- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Nhà tôi ở phố. Có quyền gọi
là phố dù xóm tôi phần lớn làm nông. Nơi tôi sống ngày đó đồng ruộng len lỏi
trong phố. Đô thị hóa dần dần đã vén ruộng đồng khép lại như tấm màn sân khấu khi
bắt đầu buổi diễn.
Tôi là người thành phố.
Dù tôi sinh ra một vùng quê bên bờ sông có nhiều câu hò câu hát ru dập dờn cò lả,
lên ba tuổi má bồng em dắt tôi và các chị theo ba về quê nội.
Tôi là người thành phố.
Dù ba muốn đưa gia đình về quê cách phố 20 km nhưng má nhất quyết bám trụ thành
phố. Má không muốn bầy con gái lam lũ ruộng đồng và việc học hành sẽ thuận tiện
hơn.
Bởi vậy tôi là người
thành phố, dù xóm tôi nghèo lắm, chỉ chừng hơn chục gia đình cán bộ nhà nước,
còn lại là nông dân.
Xóm tôi hồi đó ai cũng
nuôi Tết. Người lớn hay trẻ nít đều muốn nuôi Tết. Người thì nuôi bộ quần áo,
người vài ký thịt heo hay mấy cái bánh tét, có người khá giả thì nuôi luôn bầy
gà hay mấy cái giò heo to đùng. Người nuôi Tết là cô Toan. Trừ lại hơn chục nhà
cán bộ là không cậy cô Toan nuôi Tết, trong đó có ba má tôi. Má tôi bảo nhà có
tem phiếu mua cá thịt đường sữa, có tiêu chuẩn vải may quần áo, có gạo tính
theo đầu người, có lương hàng tháng sao phải đi nuôi Tết.
Thường thì đầu hè là cô
Toan nuôi Tết, phương thức nuôi khá đơn giản. Cô đóng quyển sổ giấy manh dày cộm.
Cô ghi tỉ mỉ những ai nhờ cô nuôi Tết. Ai có nguyện vọng gì sẽ đăng ký với cô.
Ví dụ: Bà Phước nuôi hai ký thịt heo thì phải đóng mỗi ngày bao nhiêu tiền cho
đến khi đủ cô Toan sẽ chốt lại. Ông Tụ nuôi ba cặp bánh tét sẽ phải đóng bao
nhiêu cho cô Toan. Gần Tết cô Toan sẽ giao thịt cho bà Phước, giao bánh tét cho
ông Tụ. Nhờ vậy mà xóm tôi ăn Tết hầu như xôm hơn các xóm khác. Ai khá hơn thì
nuôi vài băng pháo nổ đùng đùng làm nhạc hiệu rước ông Táo về.
Nhờ có nuôi Tết mà xóm
tôi năm nào cũng ăn Tết vui nhất!
Cô Toan vất vả lo cho cả
xóm ăn Tết là vậy. Mỗi sau rằm Chạp là nhà cô nườm nượp người ta chở hàng tập kết,
thôi thì không thiếu thứ gì, ấy vậy mà tới chiều ba mươi là sạch bách. Ai cũng
mong có mà lấy về. Và ai cũng biết ơn cô Toan lắm lắm! Nhờ cô tốt bụng nghĩ ra
nuôi Tết chứ người dân nghèo xóm tôi khó mà dành dụm được. Cô không có thời
gian đi làm việc kiếm tiền vì phải lo nuôi Tết cho mọi người. Mỗi sáng cô pha
ly cà phê đen không đường mang ra bậc thềm ngồi ghi chép tính toán trong cái sổ
giấy manh dày cộm đó, rồi đợi người ta mang tiền đến đóng, cô ghi lại đầy đủ. Quan
trọng là cô Toan tự tính toán giúp rồi nên không ai cần phải nhớ là mình đã
đóng bao nhiêu. Khi nào cô tuyên bố không phải đóng nữa thì ai cũng thở phào, chỉ
nghĩ đến việc được nhận sản phẩm mình đã nuôi mấy tháng trời là háo hức rồi. Ai
thắc mắc là cô giận lắm, cô buồn vì họ chẳng biết ơn. Thông thường cũng đến gần
rằm Chạp mới được nghe cô nói vậy, mới thấy cái sự vất vả vì xóm làng của cô
Toan. Cũng may là cô Toan tranh thủ xây được cái nhà đúc sân thượng to to để có
nơi chất hàng nuôi Tết của cả xóm mỗi độ Xuân về. Cũng may là cô có chiếc xe
cúp để chạy đi chạy về không mất sức. Cô Toan tốt bụng còn sắm hẳn chiếc tivi
to vật vã để cả xóm xúm lại coi cải lương mỗi tối thứ bảy. Cô không hề thu tiền,
ngược lại cô còn phục vụ nước trà đá. Mỗi người bước vào đều nhận một ly, cô phải
tốn công tốn của nấu. Mỗi người chỉ phụ một chút tiền, gọi là góp công chung
vui thôi mà. Tình làng nghĩa xóm là đó!
Cả nhà cô Toan đều sống
vì làng vì xóm. Má chồng cô, người “đàng ngoài” có tên chắc không phải để cúng
cơm là bà Dư Tím. Bà Dư Tím bán quán tạp hóa tả pí lù. Bà tốt bụng nức tiếng, bán
nợ cho tất thảy, mỗi gia đình đều có tên trong sổ nợ của bà. Bà chẳng bao giờ
đòi nợ ai, bà thong thả vì cứ Chạp là họ tự mang tiền lại trả. Bà đặt ra cơ chế
thưởng phạt rõ rành, trả sớm sẽ được thưởng, trả chậm sẽ đóng phạt vài mươi phần
trăm nợ gốc, mà xóm tôi chẳng ai muốn là mất lòng bà Dư Tím. Tình làng nghĩa
xóm là đó!
Canh giờ đông chợ - khoảng
9 giờ sáng là má chồng cô Toan về. Ngày nào bà Dư Tím cũng đi chợ sớm để mua
hàng về bán. Bà là mối ruột của ông Tư Thẻo xích lô. Khi đó con hẻm xóm tôi còn
đất cát lồi lõm, xe đạp phải dắt mấy trăm mét mới ra tới quốc lộ 1A. Mưa nắng mặc
kệ, bà Dư Tím vẫn ngồi trên xe để ông Tư đẩy tới cổng. Thỉnh thoảng bà Dư Tím
cho ông Tư cái áo cũ của chồng chán chê. Vợ ông Tư khéo tay cắt may một cái áo
thành đôi cho ông Tư diện. Ông Tư chỉ cao nhỉnh hơn cái gọng xích lô vài phân.
Mỗi lần đạp là ông chỉ trụ bằng hai cặp giò vì mông không thể tới cái yên lắc lỡ
kia. Bà Dư Tím da trắng phốp, giữa hai đùi là đống chuối mốc thâm thâm cánh
gián ngây ngây mùi cơm rượu mua rẻ hàng dạt. Vậy nhưng bà cắt mỏng mang phơi sẽ
thành những miếng chuối ép thơm sực mà không phải ai cũng có tiền mua khi ấy. Dù
chiếc xích lô ông Tư mua đúng chuẩn từ nơi sản xuất nhưng vẫn làm bà Dư Tím khá
vật vã mỗi khi ngồi lên. Vì bà phải vén phần mềm hai bên hông để nhét gọn vào
xe nếu không muốn nó vắt lên thành hai bên. Có hôm ông vừa đến cổng thì chiếc
xe phản chủ bật gồng lên hất tung ông Tư Thẻo cắm đầu úp ngược vào đống chuối
thâm thâm mùi cơm rượu. Bà Dư Tím thường trả tiền bằng hai phần ba giá bình thường.
Không phải bà so kè keo kiệt hay hiếp đáp, mà bà sợ đưa đủ ông Tư Thẻo sẽ ngại.
Tình làng nghĩa xóm là vậy!
Cha chồng cô Toan là ông
Dư Tím ngoài tám mươi, tóc bạc trắng phơ phơ, da đỏ hồng phơi phới. Cuối xóm có
cô Thuận đông con, có thím Sáu Mướp đi chăn vịt mướn về sinh ba. Tôi ở cạnh nhà
cô Toan, mỗi sáng tót lên cây mận làm một việc mà ít ai biết. Và mỗi sáng ông
Dư Tím ngồi cạnh thùng bánh tráng nướng. Một thỏa thuận giữa ông Dư Tím với cô
Thuận và thím Sáu Mướp: hai bánh tráng trao đổi bằng một lần bóp mông. Cô Thuận
chục bánh tráng sống và hai bánh tráng nướng. Thím Sáu Mướp năm bánh tráng sống
và một bánh tráng nướng. Ông Dư Tím già nên lẫn, rõ ràng tôi đếm không nhầm có
hôm ông bóp thừa đến mấy cái. Có lẽ cô Thuận và thím Sáu Mướp thông cảm với sự
già cả của ông nên chỉ lẳng lặng ôm bánh về. Tình làng nghĩa xóm là đó!
Có một bí mật mà đến giờ
tôi mới tiết lộ. Đó là tôi cũng nuôi Tết. Nhà đông con nên đứa nhỏ mặc đồ đứa lớn,
làm gì có đồ mới. Ngày Tết ở các chợ người ta mời chào nhiều món ăn vặt, nhưng
tiền lì xì hết Tết đều phải nộp lại đồng chí má với câu nói kinh điển: “Má cất
giùm tụi bây, mốt lớn làm vốn!” Cứ bắt đầu hè là ba má tôi tăng ca để kiếm tiền
ăn Tết cho kịp. Sáng bảnh toỏng ba má mới về, ăn qua loa vài miếng rồi ngủ. Đó
cũng là thời cơ để để tôi đi kiếm tiền để nuôi Tết.
Nhà tôi bước ra quốc lộ
1A chừng năm phút có bến xe cũ. Nó là bến xe của chế độ cũ vẫn sử dụng, xe nội
tỉnh hay đường dài đều “quá cảnh” ở đó. Đó cũng là “địa bàn làm ăn” của tụi con
nít xóm tôi và các xóm lân cận. Ở bến xe cũ có nhiều quán cơm bún phở các loại,
có nhiều hàng tạp hóa bên đường. Nhưng thời đó các nhà xe chưa biết cách làm
“vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” như thời cạnh trạnh tranh khốc liệt về
sau. Lơ mơ là bị bỏ lại bến xe, vật vạ ngủ đường ngủ chợ vì không dễ mà bắt được
chiếc xe nào. Muốn lên xe phải có vé, xe chợ đen thì nhét người lồi lõm từ bến
gốc. Bởi vậy đâu ai dám léo hánh xuống, các kiểu ăn uống đều ngồi trên xe thò đầu
ra vẫy gọi. Và đó cũng là những cơ hội béo bở của bọn nít tôi. Mỗi lần có vào
chiếc xe dừng trả khách hay lên hàng là bọn tôi xúm lại. Đứa nào cũng leo lẻo
miệng:
- Ai cơm bún phở, khăn mặt
kem đánh răng, dầu khuynh diệp, trà đá trà nóng đây!
Nói chung, đứa nào nhớ
cái gì trong đầu đều rao thứ đó. Mỗi khi có người mua dĩa cơm hay tô bún là bọn
tôi chạy ù tới một hàng ruột, vì mỗi đứa sẽ kết thân với một hàng. Đến bưng cơm
của họ với giá 200 đồng thì bán lại 250 đồng. Không hề đầu tư mà có lãi ngay và
luôn với mọi thể loại hàng hóa mà khách ngồi trên xe yêu cầu. Mỗi chuyến xe
khách ghé lại chừng 15 phút là bọn nít tôi cũng hớn hở rủng rẻng tiền lời vào
túi. Có những chuyến xe bị hư hay nổ lốp thì bọn nít tôi kiếm tiền bằng cách dắt
mấy bà mấy cô đi tiểu đại tiện.
Ngày đó có nhiều cái lạ.
Đó là cứ tối tối lại có mấy
cô chong cái đèn hột vịt thắp dầu hỏa để bán hột vịt lộn. Nhưng chẳng bao giờ
có khách ngồi ăn tại chỗ. Người ta thường hay ăn hột vịt lộn ở các bà ngồi dưới
cột đèn đường. Thường thì khách gọi là các cô bưng thúng đi. Và cũng thỉnh thoảng
các chú tài xế hay khách đi đường lỡ chuyến vẫy bọn nít tôi lại:
- Chạy đến cô nói cô bán
hột vịt bưng lại đây chú ăn rồi chú cho tiền tụi mày!
Lũ trẻ nít bọn tôi tranh
nhau chạy đến léo nhéo:
- Cô ơi chú kia ăn trứng!
Và các cô lại lẽo đẽo
bưng thúng chạy theo bọn nít tôi. Tới đó thôi, bọn trẻ nít tôi chẳng đứa nào
quan tâm các chú ăn bao nhiêu cái đâu, cũng không đứa nào thắc mắc sao chỉ đàn
ông mới thích ăn hột vịt lộn. Đến khi có gia đình tôi mới hiểu tại sao các cô
bán trứng lại hay bưng thúng đi khi khách gọi.
Thường thì sau nửa đêm
tôi mới mò về trèo qua rào vào nhà ngủ, số tiền lẻ kiếm được nhét dưới gối.
Không ai trong nhà hay biết. Sáng sớm tôi chạy qua cô Toan nộp tiền nuôi Tết
ngay và luôn. Cô Toan ghi chép cẩn thận, có lần tôi ghé đầu vào đọc thì bị cô cốc
một phát:
- Tiên sư bố mày, đồ ranh
con bà thì bà giật phắt cóc cho mày nuôi xu nào nữa nhé! - Cô Toan vốn sinh ra ở
làng quê nón quai thao nên cô chửi hay như hát quan họ - Bà giả mày hết tiền
nhé, mày chả nộp được mấy xu nhé!
Và cô vùng vằng móc túi
liếm ngón tay đếm đếm một ít tiền lẻ rồi quăng ra đất:
- Đấy đấy của mày tất, bà
giặt phắt giả lại tất cho mày nhé!
Tôi liếc sơ qua, biết chắc
chắn là số tiền tôi đóng nhiều hơn mớ tiền lẻ cô vừa quăng ra nên giả lả:
- Cháu đùa thôi mà cô,
thôi cho cháu xin lỗi cô ạ!
Vừa nói tôi vừa lúi húi
nhặt hết rồi nhét vào túi áo cô. Cô Toan nhấm nhẳng ứ hự rồi quày quả bỏ đi. Cô
là thế, chẳng bao giờ giận ai lâu. Tình làng nghĩa xóm là vậy!
Đã rất lâu rồi xóm tôi
không còn nuôi Tết. Cô Toan giờ là bà lão tám mươi móm mém thui thủi một mình. Tận
Đà Lạt, hai đứa con êm ấm trong hai căn biệt thự cô sắm sang khi chúng có gia
đình nên chẳng thấy về thăm mẹ. Những người già và cả những người trẻ hơn cô
Toan vẫn bảo nhau lui tới thăm nom cô mỗi khi trái gió trở trời. Tình làng
nghĩa xóm là vậy mà!
Đã rất lâu rồi, xóm tôi vẫn
có những cái Tết ấm áp vui vầy.
Và trước mắt, xóm tôi - à mà không - khắp mọi miền quê sẽ đón một cái Tết nhiều lo lắng, một cái Tết khó đoàn viên, một cái Tết thiếu hụt trăm bề vì dịch bệnh.
Một ước nguyện đầu năm mong tất cả đón Tết bằng an!
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét