- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Bước vào tuổi ngũ, lục tuần, nếu ở những thế kỷ trước thì hầu hết các ông, các bà trông đã lọm khọm, già nua. Trong thời đại @ 4.0, đủ đầy vật chất, thỏa mái tinh thần, ít bận bịu lo loan, đa số các cụ như đang tuổi hồi xuân.
Nhưng riêng bà Tường Vy ở phố Tùng có thể nói là cá biệt. Được tạo hóa ban tặng một nhan sắc khả ái như hoa khôi từ thời thiếu nữ. Cộng với chế độ ăn uống điều độ và thường xuyên luyện tập Yoga, dưỡng sinh nên trông bà rất trẻ, khỏe. Dù chỉ là thường dân thôi, nhưng thoạt nhìn dáng vẻ đài các, quý phái như một mệnh phụ phu nhân, ai gặp cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Không những là thành viên Câu lạc bộ Dưỡng sinh của huyện, bà còn tham gia học khóa đàn Organ và lớp khiêu vũ dành cho những người lớn tuổi.
Cùng đứa cháu ngoại vừa ăn xong bữa sáng. Ngó nắng đã tràn lên từng chùm hoa cúc trước sân. Bà Vy định dắt xe ra phố có chút chuyện. Bỗng thấy một chiếc Toyota của Trung tâm Y tế chạy đến đỗ bên kia đường trước cổng nhà. Một chút lo lắng khi nhìn năm người trong bộ đồ xanh y tế chống khuẩn đang lặng lẽ bước xuống, sang đường. Bà thầm nghĩ: Không biết ai trong khu phố này bị lây nhiễm mà họ đến kiểm tra sớm thế? Liệu nhà mình có sao không?
Đang bồn chồn thì toán người phòng chống dịch ấy gõ cửa cổng nhà anh Toàn sát bên. Bà hú hồn như trút gánh nặng khi không phải nhà mình. Nhưng bà lại nghĩ: Thôi chết rồi! Không lẽ nhà anh Toàn bị nhiễm covid mà bà thường sang chơi? Bà Vy biết rõ gia đình người láng giềng là tài xế xe tải đường dài, chuyên chở rau củ quả từ chợ đầu mối nông sản của huyện về thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng Toàn cần mẫn lo làm ăn, thường trực trên chiếc xe tải nhiều hơn ở nhà. Chỉ hôm qua thứ bảy, cuối tháng mới thấy nhà họ đỏ đèn.
Bà lại bán tín bán nghi, làm sao mà họ có thể dương tính được kia chứ? Bởi lúc nào hai vợ chồng cũng bịt kín khẩu trang, thường xuyên đeo tấm chắn giọt bắn khi tiếp xúc khách hàng và khi phải qua lại trạm kiểm dịch ở Madagui, Đạ Huoai và các chốt kiểm dịch vào thành phố nữa. Khi mọi tài xế đường dài, nhất là vô ra vùng có dịch đều được test, xét nghiệm CPR chặt chẽ, kỹ lưỡng. Không lẽ có sự sơ suất?
Gần một giờ sốt ruột ngóng tin. Nhóm người Trung tâm Y tế cũng rời nhà anh Toàn. Tưởng họ lên xe, ai ngờ lại gõ cổng xin phép vào nhà, bà hơi tái mặt.
Sau khi test và kiểm tra sức khỏe cả hai bà cháu, các thành viên y tế bảo bà đã tiếp xúc với F0 nhà bên vừa được phát hiện. Cần phải tạm thời cách ly tập trung để theo dõi, ngăn ngừa lây nhiễm cộng đồng. Họ cho bà thời gian nhất định để thu xếp việc gia đình, và lo chuẩn bị mang theo những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt cá nhân trong hai tuần tập trung sắp tới nơi ở tạm mới..
Bà thật sự lo khi nhìn đứa cháu nhỏ dại và nhà cửa sắp nửa tháng xa. Không biết nhờ ai chăm sóc, trông nom khi vợ chồng con gái của bà cũng là Y, Bác sĩ đã tăng cường về thành phố chống dịch từ tháng trước, chưa về. Buổi sáng ấy cả khu phố bà ở bỗng xôn xao khi những sợi dây đỏ trắng giăng mắc. Nhiều nhà hai bên đường buộc đóng cửa. Cả không gian như trầm xuống trong nỗi thắc thỏm lo âu. Liệu nhà anh Toàn có qua khỏi? Liệu trong tổ còn ai dương tính nữa không? Nhưng có một điều chắc chắn là cả tổ khu phố chiều nay sẽ bị phong tỏa.
***
Khu cách ly tập trung dành cho F1, F2 là doanh trại huấn luyện tân binh của một đơn vị bộ đội nằm trên một ngọn đồi thông xanh, cách xa dân cư. Tuy vắng , nhưng được cái khí hậu ở đây rất trong lành. Từ mai đến chiều bầu trời trong veo trên rừng cây, ngọn lá. Cả cái gió núi đầu đông cũng nhè nhẹ thổi mát rượi qua từng thung đồi xanh mượt. Điều đặc biệt nhất ở đây là các khu nhà ở, nhà ăn và công trình công cộng đều rất ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Vì doanh trại rộng, chưa phải thời điểm huấn luyện, nên bà Tường Vy được bố trí một chiếc giường cá nhân và tủ đựng đồ dùng. Phòng bốn người, nhưng mỗi F1, F2 được bố trí ở mỗi góc, cách nhau trên hai mét, nhằm triệt để sự lây nhiễm. Ngày ngày, bà và mọi người được y bác sĩ trực kiểm tra RT-PCR, theo dõi sức khỏe sát sao. Những bữa ăn đầy đủ chất được các anh, các chú bộ đội trong đơn vị phục vụ chu đáo như thể người thân lâu ngày gặp lại.
Cụm từ: “Người thân lâu ngày gặp lại” là có thật với bà chứ không phải ví von. Đó là hôm bà bị trúng gió, ngất xỉu, chắc do lạ chỗ mất ngủ và lo nghĩ đứa cháu nhỏ ở nhà. Sợ nó nhớ bà, nhớ cha mẹ biếng nấu, lười ăn không may đổ bệnh thì khổ. Nhưng cháu chưa đổ bệnh thì bà lại bị suy nhược cơ thể. Trưa đó, bà được các bác sĩ quân y đơn vị chăm sóc chu đáo. Khi nhìn khuôn mặt F1 xinh đẹp, quý phái, một cựu sĩ quan quân y tăng cường từ tỉnh về bỗng dưng ngẩn ngơ. Hơi ngần ngừ, vị bác sĩ lịch sự xin phép hỏi tên bà và quê quán. Nghe âm giọng Quảng quen quen, bà nhìn người bác sĩ che khẩu trang kín, nhưng đôi mắt sáng ngời chăm chú nhìn như hai luồng điện mạnh chạm vào cơ thể khiến bà giật mình bối rối. Bà cố nhớ... Ôi! Có thể nào người xưa nơi quê cũ đang đứng trước mặt? Sao có thể khi thời gian và cả không gian đã quá xa mờ. Hơn bốn mươi năm rồi còn gì. Bốn mươi mấy mùa đông đã phủ dày lớp lớp khói sương, đã chìm sâu dưới bao mùa quên lãng.
***
Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu nằm bên đầu cầu sông Vĩnh Điện, thuộc thị trấn Điện Bàn sau ngày thống nhất đất nước được hoạt động trở lại. Những cô cậu học sinh đệ tam, đệ nhị, đệ nhất trước kia lần lượt quay lại trường với tư cách học sinh lớp cấp ba trong nền giáo dục mới. Gã con trai tên Hùng học giỏi có tiếng năm nào nhà bên tháp Bằng An cũng hiện diện nơi trường cũ thân yêu sau một thời gian dài đóng cửa vì bom đạn, chiến tranh. Và Tường Vy, cô gái xinh đẹp nhất trường được mệnh danh đóa hoa khôi cũng có mặt trong bộ áo dài trắng nữ sinh tha thướt như ngày nào. Tất cả học sinh trước kia cùng với một số học sinh mới, từ ngoài theo cha mẹ chuyển vào ngồi chung dưới mái trường mang tên người chí sĩ đất Quảng. Họ cố gắng học để lấy mảnh bằng tốt nghiệp, tiếp tục bước vào giảng đường đại học như dự định, mơ ước. Đôi trai tài, gái sắc chung trường, chung lớp Hùng - Vy đã phải lòng nhau. Họ yêu nhau, đã tay trong tay, hò hẹn dưới vầng trăng cố xứ trong những đêm bên cầu Vĩnh Điện, bên ngọn tháp Chàm cổ kính rêu phong. Lời yêu thương nồng cháy, đầy ước mơ hoài bão tương lai được đôi tình nhân khắc lên vầng trăng, ngọn tháp quê nhà, có cả dòng sông lưu giữ.
Sau Giải phóng, hầu hết các gia đình từ Nam tới Bắc đều trong diện khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc như kinh tế đất nước vừa tàn chiến tranh còn dẫy đầy những vết sẹo chưa lành da, còn lắm lo toan, xoay xở. Tường Vy cầm mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông, kinh tế gia đình không cho phép thi vào đại học dẫu ước mơ cháy bỏng. Cô nghỉ học, theo cha mẹ đi kinh tế mới. Với mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông năm nào, Tường Vy cũng xin dạy hợp đồng ở một trường tiểu học cơ sở trong huyện. Rồi cô lập gia đình, sinh con đẻ cái… Những tưởng cuộc sống ấm êm, hạnh phúc, dẫu rằng đồng lương giáo viên cũng đắp đổi sống qua ngày. Ngày cô lau khô nước mắt quyết định ra tòa ly hôn với người chồng phụ bạc, tham giàu, phụ khó, ẵm đứa con thơ bước tiếp cuộc đời như an bày số phận.
Và những ngày đầy khó khăn nơi quê hương. Gã thư sinh tên Hùng giỏi nhất trường đã tốt nghiệp phổ thông và có giấy báo nhập học trường đại học Y thành phố.
Những năm bảy bảy, bảy tám của thế kỷ trước. Quan hệ giữa ta và Trung Quốc rạn nứt. Biên giới Tây Nam bị bọn Khơ me tràn sang lấn chiếm, giết hại đồng bào. Tháng 2 năm 1979, sáu tỉnh phía Bắc bị tấn công. Trước tình hình nóng bỏng, Hùng tạm xếp ước mơ cá nhân, tự nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ. Chiến tranh Tây Nam và biên ải Bắc ngày căng thẳng, khốc liệt. Một cuộc chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền phương Bắc lộ diện, buộc chúng ta phải cầm súng bảo vệ non sông Tổ quốc. Dẫu trong lòng thực sự không mong muốn khi ngàn mảnh bom, vỏ đạn hơn ba mươi năm chống thực dân, đế quốc còn ghim đầy trên cơ thể quê hương.
Cùng đồng đội, Hùng hành quân qua khắp nẻo đường của xứ Ăng Co trong rình rập hiểm nguy chờ chực. Đôi, ba lần đơn vị anh chạm trán, đụng độ tàn quân Khơ me đỏ cuồng chiến và khát máu. Hùng may mắn bình an trở về đất nước sau khi hoàn thành nghĩa vụ Quốc tế cao cả. Anh được đơn vị cử đi học khóa sĩ quan quân y nhằm phục vụ lâu dài trong quân đội.
Khi cơn bão dịch từ Vũ Hán xa xôi tràn sang lãnh thổ non sông. Những con vi rút vô hình như lũ âm binh thiên triều lén lút trên khắp châu lục. Chúng rình rập đoạt mạng sống con người không cần gươm dao, súng đạn. Nhiều đợt dịch liên miên tràn vào các tỉnh thành, gây thiệt hại đáng kể về người nền kinh tế quốc dân. Mọi sản xuất, kinh doanh hầu như đóng băng, tê liệt, điển hình nhất như thành phố Sài gòn đã, đang từng ngày khôi phục.
Dù mới nghỉ hưu nhưng đại tá bác sĩ Hùng tự nguyện xin về đơn vị huấn luyện tân binh cũ để góp chút sức mình cứu giúp bà con khi dịch bệnh vẫn còn âm ỉ, dai dẳng. Bao lần người sĩ quan, bác sĩ ấy đã chăm sóc nhiều bệnh nhân F0 về cách ly, và anh cũng ngờ cô bạn trường xưa lại có mặt nơi này.
***
Bây giờ đang đầu tháng mười hai dương lịch. Bầu trời mùa đông Tùng Nghĩa mơ màng trong nắng thủy tinh. Nắng rắc vàng khắp núi đồi, thung thác. Nắng lả lơi trên những hàng cây trổ lấm tấm hoa khắp các cung đường thị trấn. Mùa nắng đông quay về cho rừng hoa dã quỳ khoe nở trên nương đồi mênh mông Đức Trọng. Và mùa nắng Tây nguyên như thông điệp báo hiệu thêm mùa Xuân nữa sắp về trên quê hương đất nước!
Thị trấn nơi bà Tường Vy đã mở cửa trở lại sau bao đợt giăng tỏa. Khu chợ trung tâm, bến xe, quán xá, cửa hàng như hồi sinh, dập dìu khách khứa. Nhưng dường như phố Tùng trầm tĩnh, cẩn trọng hơn trước. Có lẽ mọi người đã ý thức, không còn lơ là, chủ quan với cơn đại dịch quái ác vẫn đang ẩn mình đâu đó. Cho nên, tất cả luôn e dè khi bước ra đường, khi tiếp xúc với người quen lạ, luôn giữ khoảng cách an toàn cho chính mình.
Bà Tường Vy được về nhà sau hai tuần ở tập trung. Đứa cháu mừng rỡ chạy ra đón. Trong ánh mắt ngây thơ của nó vô cùng ngạc nhiên và xen lẫn thích thú khi nhìn ông sĩ quan bộ đội xa lạ nhưng trông rất hiền lành đang xách hành lý của ngoại nó bước vào nhà có vẻ thân thiết lắm.
Ngoài sân, giọt nắng ban mai đã nồng nàn đỏ như màu hoa tường vy bung nở. Màu nắng ấm như xua tan cái lạnh lẽo, cái trống vắng của những ngày qua. Nắng như tẩy trần, thanh lọc, hong khô mầm dịch bệnh. Chợt trong không gian xanh biếc trước nhà, có con chim khách nào bay về cất tiếng hót líu lo trên ngọn bạch đàn, rộn ràng trong gió sớm lao xao. Cứ như thể vui mừng, đón người xưa lâu ngày vừa gặp lại.
Lâm Đồng, cuối tháng 11/2021
Lê Huỳnh Túy Tâm
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét