Có lẽ Trần Thế Vinh là cái tên không còn
xa lạ với những người yêu thơ ở An Giang và đồng bằng Sông Cửu Long. Trần Thế
Vinh cầm bút từ khoảng những năm 1980, khi đang là lính chiến đấu trên chiến
trường Tây Nam. Đến nay sự nghiệp thơ của anh khá đồ sộ, năm 2005 anh được kết
nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi chỉ biết và đọc Trần Thế Vinh trong thời gian
gần đây, tuy nhiên đã nhiều lần “bị” thơ anh làm rung động. Chất
dân dã là yếu tố đầu tiên phải kể đến khi nói về thơ Trần Thế Vinh. Thơ anh chủ
yếu viết theo lối truyền thống, thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp những sự phá
cách tự do đến “hào phóng”, tuy nhiên vẫn giữ một lề lối rất “chân quê” mà
không chạy theo thời thượng. Chất dân dã luôn được lồng vào từng tứ thơ, xuyên
suốt chiều dài và chiều sâu của thơ Trần Thế Vinh.
Năm 2010, Trần Thế Vinh cho ra đời
thi phẩm thứ sáu của mình, mang tên Nghiệm
& Khổ cuối một vần thơ, do Nhà xuất bản Phương Đông và Hội Liên hiệp Văn
học Nghệ thuật An Giang xuất bản. Theo thiển ý của người viết bài nầy, thì Nghiệm & Khổ cuối một vần thơ là sự
đúc kết chặng đường khá dài của Trần Thế Vinh - qua hơn 30 năm cầm bút, như đợt
“nghỉ giải lao” mà theo tác giả là để “Chiêm nghiệm mình và lãng đãng với
thơ ca” (Thơ trong đêm chờ sáng). Vâng, quả thật những bài thơ trong tập đúng
như cái tên mà anh đã đặt: Nghiệm.
Xuyên suốt tập thơ, người đọc sẽ có cơ hội bắt gặp cái “nghiệm” của nhà thơ về
cuộc đời, về tình yêu, về những mâu thuẫn đời thường luôn thường trực bên chúng
ta… Đó cũng là mảng chủ đạo, đậm chất triết lý nhưng cũng hài hòa với tình yêu
con người và cuộc sống xung quanh.
Tập thơ được chia làm hai phần, phần
một là Nghiệm, phần hai là Và khổ chót một vần thơ. Ở phần đầu, tác
giả tập trung vào những sự chiêm nghiệm rất đời thường, về cuộc sống, về đường
thơ, về những người nông dân quê nhà, về cái tôi bản ngã, về sự gia nua của con
người trước tạo hóa… Ở phần sau, tác giả chủ yếu viết về những hình ảnh của quê
hương, đâu đó chúng ta sẽ thoáng bắt gặp dòng Cửu Long và dãy Thất Sơn hòa nhịp
cùng nhau trong thơ Trần Thế Vinh.
Nếu như mở đầu tập thơ, Trần Thế Vinh
đã viết:
“Khoác áo nhà thơ
Thi nhân là hành giả bày mâm khẩu
nghiệp
Nhóm lên ngọn lửa cảm xúc
Như ánh lân tinh
Tan vào mây gió xanh tươi, vàng đục…”
(Nghiệm)
Thì 37 bài thơ trong tập thơ chính là
37 ánh lân tinh, nhiều màu sắc mà vẫn mang một điểm chung là quy về chữ “nghiệm”.
Mặc dầu đôi lúc người thơ bất lực với đời thơ và rồi tự an ủi mình: “Bản
thảo trắng / Qua đêm. Ta in lên trời / Như mây như gió, tìm nơi ta về…”
(Bản thảo trắng), cứ tưởng chừng nó sẽ “Tan vào mây gió xanh tươi, vàng đục…” nhưng
không, nó vẫn “Âm ỉ cháy / Giữa lòng minh tâm vô lượng” để
rồi tác giả đã nhìn nhận đúng về đời thơ hay chính là đời mình: “Vạn biến
vào cõi niết bàn còn lắm bi, ai…” (Nghiệm).
Với quê nhà, Trần Thế Vinh đã hết sức
sâu sắc khi viết về những người nông dân chân lấm tay bùn. Ở đây, anh không
muốn đề cập nhiều đến những vất vả của họ, mà chú trọng khắc họa vẻ đẹp tâm hồn
hào phóng của người Nam Bộ. Ta sẽ bắt gặp hình ảnh người nông dân ra đồng bị đứt
một ngón chân, nhưng không sao, bởi vì: “Đâu phải mỗi bình minh không có nỗi
buồn số phận / Móng chân tưa mép hôm qua còn chín dấu / Mỗi
mùa…”. Đối với họ - những người đàn ông trụ cột gia đình thì cấy cày mới là
chuyện quan trọng, còn mất một ngón chân chẳng là gì cả:
“Nói chuyện này, ông bảo
rằng xưa…
Khi đất ngày nay đã hai, ba mùa trĩu
hạt
Việc cấy cày cũng khác
Kể làm gì
Chuyện mất mát một ngón chân!…”
(Vẽ một bàn chân)
Vùng đất Bảy Núi - quê hương nhà thơ
có lẽ được anh dành nhiều cảm xúc nhất. Mỗi ngọn núi là mỗi vùng đất hứa, mỗi
khe đá là mỗi dấu tích quê, núi và anh hội ngộ nhau như duyên phận, nên khi
viết về Bảy Núi anh đã cảm nhận:
“Đá thở
Từ nhịp tim lòng
Ta chim về núi ngó trông lại
mình
Bìm Bịp gọi tiếng thất
tình
Gió trời trở ngọn mưa in. Trái mùa…”
(Thất Sơn)
Đặc biệt, núi Dài - nơi Trần Thế Vinh
sinh ra và lớn lên, gia đình anh như đã đồng hành cùng ngọn núi: “Ba mươi
năm trôi qua / Ba mươi ngọt đắng riêng mình / Núi và tôi bấy nhiêu lần chia
tay, gặp gỡ” để rồi miền đất hứa ấy được nhà thơ cất giữ trong tâm hồn: “Mỗi
lần đi / Và lần về. Tôi như người mang nợ / Trước cây cỏ, núi rừng, hang động,
suối khe...” (Núi Dài và tôi).
Hình ảnh vùng núi đồi Tà Pạ ngày
Thanh minh cũng đi vào thơ Trần Thế Vinh, để cuối cùng vẫn là sự chiêm nghiệm
hết sức độc đáo mà gần gũi. Cứ ngỡ đó chỉ là chép người, chép việc nhưng thực
tế có sự nhìn nhận bằng con mắt trải đời, thậm chí “xem thường” đời, lối suy tư
như “đùa cợt” nhưng đầy sâu sắc:
“Tà Pạ thanh minh. Rực màu
Phố vui - Như thể chết sao mà
buồn…
Rượu thịt - Nhang khói âm dương
Cùng say một bữa thế thường rồi thôi!”
(Một ngày trên núi cõi âm)
Với tình yêu, tác giả Nghiệm & Khổ cuối một vần thơ ghi
lại cảm xúc của người đợi chờ và thất vọng: “Anh quen nếm đắng cay / Không
giữ kịp một hột để muối lại tâm hồn / Nêm vào bài thơ tình sau cuối” (Trong
một phút và bài thơ sáu khổ). Hay đôi lúc là sự tinh nghịch đáng yêu:
“Dọc đường
Ý tại tình cờ
Phải chi con gái bây giờ cài
trâm
Chiều buồn ngồi nhớ xa xăm
Ta làm thằng ngốc, chuốt trâm tặng
nàng!”
(Dọc đường thơ)
Để rồi đôi lúc nhìn lại thấy mình
thật sự đã già trước trò đùa của con tim, góc nhìn của nhà thơ đi từ cái xa xôi
rộng lớn đến cái gần gũi bé nhỏ bên cạnh con người: “Ngọn gió cũ, qua đêm /
Luồng vào khe cửa, thốc rối tàn tro thời gian / Ta nghe buốt tim / Từ sợi tóc
mới mọc / Bạc trắng” (Bài thơ tình số 15). Hoặc là: “Khắc vào cây cổ thụ
- Ta / Hình như dấu chấm, ngã qua xế chiều!” (Về ở với rừng).
Nhưng cũng lắm khi là hy vọng, dù chỉ
mong manh: “Xuân về. Xuân về… / Ta cám ơn em / Đã mấy mươi năm tiệc chưa tàn
cuộc / Ly rượu tình mãi mãi còn xuân” (Xuân tái sinh). Cuộc vui nào rồi
cũng phải tàn, nhưng đối với nhà thơ cuộc vui vẫn còn đọng lại nơi sâu thẳm tâm
hồn, khi con người chưa tắt hy vọng thì “ly rượu tình mãi mãi còn xuân”.
Với hình ảnh mùa nước nổi, Trần Thế
Vinh đã hướng sự suy tưởng của mình đến thân phận con người. Trong bài Cánh đồng trắng, tác giả đã khắc họa
tinh tế về thiên nhiên và con người trong mùa nước nổi, để nêu bật tính “không
chịu khuất” của vạn vật trước trò đùa của tạo hóa, để gửi sự tin tưởng chắc
nịch của mình vào vùng đất: “Cánh cò mò đêm về đoàn viên sự sống”, “Ngọn
bông súng trồi đầu thả nước”, “Thả những miếng mồi mưu sinh”… Có khi
là hình ảnh người con gái đối chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với cuộc đời
lắm những truân chuyên:
“Lao xao đồng trắng bóng thuyền
Em lo kê lại mái hiên đời mình
Lụt tràn đỏ vạt bình minh
Chia hai dòng nước
Theo tình có, không”
(Mùa lụt lao xao)
Cuộc sống ở xứ đồng bưng ăn sâu vào
tiềm thức của người con xứ núi, khiến nhà thơ đã đôi lần xao xuyền. Bằng những
hình ảnh rất đẹp và nhẹ nhàng, không biết do cố tình hay vô ý của sự sắp đặt
ngôn từ mà anh đã hết sức tinh tế khi viết những câu:
“Ở Thanh Điền viên, chiều vơi vơi nắng ngày
Bảng lảng khói - từ bếp lửa bập bùng
chái bếp
Hẹn mai hay mốt... khi bão lòng thấm
mệt
Gọi cá điêu hồng lên nhả bóng trăng
khuya!”
(Thơ viết ở Thanh Điền viên)
Đến những vùng đất xa lạ nhưng dào
dạt nghĩa tình, đâu đó xúc cảm lại trào lên. Mỗi cuộc tương ngộ là một lần thắp
lửa ủ ấm tâm hồn, để rồi sau đó lại phải chia xa. Hợp tan vốn là chuyện tất
yếu, biết vậy nhưng tác giả vẫn cảm thấy nghẹn lòng:
“Thôi về nhé - Hỡi chiều qua ta đến
Sẽ dò tìm theo dấu cũ ta quen
Sẽ hẹn, như lần đầu không hẹn
Miệt đồng bưng ta nén giọt thơ buồn”
(Chiều ở Si Ma Cai)
Tuy vậy, dù có đi đâu, nhà thơ vẫn
luôn đau đáu về quê nhà, nơi có những cánh đồng hòa cùng ngọn khói bay dài theo
năm tháng:
“Đường trơn thác đổ, mây giăng giăng
Tây Bắc. Giang hồ mới nửa đêm trăng
Chưa hết canh hai nhớ ơi là nhớ
Dạt khói đồng bằng, rơm rạ mùa
riêng...”
(Tản mạn dọc đường Tây Bắc)
Kết thúc tập thơ vẫn là sự chiêm
nghiệm, và lần nầy là tình yêu. Có lắm lúc ta cũng không hiểu nỗi, không cưỡng
lại được những bất cập trong cõi mình, Trần Thế Vinh cũng thế, đã thấy trăng,
đã đuổi theo trăng, đã đùa với trăng, nhưng vẫn không chạm đến được.
“Em
Quá khứ đi về, như một dấu chân riêng
Lần theo đó
Giữa canh mưa, trú mình làm nơi chốn
Có một lần say
Ta ngửa nghiêng, lẫn lộn
Trăng hay em, thao thức suốt đêm
dài...”
(Theo trăng)
Khép lại tập thơ, có thể thấy Trần
Thế Vinh thật “lắc léo” dẫn dụ người đọc đến những ý tưởng tưởng chừng như
chẳng có gì đặc biệt, nhưng lại được diễn đạt một cách triết lý. Anh khá thành
công ở lục bát, sự ngắt nhịp khéo léo đã tạo nhạc tính cho mỗi bài lục bát. Có
thể tạm nhận định như đã nói ở phần đầu, Nghiệm
& Khổ cuối một vần thơ như một đợt “nghỉ giải lao” để Trần Thế Vinh tự
“nghiệm” lại chặng đường thơ - đường đời của mình. Qua tập thơ, có lẽ cái
“nghiệm” của nhà thơ sẽ khiến nhiều người đọc phải suy gẫm.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét