẹp là tờ Thế Kỷ Mới .
Một người bạn trẻ chịu chơi là Lưu nhữ
Thụy. Lần đầu tiên anh gia nhập sinh hoạt văn nghệ, bỏ tiền rủ tôi ra báo. Lưu
nhữ Thụy, vẽ, trình bày đẹp. Đặc biệt anh kẽ chữ theo lối chữ in rất có
nét. Chúng tôi thực hiện tập san văn nghệ Hiện Diện, hướng đi những người
viết và nghĩ tự do. Số đầu mang chủ đề Thực chất Tình yêu và Chiến tranh hiện
tại. Lưu nhữ Thuỵ đứng tên chủ trương. Tôi chỉ lo phụ trách phần bài vở cho tờ
báo. Chủ biên, đề tên chung Hoài ziang Duy, Mặc lan Hoài, Mộng Linh. Cộng tác
gồm có Ngô nguyên Nghiễm, Trương thảo Mộc , Hàn Thanh , Giang Thu, Phương thảo
Huyền, Uyên Linh, Thạch Cương, Mặc nghiệm Tường, Sa Duyên, L t Tho, Hoài
lan Vân, Trần xuân Huyên, Hoài Nga, Thùy Linh, Hoài linh Trang.
Sau đó không lâu Ngô nguyên Nghiễm đứng ra
lập nhóm Khai Phá, ra báo Trình diện tuổi đất, trước đặt địa chỉ ở Châu đốc ,
rồi dời lên Sài gòn. Sau nầy Lưu nhữ Thuỵ về Sài gòn lập nghiệp,
gần gũi với NN Nghiễm, sống nghề vẽ cho các báo. Ngoài một số anh em khác tỉnh,
khác miền nhập cuộc với Khai Phá như Lâm Chương, Phạm nhã Dự, Hà
Thúc Sinh, Nguyễn lê La Sơn... Châu đốc còn có thêm các nhà thơ mới như
Trịnh bưũ Hoài, Nguyễn thành Xuân .
Không khác gì hoạt động văn nghệ với nhiều
người viết ở miền Trung, miền Tây lúc bấy giờ cũng đông đảo người cầm bút xuất
hiện trên các mặt báo chí, ở mỗi quận, tỉnh, địa phương đầy dẫy những anh em
bạn trẻ mới lớn, tham dự, xuất hiện trên văn đàn, như Yên uyên Sa, Mây viễn Xứ,
Phù sa Lộc, Hạc thành Hoa, Thy lan Thảo, Triều uyên Phượng... Vào thời điểm
nầy, cây bút nữ viết tùy bút, tạp ghi đều đặn trên các nhật báo là Hoài Dân (
cô bạn ở Nguyễn huỳnh Đức , Phú Nhuận). Về phía thơ nói về lính có MH Hoài linh
Phương. Thời đó anh em học trò làm văn nghệ thường quen nhau qua thư từ trao
đổi (thời đó chưa có cell phone) , năm đó chúng tôi có thêm bạn phương xa Từ kế
Tường, Trần hồng Nhan, Triệu cung Tinh.
Tuổi trẻ sung mãn, buổi đầu ở người cầm
bút, là những sáng tạo kỳ thú bất ngờ, coi như tài không đợi tuổi. Dòng
xuôi chảy đó thẳng tiến về sau, định vị cho danh phận mỗi người, đường dài ở
cuối cuộc chơi như một mệnh nghiệp trong cuộc sống.
Tình hình sinh hoạt chung là vậy. Có điều
đặc tính của địa phương, của người miền Tây là bề ngoài rộn ràng xôm đám, nhưng
thật ra, hề hà, tụ lại chơi chung, buông ra là đường ai nấy bước. Không có gì
ràng buộc. Hay nói một cách khác là không thích có chân trong hội hè, đoàn thể,
phe phái. Điều nầy cũng là sự thua lỗ trong tính đoàn kết, thống
nhất trong vấn đề. Để rồi mỗi người tự liệu theo sinh hoạt đơn độc ở mình.
Trong văn nghệ mỗi miền có cung cách
riêng. Văn nghệ sĩ người miền Bắc di cư có vẽ kết đoàn hơn.. Văn nghệ miền
Trung thì đông đảo anh em bạn trẻ, hoạt động mạnh. Người miền Nam không
có thói quen giao tế nầy ( kiểu khen chéo tay ba, rồi ai cũng được đánh
bóng) . Viết bài khen lẫn nhau, ngại mang tiếng nịnh bợ. Ngược lại nghe người
khác ca tụng mình quá, thấy cũng nhột. Đặc tính chung nầy, nó ăn sâu bao đời
kiếp. Người miền Nam, hay dân miền Tây, có thể vì đời sống thoải mái, thích ăn
nhậu, thật thà, nói thẳng, sống một mình, dễ bỏ qua. Dù rằng ở đâu cũng có
người tốt kẻ xấu, đôi khi ngoại lệ, thủ đoạn vượt bậc không chừng.
Phải nói tinh thần văn nghệ ở tuổi trẻ
chúng tôi tự phát. Giản dị một điều. Ưa thích là làm. Biết yêu cái đẹp, sống
với tâm hồn lãng mạn là gần với thơ văn. Ở đây hoàn toàn không có tính cách
chính trị, đảng phái. Vào thời điểm đầu ở lãnh vực nầy không ai biết, nghĩ gì
về chính trị. Văn thơ chỉ để bày tỏ những điều mình muốn nói. Như một niềm kỳ
vọng, một tiếng hát cất cao giửa trời cao biển rộng. Một lời tỏ tình, hay
nỗi đau tình lở, một hiện thực xã hội, đề tài chiến tranh. Tất cả là một tâm
tình rất thực ở tuổi đời mới lớn.
Cuộc chơi văn nghệ nổi đình đám, cùng lúc
với cường độ chiến tranh đi lên. Sau lúc rời mái trường trung học, điểm chuẩn
là sau kỳ thi tú tài 2. Tất cả tan tác theo dòng đời. Tuổi vào đại học hay lên
đường tham dự vào cuộc chiến. Không phải bằng văn thơ lãng mạn, mà bằng máu
xương, mất mát hy sinh. Anh em chúng tôi cũng xa nhau từ đó. Mỗi người còn nặng
nợ với văn nghệ hay không, cũng từ ở giai đoạn nầy, giai đoạn thực sự bước chân
vào thực tế, đời sống, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, lập thân. Có còn không
tâm tình ngày cũ. Có còn không đời sống văn thơ trong máu huyết. Có còn không
mang cái nghiệp văn nghệ vào thân. Và như vậy chúng ta gặp nhau, là gặp
lại cái bút hiệu ngày nào, xuất hiện ở tuần báo, tạp chí văn nghệ... Ở nơi nào
đó, trên mọi miền đất nước, khung cảnh thời gian nào đó. Quãng đời có xa,
nhưng gần lại vô cùng với chữ nghĩa trước mặt, để rồi thâý đó, nhận ra cái tình
bạn hữu năm xưa, bắt nhớ lại một thời qua.
Kể từ ngày vào quân ngũ, rồi ở tù về. Mười
mấy năm anh em mỗi người mỗi ngã.Bây giờ về sống nơi quê nhà, gặp lại Thương
hoài Diệp. Bạn bè bây giờ không còn ai, tất cã đã rời xa. Người bạn chí
thân cuả tôi cũng ra đi tìm đường tự do. Nhìn quanh quất người ở lại, là những
người bạn một thời tù, chung trại, cùng một mệnh số. Bạn văn nghệ không
còn mấy tay, thuận theo ý trời, chúng tôi lại chơi thân hơn trước, bởi cùng một
hoàn cảnh giống nhau, đứng về một phía. Thương hoài Diệp lấy lại tên thật
Phạm yến Anh.
Nói chuyện văn thơ, ở người có cùng
một tâm hồn, cách nhìn. Những sáng tác, viết chỉ để đưa nhau đọc. Hoàn cảnh
chúng tôi, ở tù ra xã chế hay chưa xã chế, vẫn bị rình rập theo dõi, báo cáo,
trình diện, đi đứng phải xin phép. Mỗi ngày lên khu vực chợ. Yến Anh chịu
khó ngồi chờ ở quán ca øphê cách nhà mấy căn, chờ tôi xong khách bệnh, để gặp
nhau. Hay có lúc tôi xuống nhà anh, một phòng học ở trong trường ( cho giáo
viên trú ngụ, nơi người vợ đi dạy). Chúng tôi thường ngồi trước hàng
hiên, chuyện vãn. Nhìn ra sân trường quạnh quẽ. Tôi nhớ cảm giác một thời đi
học, mùa hè trường cũng lạnh vắng như thế nầy. Còn bây giờ ngồi lại, tất cả một
thời qua đi, mất hết, buồn một thân phận chung.
Trịnh bữu Hoài, lúc bấy giờ làm chủ
tịch hội văn nghệ thị xã (sau nghe nói lên chủ tịch hội văn nghệ tỉnh). rủ
chúng tôi viết trở lại. Đề nghị in một tập thơ tình gồm các cây bút cũ phe ta,
xen vào mấy cây bút mới. Hỏi gồm có ai. Hoài kể một lô tên quen
biết. Nghe cũng có lý vui chơi. Mấy tháng sau, thực hiện in. Hoài cho hay
bài bị kiễm duyệt, loại bỏ, cắt xén hết. Một lần đó rồi thôi. Chúng tôi biết
không thể có địa bàn viết lại như trước, dù Trịnh bưũ Hoài tử tế với anh em cầm
bút cũ, nhưng bây giờ là việc mới.
Bạn bè lần hồi lo liệu ra đi theo chính
sách của người Mỹ can thiệp. Phạm yến Anh cũng nôn nóng chờ đợi. Tôi còn
nhớ chút chi tiết nhỏ nầy. Chuyện ở năm 90, buổi trưa gần 12 giờ, Yến Anh
đến tìm tôi. Anh cho hay mới bị mời làm việc ( danh từ bị thẩm vấn ). Điạ điểm
trong phòng khách sạn Mỹ Lộc. Hai người thẩm vấn anh từ Sàigòn xuống.
Nhìn gương mặt còn âu lo, tôi nghĩ bạn mình nói thật. Nhất là nội vụ vừa
mới xong khoảng năm phút. Trên đường về phải ngang qua nhà tôi, cách đó một dãy
phố. Theo Yến Anh nói lại nội dung. Họ nói ba điều bốn chuyện hỏi
thăm đời sống, rồi vào vấn đề thẳng. Anh có muốn đi Mỹ theo diện HO
không? Tôi đâu ở tù đủ 3 năm để được đi. Anh đừng lo, chúng tôi làm lại
giấy ra trại, hợp thức theo tiêu chuẩn để anh ra đi sớm. Nhưng, với điều kiện,
sang đó anh phải hoạt động cho chúng tôi. Anh về suy nghĩ lại, chúng tôi không
bắt buộc, nếu đồng ý, thì cho biết. Yến Anh hỏi tôi thâý thế nào? Tôi
không biết tình hình, sinh hoạt gì bên Mỹ. Theo công tâm mà nói. Nhận lời
để được đi, làm hay không làm, cái nào cũng khó sống.
Và như vậy Yến Anh ở lại. Như bao
người khác, sống cầm hơi theo năm tháng, mong mõi có phép mầu sáng sủa,
khắm khá cho đời mình.
Ra hải ngoại, tôi cầm bút viết lại, chung
cùng với anh em bạn hữu ngày trước 75, bạn văn nghệ có, bạn nhà binh, bạn tù
hay những người mới quen sau nầy. Tôi viết, như thể cần viết, nơi chốn
dung thân, tôi tìm lại chính mình. Rất nhiều, qua ngòi bút mọi điều mọi
chuyện để khỏa lấp đời sống, những đau thương chịu đựng, và gần nhất là sự cô
độc nơi xứ người. Một người mà tôi không ngờ, rất ư là Châu đốc . Nhà văn
, họa sĩ Phạm Thăng, ở Canada. Anh viết rất nhiều, rất rành về Châu đốc,
từ câu chuyện địa danh, đến tên tuổi thầy cô, kỹ niệm sống ở đó. Biết ra, với
anh dù không là nơi sinh trưởng, nhưng cả một quãng đời niên thiếu anh đã lớn
lên, học hành ở đây, khác gì một quê hương thứ hai như anh đã nói. Một người
rất dễ mến nữa là là nhà văn Vũ Thất, anh chỉ thỉnh thoảng viết, thích
đọc người khác viết hơn.. Hầu hết những người văn nghệ quê nhà cùng thời, mỗi
người một điều kiện khác nhau sống nơi xứ người. Ở đời sống mới khó khăn ngôn
ngữ, đa số hầu như vì sinh kế không còn viết, hay không còn viết nổi nữa. Một
thời tuổi trẻ lãng mạn qua rồi. Thấy có Song An Châu còn yêu văn thơ, còn xông
xáo, nhưng tuổi cũng đến lúc về hưu. Mặc lan Hoài còn có khả năng sáng tạo (đọc
qua mấy bài thơ của anh) nhưng không thâý anh xuất hiện đâu cả, ngoại trừ tôi
gọi lâý bài cho báo tôi .
Quê nhà còn lại mấy người, sáng tác đều
đặn như Ngô nguyên Nghiễm, Nghy do Thái, Lưu nhữ Thụy.
Cuộc đời tròn xoay, có xa, có gần.
Lần về quê nhà, Yến Anh đưa tôi mấy bài thơ sáng tác sau nầy. Tôi đọc, không ý
kiến nhiều. Tôi biết từ nay anh không còn là một Thương hoài Diệp lãng mạn ngày
nào. Thơ anh bây giờ trần trụi, với thực tế khổ đau, nói thẳng nói thực. Như
bốn câu trong Giữa cảnh đời sắc
không.
Giữa những màu mè, những giọng cười sảng
khoái
Sau những tâng bốc khoe khoang còn lại
Một mình tôi, một khoảng trống chán chường
Hay mấy câu trong bài
Thư cám ơn người
Thương
cái thời gian nan, aó lính
Mỗi lần tan hàng, mỗi lần cố gắng
Mà bây giờ lực bất tòng tâm
Mà bây giờ đã ba mươi năm
Thời gian biến ta thành ông già quẫn trí
Đời sống văn nghệ, đầu óc của người
làm văn nghệ năm xưa bây giờ cùn khổ, cạn kiệt như thế đó. Nếu tôi không bước
ra thế giới bên ngoài, chắc tôi cũng cùng chung số phận. Một người cầm bút
không có đất địa văn học, khác gì người ca sĩ không có sân khấu. Một người
thích đọc sách, không trao đổi được gì trong sáng tạo, tư tưởng mới, kỹ thuật
viết. Không hội nhập đồng điệu với một nền văn học, thì làm sao đời sống không
buồn nản, khi chính mình đọc mình, rồi không đi tới đâu. Nói cho cùng,
muốn cũng không làm sao có, không có sách báo, tư tưởng nào, ngoài sự rập khuôn
qui định
Không có chọn lựa nào khác ngoài không
đọc..
Cho đến tháng 8 năm 2006, nhận tin bạn mất
đi.(Anh mất đi ở tuổi 65). Nghe tin, lòng tôi cảm thấy đau xót vô cùng.
Đến tháng 3 năm 2009 đến lượt Mạc phong Lan cũng ra đi trên xứ người.
Nhiều đêm trên đường đi làm trở
về. Tôi đã nhớ rất nhiều về kỹ niệm, tình thân ngày cũ. Cứ tưởng
trở lại quê nhà, từ nay không còn người bạn bên bàn càphê, nói chuyện năm xưa,
chuyện đất trời thời cuộc. Tôi cãm thấy nuối tiếc xót xa. Đến với
nhau từ buổi đầu, duyên tình văn nghệ, gắn bó tình thân từ đó, cho đến lúc bạc
đầu.. Xa nhau, rồi gặp lại. Rồi xa nhau. Nhưng lần nầy, thực là lần cuối
trong đời. Tập thơ, bạn bè giúp Phạm yến Anh in ấn ở quê nhà. Anh có gởi
tôi. Không đẹp về kỹ thuật, chắc in lậu, nhưng chan chứa tình anh em,
sống thật lòng.
Nhớ Yến Anh là nhớ bài Aó Kỹ niệm. Đó là
bài thơ lần cuối, mấy năm trước phụ trách làm tờ báo, anh nhờ đưá con chuyển
qua mấy bài không bỏ dấu, tôi phải đánh lại.
Áo
kỹ niệm
Chợ trời thấy aó em treo
Bốn mươi năm mới biết nghèo là đây
Aó ngày xưa sao ở đây
Em đem bán rẻ qua ngày hẩm hiu
Chưa bình minh đã xế chiều
Chưa sung sướng đã phải nhiều đắng cay
Nhọc nhằn thân ngựa dặm dài
Nỗi vui cố tạo mỗi ngày một vơi
Niềm tin ngày tháng rã rời
Cho tôi sống lại quãng đời hôm qua
Mùa Xuân là của người ta
Mùa đông tôi đó, nắng tà phai phôi
Ơi em, lòng bổng nghẹn lời
Thèm làm sao một nụ cười cảm thông
Một mình đi giữa phố đông
Áo vu qui thấy bán trong chợ trời
Tôi chọn bài thơ nầy. Bài thơ buồn
như đời sống, bẽ bàng trong tình yêu nghèo khó, không dấu diếm một hoàn
cảnh thực cũa người ở lại, và hơn hết là chất thơ của Thương hoài Diệp ngày
cũ. Như tôi đã nói, tôi chậm. Buồn mà không nói, không viết lời ai oán
mấy năm trước, không nói gì hết. Là nỗi lặng. Nhưng bây giờ trong nỗi nhớ muộn
màng nầy, quá khứ tưỡng chừng qua nhanh, thật ra lại sống gần
kề.
Nói về một Thương hoài Diệp năm xưa,
hay Phạm yến Anh mất đi, phải chăng là cái cớ để sống hoài niệm về ngày cũ, một
thời tâm hồn còn đơn giản, trong lành, chưa tất bật với đời sống, nặng nợ aó
cơm. Ở đó thuở đầu đời yêu em, biết lãng mạn, biết làm thơ. Những bài thơ tình
dẫn sâu vào đời sống, nghiệp dĩ sau nầy.
Hơn bốn mươi năm sau nhìn lại một
quãng đời qua, những mái đầu đã bạc. Chiến chinh, sương gió, tù đày, lỡ làng,
mất mát. Cái giá chúng ta phải trả, là hiện thực đời sống bây giờ. Tâm tình
chúng ta còn giữ lại phải chăng là những bài thơ muộn phiền. Một câu, một lời
thôi để nhớ, là hạnh phúc cho người cầm bút .
Một vầng trăng lơ lững. Một rừng cây
trút lá. Rồi thôi, cuối cùng tựa như một dòng sông xuôi chảy.
HOÀI ZIANG DUY (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét