- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Tiếng trống bên trong trường đã điểm báo hiệu phút giây tựu trường. Vậy là giờ phút chờ đợi cũng đã đến, ngày khai giảng trở thành ngày được mong chờ trên khắp cả nước. Sân trường vốn yên lặng những ngày hè, chỉ có lũ ve ích kỉ kêu inh ỏi và những tán phượng hoa rơi đỏ chót đầy sân bắt đầu đón những bước chân của học sinh quay lại trường. Đưa nhóc con tới trường, năm nay bé mới vào lớp ba, nhìn bộ dạng còn ngái ngủ của con và nhìn trời hãy còn rất sớm, trông bé như vừa háo hức nhưng cũng vừa sợ hãi. Xung quanh có tiếng vài đứa trẻ khóc ré lên, lẫy mẹ:
- Con không muốn đi học
đâu, con muốn về nhà chơi với mẹ.
Khiến mắt con tôi cũng
bắt đầu trở nên ươn ướt. Trẻ con hay thế, một đứa khóc là cả đám xung quanh nhìn
thấy rồ cứ hùa mà khóc. Các cô giáo ra tận cổng trường đón các bé vào, và khi
chúng xếp vào một hàng, đứa này đặt tay lên vai đứa kia nối đuôi nhau rồng rắn
vào trường, trên tay cầm lá cờ nhỏ vẫy vẫy, những giọt nước mắt sợ hãi hồi nãy
như tan biến đâu hết. Gặp lại bè bạn, cô giáo thân quen, chúng dường như tìm lại
được sự tự tin và hiếu kỳ, cứ thế được một chốc không còn đứa nào khóc nữa mà
đi thẳng hàng vào khoảng sân rộng, nơi chỉ ít phút nữa thôi là sẽ diễn ra lễ
khai giảng vô cùng trang trọng. Tuy chỉ là một ngôi trường nhỏ trong thị trấn với
ước chừng khoảng hơn mươi lớp học nhưng không khí cũng rất trang nghiêm và chuẩn
mực. Bên ngoài, các bậc phụ huynh dường như vẫn còn lo lắng và cả háo hức, cứ cố
dựng xe gọn gàng nhưng lại bu kín lấy cổng mà bác bảo vệ không thể nào ngăn nổi
nom chỉ cố gắng tìm giữa mấy trăm học sinh hình bóng đứa con nhỏ của mình.
Trông mọi người đều có vẻ lo lắng hơn cả những đứa nhỏ hồi nãy.
- Cô ơi, cô có ăn bánh
lọt không cô?
Tiếng một đứa nhỏ lay
nhẹ tôi khiến tôi có hơi giật mình. Hình ảnh một đứa bé trạc tuổi con tôi đang
ôm một thúng bánh lọt đủ màu xanh trắng khá to, nhìn chúng như những con tằm,
được đậy lại bởi một mảng nilon to đủ để người mua có thể nhìn thấy. Tôi vốn
đã ăn sáng rồi nhưng không hiểu sao nhìn đứa bé và nhìn những đứa trẻ đang
trong buổi tựu trường bên trong cứ như hai thế giới khiến lòng tôi trở nên
thương cảm.
- Cho cô một bịch đi
con, bao nhiêu đấy ?
- Dạ năm nghìn thôi cô,
con đổ nước dừa vào luôn nha.
Nhìn thấy cái gật đầu của
tôi đứa bé thoăn thoắt tay làm như vô cùng quen thuộc: chiếc muỗng to để múc
bánh ra cho dễ và nước dừa đựng trong chiếc hũ to đứa bé đeo bên hông có những
chiếc bì nhỏ cho những ai chưa ăn vội sẽ đong riêng.
- Sao nay khai giảng mà
con còn ở đây bán hàng vậy?
- Trường con chiều lận
cô, con tranh thủ đi bán buổi sáng, buổi chiều đến trường.
- Trường con ở đâu?
- Ở sâu trong bản lận
cô.
Thấy đứa bé có vẻ vội
nên tôi không hỏi gi thêm, trong đầu chắc mẩm là mấy điểm trường ở trên núi heo
hút chứ không phải ở dưới trấn này. Nếu thế từ trên đó đi xuống đây đế bán có lẽ
cũng là môt đoạn khá xa. Đứa bé đưa tôi bịch bánh rồi cúi chào cảm ơn thật lễ
phép và tiếp tục những lời rao sớm.
Lần thứ hai tôi gặp đứa
bé là khi đoàn tôi đi lên Sơn Hòa - một vùng núi để công tác tại một điểm trường.
Đoạn đường hai bên từ thị trấn đông dân cư bắt đầu đi vào những con đường còn
đang trải nhựa dang dở và rồi trở thành những đoạn đất hẳn, đường rất khó đi,
có những đoạn bánh xe phải lún thật sâu, khiến những người trong xe hò nhau ra
đẩy. Hai bên đường bắt đầu thưa thớt những ngôi nhà chỉ có những triền mì xanh
ngắt một màu như làm dịu bớt cái nắng nóng và cảm giác còn rất xa tít tắp mới tới
được. Phải mất rất lâu chúng tôi mới thấy tít xa là những ngôi nhà thưa thớt,
nhưng để đến được đó dễ cũng mất hơn nửa tiếng đi qua những đoan đường lầy lội,
và lúc này giữa trời nắng tôi bỗng thấy hình bóng nhỏ bé quen thuộc ấy. Cho xe
dừng lại, tôi gọi đứa bé :
- Cháu có muốn đi nhờ
xe không?
Đứa bé hơi chần chừ
nhưng nom đoạn đường còn rất xa mới tới và cái nắng gay gắt đổ xuống khiến chiếc
bóng mỗi lúc một tràn đường hơn nên nó miễn cưỡng bước lên xe.
- Sao cháu đi một mình
giữa trời nắng vậy?
- Dạ con mới đi hái đọt
mì, sẵn coi ruộng mì với ba, giờ con về để kịp đi học.
- Mấy giờ con học?
- Dạ tầm một rưỡi, giờ
con đi tới trường là tầm hơn một tiếng. Tới vừa kịp.
Tôi chợt nhìn gương mặt
đỏ au vì nắng của con bé. Cố hỏi thêm thì mới biết nhà con bé cũng ở trên bản,
còn ruộng mì thì ở khá xa bản, bình thường hai cha con đi nhờ xe của những người
xuống trấn từ sớm, người bố làm trong ruộng, còn đứa bé sẽ mang khi bánh lọt,
khi bánh chuối hoặc đủ các thứ như bánh ít, bánh da lợn… tự làm xuống trấn bán,
giữa sáng sẽ lại theo xe lên lại ruộng mì. Vì công việc ở ruộng khá bận nên hầu
như người cha ở ruộng cả ngày, đứa bé bán xong sáng sẽ ghé lên và ăn cơm trưa
cùng bố, đến giữa trưa lại đi bộ hơn tiếng về điểm trường trong bản học. Con bé
mồ côi mẹ từ nhỏ.
- Cô thấy con đi bộ mỗi
ngày vậy cực quá, đoàn cô là đoàn từ thiện ghé trường vùng cao để hỗ trợ. Con
có muốn cô tặng con một chiếc xe đap không?
Đứa bé ra chiều suy tư
rồi quả quyết:
- Dạ vậy cô ghé trường
con nha, trường con nhiều bạn còn khó hơn cả con, nếu được cô hỗ trợ mấy bạn ấy
chứ con vẫn còn khoẻ, con còn đi được đó cô.
- Thế con có thấy buồn,
thấy tủi thân khi con phải đi bán đồ mỗi ngày, trong khi mấy bạn dưới trấn được
ăn ngon mặc đẹp, ba mẹ đưa đón đi học không?
- Dạ không ạ. Con đi làm
thì kiếm được tiền, đỡ đần cho ba con thì sao con tủi thân được ạ?
Câu nói của con bé như
vừa trưởng thành, lại vừa có gì đó xót xa, có lẽ suy nghĩ ngây thơ nhưng lương
thiện của con bé đã đánh động trái tim của tất cả người lớn trên đoàn xe ngày
đó mà cả con bé còn không hay biết. Đến điểm trường, con bé lễ phép cúi chào
chúng tôi bằng một cái gập thật sâu và chạy vào cười đùa cùng đám bạn trong
sân. Tuy gọi là trường nhưng trông chỉ như một lớp học nhỏ với mấy chục học
sinh. Đứa bé cười thật tươi, dường như mọi bộn bề của cuộc sống đã bị bỏ quên
bên ngoài khi được hòa vui cùng chúng bạn…
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét