Thầy giáo ngữ văn thân
thiết hồi thời phổ thông của tôi quê ngoài Bắc, xứ Hải Hưng xa lắc xa lơ có con
sông Kinh Thầy sống sâu trong ký ức thầy. Cách một con sông đào, ngày ngày vào
chiều tôi hay đi bộ qua hai cây cầu, đến nhà thầy chơi và… học thêm miễn phí.
Nói “học thêm” vì những dịp như thế thầy tranh thủ nói rất nhiều về văn chương,
lý thú hơn cả tiết học chính thức trên lớp. Tôi được xem rất nhiều sách từ thư
viện con con nhà thầy, và đọc thơ của cô con gái cả còn ngoài Bắc, một nhà thơ
trẻ.
Tình thương con khiến
thầy dành cho chị ấy rất nhiều tâm sự với học trò, rằng chị ấy làm thơ từ bé,
chung quê với thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa và từ nhỏ đã được nhà thơ Phạm Tiến
Duật để ý khi gửi những trang viết đầu tay. Với một trò nhỏ đam mê văn chương
là tôi, bản thảo những trang viết của một cô gái xa lạ không biết mặt khá ấn tượng,
đặc biệt ở đầu các trang viết ấy có cả lời phê và chữ ký của nhà thơ họ Phạm nổi
tiếng, thế đấy. Không biết thì tò mò, qui luật tâm lý mà, không hiểu nữ nhà thơ
con gái rượu của ông giáo đáng kính tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội 1 như thế
nào, chị ấy đã viết bao nhiêu tác phẩm và đã làm gì… Thỉnh thoảng gặp thầy cũng
có hỏi thăm, khi thì được biết chị ấy đang làm báo ở Quảng Ninh, rồi Thái Bình,
đã thôi phóng viên “lên” biên tập rồi… Vậy đó.
Mùa Phật Đản tôi ôm chiếc
máy ảnh kỹ thuật số (mượn của người ta) chạy lung tung trên đường hy vọng chộp
được những khuôn ảnh đẹp, nắng nóng kinh người. Đúng ngày ở thành phố Hồ Chí
Minh sự kiện trọng thể được diễn ra ở Việt Nam quốc tự được tường thuật chi tiết
trên mạng thì tôi được gặp cô con gái thầy, từ Thái Bình vào Nam! Chú X, con
trai út của ông giáo đã mất, giới thiệu người phụ nữ trung niên có vẻ hiền hậu
và giống thầy như đúc: chị H đấy anh!
Tôi đã sững người một
lúc mới cất tiếng chào, và chúng tôi, ba người đi bộ quanh hồ rộng trong ánh
mai. Câu chuyện xoay quanh và chỉ có nói về Phật. Thế mới lạ, chị không nói về
văn chương, về nghề báo mà mình gắn bó và tôi hy vọng được nghe, chỉ nói về Phật
pháp: về nghiệp, nhân quả, luân hồi, giác ngộ, chuyển hóa…. Tôi im lặng trong sự
thú vị khó tả, không ngờ nữ trí thú đất Bắc, một nhà thơ, lại “quán triệt” lời
Phật đến thế, cứ ngỡ được nghe thuyết pháp bởi một giảng sư uyên thâm, thế mới
biết sự giác ngộ khiến người ta khai mở và thông tuệ thế nào.
Chúng tôi đi nhiều vòng
hồ rộng trong tiếng chim kêu và nhìn những giọt sương trên cỏ, chiêm ngưỡng từng
chùm hoa bằng lăng tim tím lủng lẳng trên cao và nói lời Phật. Chị thực sự giác
ngộ, thấy trong lý luận của Phật sự nhiệm mầu, khoa học, triệt để giải thoát,
thực sự thuyết phục. Bạn có nghĩ rằng khi nghe lời Phật từ một trí thức đã học
qua đủ loại triết học, nghiên cứu đông tây kim cổ từng kém tin sẽ thú vị lắm không?
Vì sự nghe có kèm theo niềm vui chia sẻ, thấy giọt nước cam lồ đã thấm sâu và
mát lành như thế nào qua sự chân thật. Chị nói nhiều lắm, và đúng giáo lý. Cuối
cùng, chia tay, tôi bắt tay chị và nói: “Em bất ngờ, cứ nghĩ chị sẽ nói về PhạmTiến Duật và Trần Đăng Khoa chứ!”, chị cười…
Như thế đấy, ngày Phật Đản
diễn ra long trọng ở Việt Nam Quốc tự, nơi miền cuối đất tôi được nghe một nhà
thơ nói về Phật với những ngôn từ trân trọng nhất, thấu hiểu nhất. Âu đấy cũng
là điều rất long trọng, đúng không. Chị cũng nói nhiều về những ngôi chùa trên đất Bắc mà tôi chưa được đến,
những vị tăng ni ngoài ấy và sự nhiệm mầu. Phật pháp có ở mọi nơi, sự giác ngộ cũng ở mọi nơi…
Ngày Phật Đản rất vui.
Tôi hoan hỉ lắm cho dù không “săn” được những khuôn hình đẹp như mong muốn song được nghe lời Phật trong khung cảnh tự
nhiên và vô cùng sâu sắc, bởi một nhà thơ.
NGUYỄN THÀNH CÔNG
_______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét