- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Miền Tây mình kinh rạch chằng chịt, điều này nổi tiếng như một đặc thù của đồng bằng phù sa hạ lưu sông Cửu Long, đã viết rõ trong các giáo khoa địa lý. Hệ thống sông ngòi đồng bằng thấp dổ nước ra biển, nhận nước biển vào, két nối chi chít hơn cả hình ảnh bàn cờ. Hệ thống ấy bao gồm kênh rạch “trời sanh”, có từ bao đời, thuộc về tự nhiên, các thế hệ sau này “mở mắt ra đã thấy tự bao giờ”. Kinh rạch “trời sanh” uốn lượn, to nhỏ, không theo một qui hoạch nào (tất nhiên), phục vụ điều tiết nước mưa, nước biển, nước từ thượng nguồn Me kong. Trước khi người Pháp đô hộ và tiến hạnh các chương trình khai thác thuộc địa, gồm việc múc kinh xáng cải tạo đất phèn mặn, phát triển nông nghiệp - lưu thông, hệ thống kênh rạch trời sanh chủ đạo cả vùng.
Kinh xáng, các kinh đào, có đặc
điểm: được qui hoạch bài bản về vị trí, chiều dài chiều rộng, thi công cơ giới
nên thẳng tắp. Kinh xáng kết nối vào hệ thống kênh rạch trời sanh làm giàu thêm
mạng lưới sông ngòi của vùng đồng bằng. Do được múc khơi dòng thường xuyên và
quản lý, nên lòng kênh xáng phục vụ tốt nhu cầu lưu thông đường thủy, điều mà
kinh trời sanh không làm tốt do lòng kinh không đồng nhất. Tổng diện tích mặt
nước kinh rạch vùng, gồm kinh trời sanh và kinh xáng múc, gộp lại thành con số
đáng kể, và có vai trò rõ rệt đến sinh hoạt - đời sống - nông nghiệp
- lưu thông của cả vùng.
Hệ thống kinh rạch dính liền các cánh đồng nước ngọt ở mạn Hậu
Giang,
An Giang, Đồng Tháp. Đồng nước mặn ở mạn Kiên Giang, bán đảo Cà Mau, phục vụ tưới tiêu, tháo xổ
nước, điều hòa thủy lợi cho sản xuất. Đồng quê dù trồng lúa hay nuôi tôm đều gắn
mật thiết với kênh rạch và tự bao đời. Kinh rạch và các cánh đồng gần gũi nhau: trên đồng có chi dưới kinh rạch có
nấy, tương đồng từ nước đến sinh vật.
Mạn nước ngọt sông Tiền sông Hậu, dòng sông nuôi sống bao phận người khó nghèo, không khác
sự mưu sinh trên đường phố của bà con vô sản ở đô thị. Người nghèo ít đất hay
không có đất lấy kinh rạch làm chỗ kiếm miếng cơm: chày, lưới, giăng câu, đặt rập… Với một chiếc xuồng nho nhỏ, chiếc nón lá che nắng
mưa, bà con biến dòng kinh rạch thành “cánh đồng” của mình, sáng chiều cần mẫn
lao động. Khi trước, lúc số người mưu sinh trên sông ngòi còn chưa nhiều, tôm
cá dưới kinh rạch rất khá, miếng ăn kiếm nhàn hơn. Bây giờ khi số người
nghèo đổ ra sông nhiều hơn trong khi sinh vật ở sông ngòi ngày càng ít đi do khai thác cạn kiệt, do lượng hóa chất
độc hại từ môi trường sống và sản xuất nông nghiệp đổ xuống.
Ngày cũ, mạn nước ngọt, như dòng
Quản Lộ Phụng Hiệp chảy qua mấy tỉnh với lưu vực rộng, bà con thả chà, giăng lưới
kiếm ăn dễ dàng, giờ khó hơn nhiều.
Mạn nước mặn khu vực bán đảo Cà
Mau, ngoài sinh vật từ vuông láng đồng ruộng địa phương, còn có dòng thủy sản từ
biển vào, từng dồi dào. Bà con đóng đáy lớn nhỏ, thả lú, nò, thả rập, kiếm tôm
cua cá thành nghề ổn định. Sông rạch ở đây có đủ: tôm đất, tôm thẻ, tôm sú, cá
mú, cá dứa…
Hai bờ kinh rạch còn cơ man nào sinh vật bò sát cư ngụ, tạo
nên hệ sinh thái hấp dẫn các nhà sinh học và khách du lịch. Giờ cũng như vùng
nước ngọt, sự hấp dẫn dồi dào ấy đã vơi nhiều.
Bà con nghèo không đất, tựa vào
chiếc xuồng con, nương theo dòng nước, cùng nắng mưa, cần lao trên kinh rạch,
không có chi khác nông phu trên đồng hay vuông láng nuôi tôm. Không đất, vẫn là
nông dân, nhờ dòng kinh rạch thân thương bao đời. Không đất, vẫn có tôm cá cho
bữa ăn, đãi khách, đem ra chợ bán; thời thuận lợi, tự nhiên ưu đãi, dân cư thưa
thớt, mưu sinh trên kinh rạch có khi còn thu hoa lợi nhiều hơn cả hộ ít đất hay
vuông láng trên bờ. Từng chứng kiến máy chú trung niên buồn buồn đem bàn cờ ra
cầu Đúc chọn chỗ râm giải trí, tiện thể thả dây câu, chiều về toàn cá lớn thừa
ăn! Khi ấy, xuồng con thả rập bắt chục ký cua bể là chuyện có thực, mà nhàn hạ
dưới bóng râm rặng mắm đước ven bờ. Bây giờ cảnh như vậy biết đâu mà tìm. Sinh
vật trên ruộng đồng vuông láng vơi nhiều, nói chi dưới kinh rạch “của chung”.
Cũng tương tự ở đô thị, miếng cơm mưu sinh trên đường
phố của cô bác hàng rong ngày càng khó hơn, bởi chính bổn phố kinh doanh đàng
hoàng vốn liếng bảng hiệu đâu ra đó còn khó sống, nói chi...
Nhưng hãy còn, đây đó chiếc xuồng
con với mái chèo,
hay gắn máy hẳn hoi, nương vào kinh rạch cần cù lao động, dù ít song buổi về
vãn có con cua con cá tươi ngon cho cả nhà, thiện lương chân chất như ngày xưa.
Hình ảnh chiếc xuồng con con trên kinh rạch buổi giờ còn nuôi ký ức một thời chưa xa, mộc mạc, chân quê.
Cánh đồng và kinh rạch Miền Tây
dính liền, kinh rạch chằng chịt còn là “cánh đồng” của bà con mình - những phận dời không đất mà vẫn là nông dân.
Nguyễn Thành Công
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét