- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Trời
đã vào đông, khí trời mấy ngày này se se lạnh. Sáng dậy sớm, tôi rảo bộ trên
con đường quê để tận hưởng cái khí trời lúc hừng đông. Mặt đường hôm nay có vẻ ẩm
ướt bởi cơn mưa tưới tắm đêm qua. Mấy cụ già ngồi uống trà sớm nơi quán cóc bảo
đêm qua trời giông lắm, gió quật ghê hồn, chắc lúa ngoài đồng ngã rạp hết rồi…
Bất chợt, tôi bùi ngùi nhớ lại những ngày sống
trên đồng cùng cha má…
Lúc đó, tôi chừng sáu, bảy tuổi, gia đình chẳng
khá giả gì nên cha má làm lụng quanh năm, buông nghề này là bắt nghề khác để
mưu sinh. Tôi thích những khi vào vụ lúa, cha má sẽ dọn nồi niêu, xoong chảo chất
hết lên ghe rồi thong thả chạy lên đồng định cư vài tháng. Ngày đó, lúa chỉ làm
hai vụ, còn lại thì nước sẽ đổ tràn đồng đem phù sa về vun bồi cho đất. Nơi mà
cha má tôi trồng lúa chỉ cách nhà khoảng chừng mười cây số nhưng vì lúc đó việc
đi lại còn khó khăn nên cha má dựng trại “tạm trú” tại đồng luôn cho tiện.
Ngày đó, mỗi lần cha má chuẩn bị “di cư” là
nội lại muốn tôi ở nhà, nhưng chắc do “ghiền” hơi má nên tôi cứ nằng nặc đòi
theo dù biết ở đồng ruộng buồn thúi ruột, xung quanh bầu bạn chỉ là những tiếng
hòa tấu của bọn cóc kèn ếch nhái chứ có nhà cửa ai đâu, cũng chẳng có thằng
Toàn, con Linh làm bạn. Vậy nhưng tôi luôn muốn theo vì nơi đó có bóng má tôi tần
tảo cấy lúa, mần cỏ; có dáng cha quảy bình thuốc sau lưng rảo bước thuần thục
điều khiển cần xịt lúa vẽ lên đồng những đường chao liệng như người họa sĩ thượng
thừa.
Ở trên đồng, mỗi sáng tôi đâu được có gói
xôi hay miếng bánh bò nào như ở nhà mà thay vào đó là chén cơm nguội ăn chung với
đường, vậy là hết buổi sáng. Những ngày có ghe hàng chạy bán đồ thì hôm đó tôi
chắc chắn sẽ có bữa ăn “ngon lành cành đào”. Chiếc ghe hàng là cái chợ di động
hữu ích cho những người sống trên đồng hay những nơi vùng vùng sâu, vùng xa hẻo
lánh. Cái gì ở chợ có là trên chiếc ghe hàng cũng có. Mà đâu chỉ chở hàng, chừng
như những chiếc ghe xuôi ngược còn chở cả tuổi thơ tôi, nuôi lớn tâm hồn chan
chứa tình của cậu trai quê.
Ở trên đồng ban ngày còn có chuyện để làm,
nào là lội ra bờ mương hái mớ rau muống đồng, bắt vài con cá đem về cho má làm
bữa cơm trưa, rồi bơi chiếc xuồng nhỏ dọc hai bờ kênh để thả cần câu ngồi tư lự.
Cũng có lúc bơi xuồng hái trộm trái cây người ta trồng, nói là trộm chứ lúc nào
cũng thư thả hái vì có ai ở đó mà canh chừng. Thế rồi cũng hết ngày.
Có những bữa ham vui bơi xuồng đi cả buổi
chiều, ghé vào những ruộng sen, “hái
lá sen non rồi chỉ trời chỉ đất hẹn chữ thủy chung”, đến lúc
quay về thì cha cùng cây roi đã chờ sẵn từ lâu. Cha mà đánh thì có nước kêu trời
thôi. Rồi thấy thương má quá chừng, chỉ muốn khóc to hơn mà không dám, khi má
xuýt xoa hít hà thoa dầu xanh vào mông thằng con ham chơi bỏng rát...
Đêm xuống, nơi đây chẳng khác nào khung cảnh
trong mấy câu chuyện ma lũ con nít hàng xóm hay hù nhát. Chút ánh sáng le lói của
chiếc đèn dầu đặt giữa trại như bị thu mình lại giữa bóng tối xung quanh vây bủa.
Từ vùng sáng nhỏ nhoi ấy, đưa mắt nhìn ra bên ngoài đồng không mông quạnh thì
chỉ là một màu tối đen như mực, ngoại trừ những đêm rằm, trời ráo tạnh, vầng
trăng treo trên không trung như ung dung trầm mặc thả dòng ánh sáng vàng như mật
xuống tràn ngập cánh đồng.
Nhớ những đêm mưa giông, ngủ trong trại mà
tiếng mưa cứ dội mạnh lộp độp vào tấm cao su phủ trên mái lá, tiếng gió thổi đập
phành phạch vào vách trại, tiếng cây cỏ run rẩy xạc xào. Những đêm giông như thế
là cha má thức trắng. Cha vấn một điếu thuốc rê, ngồi đưa mắt nhìn ra cửa chòi.
Cứ thế, cha ngồi lặng nhìn một hướng, cái đóm đỏ nơi đầu điếu thuốc rê lúc thì
le lói, lúc thì bừng lên đỏ rực. Cha kéo một hơi thuốc, rồi lại buông một tiếng
thở dài, dài hơn cả cơn mưa ngoài kia. Mẹ thì nằm sát cạnh bên tôi, sợ tôi giật
mình tỉnh giấc, nhưng mẹ đâu biết tôi cũng có ngủ được đâu. Hé mắt nhìn bóng
cha ngồi, trong lòng thằng bé như bắt đầu lờ mờ cảm nhận cái cực, cái khổ của
người làm nông. Mỗi khi giông bão, ngồi ở đây nhưng dạ để ngoài đồng cùng ruộng
lúa, sợ giông mạnh, lúa ngã hết thì coi như vụ này mất trắng…
Nằm đó, nghe trời sa mưa giông, cảm nhận nỗi
niềm cha má, tôi như nghe cả mùi đất đồng ẩm ướt đang ùa dậy quanh mình. Ừ, cái
mùi nghe quen thuộc quá, cái mùi ký ức trỗi dậy trong tôi bất chợt sáng hôm
nay. Bỗng dưng, tôi nhắm chặt đôi mắt lại và hít một hơi thật dài, thật sâu như
để cảm nhận mùi của đất sau cơn mưa tối qua. Cái mùi đất sớm nay dù không như
cái mùi đất xưa trên cánh đồng những đêm mưa gió nhưng lạ thay, nó dẫn dụ hồn
tôi trong khoảnh khắc đắm mình vào miền ký ức mà ở đó, có tình thương của cha của
má hòa quyện đong đầy…
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét