Nếu lấy hậu tổ Nguyễn tộc là Ức Trai Nguyễn Trãi đệ nhất khai quốc công thần triều Hậu Lê, thì Nguyễn Triều Văn là cháu đời thứ 7. Tìm lại nguồn gốc khi vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi bị “tru di tam tộc” và theo gia phả dòng họ Nguyễn ở Hải Hậu thì người con thứ ba của Nguyễn Trãi và phu nhân chánh thất Trần Thị Thành (có sách chép Trần Thị Ngọc Điềm) là ông Nguyễn Công Duẩn, một tướng thời Hậu Lê tham gia nghĩa quân Lam Sơn, đánh nhau với tướng Minh là Mộc Thạnh tại sách Hoa Lê (Lào Cai), được thăng chức Đô Kiểm Sư. Khi vụ án thi hành thì ông Duẩn đã ở một vùng ngoài Thăng Long nên đã cùng gia quyến chạy thoát và mai danh ẩn tích. Đến đời Lê Thánh Tông minh oan, ông được phong tước Hoằng Quốc công.
Ông Duẩn sinh người con cả là Nguyễn Đức Trung, tước Trình Quốc Công đời Lê Thánh Tông (ông Trung sinh ra dòng Tướng).
Người con thứ tư là Nguyễn Như Trác, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) triều Lê Thánh Tông, tước Phó Quốc Công. Ông Trác sinh ra dòng chúa (Chúa Tiên Nguyễn Hoàng gọi bằng cố).
Ông Nguyễn Đức Trung sinh ra Nguyễn Hữu Vĩnh, Hùng Quốc Công triều vua Lê Hiển Tông (1497-1504). Nguyễn Triều Văn gọi ông Nguyễn Hữu Vĩnh bằng cố.
Nguyễn Triều Văn là vị tướng dưới triều Lê Anh Tông (1557-1573) vì bất mãn với Chúa Trịnh, nên ông đem gia đình vào Nam theo Chúa Nguyễn và nhập tịch tại làng Phúc Tín, huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh). Lúc này Nguyễn Hữu Dật mới lên 6. Nguyễn Hữu Dật được sống bên người cha văn võ kiêm toàn, được sự kềm cặp của cha nên năm 16 tuổi, thông minh sáng trí, có tài văn học, được chúa dùng làm văn chức. Chúa Sãi Vương căn dặn: “Chiêu Vũ còn nhỏ tuổi, chưa am hiểu công việc quân cơ, đức tính chưa thuần, lời nói còn ngang ngược. Nay phải trao cho Triều Văn Hầu dạy dỗ, sau lớn lên sẽ cân nhắc”.
2- Nguyễn Hữu Dật
Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật sinh năm 1603 tại Thăng Long con của vị quan Tham chiến Nguyễn Triều Văn, được phong tước hầu (Triều Văn hầu) dưới triều vua Lê Anh Tông (1557-1573) .Thuở nhỏ Dật thường cùng bạn bè bày binh bố trận chơi giặc giả, và lúc nào ông cũng làm chỉ huy. Tuy thích “trận mạc” nhưng ông tính tình hiền hậu. Lúc đi học rất thông minh, trí nhớ hơn người. Càng lớn lên ông càng thích văn chương, lại có tài võ nghệ. Cha ông thấy năng khiếu của con muốn được phát huy, ông mời thầy về dạy học. Ông được võ sư tận tâm truyền thụ các binh thư, binh pháp cũng như võ nghệ. Lúc ông 16 tuổi đã lừng danh văn chương, võ lược nên được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) bổ nhiệm làm chức quan văn trong triều. Do có tài, được bổ nhiệm giữ chức vụ sớm nên ông nẩy sinh tính tự cao, chúa Sãi cho nghỉ việc rời triều. Nhưng sau chúa xét thấy tài năng của ông cần được sử dụng, nên vời lại triều và cho giữ chức vụ cũ. Sau đó, ông được lên chức Tham cơ vụ, được tham dự các cuộc họp bàn việc cơ mật, ông đã đóng góp nhiều ý kiến có lợi cho việc triều chính. Sau chuyển làm Giám chiến, đem quân đi đánh giặc, ông có tài định liệu tình hình địch, nên thường đánh thắng. Trận đánh năm Mậu Tý ( 1648 ) nổi tiếng, cả hai cha con cùng ra trận. Nguyễn Triều Văn lãnh quân thuỷ, Nguyễn Hữu Dật lãnh quân bộ, đánh đại thắng quân Trịnh. Ông được chúa Nguyễn thăng chức Cai cơ lãnh ký lục dinh Bố Chính, sau thăng Đốc chiến, tước Chiêu Vũ hầu, cùng Nguyễn Hữu Tiến đem quân ra Bắc Hà, chiếm được đất hai huyện thuộc Nghệ An; sau khi đem quân về vẫn trấn đạo Lưu Đồn.
Phải nói rằng trong chiến thắng quân Bắc, Nguyễn Hữu Dật đã dùng thư giả để ly gián, làm cho Trịnh Tráng không tin dùng Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn, rồi tướng Hàn Tiến dẫn đến cả hai đều bị sát hại, có lợi cho quân Nam Hà. Tuy nhiên cũng chính ông định dùng kế trá hàng chúa Trịnh, viết thư hẹn về hàng Bắc Hà đã dẫn đến việc Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần nghi Chiêu Vũ hầu có ý đồ, mưu toan hàng chúa Trịnh, và bị chúa ra lệnh tống ngục. Trong ngục ông đã sáng tác tậpHoa vân cảo thị tỏ nỗi oan khuất, cố lồng tâm trạng của mình vào cốt truyện. Chúa Hiền đọc được mới hiểu tấm lòng trung thành của ông, bèn cho ra khỏi ngục, trả lại chức tước như cũ.
Năm 1661, ông được thăng làm Chưởng cơ, trấn thủ dinh Bố Chính. Cuối năm đó, con chúa Trịnh Tạc là Trịnh Căn mang quân vào đánh. Ông dùng kế “vườn không nhà trống”, sai dồn hết dân vào trong luỹ nên ít bị tổn hại.
Nói đến công lao của Chiêu Vũ hầu phải kể đến viêc đóng góp mưu trí trong việc xây dựng chiến luỹ nhằm cản bước tiến quân của Chúa Trịnh. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ biết Chiêu Vũ hầu là người tài giỏi, có con mắt chiến lược của nhà quân sự nên đã bàn luận cùng Chiêu Vũ hầu và được hiến kế đắp luỹ Nhật Lệ được Chúa Sãi đồng ý. Đào Duy Từ cùng Chiêu Vũ hầu hạ lệnh cho quân dân phủ Quảng Bình đắp luỹ Trường Dục chạy dài 9 km từ chân núi Thần Đinh về đến Hạc Hải năm 1630, xây luỹ Đầu Mâu (còn gọi Trường Thành Định Bắc) chạy dài từ núi Đầu Mâu về cửa Nhật Lệ vào năm 1631. Khi Đào Duy Từ mất, Nguyễn Hữu Dật cho xây tiếp luỹ Trường Sa năm 1634, luỹ An Náu năm 1661.
Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật là một người văn võ toàn tài, lúc làm tướng có nhiều công lớn, đánh đâu được đấy, ví như Khổng Minh nhà Hán và Lưu Bá Ôn nhà Minh.
Mùa xuân, năm Tân Dậu (1681) vì tuổi cao sức yếu, bị bệnh và ông qua đời tại Đạo Lưu Đồn, hưởng thọ 78 tuổi.
Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, truy tặng Ông: Tả quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Chiêu Quận công, thuỵ là Cần Tiết. Nhân dân phủ Quảng Bình thương nhớ gọi là “Bồ tát Phật”, lập đền thờ ở Thạch Xá. Năm Gia Long thứ tư liệt hàng Thượng đẳng khai quốc công thần, thờ phụ ở Thái miếu.
Nguyễn Hữu Dật sinh nhiều con trai trong đó có 4 người đều là tướng giỏi, được phong tước hầu:
Nguyễn Hữu Hào, tước Hào Lương Hầu.
Nguyễn Hữu Trung, tước Trung Thắng Hầu.
Nguyễn Hữu Cảnh, tước Lễ Thành Hầu.
Nguyễn Hữu Tín, tước Tín Đức Hầu.
Xin được giới thiệu 2 người nổi tiếng hơn đã được ghi chép trong sử sách.
3- Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào
Nguyễn Hữu Hào sinh năm 1646 tại làng Phúc Tín, huyện Khang Lộc, nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông nội là Nguyễn Triều Văn, tước Triều Văn hầu, vì bất đồng với chế độ Đàng Ngoài nên đã rời bỏ quê hương Thanh Hoá vào theo Chúa Nguyễn, nhập tịch tại làng Phúc Tín. Ông ra đời và lớn lên giữa cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn phân tranh. Cả gia đình dòng Nguyễn Hữu là những vị tướng tài có nhiều đóng góp cho chúa Nguyễn. Cha là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, văn võ toàn tài, làm tướng có nhiều công lớn, đánh đâu được đấy, được xem là chỗ dựa vững chắc của chúa Nguyễn, chết được tặng Tả quân đô đốc phủ chưởng phủ sự, thuỵ là Cần tiết. Em ruột là Thống binh Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một võ tướng có công mở cõi Phương Nam đất Việt.
Là con của quan Giám chiến Chiêu Vũ hầu nên được tập tước từ năm 26 tuổi, năm 43 tuổi giữ chức Cai cơ coi trấn Cựu dinh Ấi Tử (Quảng Trị). Ông có dáng dấp uy dũng, nhưng trong lớp nhung phục lại gói ghém một cá tính nhân từ, trung hậu. Người đời truyền tụng “Quan tam phẩm Nguyễn Hữu Hào có dị tướng cùng với danh tụng ngoài đời”, “ông quan vui tính có đôi mắt voi đa dạng”… Bình thường nhìn vào mắt ông rất mực hiền từ, nhưng khi nóng giận đột ngột hoặc suy nghĩ thái quá, thì “ngài chỉ cần chớp mắt, lập tức hoá đỏ au, dữ tợn. Ai thấy cũng khiếp sợ. Ngược lại, cử chỉ cùng giọng nói của ngài thì trở nên nhu hoà hơn lúc nào”. Đức độ ấy, tính tình ấy đã khiến cho các tướng sĩ và nhân dân đều cảm phục; quân thù nghe danh cũng mến mộ quy hàng.
Xuân Canh Ngọ (1690) khi Hào Lương hầu đương chức Thống suất, lãnh trách nhiệm đi bình định phía nam, tướng quân Hào Lương hầu cũng muốn dùng phương kế ngoại giao hơn là quân sự.
Với chính sách ôn hoà, ông đã thành công bước đầu. Ông không muốn lấy thế thắng để trấn áp kẻ đã quy phục mình: “Thừa lúc chi nguy mà làm diều phi tín nghĩa, rất không phải đạo”, “Mặc dù họ đã phản bội quấy phá biên giới, song nay kẻ ấy biết lỗi chịu tội, mình cũng nên khoan hồng. Vả lại đôi bên không phải giao chiến, đỡ chết chóc. Quân mình không mất một giọt máu, không hao một mũi tên mà được họ quy phục, như thế chẳng hay lắm ru!”. Với chính sách đó mà biên cảnh yên ổn, quân sĩ vẹn toàn. Thế nhưng ông lại bị dèm pha, gán cho ông tội chần chừ, bỏ lỡ cơ hội thắng lớn. Chúa nghe theo những lời dèm pha ấy, tức giận tước hết quan chức của ông.
Trở lại cuộc sống thứ dân, Nguyễn Hữu Hào vẫn bình thản, vui vẻ. Ông thường tạo niềm vui là thong dong ngắm cảnh, đọc sách, ngâm vịnh thơ phú…
Sau một thời gian Chúa Nguyễn Phúc Chu lên nối ngôi, ông được phục chức rồi thăng Chưởng cơ. Năm 1704, ông làm Trấn thủ trấn Quảng Bình, đóng tại Dinh Võ Xá. Cũng chính từ đây ông viết truyện thơ Truyện Song Tinh Bất Dạ bằng quốc âm, được người đời truyền tụng.
Truyện Song Tinh Bất Dạ dài trên 2300 câu. Đây là một truyện diễn Nôm từ truyện Định Tình nhân của tác giả vô danh, người Trung Quốc sống vào thời cuối Minh đầu nhà Thanh. Nội dung cốt truỵên như sau:
Cha của Song Tinh tự Bất Dạ là quan đồng liêu thân thiết với Ngự sử Giang Chương, tự Giám Hồ. Khi Song Tinh chào đời, ông đã cho bạn nhận trẻ làm con nuôi. Sau đó vợ của Giám Hồ sinh được một cô gái đặt tên Nhuỵ Châu.
Thế rồi cha Song Tinh mất, hai gia đình cách trở mãi cho đến khi Song Tinh lớn lên, nghe lời mẹ tìm đến nhà họ Giang, xin trọ học ở đó.
Gần gũi, Song Tinh và Nhuỵ Châu yêu nhau, nhưng gặp một trở ngại, về danh nghĩa họ là anh em. Song Tinh tương tư tuyệt vọng suýt chết và vì thương cảm bố mẹ Nhuỵ Châu hứa sẽ gả con gái cho. Dốc chí học tập, Song Tinh thi đỗ Trạng Nguyên. Viên Phò mã họ Đỗ muốn gã con gái cho Song Tinh, nhưng Song Tinh từ chối bèn lập mưu đẩy chàng đi đánh giặc Phiên ngoài biên ải.
Ở nhà Nhuỵ Châu bị Hách Nhược Sinh, con một đại quan đến cầu hôn. Bị nàng từ chối, Nhược Sinh lập mưu đưa nàng tiến cung. Giữa đường Nhuỵ Châu tự tử. Nhưng được hai người đầy tớ của Song Tinh cứu sống, đưa nàng về ở nhà của mẹ Song Tinh.
Ngoài biên ải, vì phục tài Song Tinh nên đối phương thần phục với triều đình. Khi về đến nhà, Song Tinh đau đớn khi biết Nhuỵ Châu đã chết. Theo di ngôn của nàng, Song Tinh cưới Thế Vân, thị tỳ của Nhuỵ Châu, nhưng không chung chăn gối để giữ trọn niềm chung thuỷ.
Lấy cớ bận việc quân, Song Tinh cho Thế Vân sang nhà phụng dưỡng mẹ. Ở đấy Nhuỵ Châu và Thế Vân gặp nhau. Ít lâu sau, Song Tinh trở về gặp Nhuỵ Châu ở nhà mẹ. Hai người kết lại duyên xưa.
Song Tinh Bất Dạ miêu tả một cuộc tình duyên tự do, vượt qua những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, vượt qua những thành kiến hẹp hòi và cường quyền bạo lực để cuối cùng kết thúc bằng sự thắng lợi của tình yêu chung thuỷ, đề cao khát vọng của tình yêu ! Truyện cũng tố cáo lối sống xa hoa và tính cách độc ác, hèn hạ của bọn vua chúa, quan lại phong kiến.
Mùa thu Quý Tỵ (1713), ông mất tại Dinh trấn Võ Xá, thọ 67 tuổi. Chúa truy tặng Đôn hậu công thần, thuỵ Nhu Từ. Linh hài được cát táng tại Đập Chọ xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, theo hướng đã quy định trong gia phả họ Nguyễn Hữu ghi : “Thượng An Mã, hạ Đùng Đùng, Trung Trung nhất huyệt”. Năm 1959 do xây dựng nông trường buộc phải dời phần mộ, nên con cháu đã di cốt về an vị tại Lòi Lăng, cách Đập Chọ 4 km, nhưng vẫn giữ đúng hướng Trung Trung nhất huyệt.
Ngày xưa tại quê ông có đền Tĩnh Quốc Công thờ hai cha con danh thần Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Hào tại Xóm Bến làng Vạn Xuân, xã Vạn Ninh, nhưng nay do chiến tranh không còn nữa.
4- Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại làng Phúc Tín, huyện Khang Lộc (nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh). Ông là con thứ ba của Tiết chế Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, em của Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào, một danh tướng triều Nguyễn.
Từ nhỏ Nguyễn Hữu Cảnh tỏ ra thông minh, học giỏi, sớm rèn luyện thao lược, văn võ song toàn. Lớn lên theo cha tham gia trận mạc, lập nên chiến tích lớn nên được chúa Nguyễn tin yêu, trọng vọng và phong chức Chưởng cai cơ, tước Lễ Thành Hầu.
Vào những năm 1690-1691, vua Chiêm Thành thường đem quân vượt biên giới, sát hại dân Việt ở vùng Diên Ninh, Diên Khánh, ông được Chúa cử làm Tổng binh đã bình định biên giới, thành lập trấn Thuận Thành (đất Ninh Thuận - Bình thuận ngày nay). Sau đấy một nhóm người Tàu đứng đầu là A Bân xúi giục nổi loạn. Nguyễn Hữu Cảnh lại được lệnh ra biên cương dẹp loạn, đem lại bình yên cho dân chúng, rồi ông được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khang (nay là Khánh Hoà-Bình Thuận).
Tháng 2 năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai.
Ông không chỉ có biệt tài về quân sự, mà còn có đầu óc tổ chức giỏi nên được chúa Nguyễn cử vào Nam kinh lược, mở mang bờ cõi và tổ chức bộ máy ở vùng đất mới, hoang sơ của Nhà nước lúc bấy giờ đang còn phức tạp.
Ở xứ Đồng Nai có câu ca :
Đến đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, tiếng cá vùng cũng kinh
Hoặc:
Đồng Nai địa thế hãi hùng
Dưới sông cá sấu lội, trên giồng cọp um…
Trải bao thế hệ con dân xứ Đồng Nai bằng mồ hôi và xương máu tô thắm trang sử dựng nước và giữ nước, tạo nên hào khí Đồng Nai bất diệt!
Âm vang từ vùng đất hoang sơ còn vọng đến hôm nay, qua những thăng trầm của đất nước nhắc nhở chúng ta “Uống nước nhớ nguồn”.
Nhiều tên tuổi rực sáng trang dựng nước và giữ nước như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Tri Phương, Trịnh Hoài Đức…đã được khắc trên bia đá và cả trong lòng các thế hệ người Đồng Nai. Đó là những con người đem sức lực và trí tuệ làm rạng danh xứ Đồng Nai - vùng đất phương Nam của Tổ quốc trong tiến trình lịch sử đất Việt. Sự nghiêp vẻ vang của công cuộc mở mang bờ cõi vùng đất Nam Bộ vào cuối thế kỷ XVII đâù thế kỷ XVIII, mà tên tuổi chói ngời là vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh.
Cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết vào năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía nam, ông “lấy Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức lưu thủ và ký lục để cai trị.”
Chính năm ông dặt chân đến xứ Đồng Nai được chọn làm mốc cho việc khai mở vùng đất mới Phương Nam.
Với chuyến kinh lược ngắn ngủi này, Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện những công việc quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với công cuộc khai khẩn không chỉ Đồng Nai mà còn toàn vùng Nam Bộ. Từ một vùng đất lưu dân tự phát, Nguyễn Hữu Cảnh với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển đã chiêu mộ dân ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - tức Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi ) có nguồn gốc đồng bằng sông Hồng, sông Mã cùng với số tù binh mà chúa Nguỹên bắt được giờ họ không muốn về bản quán. Họ chăm lo khai khẩn ruộng đất, đặt dưới các đơn vị phường ấp, thôn xã, họ nhận phần đất được chia; chính quyền lập sổ bộ, tịch điền, đóng thuế đinh điền… Ông đã chính thức hoá việc sát nhập toàn bộ đất Đông Nai vào bản đồ Đàng Trong, mở mang biên cương lãnh thổ đất Việt.
Bằng viêc sắp đặt, tổ chức hệ thống hành chính, áp dụng chính sách khai hoang, lập ấp hợp lý của ông, chẳng bao lâu vùng đất đầm lầy và rừng núi Đồng Nai vươn lên sức sống mới với những làng mạc, phố xá trù phú. Những việc làm của ông trong chuýên đi ngắn ngủi tạo nên nhân tố cơ bản làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội - chính trị cho vùng đất Phương Nam Tổ quốc, đem lại cuộc sống phồn vinh cho nhân dân.
Sau những cống hiến cho đất nước, xông pha trận mạc, bình giặc ngoại xâm, ông mất ngày 16 tháng 5 Canh Thìn - 1700 (có tài liệu nói ông mất ngày 9 tháng 5 Canh Thìn) tại Rạch Gầm, đã để lại sự thương tiếc vô hạn cho nhân dân. Chúa Nguyễn mất đi một đại công thần, tài đức vẹn toàn. Quý mến và ghi nhớ công lao của ông, ở các nơi ông đặt chân đến nhân dân lập đền thờ ông, một số trường học đặt tên ông. Tại thôn Bình Hoành, dinh Trấn Biên, người dân đã lập võ miếu trang nghiêm tôn ông là vị Thành hoàng đầy linh hiển, luôn luôn giúp con dân xứ sở bình an, thịnh trị. Đền thờ ông nằm trên bờ sông Đồng Nai, nơi địa điểm Tổng hành dinh mà ông đã đóng quân khi mới đặt chân đến xứ Đồng Nai. Các đời vua nhà Nguyễn cắt cử người trông coi, hằng năm xuất công quỹ trọng kính ngày giỗ, trùng tu sửa sang. Di tích hiện còn là một kiến trúc tương đối hiện đại, các nét xưa chỉ còn trong nội thất. Tại đây hiện còn lưu giữ một bộ áo mão và đôi hia đặt trong tủ kính để thờ (tương truyền là của Đức Ông thuở sinh thời). Đền Bình Kính thờ ông và mộ (quyền táng) đã được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử văn hoá Quốc gia ngày 25/3/1991. Quyết định số 457 của Bộ Văn hoá ghi: “Nhằm thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với di tích lịch sử, đền thờ và “mộ” Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai được xếp hạng di tích Quốc Gia”.
Công ơn Nguyễn Hữu Cảnh với dân Đồng Nai và cả Nam Bộ thật sâu đậm, xứng đáng được tôn vinh là Đệ nhất công thần xứ Đồng Nai. Lịch sử khai phá vùng đất này mãi mãi khắc ghi ông là “tiên hiền của các tiên hiền”. Sự nghiệp của ông được ghi trong câu đối:
Bình điện sơn hà lê nguyên hàm đại hữu
Kính khai công thổ thiên hạ ích đồng tâm
Tạm dịch:
Định rừng sông núi, lương dân đều được hưởng
Mở mang bờ cõi, thiên hạ thảy chung nhờ.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng nhiều nhất là ở tỉnh An Giang (19 đền). Ví dụ đền Châu Phú (Châu Đốc), đền Vĩnh Ngươn qua kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc), đền thờ Đức Ông (Long Điền, Chợ Mới) v.v…
Tại Tiền Giang có đền Thống Binh Lễ Thành Hầu (Sầm Giang, Châu Thành).
Tỉnh Đồng Nai có đền Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh (Biên Hoà).
Tại Chợ Lớn - TP Hồ Chí Minh có đình Minh Hương Gia Thạnh…
Tại Nam Vang (Cam-pu-chia) ở Miếu cổ Nam Vang có bài vị Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh…
Hàng năm, các địa phương có đền, miếu thờ Đức Ông (Nguyễn Hữu Cảnh) có tổ chức lễ hội. Có nơi tổ chức 3 ngày có phần hội như đánh vật, đấu võ, đưa thuyền…
Nghi lễ tổ chức tôn nghiêm đúng thể thức văn hoá cổ truyền, có lễ dâng hương, có văn tế. Xin lấy một bài làm ví dụ:
Kính cẩn hướng về Tướng Công,
Sử gia ghi dấu, ranh giới miền Nam
Sống thác coi như lông hồng, nghĩa khí vươn cao nơi trời biếc
Trung trinh xuyên qua nhật nguyệt, nghiệp anh hùng da ngựa bọc thây
Ung dung từng tựu nghĩa, tuyển chọn tuỳ tùng ra ngàn dặm
Nghe gió há thẹn mình, oai hùng trấn giặc khắp bốn phương
Trông tượng thờ Ngài rỡ ràng linh sắc
Nhìn bậc Thánh nhân rực chiến oai hùng
So Quan Công thờiThục Hán lừng lẫy ngang nhau
Sánh Nhạc Mục nơi Triều Tống uy nghi nào kém
Đền ơn Tổ quốc, dẫu khác nhau non nước cũng dành ngôi hiển hách
Trả nợ trung can cùng chung mới, Đẫu Ngưu từng sáng khí hùng anh
Nhớ Người còn mãi với càn khôn, nuôi rèn chí lớn
Mở trang sở chói cùng nhật nguyệt, sáng rực anh linh
Than ôi!
Tướng Công sinh ở phương trời một cõi
Thân thế thác nơi thành dài muôn dặm
Ngàn năm cúng tế
Muôn đời lưu danh
Công đức ghi sâu trên đất Việt
Danh linh chép lại ở đài lân
Sự nghiệp ngàn thu trong vũ trụ
Anh hùng vạn thuở chốn Viêm bang
Xin chân thành kính cẩn công hồ hải
Hằng hân hoan tưởng niệm đức cao minh
Cúi đầu kính tỏ !
Nhiều thành phố, thị xã lấy tên ông đặt tên đường như:
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Tân Định, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh - đại lộ dọc sông ở Biên Hoà, Đồng Nai.
Đường Thượng Đẳng Lễ Thành Hầu ở Châu Đốc, An Giang.
Đường Chưởng Binh Lễ ở Long Xuyên, An Giang…
Một số trường học cũng đặt tên ông như:
Trường Trung học Nguyễn Hữu Cảnh, Châu Đốc, An Giang.
Trường Trung học Chưởng Binh Lễ, Long Xuyên.
Ở Quảng Bình, quê hương ông, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập đền Vĩnh Yên ở phường Chiêu Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) thờ khai quốc công thần Nguyễn Hữu Kính (Cảnh). Đền thờ lâu ngày bị hư phế, nay được Ủy ban nhân dân Quảng Bình cho xây dựng lại trên nền đền cũ để tưởng nhớ vị danh nhân quê hương đất nước.
Tỉnh cũng đầu tư tôn tạo lăng mộ ông ở Thác Ro, huyện Lệ Thuỷ.
Thành phố Đồng Hới có một con đường mang tên Nguyễn Hữu Cảnh.
Một dòng họ Nguyễn Hữu đã làm rạng danh cho quê hương đất nước trong sự nghiệp bảo vệ biên cương và mở mang bờ cõi.
ĐỖ DUY VĂN (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét