Anh em văn nghệ sĩ ở Đồng bằng sông Cửu Long hình như ai cũng biết tiếng anh Lâm Tẻn Cuôi là một người khuyết tật đa tài, không những giỏi về kinh doanh mà còn say mê thơ ca. Năm 2003, tôi hân hạnh được kết bạn với anh kể từ lúc mọi người xúm đẩy chiếc xe lăn của anh lên dốc khán đài để nhận giải thưởng cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre.
Tính đến nay anh đã cho ra mắt bạn đọc tất cả ba tập thơ: “Về miền hoa nắng”, “Tiếng hát học trò”, “Thời trăng cũ” và trên ba trăm bài thơ đăng rải rác trên các báo và tạp chí, đã chiếm được nhiều cảm tình của giới yêu thơ. Ngoài hoạt động văn học, anh còn là một doanh nhân thành đạt, một người khuyết tật kiên trì đã vượt qua muôn vàn khó khăn để vươn lên thành tỉ phú.
Năm 1951, anh Lâm Tẻn Cuôi đã sinh ra và lớn lên tại Giá Rai - Bạc Liêu. Anh là con út trong một gia đình hai con, luôn được cha mẹ cưng chiều như trứng mỏng nhưng thật bất hạnh thay, năm ba tuổi anh đã bị một cơn sốt bại liệt quật ngã khiến cho đôi chân hoàn toàn tê liệt!. Thế là tuổi thơ của anh đã chìm đắm trong những chuỗi ngày u buồn ảm đạm, giống như một bầu trời không trăng sao. Nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, anh đã dần dần tự chiến thắng bệnh tật để hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng và sống hết mình với những ước mơ, hoài bão của mình.
Tuy số phận tật nguyền nhưng bù lại gia đình đã dành hết tình cảm yêu thương cho anh. Năm tám tuổi, người anh ruột là Lâm Tấn Bình đã chịu thương chịu khó dùng xe đạp có chêm chiếc gối nệm đưa anh đi học mỗi ngày, nhưng sau khi hết cấp I anh phải nghỉ học vì không có điều kiện đi xa. May thay, lúc đó có một cô giáo tận tình thương yêu, ngày nào cũng dành ít thời giờ quý báu đến nhà dạy kèm cho anh. Nhờ thông minh và cần cù chịu khó, cuối cùng anh cũng theo đuổi hết chương trình cấp III. Trong quá trình học tập và rèn luyện, anh thích nhất là môn văn, đặc biệt là thơ nên từ khi bước chân vào đời đến nay, ngoài việc kinh doanh ra, thơ đối với anh như một lẽ sống, một niềm vui và là chất men nồng giúp anh vượt qua những mặc cảm tật nguyền để phát triển kinh doanh.
Khi lớn lên, anh đã tìm được một người bạn đời tri kỷ – chị Võ Thị Tuyết Mai, người cũng bị di chứng sốt bại liệt nhưng lao động vẫn bình thường nên đã trở thành trợ lý đắc lực cho anh. Khi cha mẹ qua đời, vợ chồng anh tiếp nối sự nghiệp của cha mở một cửa hàng mua bán tạp hóa, bánh kẹo, sau đó chuyển sang mua bán lúa gạo. Công việc làm ăn của anh ngày càng thuận lợi và tích lũy được nhiều vốn nên đến năm 1994 anh đã chuyển sang mua bán thức ăn gia súc và thuốc thú y với thương hiệu “Lâm Nguyên Hưng” tại số 5 đường Trần Phú, thị xã Bạc Liêu. Nhờ siêng năng cần mẫn và làm ăn có uy tín nên việc kinh doanh mua bán phát triển rất nhanh, cuộc sống gia đình ổn định. Tuy vậy, anh vẫn coi thơ là nguồn mạch của cuộc sống, của ước mơ và hy vọng.Năm 1995, anh được kết nạp vào Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu. Từ đó đến nay khi thì anh ngồi xe lăn trông nom quản lý cửa hàng, lúc thì cầm điện thoại giao dịch với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mọi chi thu, xuất nhập hàng hóa đều do một tay anh đảm trách. Anh không những giỏi về điều hành mà còn nhạy cảm với thị trường, luôn nắm bắt các mặt hàng mới để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu thụ, chẳng hạn như các loại thuốc dinh dưỡng và thuốc thú y. Có thể nói chiếc máy vi tính là người bạn gần gũi giúp anh giải quyết mọi công việc kế toán nhanh và hiệu quả nhất.
Anh cho biết từ khi chập chững vào đời, anh đã được cha mình tận tình dạy bảo những điều hay lẽ phải ở đời, đặc biệt là cách đối nhân xử thế, trong đó có một câu nói mà anh coi như lời giáo huấn vàng ngọc “Con hãy hoàn thiện cuộc sống của mình trước khi giúp đỡ cho người khác”. Chính vì vậy mà lúc nào anh cũng canh cánh bên lòng một hoài bão làm giàu bằng nghề mua bán mà cha anh đã tích lũy và đúc kết được từ bao thế hệ, nay truyền lại cho anh. Phương châm của anh là “Thật tình, chất lượng và lấy chữ tín làm đầu” .
Thế là hơn ba mươi năm gắn bó với thương trường, thuận lợi có, khó khăn cũng không ít, nhất là từ khi bước vào làm ăn trong bối cảnh hiện nay, anh đã năng động, dám nghĩ dám làm, từng bước tạo nên một sự nghiệp vũng chắc. Đó chính là tâm huyết, là ước mơ cháy bỏng thôi thúc anh vượt qua mọi rào cản của tật nguyền. Có thể nói những điều anh đạt được đều bắt đầu bằng những suy tính kỹ lưỡng và tinh thần tự học để nâng cao trình độ quản lý.
Anh đúng là một người khuyết tật có tầm nhìn xa hiểu rộng, một người có bản lĩnh trong kinh doanh. Vốn càng cao anh càng đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ đến các xã, huyện. Nhờ vậy mà khách hàng đến với anh ngày càng đông. Anh nói lúc khởi nghiệp khó khăn chồng chất nhưng với ý chí “Quyết không để cho kinh tế gia đình suy sụp” mà cha anh đã dạy nên lúc nào anh cũng chăm chỉ, cố gắng, lạc quan tin vào đôi tay và khối óc, vững tâm điều hành công việc.
Anh Lâm Tẻn Cuôi đã thật sự trở thành một hình ảnh đẹp về người khuyết tật vượt khó, thành đạt đáng khâm phục. Trong cuộc sống anh còn được mọi người biết đến như một người có lòng nhân hậu, lòng thương người và tích cực đóng góp cho xã hội. Được biết anh đã dùng hầu hết số tiền nhuận bút của mình để tặng cho những học sinh nghèo hiếu học và những em bé lang thang cơ nhỡ. Bạn bè gặp những lúc khó khăn anh đều sẵn sàng giúp đỡ. Tất cả những việc làm của anh đều có một thứ ánh sáng tỏa ra từ cái tâm ngời sáng.
Tật nguyền đã mang đến cho anh nhiều phiền toái nhưng anh không lấy đó làm đau. Anh thường nói “Nỗi đau không phải tật nguyền mà là tâm lý vượt qua những mặc cảm tật nguyền”. Chính vì vậy mà trong thơ anh không bao giờ nhắc đến hai chữ “xe lăn” mà chỉ đề cập đến tình yêu, tình bạn và tình người. Hơn nửa đời ngồi xe lăn, anh đã chịu thương chịu khó nuôi cả 5 người con thành tài và tạo nên một sự nghiệp to lớn. Có thể nói một người bình thường phấn đấu cả đời cũng chưa chắc có được một cơ ngơi đồ sộ gồm nhà ở, nhà kho, tiệm buôn đầy đủ tiện nghi giữa lòng đô thị như thế!
Có người gọi anh là “Nhà thơ, nhà doanh nghiệp và chiếc xe lăn” vì tình cảm, trí tuệ và thơ ca đã nâng anh lên khỏi cảnh đời nghiệt ngã, giúp anh tự tin “Mộtcây cụt đọt nhưng vẫn ra hoa kết trái”. Đúng vậy, chính anh đã làm nên một kỳ tích “Người tật nguyền nuôi người khỏe mạnh”. Chị Hồng Nga, một cô giáo ngồi xe lăn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật TP.Cần Thơ đã từng động viên những người cùng số phận “Mình hãy trỗi dậy và mỉm cười với đời, đời sẽ mỉm cười với mình. Còn nếu khóc sẽ phải khóc một mình“. Nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi cũng thế, anh luôn sống lạc quan và cất tiếng cười trên số phận bi thương của chính mình như nhà thơ Lê Chí đã có lần viết về anh: “Bản thân anh Lâm Tẻn Cuôi là một bản trường ca thấm đẫm buồn vui”.
Số phận đã tước mất của anh một phần cơ thể nhưng bù lại, số phận đã ban tặng cho anh một phẩm chất cao quý, một tâm hồn lạc quan và niềm tin yêu vào cuộc sống. Anh rất xứng đáng được UBND tỉnh Bạc Liêu bình chọn là người tàn tật thành đạt và được đề cử đi dự Đại hội Người tàn tật Châu Á – Thái Bình Dương tại Hà Nội.
Giờ đây, anh đang đi trên con đường rộng thênh thang, sự nghiệp kinh doanh đã vững vàng, gia đình thật ấm no và hạnh phúc, nay mai mỗi người con của anh sẽ là những cánh tay đắc lực kế tục sự nghiệp của anh. Hình ảnh của anh, một nhà thơ, một doanh nhân thành đạt chắc chắn sẽ còn âm vang mãi trong lòng bạn bè như một chuyện cổ tích trong thời hội nhập.
HOÀI PHƯƠNG
___________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét