Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Hoa xoan tim tím bên đường
Cánh hoa nhỏ xíu ngõ vườn mà mê
Hoa dân giã của nhà quê
Tháng ba hoa nở nhớ về tuổi thơ...
Vậy là tháng Ba về thật rồi. Xuân đã được 2/3 mùa trôi đi. Nắng xuân vàng ươm vẫn đang nhả những hạt nắng vàng óng ánh, long lanh lên những chùm hoa, cánh hoa xoan (thầu đâu, sầu đông). Xứ Quảng thường gọi là hoa thầu đâu màu tím, giống như màn kim tuyến vàng phủ nhẹ nhàng lên màu tím nhạt, làm cho những chùm hoa thầu đâu như những áng mây trôi bồng bềnh trên không gian, càng thêm gợi cảm.
Cảm thức đánh thức ta về với tuổi thơ, với bao kỷ niệm bồi hồi, xao xuyến. Trong suy nghĩ của tôi cứ thắc mắc, không hiểu vì sao hoa xoan lại gọi là hoa thầu đâu, hay sầu đông? Vì rõ ràng hoa nở rộ vào đầu tháng Ba. Có lẽ mùa đông hoa xoan rụng hết lá, để lại những cành cây khẳng khiu, như tập trung mọi chất nhựa sống, đến mùa xuân đâm chồi, nảy lộc, ươm nụ và đầu tháng Ba hoa mới nở, nhưng có lẽ dư âm mùa đông của nó vẫn còn, nên mới có tên gọi sầu đông là vậy chăng?!
Hoa thầu đâu có mặt khắp nơi trên mọi vùng miền của quê hương Việt Nam, là hoa tự nhiên, mộc mạc từ một loài cây có thân gỗ, dùng để làm nhà và các vật dụng trong gia đình như bàn, giường, tủ, ghế...Người dân quê tôi thường ngâm gỗ cây thầu đâu trong bùn thời gian từ 2 đến 3 tháng trước khi làm nhà, đóng bàn, cửa...để tránh mối mọt.
Những chùm hoa thầu đâu tim tím nở, mỗi hoa có 5 cánh nhỏ thoang thoảng mùi hương thơm nhẹ nhàng bay hòa quyện trong làn gió, giúp con người cảm nhận được bằng thị giác, vị giác làm cho bức tranh quê hương thêm mềm mại, thơ mộng, dịu êm. Khi cơn gió xuân đi qua, những cánh hoa tím nhạt mùi thơm phảng phất rụng rơi còn vương trên con đường, trên mái tóc nhung huyền của những em thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì, đang tuổi trăng tròn khi đi ngang qua con đường làng thơ mộng, gợi cho ta thêm yêu hơn hoa thầu đâu sắc tím!
Mùa hoa thầu đâu nở, cũng là mùa của chim, sáo quay về để làm tổ, sinh sản, nên nghe nhiều tiếng chim hót líu lo, với nhiều âm thanh riêng rất vui tai, như thưởng thức khúc nhạc xuân, cho ta nhiều cung bậc, âm hưởng, hoài mong và lắng sâu vào lòng người niềm tin yêu, hoài vọng...Để rồi, cảm thức ấy đi vào thơ, văn từ khi nào chẳng biết: Hoa tím thầu đâu/Tôi yêu màu tím/Tím màu trang thơ/Bờ môi chúm chím. Hoặc:
Tháng Ba òa về
Mùa xuân còn vọng
Nắng vàng nghiêng soi
Chùm hoa lắng đọng...
Tôi yêu hoa thầu đâu - sầu đông, nhưng nỗi niềm trong tôi là sầu riêng. Hay nỗi niềm riêng trong tôi chỉ biết sẻ chia cùng hoa thôi. Tôi thích dành chút thời gian năm phút trong ngày để ngắm nhìn những chùm hoa sầu đông nở rộ từ trên cao, mà khát khao yêu thương, đôi khi là mơ mộng.
Hồi còn nhỏ tôi thường
leo lên cây thầu đâu bẻ những chùm lá xanh để dấm chuối xanh cho chuối mau
chín, hoặc hái lá thầu đông để nấu nước sôi cho thêm tí muối hột để tắm rửa rất
hữu hiệu. Vì lá thầu đâu có vị đắng, tiêu diệt được vi khuẩn như ghẻ lở, ngứa
ngoài da. Tôi còn nhớ không quên, trong vườn cũ của gia đình tôi, ngày ấy rất
nhiều cây thầu đâu con mọc lên, nghe Ba tôi nói: “Cây thầu đâu con mọc nhiều là
do chim chào mào rất thích trái thầu đâu chín, nên chim chào mào ăn phần cơm
của trái và tha trái đi khắp nơi rồi thả hạt thầu đâu xuống, nên cây mọc lên tự
nhiên”; những nơi đất tốt như rẫy, đồi mới khai thác, đất mới thầu đâu lớn rất
nhanh, chỉ khoảng 5-7 năm sau là khai thác gỗ để làm nhà và các vật dụng khác
trong gia đình. Ngày ấy, Ba tôi chỉ cần dùng cuốc vố đào, bấn những cây con rồi
trồng theo ý định như trồng ở những bờ vườn, để che chắn gió bão vào mùa đông
và để lấy gỗ khi cây trưởng thành.
Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ để ta cảm nhận, nhớ vương loại hoa dung dị, dân giã nhà quê nhưng thật đáng yêu, nhắc nhở ta sống lại với ký ức tuổi thơ nơi miền quê yêu dấu, khi những mùa xuân về...
Mùa xuân 2021
Võ Văn Thọ
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét