NÓI LỐI
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
VỌNG CỔ
Câu 1. Trên mảnh đất yêu thương cong hình chữ S, hết ngàn năm đến trăm năm chống giặc; biển Tổ quốc vẫn chưa một ngày yên ả, bão tố phong ba lăm le ẩn hiện phía chân… trời. Ôi! Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn.
Đất cha ông khi chập chờn bóng giặc, các con nằm thao thức phía Trường Sơn. Có nơi nào không thấm máu xương, con cháu Lạc Long Quân cùng rủ nhau về; trong hồn người ngọn sóng quặn đau bởi Tổ quốc hôm nay lại đang nhìn từ biển.
Câu 2. Năm mươi con theo cha xuống biển, cởi áo làm dây, dang tay làm lưới; biển mặn pha máu người rỏ xuống trầm tích tháng năm gìn giữ cơ đồ. Mẹ Âu Cơ vẫn chưa thể yên lòng.
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất, máu xương này con cháu vẫn còn ghi. Đây Bạch Đằng Giang sóng cuộn trời Nam, đây đất Việt vốn sinh nòi hào kiệt. Sóng trùng điệp chồm lên thềm lục địa, ghi nhớ trong đầu: “… Ta thường tới bữa quên ăn…”. (*)
NÓI LỐI
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
VỌNG CỔ
Câu 5. Mỗi tấc đất non sông hôm nay cho ta biết bao niềm kiêu hãnh, trải Đinh – Lê – Lý – Trần cha ông gìn giữ từ những vết tích đau thương trận mạc đã qua… rồi. Từ Thánh Gióng gậy tre vút ngựa lên đồi.
Từ dáng núi còn mang hình góa phụ, vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi. Tổ quốc quặn mình hiểm họa biển Đông, mười lần giặc đến mười lần nuốt nhục. Những ngọn sóng hóa cọc đồng cảm tử; lũ Thoát Hoan bạc tóc, khiếp vía kinh oai tiếng vọng trống đồng.
Câu 6. Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo, suốt ngàn năm bóng giặc vẫn hăm he. Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy, bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân. Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (**), còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh. Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả, có những chàng trai ra đảo đã quên mình.
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.
______________________
(*) Hịch tướng sĩ Trần Hưng Đạo
(**) Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa.
Thơ: NGUYỄN VIỆT CHIẾN - Lời cổ: NGUYỄN TRUNG NGUYÊN
(tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét