- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Cứ mỗi độ xuân sang, đất
trời muôn hoa nở rộ, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ban mai của một ngày thường bắt đầu bằng những tiếng
hót của bầy chim trong khu vườn nhà. Tôi thường dậy sớm, căng lồng ngực hít thở
bầu không khí mát mẻ, trong veo và thích thú lắng nghe những tiếng chim đủ
giọng ríu ran, lảnh lót nghe thật thú vị.
Sáng nay, một ngày xuân ấm, tôi nhấc chiếc chõng tre
đặt dưới giàn bầu sau vườn nhà ngồi thưởng trà. Người ta nói “trà tam tửu tứ”,
có bạn hiền trà tửu mới ngon. Nhưng tôi thì cứ “bình minh nhất tản trà”, để một
mình vừa uống trà vừa nghe tiếng chim trong vườn, báo hiệu một ngày đẹp trời. Tâm
hồn thấy sảng khoái với không gian nhộn nhịp, tinh nghịch của mấy chú chào mào,
đầu nghiêng nghiêng trên cành tre cất tiếng chách chách, huýt hiu hiu. Được yên
tĩnh ngắm nhìn cây cối vườn nhà đang rạo rực cựa mình trong sương sớm.
Lớn thêm, tôi chuyển sang
chơi chim sáo. Chim sáo có nhiều loại, nhưng tôi thích nuôi sáo đen vì chúng dễ
nuôi, dễ tập nói. Sau một thời gian nuôi dưỡng, chúng rất dễ quen thân với
người, có thể thả sáo tự do bay lượn và chúng sẽ tự về khi đói bụng. Nuôi sáo
khi còn nhỏ dễ tập nói hơn, chúng biết bắt chước tiếng người hoặc các âm thanh
khác. Chọn lúc chúng đang đói, nơi yên tĩnh, vừa cho ăn vừa tập chúng nói.
Rồi chiến tranh ngày càng ác
liệt, những trò bắt, nuôi chim dần cũng lãng quên, thay vào đó là việc đêm ngủ hầm,
ngày đội mũ rơm đi học. Bao cảnh đạn bom, nhà cháy, người chết cứ ám ảnh trong
giấc ngủ tuổi thơ tôi. Năm tháng dần trôi, lớn thêm lại lo toan cho cuộc sống
làm ăn nên tôi không còn thời gian,
không còn hưng phấn để nuôi chim nữa.
Mấy năm về hưu rảnh rỗi, tôi
lại nghĩ đến thú chơi chim. Tôi sắm lồng
và mua mấy con chim chào mào về nuôi. Tôi chọn những con mới lớn, to khỏe, có
sức mới hót hay. Để luyện giọng chim, cứ mỗi lần cho ăn, tôi huýt sáo miệng, chào
mào bắt chước cất giọng “huýt huýt hiu hiu, quýt quýt wi wiu” rất hay. Mà lạ
lắm, chim mái, chim trống nhốt riêng từng lồng thì chúng mới siêng hót, như thể
cất tiếng gọi bạn tình. Rồi tôi nuôi thêm chích bông xanh, mỗi khi chúng hót
cất lên tiếng “lích rích” nghe vui tai lắm. Tôi còn nuôi cu gáy, chim khướu.
Trong số các loại chim, chim khướu hót hay nhất nhưng khó nuôi hơn vì nó kén
thức ăn. Muốn cho chim hót hay phải cho ăn cào cào, châu chấu, nhện... Nuôi
chim, say với chim có những lúc quên ăn, quên ngủ. Bù lại mỗi khi mệt mỏi, đưa
chim ra gốc cây cho chúng tắm nắng, nghe những tiếng ríu ran như một bản hợp
xướng làm cho tâm hồn được thư giãn, như được ngấm vị rượu bổ.
Một đàn chim sẻ sà xuống đưa tôi về với thực
tại. Tôi rón rén vào nhà lấy ít thóc vung cho chúng ăn. Như đã thành thói quen,
khi tôi cho gà ăn là đàn sẻ sà xuống ăn cùng. Ăn xong chúng vù lên đọt tre nhảy
nhót líu lo.
Nhưng rồi tôi cũng đành bỏ
cái thú nuôi chim. Nguyên do là cái đận bão lũ năm nọ, đàn chim không được chăm
sóc cẩn thận, con thì bị mèo tha, con thì dầm mưa ướt sủng rồi ốm, con thì sổ
lồng bay đi. Chỉ còn hai con chào mào sót lại. Tôi buồn. Hết bão lũ, tôi đưa
lồng ra vườn tre, bỏ mồi để bắt mấy con sổ lồng đang ở đó. Theo dõi một hồi,
tôi thấy con chim trong lồng cuống cuồng muốn phá lồng ra ngoài. Con ngoài lồng
thì tìm cách chui vào ăn mồi. Thấy tội, tôi mở cửa lồng cho chúng bay ra nhập
bầy, từ đó tôi không thú nuôi chim nữa.
Tuy không nuôi chim, nhưng
tôi vẫn rất yêu quý chúng. Thỉnh thoảng tôi ra vườn treo lồng lên bỏ ít thức ăn
vào đó. Mấy chú chim thích thú gọi nhau đến thưởng thức. Quen mồi, mỗi lần thấy
tôi ra vườn là chúng sà xuống gần hơn như thể thân thiết, rồi cất tiếng hót để
ngỏ lời cảm ơn. Những tiếng hót trong trẻo của sự tự do.
Khu vườn
nhà tôi tuy nhỏ nhưng cũng đủ thứ cây ăn quả. Cây khế quả lủng lẳng, chín vàng
là mồi cho chào mào. Những buồng chuối xòe bàn tay để chim sẻ làm tổ. Cây chanh
là nơi chim chích chuyền cành bắt sâu. Cây bưởi bung màu hoa trắng tinh khôi là
nơi tu hú cất tiếng báo hè sang… Vườn cây luôn xanh tốt quanh năm nên mùa nào
cũng có chim bay về trú ngụ. Chúng nhảy nhót líu lo cất lên bản nhạc của loài
chim làm rộn ràng cả khu vườn. Những tiếng hót như phương tiện truyền thông của
chúng. Đó là những âm thanh thể hiện sự sảng khoái, vui thú hoặc báo hiệu nguy
hiểm hay tín hiệu giao hoan. Tất cả những âm thanh đó là bản năng sống của
chúng, con người cần biết để tận thưởng cái sinh động của cuộc sống thế giới
loài chim.
Tôi đưa ly trà lên môi, cũng vừa lúc chú chích chòe than bay đến đậu trên cành mai đang nở rộ những cánh hoa vàng tươi, cất tiếng chích chích, chòe chòe huýt, huýt huýt… như tiếng chuông ngân nga làm cho không khí hương xuân đầm ấm, nồng nàn hơn, như níu kéo con người về với niềm vui của đất trời, để tận hưởng hạnh phúc của sự thanh bình.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét