Ngày 16/3, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang và Huyện ủy Châu Phú tổ chức Hội thảo khoa học "Nhân vật lịch sử Trần Văn Thành". 34 tham luận của các nhà khoa học nghiên cứu, quản lý trong và ngoài tỉnh An Giang tập trung làm rõ 4 nội dung chính:
Thân thế của Quản cơ Trần Văn Thành trong lịch sử; Những đóng góp của Quản cơ Trần Văn Thành trong việc khẩn hoang mở đất trên vùng đất An Giang xưa; Cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa ở An Giang (1867- 1783) chống thực dân Pháp xâm lược do Quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo; Tấm lòng của nhân dân đối với Quản cơ Trần Văn Thành. Vị anh hùng Quản cơ Trần Văn Thành sinh vào khoảng năm 1818, quê ở ấp Bình Phú, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, là đệ tử của Đoàn Minh Huyên, giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông cùng tín đồ khẩn hoang vùng Láng Linh - Bảy Thưa (thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú). Dưới triều Minh Mạng, năm 1840, gia nhập quân đội, nhờ giỏi võ nghệ và năng lực chỉ huy, ông được bổ nhiệm làm suất đội chỉ huy 50 binh lính. Lập được nhiều chiến công, năm 1845, ông được thăng chức Chánh Quản cơ, được giao chỉ huy 500 quân. Năm 1846, ông về quê nghỉ dưỡng. Không cam chịu trước cảnh bị thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, Hà Tiên và An Giang, năm 1867, Trần Văn Thành đã bí mật đi khắp Nam Kỳ tuyển mộ nghĩa binh phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực kháng Pháp tại vùng Long Xuyên, Rạch Giá. Năm 1868, thực dân Pháp truy nã gắt gao Trần Văn Thành và xử tử Nguyễn Trung Trực. Trần Văn Thành chạy về lánh nạn, lập căn cứ tại Láng Linh - Bảy Thưa (huyện Châu Phú), lấy hiệu là nghĩa binh Gia Nghị, rèn đúc vũ khí tiếp tục phất cờ khởi nghĩa chống Pháp, thu hút ngày càng đông nghĩa binh tham gia. Thực dân Pháp đã nhiều lần đưa quân đánh vào căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa nhưng đều thất bại. Đầu năm 1873, Pháp sai người mang thư đến chiêu dụ Trần Văn Thành nhưng không mua chuộc được ông. Tháng 2/1873, Pháp huy động lực lượng binh lính từ Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc đồng loạt tấn công vào căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa. Do sự chênh lệch về quân số và vũ khí giữa Pháp và nghĩa binh Gia Nghị, cuối cùng quân Pháp đã chiếm được căn cứ Bảy Thưa vào sáng 21/2 (âm lịch) năm 1873. Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa thất bại hoàn toàn, nhiều nghĩa quân đã hy sinh, bị bắt. Quản cơ Trần Văn Thành mất tích. Để nhớ về các vị anh hùng nghĩa binh Gia Nghị, nhân dân đã lập đền thờ. Năm 1986, Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia và tổ chức lễ giỗ hàng năm vào ngày 21 và 22/2 (âm lịch). Huyện Châu Phú quyết định lấy ngày giỗ của ông làm ngày tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương hàng năm thu hút hàng chục ngàn người dân đến viếng tưởng nhớ đến Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị.
BÔNG TRÀM (tổng hợp)
_____________________
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét