Trong nhà, hẹp đến nỗi ngoài lối đi chừng ba tất thì không thể kê thêm được một cái bàn con, dù chỉ có hai chiếc giường tre ọp ẹp và cái bếp tạm bợ được chấp nối bằng mấy miếng cây vụn đối diện với bộ ván nằm sát trên mặt đất lồi lõm. Hồi trước, đây là chuồng trâu của chú Chín Bụng đã bỏ trống nhiều năm. Khi vợ chồng Tư Kiên ghé xuồng lại, cắm sào dưới bến, lên gặp chú hỏi làm mướn kiếm sống. Chú Chín thấy anh chị mới đến lạ nước lạ cái lại hiền lành, thật thà, đứa con gái đã mười bảy tuổi mà khờ khạo, chị vừa sanh thêm thằng Tâm nên chú thương. Chú cho ít cây lá sửa chữa lại để anh chị tá túc, tránh mưa tránh nắng. Chú Chín còn giao cho anh chị hai mươi công ruộng để sạ lúa, làm xong ba vụ thì trả lại cho chú. Ai cũng nói chú Chín thiệt tốt bụng, sẵn sàng cưu mang người gặp khó khăn. Vợ chồng Tư Kiên cũng nghĩ vậy!
Lần đầu tiên trong đời người đàn ông bốn mươi ba tuổi là Tư Kiên mới được học cách trồng lúa. Bởi gia đình anh không có cục đất chọi chim nên từ nhỏ đã “học” hết những “nghề” làm thuê mướn. Mà ở đời, ít ai lại đi mướn người chăm sóc lúa! Bây giờ anh mới cảm nhận được nỗi vất vả khi làm ra hạt lúa trên mảnh đất ngập phèn. Nói tới độ phèn thì có thể khẳng định rằng không nơi nào như nơi này, không chốn nào đuổi kịp chốn này. Mặc dù các kênh xả phèn được xẻ ngang xẻ dọc như bàn cờ để cải tạo vùng đất hoang hóa xưa kia nhưng vẫn còn đó nước trong leo lẻo, nhìn thấu hai ba thước, thấy rõ tận đáy sông. Có chỗ phèn dậy lên nhuộm vàng chói những vạt cỏ năn, cỏ lác, những đám rễ tràm già nua. Mà cho dù nước trong hay vàng thì vị chát vẫn teo cả lưỡi, da khô quắt, rít rịt, người cứ cằn cỗi, ngay như cây dừa trước cửa nhà Tư Kiên đã hơn hai năm vẫn không cao hơn như lúc mới trồng, chỉ khác là lá ngã màu vàng như nghệ.
Vụ lúa đầu tiên Tư Kiên thu được chưa đầy hai trăm giạ. Ấy là tại chẳng phải anh không cần cù, chịu khó chăm sóc, mà phần vì đất phèn, phần vì anh chưa đủ kinh nghiệm canh tác, lại thêm thiếu tiền nên không đảm bảo phân bón, vôi hạ phèn, thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Xong vụ bán lúa trang trải nợ nần thì gần như trắng tay. Thế nhưng anh chị mừng lắm, vui lắm!
- Bữa nay, vợ chồng con mời chú Chín, chú Tám và anh em qua đây ăn cơm. Trước là con cảm ơn các chú, sau là anh em – Tư Kiên nói tiếp – Nói thiệt, nếu chú Chín không cho mượn đất, chú Tám không cho mượn lúa giống, cày xới đất giùm và dạy cho con cách trồng lúa thì chắc vụ rồi con cũng chẳng thu được giạ nào. Tấm lòng của các chú vợ chồng con thiệt không dám quên.
- Thôi, chuyện đó để qua bên. Bây nhớ cũng được mà quên cũng được. Bây thấy mấy nhà bên kênh Tê-năm không? Lúc mới lên đây thiếu đủ thứ, anh Tám bỏ công bỏ máy ra cày xới cho, chỉ lấy mỗi tiền dầu. Vậy mà bây giờ họ làm có ăn chút đỉnh không nhờ ảnh cày xới nữa, lại còn chê ảnh nào xới đất chưa tới, nào bị lõi nhiều. Hứ, sống ở đời phải có tình có nghĩa chứ, phải để đức cho con cháu sau này. Bây thấy đúng không?
Chú Chín vừa dứt lời, mọi người cầm ly rượu lên hưởng ứng:
- Chí lý! Chí lý! Cạn ly nghe chú Chín.
Đặt ly rượu xuống đệm, chú Tám khà khà:
- Rượu ngon! – Rồi chú nói tiếp – Họ ăn ở sao thì thây kệ, vợ chồng bây đừng bắt chước theo. Nếu tụi bây chí thú làm ăn, ít chơi bời nhậu nhẹt thì vài năm nữa cũng có của ăn của để. Người ta nói “Cỏ cứt heo còn có ngày trổ bông” mà!
Mọi người cười phá lên rồi bỗng dưng im bặt. Gió chiều thổi vi vu, chạy dài qua những cánh đồng mênh mông hương rạ đi mãi… Phải chăng có gắn bó với ruộng đất, có yêu thương từng cây lúa mới thấm thía vị ngọt nồng đượm của mùi rạ mới?!
Tư Kiên đột ngột quay vào nhà gọi lớn:
- Mình ơi! Ra tui nói mình nghe này nè!
Chị Tư te tái đi ra ngồi xuống cạnh chồng. Có lẽ chị biết rõ chuyện gì nên chị chỉ cười mà không cần hỏi. Anh Tư chậm rãi trình bày:
- Sẵn đây, con xin thưa với các chú và anh em một việc. Hôm kia, thằng Tèo có nhờ người mai mối tới hỏi cưới con Ngọc Nuôi…
- Phải thằng Tèo chạy xe ôm ngoài thị trấn không?
Nghe chú Chín hỏi, Tư Kiên nhíu mày”
- Dạ đúng rồi. Sao chú biết?
- Nó thường đậu xe đón khách trước cửa nhà tao. Cái thằng đó… - Chú Chín định nói gì đó, nhưng nghĩ thế nào chú hỏi – Rồi vợ chồng bây tính sao?
Tư Kiên đưa mắt nhìn vợ dò ý. Chị Tư giục:
- Mình nói đi.
- Dạ, vợ chồng con không có ý định gả nó bây giờ. Không phải tụi con chê nhà thằng Tèo nghèo mà vì Ngọc Nuôi tuy đã mười bảy tuổi nhưng khờ khạo quá.
- Chú coi – Chị Tư tiếp lời chồng – Con biểu nó đi đốt cỏ bờ mẫu. Khi cỏ cháy rồi nó không ngồi trên gió lại xuống dưới gió hứng chịu. Khói bay vô mặt thì lấy nón lá che.
- Trời đất! Tệ dữ không? – Chú Tám tặc lưỡi, tiếp – Mà tao thấy nó tội nghiệp quá! Nó là con gái, bây lại bắt nó đi đào đất mướn như vậy, cứ còng lưng chang chang ngoài nắng. Bây cũng biết công việc này là của thanh niên, của đàn ông mà.
- Chứ mình nghèo quá biết làm sao hả chú?! – Giọng chị Tư buồn buồn – Nhiều lần anh Tư kêu nó nghỉ nhưng nó không chịu. Nó nói đi mần hụ hợ với ba nó được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, chừng nào nhà đỡ khó khăn nó mới nghỉ.
- Con cái hiếu thảo vậy là tốt! – Chú Chín nhấn mạnh – Còn chuyện gả nó bây đừng có vội. Thời buổi này sợ gì ế chồng. Thằng Tèo tao thấy không được đâu. Nó mướn xe chạy hon-da ôm, được bao nhiêu tiền đóng cho chủ xe rồi còn lại đi nhậu tiếp, có dành dụm được cắc bạc nào đâu. Bây gả con cho nó là chuốc cái khổi vào thân đó nghen!
Trăng mồng mười chênh chếch trên đỉnh đầu, vẹt nửa như đời con gái chưa đến hồi chín mọng. Trăng không sáng lắm nhưng đủ soi rõ những mái đầu xanh và hai ngả màu sương khói; những gương mặt sạm đen và tấm lưng trần rám nắng; những cái tay rắn chắc và bàn tay sần sùi vì cầm leng, cầm cuốc; những con người hiền lành như đất, chân chất như hột lúa, hơn nửa cuộc đời thầm lặng gắn bó, núi giữ ruộng đồng. Có người nói, thời gian qua đi có thể làm thay đổi, đảo lộn mọi thứ, nhưng bản chất của người nông dân vẫn không thay đổi, tính chất phác vẫn vẹn nguyên đến hoang sơ từ gốc rễ đến ngọn ngành!
*
* *
Chiều nay, Tư Kiên lại nấu cơm mời chú Tám và chú Chín qua để “tâm sự cuối mùa gặt”. Khi đã có mặt đầy đủ và mgồi xung quanh mâm cơm trên chiếc đệm trải trước cửa nhà, sau một hồi chuyện vãn nào đất đai, nào lúc thóc, chú Chín chuyển sang “vấn đề” khác:
- Việc gả con Ngọc Nuôi, vợ chồng bây tính tới đâu rồi?
- Dạ, lúc đó con nói Ngọc Nuôi còn nhỏ, đợi vài năm nữa. Bây giờ bên nhà thằng Tèo cứ thúc hối. Thằng Tèo thì thường hay vô đây ve vãn nó - Tư Kiên thở dài.
- Ý nó chịu không?
- Nó nói con gả đâu thì nó ưng đó - Bỗng Tư Kiên hớn hở - Chú Chín! Mới đây có thằng Khó ngoài kênh Lung Lớn vô đây mần ruộng ở đầu đất bên kia cũng để ý nó. Thằng này tuy nghèo nhưng chịu khó, làm lụng giỏi lắm. Lại là bộ đội xuất ngũ như chú Tám đây.
- Bậy nè! - Chú Tám phản đối - Chú thuộc diện hưu, hưu là khác với xuất ngũ. Cấp tá lận nghen con! Hà hà… - Chú Tám cười hả hê, tự hào - Mà tao coi bộ mày chịu thằng này hơn thằng Tèo?
- Thì… - Tư Kiên gãi gãi đầu - Thì… mình mần ruộng gả con cho đứa biết mần ruộng vẫn tốt hơn. Nhưng ngặt nỗi là vợ con… không chịu lắm!
Thật ra thì chị Tư có đòi hỏi gì to tát đâu. Chị cầu mong sau khi Ngọc Nuôi lấy chồng là “đổi số phận từ ngoài nắng vào trong mát”. Có thể bày bán rau cải nho nhỏ ở một góc chợ là tốt lắm rồi. Dẫu sao vẫn đỡ cực nhọc hơn bây giờ và không giống một phần cuộc đời chị đã nếm trải. Thứ nữa là cho Ngọc Nuôi buôn bán để có điều kiện tiếp xúc mà khôn lanh với người ta. Thế thôi!
- Chú Tám, chú Chín! - Tư Kiên nói - Chú ở đây hồi nào tới giờ, quen biết nhiều, chú coi có ai bán đất ruộng chú hỏi giá cả dùm con. Con định mua chừng chục công. Không giấu gì chú, cũng nhờ có chú giúp đỡ mà mấy năm qua vợ chồng con dành dụm được ít tiền. Nếu được giá thì mua liền. Đến lúc Ngọc Nuôi lấy chồng thì chia chó nó một nửa, nửa còn lại thì dành cho thằng Tâm. Kệ, người ta giàu thì cho con cái vàng bạc làm của hồi môn, còn mình nghèo mà có đất thì cho đất, để sau này Ngọc Nuôi không bị bên nhà chồng khinh khi. Chú thấy con tính vậy được không?
Chú Chín vỗ đùi cái chát:
- Bây tính vậy quá tốt rồi. Bây chưa nghe người ta nói “tất đất - tất vàng” sao? Không có vàng nhưng có đất. Đất sẽ đẻ ra vàng. Đúng không anh Tám?
Chú Tám gật gù tâm đắc. Đoạn chú quay vào nhà kêu Ngọc Nuôi.
Tròn tuổi hai mươi, Ngọc Nuôi không đẹp sắc sảo hay lộng lẫy, chỉ là một cô gái bình thường như bao cô gái đồng bưng cùng trang lứa. Tóc dài, da bánh mật. Dáng vẻ chân quê, lao động chứ không dịu dàng, yếu đuối giống những cô gái thành thị. Ở Ngọc Nuôi còn thể hiện nét duyên là hai lúm đồng tiền trên má. Chú Tám chậm rãi nói với anh chị Tư:
- Bây còn nhớ hồi trước tao khuyên bây câu gì không? “Cỏ cứt heo còn có ngày trổ bông”. Đó! Bây giờ trổ bông rồi đó. Vậy thì chuyện chồng con của nó cũng đâu cần gấp gáp làm chi - Quay sang Ngọc Nuôi đang đứng sau lưng, chú Tám nói tiếp - Nói là nói vậy thôi, ông cũng muốn biết ý con sao?
- Dạ… con… - Ngọc Nuôi ngập ngừng, hết nhìn anh chị Tư lại nhìn xuống đất, tay mân mê vạt áo bà ba, giọng run run - Dạ, ba má con chịu chỗ nào là con ưng chỗ đó, con không dám cãi cũng không dám đòi hỏi chi hết. Tánh con cũng thích mần ruộng hơn làm các nghề khác. Nhưng dù giàu dù nghèo, gia đình con sống đầm ấm như ba má con vầy là con mãn nguyện rồi!
- Nói hay!
Chú Tám và chú Chín cùng thốt lên, cầm ly rượu cụng nhau kêu “cốp, cốp”.
*
* *
Chiều nhóm họ bữa đám cưới Ngọc Nuôi, thằng Tèo nhậu xỉn quậy tưng bừng. Nó nói nhà Tư Kiên ham giàu nên không chịu gả Ngọc Nuôi cho nó mà gả cho thằng Lâm - con trai cưng của ông chủ tiệm sắt lớn nhất thị trấn. Thằng Lâm ỷ thế cha mẹ giàu nên chỉ học hết lớp bốn rồi nghỉ, suốt ngày ăn chơi lêu lổng, không nghề nghiệp, mỗi cái xài tiền của cha mẹ là giỏi. Bao nhiêu năm trời hứa hẹn để nó chờ đợi, họ hàng, bạn bè đều biết hết, giờ còn dám nhìn mặt ai. “Mày chê tao nghèo nhưng mày nhìn lại đi, mày có hơn gì tao không. Nhà mày chỉ là cái chuồng trâu bỏ hoang của ông Chín thôi… Người lớn mà nói không giữ lời. Người lớn không biết điều. Chơi vậy chơi với chó chớ chơi với ai…”. Thằng Tèo chửi đã thì khóc. Nó khóc bù lu bù loa như con nít. Khóc không hẳn vì cưới không được Ngọc Nuôi mà còn vì Tư Kiên chê nó nghèo, nó tức! Trước khi mọi người đưa nó về nó còn doạ sẽ chém chết thằng Lâm nếu dám đưa xuồng vô rước dâu.
Cuối cùng rồi đám cưới cũng diễn ra suông sẻ. Thằng Tèo chửi vậy là do uống rượu nhiều đến nỗi quên mất… “số quân” chứ nó cũng không có ác ý gì. Nghe đâu trưa hôm sau nó chưa ngồi dậy nổi, ăn uống chỉ được vài muỗng cháo lỏng mà ói ra mật vàng mật xanh.
Chỉ tội nghiệp thằng Khó. Thiệt thà như đếm, hiền lành như cục đất, suốt ngày quanh quẩn ngoài ruộng chăm sóc lúa. Nói năng thì lễ phép, pha chút tếu táo nên ai cũng mến. Nhiều người nói tánh nó giống Tư Kiên. Từ lúc biết Ngọc Nuôi lấy chồng, nó trở nên ít nói, đôi khi ngồi một mình trên bờ mẫu, thẫn thờ ngó xa xăm, đôi mắt u buồn như có đám mây đen che phủ. Lòng nó mênh mông như cánh đồng này, mặc cho gió bốn phương vô tình xô đẩy. Có điều, nó buồn nhưng không hề bỏ công việc đồng áng và gặp ai cũng vui vẻ như chẳng có chuyện gì. Riêng Tư Kiên thì biết và hiểu thấu rất rõ tâm sự sâu kín tận đáy lòng nó. Anh thường xuyên gặp nó để an ủi, động viên, chỉ sợ nó dại dột làm điều xằng bậy thì không tốt. Anh kể thiệt cho nó nghe ước mong của chị Tư chọn nơi nào kha khá gởi phận đứa con gái cho đỡ cực tấm thân vốn dĩ tuổi trẻ đã chịu cảnh lam lũ, cơ cực. Anh hứa sẽ tìm làm mai mối cho nó người khác, đẹp người tốt nết hơn cả Ngọc Nuôi. Nó cười như mếu: “Con thì không nghĩ gì đâu, chú!”. Anh Tư nghe trong lòng đau nhói.
Hôm đám cưới Ngọc Nuôi, Khó qua từ sáng sớm, tất bật dọn dẹp, dựng rạp, trang trí phông màn, sắp xếp bàn ghế… Việc gì nó làm cũng nhanh và đẹp. Nó lấy trái chuối sim, lá đủng đỉnh và ớt sừng trâu là hai con chim xòe cánh treo lủng lẳng dưới bảng “vu quy” làm cho các cô gái và đàn bà, cả cánh đàn ông cứ tấm tắc khen. Nó mỉm cười nói hồi đi bộ đội, nó làm nhân viên Câu lạc bộ thuộc Phòng Chính trị tỉnh nên chuyện cắt, kẻ, vẽ, nói chung trang trí là nhiệm vụ của nó. Làm riết rồi quen tay chứ chẳng có tài cán gì. Đó, ngay như tình cảm riêng tư nó đã cố níu giữ còn không được thì nói tài làm chi.
Buổi tối nhóm họ, Khó chỉ uống một hai ly rượu rồi nghỉ chứ không say “quắt cần câu” như thằng Tèo. Anh Tư gặp riêng nó thủ thỉ: “Chú nhờ con sáng mai đưa Ngọc Nuôi dìa bên chồng…”. “Trời ơi! Chú Tư…”. “Chú biết, chú hiểu. Nhưng con thấy đó, nhà cửa chú đơn chiếc quá, ngày mai còn khách khứa, bạn bè nữa. Con với nó không duyên nợ với nhau thì cũng là bạn bè. Con cứ coi nó như là em gái của con. Nghen Khó?!”. Nó nói chậm rãi, giọng trầm buồn và có phần khó nhọc: “Chú Tư à, con… con không đi đâu chú!”. Dứt lời, nó bước ra phía hiên nhà nấu nước, pha trà. Anh Tư ngồi ngó theo, tay bấu vào mép bàn, mắt rươm rướm nước.
Quả thật, trong đoàn người đi đưa dâu không có Khó. Nó cũng xin rút tên khỏi danh sách chạy bàn đãi tiệc phục vụ nhà trai và khách mời. Lúc nhà trai qua rước dâu, nó đứng pha trà liếc nhìn họ bưng mâm lễ cưới vào. Khi mọi người xúm xít tiễn Ngọc Nuôi xuống ghe, nổ máy lui ra khỏi bến thì nó… biến mất! Tư Kiên chạy vội sang nhà nó thấy nó đang lom khom thu xếp quần áo bỏ vào túi xách. Nó nhìn anh Tư nói như muốn khóc: “Con về dưới ngoại vài bữa con lên”. Tư Kiên đặt tay lên vai nó: “Con đừng buồn, giận chú, nghen Khó!”. Nó bỗng quay ngoắt lại, mắt long lên trừng trừng, dữ tợn; đôi mày nhíu lại, xếch ngược; môi mím chặt, run run. Nó xốc túi xách lên vai, bước qua trước mặt Tư Kiên rồi đi xăm xăm ra cửa. Anh Tư đứng như trời trồng, ngơ ngác, bất lực trong căn nhà lá xềnh xoàng, giữa những nồi – niêu – soong – chảo – chén – đũa ngổn ngang tứ tung, mắt dán chặt vào bóng một thanh niên vừa tiễn người yêu đi lấy chồng đang lầm lũi bước trên bờ đê dài hun hút có gió tạt mạnh từng cơn!
*
* *
Kể từ bữa Ngọc Nuôi theo chồng, mới đó đã gần một tháng rồi.
Tư Kiên và Khó hì hục đào đất đắp bệ, lắp ống, đóng trụ, đặt máy để bơm nước lên ruộng. Xong xuôi thì trăng mười sáu nhô lên được chừng hơn sào, ánh sáng phủ xuống mặt sông sâu tận đáy. Khó khoát khoát nước, nói:
- Nước cạn ợt hà, chú Tư. Đợi lát nữa nước lớn đầy hãy bơm. Mà nước cạn như vầy độ phèn cao lắm.
Tư Kiên theo Khó vào nhà. Thật ra đây chỉ là một cái chòi tạm bợ để nó tránh mưa nắng khi vào vụ lúa, chứ còn gia đình nó đâu tận dưới U Minh, chuyên làm nghề biển. Lúc nó xuất ngũ, ông bà già thấy đất ở đây rẻ nên mua cho nó chục công ruộng để làm ăn. Nó ở đây suốt, thỉnh thoảng mới về quê đôi ba ngày rồi trở lên. Nó không quan trọng chuyện nhà cửa, ăn nghỉ, chỉ biết tính toán thế nào để năng suất vụ sau cao hơn vụ trước. Đợt rồi gió lớn xô nhà nó nghiêng một bên, nó lấy cây tràm chống đỡ chứ không thèm dựng lại. Trên nóc dột thì kiếm lá chèn. Bên hiên tạt thì lấy bao ni-lông che. Trong nhà một giường, một bếp, lạnh lẽo và đìu hiu giữa bốn bề đồng ruộng, xa lắm mới có ánh đèn dầu leo lét như con đom đóm của nhà ai đó. Sau “cú sốc” vừa qua, nó có vẻ đã dần lấy lại cân bằng. Nhưng Tư Kiên biết, nó còn thương Ngọc Nuôi nhiều lắm!
Khó hớp ngụm trà nóng hổi, bật quẹt đốt điếu thuốc rê vấn ta bằng ngón tay, nó rít một hơi thật sâu rồi phà khói vào khoảng không.
Khó quay sang nhìn Tư Kiên, đôi mắt nó buồn rười rượi, trống trải, mông lung. Tư Kiên đoán chắc nó lại nghĩ tới Ngọc Nuôi! Hôm Ngọc Nuôi một mình về thăm anh chị Tư, thấy mắt Ngọc Nuôi bầm đen, sưng vù, nó hỏi thì con nhỏ nói do té. Nhưng nó khẳng định với Tư Kiên là Ngọc Nuôi bị chồng đánh. Chuyện này anh biết. Đó cũng chẳng phải lần đầu thằng Lâm “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Từ ngày Ngọc Nuôi lấy thằng Lâm là thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn vô cớ. Thằng Lâm vét túi vợ lấy tiền đi chơi, không có, nó đánh. Đi chơi về chưa kịp nấu cơm chín cho nó ăn, nó đánh. Chiếu giường trải không thẳng, nó đánh. Quần áo giặt chưa kịp khô, nó đánh. Đánh nhưng cấm đỡ, cấm khóc và cấm nói lại với người thứ ba. Tuần trước Ngọc Nuôi phải vào bệnh viện khâu bốn mũi vì chồng “lỡ tay” quăng cái ghế vào đầu. Anh chị Tư đích thân ra nói phải trái với với má thằng Lâm thì má nó xua tay: “Ôi! Anh chị sui lo gì. Vợ chồng mới cưới chưa hiểu tánh ý nhau, hục hặc là chuyện bình thường. Chén chung giàn còn khua mà. Ăn ở thời gian rồi thì quen hơi. Hồi đó tui với ông nhà đây cũng vậy!”. Khó biết chuyện nó buồn lắm. Một lần ngồi uống rượu với Tư Kiên, nó nói: “Tưởng Ngọc Nuôi lấy chồng giàu đỡ cực thân, sẽ hạnh phúc, con cũng mừng. Ai dè…”.
Trăng sáng vằng vặc soi bóng người thanh niên đang hớt hơ hớt hãi chạy tới. Khó nhíu mày:
- Hình như là thằng Tèo. Phải không chú Tư?
Từ xa, thằng Tèo kêu lên:
- Chú Tư ơi! Ngọc Nuôi… vô bệnh viện cấp cứu rồi!
Khó như ngồi phải lửa. Nó bật dậy như chiếc lò xo bị nén nhảy phóc xuống giường, lớn tiếng hỏi dồn:
- Tại sao? Tại sao phải cấp cứu? Ai nói cho mày biết?
Thằng Tèo thở hổn hển:
- Nó… uống thuốc… tự tử.
Không nói không rằng, mọi người lập tức nhổ trụ, tháo ống bơm, khiêng máy xuống vỏ lãi chạy ra thị trấn. Khó giành lái, nó tăng hết ga, chạy như bị ma đuổi. Tư Kiên ngồi bất động, lòng anh nóng như thiêu đốt, rối ren như tơ nhện.
Ở bệnh viện, mọi người vào ra tấp nập. Chị Tư, má thằng Lâm, chú thím Chín ngồi túm tụm trước cửa phòng cấp cứu. Má thằng Lâm đứng dậy:
- Mới ra hả anh sui?
- Ngọc Nuôi đâu? – Tư Kiên hỏi trỏng không.
- Bác sĩ đang xúc ruột cho nó. Không sao đâu – Chú Chín nói – Chuyện gì cũng phải bình tình, từ từ bàn tính. Giận quá mất khôn nghe mậy.
- Còn thằng Lâm? – Giọng Tư Kiên bực tức, mắt ngó dáo dác.
Má thằng Lâm lắc đầu thở dài. Chị uể oải buông mình xuống băng ghế đá, kể:
- Thằng Lâm đi chơi dìa kêu vợ nó vô buồng. Lát sau tui nghe tiếng cười của thằng Lâm, tưởng đâu vợ chồng nó giỡn. Thằng Lâm bỏ đi được đâu chừng mười phút thì tui vô kêu vợ nó ra dọn hàng. Khi bước vô phòng tui ngửi thấy có mùi thuốc sâu, Ngọc Nuôi thì nằm vật vã trên giường, bọt mép tràn ra ngoài. Nó ôm lấy tui, nó khóc – Giọng chị nghẹn ngào, đứt quãng – Nó… xin lỗi tui. Nó không thể… làm dâu nhà này được nữa. Nó còn nhắn lại với anh chị sui… nó bất hiếu…
Tư Kiên ngồi im trên ghế, gục đầu úp mặt vào lòng bàn tay, vai anh rung lên từng đợt. Khó đứng bên cạnh bậm môi, hai tay bóp chặt. Bất chợt nó quay đi. Chú Chín quát:
- Khó! Mày đi đâu vậy?
- Con đi kiếm thằng Lâm.
- Kiếm nó làm gì. Bây giờ phải lo cho Ngọc Nuôi cái đã.
- Đứng lại – Tư Kiên nói như ra lệnh – Mày trở lại đây.
Khó chần chừ rồi cũng ngoan ngoãn quay lại ngồi phịch xuống ghế.
Thím Chín thở dài:
- Thời buổi này mà còn ăn ở như vậy, ai chịu nổi!
Má thằng Lâm lau nước mắt, nói như người có lỗi:
- Tui thương Ngọc Nuôi hiền lành, thiệt thà. Từ ngày nó dìa nhà tui nó chưa làm sai quấy điều gì… Giờ đã đến nước này thì tùy anh chị sui, tính sao tui cũng chịu.
- Tui bắt con tui dìa – Tư Kiên nói dứt khoát.
“Két…”. Cánh cửa phòng cấp cứu bật mở. Ông bác sĩ bước ra nói:
- Thành thật xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng nhưng không giữ được đứa bé trong bụng cô ấy. Bây giờ cô ấy đã qua thời kỳ nguy hiểm, điều trị khoảng nửa tháng có thể xuất viện.
Tin Ngọc Nuôi hư thai làm mọi người bất ngờ, họ nhìn nhau ngơ ngác rồi đổ dồn về phía Khó. Khó cúi đầu im lặng như thể tránh né câu trả lời. Tư Kiên nhìn Khó với đầy ắp những thương những giận, miệng lắm bắp không thành tiếng. Không gian tù đọng, ngột ngạt. Hồi lâu có một bàn tay đặt lên vai Khó như muốn thông cảm, sẻ chia, cả chút gì hối hận:
- Tôi xin lỗi! Nếu biết trước… thì tôi…
Khó ngước lên. Thằng Lâm! Nó đến lặng lẽ và đi cũng lặng lẽ, như cơn gió vụt qua làm mặt sông gợn sóng, làm cây lúa lung lay.
Hai cô y tá đẩy chiếc giường đưa Ngọc Nuôi ra. Nó nằm thiêm thiếp, da tái nhợt nhạt, hốc hác, tàn tạ. Mọi người vội lao tới thì hai cô y tá ngăn lại:
- Người nhà cứ an tâm ra về. Nếu ai ở lại chăm sóc cô ấy, khi có chuyện gì cứ kêu chúng tôi.
Ngọc Nuôi vẫn nằm thiêm thiếp, nhịp thở đều đều. Nó không hề biết người phụ hai cô y tá đưa nó qua phòng hồi sức là Khó, chứ không phải Lâm!
HỒ KIÊN GIANG (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét