Đã chớm mùa thu, trời mát, chúng tôi bắt đò máy đi chuyến gần về sáng. Không muốn rúc dưới gầm khoang bức bối khói dầu và lắm muỗi, hai thằng mang theo một bi đông rượu xếp bằng trên mui thuyền đối ẩm, vừa nghe hây hẩy gió sông Cần Thơ len lỏi vào ngực, vừa ngó trăng hạ huyền trôi trên tiếng máy tàu xình xịch. Hứng lên, dù chưa biết quái gì về những nơi sắp đến, tôi cũng ngâm vống lên mấy câu của Kiên Giang Hà Huy Hà trong bài thơ "Tình trắng":
Tàu chạy Phong Điền nhớ Cái Răng
Khối vườn xanh biếc rợn sông trăng
Câu hò Vàm Xáng thương Ba Láng
Rạch Giá phải lòng gái Sóc Trăng.
Hửng sáng, đến chợ nổi Phong Điền, chúng tôi đổi đò khách. Tấm bảng giá vé đò khiến tôi hoa cả mắt: 3000 - 1.200đ, 4000 -1.500đ; 7000 - 2.500đ. "Gì kỳ vậy trời?". Gã bạn đồng hành tủm tỉm: "Địa danh đó ông ơi, tại xứ này người ta ưa viết tắt!". Thì ra, đó là những Ba Ngàn, Bốn Ngàn, Năm Ngàn…, tên những con kinh xẻ ngang về miệt Hậu Giang. Bảy Ngàn, kinh cuối cùng cũng là tên thị trấn của huyện Châu Thành. Nó cũng tựa như ở 2 huyện An Biên, An Minh, Kiên Giang quê nội của Hoài. Cứ cách 1.000m, người ta xẻ một con kinh. Con kinh ở 1.000m đầu tiên gọi là Thứ Nhứt.
Đến kinh Thứ Mười Một, cách 11 km thì hết, đó cũng là nơi đặt thị trấn của huyện An Minh - chết danh quen gọi là Miệt Thứ. Xứ "quá trời Ngàn" của đất Cần Thơ xưa, nay là miệt Hậu Giang không theo quy luật đó, thị trấn Bảy Ngàn cách điểm khởi đầu những hơn 19km. Kinh Bốn Ngàn gần hơn một chút, cách chừng 15 - 16km. Từ Phong Điền, chúng tôi còn phải theo đò máy xuôi theo sông Cần Đước, rạch Ông Hào rồi mới đổ về kinh Bốn Ngàn.
Nhà dượng Ba nằm ngay bên bờ kinh. Cả nhà đón hai thằng cháu sinh viên vừa tốt nghiệp rất niềm nở. Không hỏi tên, chỉ hỏi thứ. Tôi thứ ba nên cả nhà gọi tôi là thằng Ba, anh Ba. Biết tôi chưa có việc làm, trong khi lại chẳng cần biết tốt nghiệp Văn khoa là đã học hành những thứ gì, dượng Ba kêu lên tiếc rẻ: "Chèng đéc ơi, hai đứa bây không chịu xuống sớm. Mới tuần rồi, hợp tác xã còn tìm hổng ra người coi kho phân lạnh!".
Ngoài dượng Ba, trong nhà còn có thêm dì Ba - em ruột của má Hoài, vợ chồng anh Tư - chắc chỉ hơn tôi vài tuổi - và cô Út, tuổi chừng 17. Những anh chị lớn khác đã lấy chồng, lấy vợ ra riêng hết. Hoài là cháu bên ngoại, ghé về chơi nhiều lần nên đã quen, chỉ mỗi mình tôi là khách nên cả nhà dồn hết sự quan tâm. Chặt dừa pha nước, cô Út cứ xuýt xoa: "Anh Ba đi đường xa chắc cực dữ heng!".
Thấy tôi khoát nước sông rửa mặt, Út la bai bải: "Hổng được anh Ba ơi, đau mắt rồi bịnh bây giờ!". Rất tự nhiên, Út nắm tay tôi, lôi bằng được từ cầu ván bờ kinh vào thạp nước mưa đặt bên hè, tự tay xối từng gáo dừa cho tôi rửa mặt. Nhoáng cái, Út lại te tái chạy vô nhà lấy khăn, bảo "anh Ba lau khô đi không đau đó".
Mâm cơm trưa được dọn lên trên bộ ván chỉ có 4 bộ chén đũa. Thì ra mâm bát chỉ dọn cho dượng Ba, anh Tư, Hoài và tôi. Dượng Ba bảo: "Dì Ba mày với con Út giờ này chưa ăn đâu". Nói vậy, nhưng suốt bữa ăn, Út cũng chỉ quanh quẩn, khi ngồi phe phẩy quạt cho ba và các anh, lúc le te chạy xuống bếp sắp thêm mớ cọng bông súng hoặc châm thêm tô canh chua nấu lươn còn để sẵn trên bếp, lúc nào cũng nghi ngút khói.
Mỗi buổi một thức, khi thì bông súng, đọt cóc, đọt xoài chấm nước cá trê kho trã đất, lúc lươn, ốc um chuối, hôm khác lại canh cá rô nấu bầu, nêm thêm lá quế xắt nhỏ... Lạ miệng và rất ngon, quá ngon là đằng khác, nếu so với những bữa cơm sinh viên đơn điệu, tôi với Hoài cứ thế chén tì tì. Vậy mà dì Ba vẫn áy náy kêu: "Út, mai đi mua cặp vịt về kho nước dừa cho mấy anh bây ăn. Tội nghiệp, về đồng chỉ toàn cá, tụi nó ăn hổng có quen".
Sau bữa cơm chiều, Út đốt vỏ dừa khô hun khói xua muỗi cho tôi và Hoài ngồi uống trà, nói chuyện với dượng Ba, sau đó rũ chiếu, giăng mùng sẵn cho tôi và Hoài ngủ. Anh Tư không ngủ ở nhà mà vô ngủ coi vườn, tranh thủ giăng câu, đặt trúm đêm kiếm thêm con lươn con cá.
Trước khi đi ngủ, tôi tháo quần áo dài vắt lên dây mùng. Bữa cơm chiều, dượng Ba cho hai thằng cháu "mần đỡ" mấy ly rượu ngâm trái nhàu, chuối hột "cho đỡ đau lưng". Sau tuần trà hơi men vẫn còn bốc, vừa đặt lưng là hai thằng tôi đã ngáy pho pho chẳng biết gì trời trăng mây nước. Sáng bạch mới tỉnh dậy, tôi hết hồn chẳng thấy quần áo của cả hai thằng vắt trên dây biến đi đâu. Thì ra, cô Út gom giặt từ khi hôm, phơi thẳng thớm mé nhà, được gió nên sờ tay vào đã thấy khô se.
Út chống xuồng về, giữa lòng xuồng còn lại một mớ cam, dưa leo, cà chua, khổ qua, bông súng…, có thêm cặp vịt đập cánh phành phạch. Chắc Út dậy từ sớm lắm, đã kịp hái rau quả mang đi chợ. Không để ý đến sự trễ nãi của chúng tôi, Út chỉ lo "hồi đêm nóng quá trời, hổng biết anh Ba và anh Sáu ngủ có được không”. Rồi giục: "Út mua 2 bịch cà phê rồi, anh Ba, anh Sáu rửa mặt rồi vô uống. Ba hổng uống cà phê, dậy uống trà từ hồi 4 giờ sáng lận!".
Sau hai ngày, Hoài phải lên trường làm thủ tục. Tôi chưa có việc, cả nhà dứt khoát bắt ở lại chơi. Buổi sáng, tôi dậy sớm, theo Út chống xuồng vô vườn canh thay cho anh Tư. Vườn cam bạt ngàn, trái lúc lỉu. Giữa những luống cam là những con mương được đào để lấy nước tưới, đất hất lên bồi cao vườn, Út gọi là giồng. Lóng ngóng nhảy từ giồng này sang giồng khác để theo cho kịp bước chân Út thoăn thoắt, tôi rớt đánh bủm xuống mương. Út cười nắc nẻ, vội quay lại chìa tay kéo tôi lên.
Để đỡ ngượng, tôi hỏi Út: "Vườn cam nhà mình rộng dữ hông Út?". Em lại cười, lần này chỉ tủm tỉm: "Anh Ba ngộ hen, trái xảnh mà cứ kêu là cam. Vườn nhà em trồng toàn xảnh chứ có cam đâu". Chữ "ngộ hen" nghe ngọt quá chừng nhưng vẫn khiến tôi tròn mắt. Út giải thích, mắt tôi càng tròn thêm nữa: "Trái cam thì bầu bầu, tròn vo. Trái xảnh thì móp hai đầu, như cái bánh xe. Anh Ba hổng rành thiệt hả?". Hỏi xong, em lại che miệng cười, nụ cười thương chi lạ! Say sưa ngó hoa đuổi bướm, cố phân biệt những cam với sảnh và trốn tìm cùng nụ cười của Út, tôi quên mất thời gian. Cũng không hay một điều: đó sẽ là những ngày tháng vô tư lự, rảnh rỗi, vô ưu cuối cùng của cuộc đời mình.
Những ngày sau đó, tôi cứ lẽo đẽo theo Út. Út đi đâu, tôi theo đó. Mà không theo em, giữa mênh mang sông nước này tôi biết theo ai? Đêm xuống, lấy hết can đảm, tôi xin phép dượng Ba, dì Ba cho mình được mời Út đi uống cà phê. Dượng Ba đồng ý ngay: "Ờ, con Út đưa anh Ba mày đi chơi cho biết, ở nhà buồn quá trời!". Đốt một bó đuốc lá dừa to, Út dắt tôi ruổi dọc bờ kinh hẹp mấp mô, vượt một cây cầu ngang bắc sang bờ kinh bên kia để qua quán chợ. Sợ vấp ngã, mà cũng có khi không phải thế, tôi cứ nắm chặt tay Út. Em hẹn: "Út hổng có biết uống cà phê. Sang bển, Út ăn mỏ vịt khìa, được hông anh Ba?". Được quá đi chứ, sao không. Bất cứ thứ gì Út muốn, anh Ba cũng thấy mát trong lòng.
Quán nằm dìa ra sông, sàn ván chỉ cao hơn mặt nước chừng mấy tấc. Ly cà phê nhỏ xíu, ghế bàn nhỏ xíu và Út của tôi cũng nhỏ xíu. Ấp ly cà phê ấm nóng giữa 2 lòng bàn tay, tôi thú vị ngồi ngắm Út khìa từng miếng mỏ vịt trong ánh đèn dầu leo lét. Trời ạ, thì ra đu đủ hườm chưa chín, vỏ xanh gọt ra để lộ bên trong màu vàng như mỏ con vịt nên gọi là trái mỏ vịt! Đem dầm nước đường vào thì gọi là mỏ vịt khìa. Vừa lạ lẫm, vừa thân quen, món mỏ vịt khìa xứ Bốn Ngàn, chưa ăn vị ngọt đã lan đầu lưỡi!
Quán vắng, đêm hiu hắt, điệu boléro hiu hắt, đèn leo lét, chỉ tiếng sóng ì oạp vỗ vào cầu ván là nghe rất rõ. Tôi ngồi cạnh Út suốt buổi mà không nói câu gì. Tôi hai mươi mốt, em mười bảy, còn biết phải nói gì? Em không là gái Sóc Trăng, tôi chưa từng làm trai Rạch Giá, mà chữ "phải lòng" thì đã nghe chừng gần lắm! Thỉnh thoảng, cơn mơ mòng bị cắt ngang. Một chiếc vỏ lãi xé nước lao qua, rẻ dòng sông thành hai vệt sóng. Sóng nhảy lên sàn, Út và tôi bất giác đều co chân lên và đổ dúi vào nhau. Buông tay tôi ra, đêm vẫn tối mù, tôi cũng biết là khuôn mặt Út đang đỏ lên như gấc. Mặt tôi chắc cũng chẳng khác gì.
Quay đi để tránh ngượng ngùng, tôi đánh mắt về bên kia sông, cố ngóng tìm một thoáng Lê Văn Trương "tỉnh nhỏ cô em, nằm xem tiểu thuyết". Thật ra, xứ Bốn Ngàn chưa có điện, có ai nằm xem tiểu thuyết trong đêm. Miệt Hậu Giang khi đó cũng chưa xập xám xập ngầu pop-rock, chưa hip-hop ồn ào, cũng chẳng lambada chói gắt. Bên kia sông chỉ vọng lại tiếng ai đó ru con hòa với tiếng Ngọc Giàu ca cải lương từ cátsét nhà ai vọng ra nghe nghiêng dài từng con nước…
Ngày tháng vô tư vèo qua rất mau. Hoài nhắn về bảo đã có tờ báo trên Sài Gòn kêu tôi nhận việc. Dượng Ba bảo Út chống xuồng ba lá tiễn tôi đi. Tôi chia tay xứ Bốn Ngàn mà lòng lưu luyến lắm. Bữa đó, chiếc xuồng tròng trành, cô Út lúc lắc và lòng tôi nghiêng ngả. Trên đường đi, Út bảo tôi chờ, vô vườn hái thêm ít rau trái đưa ra chợ. Sợ trễ đò xe, tôi hơi cảm thấy phật ý vì sự "tranh thủ" không phải lúc.
Đến ngã ba (sông) Phong Điền, Út tấp vào cạnh một "ghe nước", kêu cà phê lên xuồng cho tôi uống. Một lần nữa, Út lại kêu "anh Ba chờ em chút". Đang sốt ruột, lại bùi ngùi vì sắp chia tay, đầu môi tôi ly cà phê đắng ngắt. Chống một cây sào thẳng đứng trước mũi xuồng, Út buộc lên đó lủng lẳng mấy quả cam xảnh, mấy trái dưa leo, một dây ớt tươi. Thì ra em đang tranh thủ "bẹo ghe", một hình thức gọi bạn tới mua hàng trên chợ nổi vùng sông nước. Ghe bạn vừa tản đi, giúi hết số tiền vừa bán rau quả vào tay tôi, Út nhất mực bắt "anh Ba cầm để đi đường"!
"Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh thương em cho bạc cho tiền.
Đừng cho lúa cho thóc xóm giềng đều hay".
Tự dưng, vào phút đó, tôi mới cảm đến kiệt cùng tấm ân tình trong câu ca cũ, dù nhân vật trong câu ca, rất bất ngờ nhưng hợp cảnh, vừa thay vai đổi chủ. Bối rối vì nhận ra mình vô tâm, ích kỷ, đã hiểu lầm em, tôi cay xé mắt. Nắm chặt tay em, lời giã từ nghẹn lại trên môi, tôi không nỡ thốt thành lời.
Buông tay tôi, Út nói nhỏ: "Sông rộng quá, xuồng nhỏ, chứ Út muốn chèo qua tận Cần Thơ, đưa anh Ba qua luôn bên kia sông Hậu. Anh Ba đi mạnh giỏi. Mai mốt rảnh, nhớ về Bốn Ngàn thăm Út với nghe!".
Tôi cúi mặt không đáp, không muốn lời hứa bây giờ mai mốt thành nói dối. Đò khách xuôi dòng, ngó lại đằng sau, tôi thấy Út vẫn chống xuồng đứng đó không nỡ rời đi. Bóng Út và chiếc ba lá nhỏ dần, nhỏ dần rồi tan lẫn vào cơ man ghe thuyền chợ nổi và mặt sông loang loáng. Đường về ngược nước, tay chèo của Út chắc là nặng lắm.
Gần 20 năm, cầu Cần Thơ đã thay những chuyến phà trĩu nặng bắc ngang đôi bờ sông Hậu. Ấp Trường Phước giờ đổi thành ấp Trường Thọ A. Xã thì vẫn mang tên Trường Long Tây như cũ nhưng không thuộc tỉnh Cần Thơ nữa, mà đã thuộc huyện Châu Thành
của tỉnh Hậu Giang. Nhớ như in và biết rất rõ nhưng tôi vẫn chưa một lần quay lại miệt Bốn Ngàn. Như tuổi thơ đã trôi xa, đôi mắt ầng ậng nước của Út, tôi vẫn còn lưu mãi. Út của tôi bây giờ chắc đã tay bế tay bồng, lời ru chắc đã mấy lần khắc khoải. Không biết có khi nào Út ngày xưa có còn nhớ đến tôi không. Chắc con gái em bây giờ cũng đã vào trạc tuổi em ngày đó.
Tôi sợ tìm về có khi sẽ gặp một cô Út khác, cái nhìn lạ lẫm và sẽ gọi tôi bằng cậu . Biết phải giải thích thế nào cho Út bây giờ hiểu tôi quen má của cháu - Út ngày xưa - như thế nào để đường đột ghé về thăm?
Thì thôi, coi như là quá vãng. Có vô tình đọc những dòng này, hãy coi như anh Ba gửi một lời tạ lỗi, nghe Út. Bước chân không dám quay về, chứ trong lòng anh, xứ Bốn Ngàn thì vẫn ngày xưa, cứ tròng trành sóng vỗ trong nhiều đêm chợt thức giấc, có dễ gì nguôi quên đâu Út!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét