* * *
Học hết lớp tám, nhà nghèo Xuyến bậm môi, lau nước mắt dẹp hết
mấy quyển sách vào thùng, dẹp luôn cái ước mơ gõ đầu trẻ mà nó vẫn làm với mấy
đứa em hàng xóm. Xuyến ở nhà nấu cơm nuôi bà nội, giữ em. Trong dáng người mảnh
khảnh, nhỏ xíu, mười bốn tuổi đầu ai nhìn Xuyến cũng bảo nó mới lên mười. Vậy
mà hàng ngày phải đút cơm cho em, tắm rửa, giặt giũ cho nội. Có khi ba mẹ đi cả
tháng mới về, nó một tay chăm lo cho một già một trẻ không sứt mẻ miếng gì? Đến
khi có mẹ ở nhà thì nó vẫn làm mọi việc như một thuộc tính cố hữu. Không có việc
nhà thì nó đi lặt kiệu mướn, bỏ hột bắp cho người ta, kiếm tiền mua thêm cho nội
miếng thịt, cọng rau. Nhiều lần nội hỏi nó, mày làm hoài không mệt sao? Mày có
buồn ba mẹ mày không? Mệt thì có mệt nhưng buồn thì được gì hả nội? Ba cũng đâu
muốn thế. Tại cái số con nó vậy rồi biết làm sao? Con gái ở quê thì ai mà chẳng
thế…?
Những khi ba mẹ vắng nhà, cô thường dẫn em ra gốc xoài nối
liền với cái bếp để bày trò cho đỡ buồn. Nhơn, bằng tuổi Xuyến, cháu bà tám
Tân, nhà ở xéo với nhà Xuyến cũng dẫn vài ba thằng nhóc lại chơi chung. Năm sáu
đứa xây một cái nhà chòi, vách dừng bằng mấy tấm bao cũ rách, nóc lợp bằng lá
chuối xanh mới cắt trên cây xuống, mũ còn nhiễu đồm độp. Bữa nào chơi xong, lũ
trẻ về cũng bị mẹ cho ăn một trận no đòn, không phải vì mê chơi quên đường về
nhà, mà do bị mũ chuối nhiễu trúng đen thui áo quần, mẹ vò muốn rã tay mà không
hề hớn gì.
Nhìn cái nhà chòi vừa được hoàn thành bởi tay những người thợ
không chuyên nghiệp cũng giống cái nhà lắm, tiếc là cả nhà không được vào cùng
nhau vì diện tích quá chật hẹp, mỗi lượt chỉ được hai, ba đứa mà thôi. Hai đứa
lớn vào vai vợ chồng, mấy em nhỏ làm con. Trông vào gia đình cũng hạnh phúc,
lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Cha và các con đi làm đồng, mẹ và con gái ở
nhà lo nội trợ. Một cuộc sống nhàn hạ, ở cái xóm lắm người ít đất này đã có biết
bao người mơ ước như thế. Vậy mà bọn trẻ cũng nghĩ ra, chỉ tiếc một điều, đó
chưa phải là cuộc đời thật của chúng, hoặc cũng chưa chắc là tương lai mai này
của nó. Vì tương lai ấy quá êm đẹp.
Ba bốn năm trôi qua, giờ Xuyến đã là một cô gái trưởng
thành. Xuyến đẹp. Một nét đẹp trời ban, không son phấn, không tẩy trang, nhưng
mượt mà và ngọt ngào như cánh hoa ban mai còn đọng sương được ánh mặt trời chiếu
rọi cho những tia nắng đầu tiên. Những chú bướm cứ chập chờn lượn qua lượn lại
mong được hút nhụy ở cánh hoa quyến rũ kia. Ở xóm có nhiều người ngắm ngía cô
nhưng lại ngại chỗ xóm giềng gần gụi, không tiện việc sui gia. Rồi người ta tiếc
một nhan sắc khuynh thành lại giỏi giang nên làm mai làm mối cho họ hàng bà con
ở xa. Cũng có vài gia đình đến, kéo cả họ rùm rang, vợ chồng chú Hai Đời phải
chạy vạy nấu mâm cơm, ly trà, ly rượu đãi khách coi mới được, mà biết đâu sẽ
kêu bằng anh sui hỏng chừng. Một đám, hai đám rồi ba bốn đám, họ đi không bao
giờ trở lại. Họ bảo tụi nhỏ không ưng nhau. Còn chỗ nào mà chưa chịu Xuyến. Hay
chính vì cái bàn nhà cô không đủ ghế để ngồi, phải xúm xít chung nhau một bộ
ván ngựa vừa trèo lên là kêu răng rắc, ngồi mà lòng thắp tha thắp thỏm, không
biết sẽ chạm đất lúc nào nữa?
Cha mẹ Xuyến hết hy vọng, họ bắt đầu từ chối những chỗ bà
mai cho là giàu có, về đó sung sướng lắm, không cần phải làm gì cũng có của mà
ăn. Có được mấy người như thế, chắc con nhỏ nhà này không có phước phần ấy đâu,
thôi đừng mối mai làm gì nữa. Chú Hai trở nên cáo gắt từ hồi nào? Xuyến cũng ít
nói nhưng không buồn, cô còn một niềm hy vọng riêng. Má Xuyến cứ theo hỏi, chắc
mày buồn lắm hả con? Có gì mà buồn? Giàu thì người ghét, nghèo thì người khinh.
Mình sống sao không thẹn với lòng thì thôi.
Hoa chưa tàn thì bướm vẫn còn ve vãn. Chiều hôm đó Xuyến đi
làm về, thấy trong nhà có hai người lạ mặt, một già một trẻ ngồi với cha, mẹ
thì lui cui dưới bếp. Cô bước vào chào hỏi qua loa rồi thôi. Đứng nấu cơm với mẹ,
Xuyến thấy Nhơn đứng bên ngoài vách, ra hiệu hình như muốn gặp Xuyến. Mẹ ở xa
hai người nên không nghe thấy họ nói gì, nhưng hai gương mặt dường như đang gặp
nhau ở một nỗi buồn khó thổ lộ. Hai người khách ra về, Xuyến cũng quay vào nhà.
Chú Hai gọi hai mẹ con lên nhà để nói chuyện. Cháu này là con một người đồng
chí cũ của cha, từ ngày xuất ngũ đến giờ đã bật tin nhau. Hôm nay gặp lại con của
bạn mới hay bạn mình đã gặp tai nạn trong một lần chạm mạch điện cao thế. Chiến
trường đạn bom ác liệt lại chẳng sao, cuối cùng lại nhắm mắt trong cảnh hòa
bình. Gia đình nó cũng nghèo như mình, được cái nó rất giỏi lại hiền. Không rượu
chè thuốc than gì cả. Lấy nó mày cũng đỡ lo, hai vợ chồng lo làm ăn có thể nuôi
con, biết nhín nhúc mai này khá lên hơn cha mày không chừng. Lại thêm cái chỗ bạn
bè dễ nói, nếu mày chịu thì trong năm nay tao làm cho một cái đám nho nhỏ, mời
họ hàng hai bên nội ngoại là được. Quan trọng là tụi bây về sống với nhau có
ngon cơm ngọt canh không thôi. Đôi mắt Xuyến chùn xuống, đôi chân mày nhíu lại,
cô không dám nhìn thẳng vào mặt cha…
* * *
- Mày giết tao đi. Con với cái. Còn gì là gia phong nhà tao?
Mày đi cho khuất mắt tao. Sao tao có thể sinh ra một đứa con gái như mày.
Cha Xuyến thở hổn hển, ngồi bạch xuống bộ ván. Sau mấy câu
chửi, đôi mắt chú ngầu lại, đỏ hoe. Xuyến khoanh tay cuối đầu nhìn cha trong nỗi
tủi hổ cùng cực. Bà mẹ cũng chỉ nói được mấy câu trước sự tức giận của chồng.
Chuyện đâu còn đó, từ từ rồi mình tính, làm quá tôi nghiệp con. Xóm giềng biết
họ cười cho. Chuyện như vậy còn sợ mọi người không biết nữa sao? Chỉ còn nước là
họ chưa cười thúi đầu thôi. Mũi dại lái chịu đòn, nhưng thế này thì biết chịu
làm sao?
Sau ba tháng, từ cái buổi chiều chú Hai tính chuyện mời họ
hàng mừng vu quy cho con, từ buổi chiều Xuyến chạy ra gốc xoài ngồi khóc, Nhơn
đến bên an ủi. Giờ đây mọi chuyện đã khác rất nhiều. Đứa bé đang tượng hình
trong bụng Xuyến là kết quả của những phút giây cạn lòng, vì sợ mất nhau. Xuyến
và Nhơn đến với nhau trong bao ánh mắt khiêu khích của xóm làng. Tưởng hay ho
gì, thấy đẹp người đẹp nết, hiền ngoan vậy mà cũng có thể làm những chuyện như
thế. Đúng là nhìn người không nên nhìn bề ngoài không mấy bà ơi! Nụ cười của
Xuyến ngày càng héo hắt, cô trách mình sao nông nỗi. Chỉ vì không muốn làm khổ
một người vô tội, cô đã vội vàng quyết định một bước ngoặc quan trọng của cuộc
đời. Sai một li thì đi một dặm. Nhưng làm sao sống hạnh phúc khi ở bên một người
lại nhớ thương một người khác. Xuyến gần như cạn nước mắt.
Rồi một buổi chiều, Xuyến xách hai giỏ đồ đi phía sau lưng
Nhơn. Hai gia đình nhìn nhau im lặng. Trong mâm cơm phú phạt, họ cố tập trung
ánh nhìn vào những đĩa đồ ăn trên bàn, ai cũng mong cho nó chóng tàn để ai về
nhà nấy. Sui gia gì mà như vậy trời? Ở chung xóm từ lúc anh chị sui còn son trẻ,
bây giờ đã có cháu nội, chuyện nhà anh sui ai cũng biết tất tần tật hết thì còn
gì để nói nữa chứ? Thôi thì vì con vì cháu mà đành bỏ qua tất cả, mong cho con
sau này hết khổ. Chiều hôm ấy, bước chân chú Hai Đời nặng trình trịch, có xa
xôi gì đâu, bước mấy bước là tới nhà rồi mà chú thấy con đường hôm nay khó đi lạ.
Nửa muốn bước, nửa muốn bỏ quên.
Cái xóm An Thịnh trước đây vừa nhỏ vừa đông đúc, vậy mà giờ
đây có vẻ ảm đạm. Hay tại “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”? Nhiều người
không chịu nổi cuộc sống tù túng ở đây đã bỏ quê bỏ xứ mà đi. Có người quay lại
nhưng cũng có người đi luôn. Có người mang tiền về xây nhà mới nhưng cũng có lắm
tệ nạn về theo. Nhiều người truyền tai nhau ở trên thành phố dễ kiếm tiền lắm,
nghe đâu thằng Giàu con ông ba Phú lên trển, bây giờ về đây chạy xe tay ga
không hà, nó cầm cái điện không có nút nào, cứ lấy tay chọt chọt rồi nói chuyện,
ngộ lắm à. Vậy mà con Xuyến với thằng Nhơn đi thành phố về, hai đứa thôi nhau
luôn đó. Chuyện đời mấy ai mà lường trước được. Vợ chồng mà cơm không lành canh
không ngọt thì sớm muộn gì cũng đường ai nấy bước thôi hà.
Bây giờ ai mà nghe đến tên Nhơn cũng nể bảy phần, nhịn nó ba
phần. Con Xuyến vô phước quá. Hồi mới lấy nhau, vợ chồng làm thuê làm mướn mà
còn có tiếng cười. Từ ngày vợ chồng nghe lời thằng Giàu dắt nhau đi thành phố
làm giàu, nước mắt Xuyến rơi nhiều hơn. Chồng cô từ một anh nông dân cục mịch,
qua hai năm ngắn ngủi, bây giờ đã trở thành đại ca của một băng nhóm nhỏ,
chuyên đòi nợ mướn cho một ông chủ lớn ở đất Sài thành. Hàng ngày địu con trên
lưng, cô chạy bàn cho một quán cơm, rửa chén, quét dọn, cô làm việc như một kẻ
bất cần đời chỉ để nuôi con, gửi tiền về tiếp mẹ lo cho thằng em đang học cấp
ba. Trái tim cô đã tắt lịm từ cái ngày chồng cô chở một cô gái chân dài vào
quán ăn cơm. Mãi nhìn chồng, cô vô tình làm rơi cái chén xuống chân cô tình nhân
làm đau cô nọ. Tình nhân chồng đau quá, nhăn nhó, ánh mắt anh chồng cô lúc này
như có cục lửa trong ấy. Nó thêu chết Xuyến từ giây phút đó. “Tình chỉ đẹp khi
còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Ông nhạc sĩ hay nhà thơ nào viết
hay và đúng quá chừng!
Hai năm với lý do công việc bận bịu nhiều, Xuyến không về
quê. Mỗi cuộc điện thoại gọi về nhà cô không dám nói nhiều hơn bốn câu, cô sợ mẹ
hỏi nữa cô sẽ không kìm được mấy cái ực ực vì phải nuốt nước mắt. Xuyến nhớ cái
nhà chòi, nhớ mấy lời cha chửi vì giận vì thương, nhớ một buổi chiều vì chút yếu
lòng… Đôi khi dặn lòng hãy quên đi mà sao khó quá. Muốn nhớ một kỉ niệm rất
khó, nhưng sao muốn quên một hình ảnh lại càng khó hơn. Cô đâu biết ở dưới quê,
không ai không biết thằng Nhơn đã bỏ cô lâu rồi. Nó còn chở về nhà mấy con nhỏ
tóc xanh tóc vàng, đứa nào cũng nghèo xơ xác vì đồ nó mặc toàn mỏng tăng, thiếu
vải. Hàng xóm nhìn vợ chồng chú Hai ái ngại. Rồi một buổi chiều, Xuyến ngỡ
ngàng, chết đứng, đánh rơi đĩa cơm trên tay khi thấy mẹ đứng trước cửa quán
nhìn vào. Thấy đứa con gái gầy nhom và gương mặt như chỉ còn lại xương xẩu đang
cõng con lên lưng, bà cũng bước đi không nổi. Hai cặp mắt với bốn dòng lệ chảy
tràn, tưởng như đã hai năm rồi cô chưa được khóc. Xuyến về…
- Ông bà ta nói có sai đâu? Con cải cha mẹ trăm đường con hư
mà. Ngày xưa nghe tao thì đâu có ra nông nổi bây giờ.
Tiếng la của chú Hai làm Xuyến giật mình. Thằng Hiếu đã ngồi
bẹp nghịch đất từ lúc nào. Xuyến như thấy mình vừa trải qua một giấc mơ khủng
khiếp, nó ám ảnh và day dẳng. Cô nghĩ đến mai này thằng Hiếu lớn khôn, nó hỏi về
ba nó, ba nó là ai, ở đâu? Người mẹ này biết trả lời như thế nào đây? Không lẽ
bảo ba con chết lâu lắm rồi, hay phải nói rằng ba con là một đại ca đòi nợ mướn?
Cảm giác uất nghẹn như muốn làm vỡ tung lòng ngực. Xuyến đau đớn. Tủi nhục.
Ôi, cái tuổi thơ, tuổi của ngày bình yên…!
HUỲNH THỊ MỸ HẠNH (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét