Sài Gòn với những chiều khói bay ở đây chắc chắn không phải
là khói đốt đồng, vậy thì là khói gì ?
Xin thưa - Ðó là khói xe và khói của các món nướng từ các
quán nhậu, quán nướng thượng vàng hạ cám từ cao cấp sang trọng tới bình dân vỉa
hè, đường phố...
Khói nướng có thể “bốc” lên từ nhà hàng của khách sạn Palace
trên đại lộ Nguyễn Huệ, từ trên sân thượng của quán 3T, hay sân thượng của
Temple Club (trên đường Tôn Thất Thiệp - quận 1), hay từ “Barbecue Garden” - nằm
ngay sau lưng thư viện Tổng Hợp (thư viện quốc gia cũ), hay một nhà hàng nằm
sâu trong một con hẻm trên đường Nguyễn Ðình Chiểu, được gọi là “làng nướng
Cali”, và khói nướng cũng bốc lên từ ngay trước cổng chùa Nghệ Sĩ (Gò Vấp), và
những chiều khói bay cũng bốc lên từ bên kia sông của các làng nướng Thanh Ða,
Bình Quới, khu du lịch Tân Cảng... Và dọc theo những con đường bán cơm Tấm như
đại lộ Ðinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông xuống gần tới Lăng Ông - Bà Chiểu)...
Ôi! Trời! Làm sao mà kể cho hết các món nướng và kiểu nướng
của Sài Gòn mà trong đó nhiều món chỉ vừa mới nhắc tới tên thôi là nước miếng
đã “tứa” ra đầy khắp các chân răng vì những kỉ niệm sung sướng của nó.
Làng nướng Sài Gòn thời mở cửa kinh tế du nhập vào nhiều kiểu
nướng lạ, như kiểu nướng “hot rock - đá nóng” của Châu Âu, kiểu Teppanyaki (kiểu
nướng của Nhật Bản, nhưng nghe nói “gốc” là sáng chế của lực lượng thủy quân lục
chiến Hoa Kỳ, thời Ðệ Nhị Thế Chiến), kiểu nướng của Úc (cùng với việc nhập khẩu
thịt từ Úc), kiểu nướng BBQ Hàn Quốc, kiếu nướng xiên Satay của Singapore... và
chuỗi nhà hàng Au-Lac-Do chuyên về các món nướng của Brasil. Nhưng có lẽ chẳng
có kiểu nướng nào lại có thể ngon hơn kiểu nướng của người miền Nam thời đi
khai hoang, như là nướng ‘trui”, nướng “mọi”, nướng “quanh bếp lửa hồng” và nướng
muối ớt...
Các món ăn chơi “nhẹ” của Sài Gòn thì thường bắt gặp ở các
vùng ven của Sài Gòn như Gò Vấp, Thủ Ðức... đó là các món khoai lang nướng. Những
củ khoai lang đã được rửa sạch và dĩ nhiên là khô ráo nằm trên những vỉ nướng
than tôi tưởng tượng như những chú chuột đồng. Những ngày mưa gió, mua mấy củ
khoai lang nướng thơm lừng, du hành trên xe Bus nhìn phố xá qua làn mưa bụi mờ
bay, cắm ngập chân răng vào củ khoai nướng vùi để nghe mùi vỏ khoai cháy xém xộc
vào ký ức một nỗi nhớ, chao ôi tiếng đồng trẻ xưa lại vọng về...
Vỉa hè Sài Gòn ngày nay du nhập thêm nhiều món mới như hột
gà nướng theo kiểu Thái Lan, mực tươi nướng, bò nướng kẹp bánh mì giá bình dân,
nhưng cũng khó tìm lại mấy món như một chiều mưa năm xưa tôi được ăn món mía nướng
ướp với thứ hoa gì thơm như hoa bưởi hay hoa lài ở một xe đẩy vỉa hè trong khu
Chợ Lớn...
Các anh hùng “Lỗ Trí Thâm” thời nay, chiều chiều có thể tập
hợp quần hùng tại khu chợ ông Tạ, sâu trong một con hẻm, dưới những tàn cây trứng
cá xum xuê, tay nâng ly rượu đế, tay cầm chiếc đùi chó nướng hay nhấp miếng chả
chìa mới bưng ra còn bốc khói để luận anh hùng thời... Lương Sơn Bạc.
Ðâu phải hoa hậu mới là mỹ nhân, đâu phải nhà hàng deluxe,
trà đình tửu quán cao lâu ngất ngưởng mới tìm được sự sung sướng cho mấy cái
chân răng, trên hè phố Sài Gòn đầy những sự kích thích cho thị giác, khứu giác,
nào là bê thui nguyên con trên một “chảo” than to đùng bê ra tận góc phố cho
thiên hạ thèm chơi, nào là cá lóc nướng trui bán từng con nướng sẵn, kèm theo
rau sống, nước chấm, bún, mua về chỉ cần “hú” thêm chiến hữu là đã có thể “gầy
sòng”. Các nhà hàng bình dân cũng như không mấy bình dân đều tận dụng vỉa hè
làm nơi nướng và... tiếp thị các món nướng, từ gà nướng, vịt nướng cho tới heo
sữa nướng. Nhưng mấy món như tôm nướng, cá nướng giấy bạc, hay dê nướng thì lại
ở bên trong như nướng tại bàn hay sâu trong nhà bếp. Trong mấy món nướng mộc
(không ướp gia vị) dê nướng phải kể là món ngon số dzách, nên trong cái “tam
khoái” của người Hoa, dê đứng ở vị trí số hai trong bảng “phong thần”: Rượu
ngon - dê béo - gái tơ...
Góp phần vào những “chiều sương mù” của Sài Gòn khá thịnh
hành lúc này là các món gà nướng lu, thường ở các ngã tư hè phố như ngã tư Bình
Triệu và lâu nay ai cũng biết là các quán cơm tấm vỉa hè với món sườn nướng. Một
thời đầu đường Hai Bà Trưng được giới đi chơi khuya đặt tên là “dốc sương mù”
vì nơi đây chuyên bán đồ nướng cho dân đi chơi đêm, nhưng nay địa danh này đã mất
chỉ còn những quán cơm tấm trên đường Ðinh Tiên Hoàng (dưới chân cầu Bông, tới
gần Lăng Ông) là còn lặng lẽ phục vụ khách đi “bụi” đêm...
Tận dụng vỉa hè để nướng, để tiếp thị các món nướng kể cũng
là một trong những “nét” của Sài Gòn. Nhưng thành phố ngày càng đông đúc với
hơn 10 triệu dân, hơn 4 triệu xe gắn máy chưa kể xe bốn bánh và các loại phương
tiện khác, những chiều “khói, lửa” của Sài Gòn cộng thêm nạn giao thông chen
chúc và nạn kẹt xe cũng gây nhiều bức xúc. Như khu vực chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp
nơi chuyên bán chân gà nướng và bia hơi, chiều chiều khách kéo về rất đông, các
bàn nhậu bày đầy trên vỉa hè, “nam thanh, nữ tú” mặt mũi đỏ gay đua nhau tay cụng
ly, miệng hò hét “dzô!”, “dzô!”... có thể cũng gây chút vui vui, hưng phấn nơi
trần thế cho khách qua đường, nhưng với các vị tu hành nơi chùa Nghệ Sĩ thì những
cảnh trên đúng là “chịu không xiết”. Các vị tu hành nơi đây đã nhiều lần lên tiếng
để mong chấm dứt cảnh ăn nhậu tràn lan trước cổng chùa, nhưng ai nói cứ nói, ai
nhậu cứ nhậu, bia và khói vẫn “tuôn chảy” mỗi chiều, đúng hẹn lại lên...
Khói nướng có thể làm cay làn mắt thì khói xe chắc còn...
cay hơn. Cứ tưởng tượng cái cảnh những ngã năm, ngã tư Sài Gòn những chiều kẹt
xe với hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe gắn máy, xe hơi, xe Bus, xe bồn, xe tải,
xe ba gác... cùng “giậm chân tại chỗ” cùng xả khói, tiếng la hét, tiếng còi, tiếng
đập thùng xe, nóng nực, bực bội và không sao thoát ra được... Chao ôi! Cảnh khổ
trần gian là ngay đây chứ đâu?!
Sài Gòn vừa “tạm thoát” nạn lô-cốt chiếm lòng đường nhưng nạn
kẹt xe xem ra vẫn còn rất nan giải. Không chỉ vì phương tiện tham gia giao
thông nhiều, đường sá chật hẹp mà quan trọng hơn cả là ý thức chấp hành luật
giao thông của người dân tham gia giao thông còn rất thấp. Những cảnh lấn tuyến,
chạy ngược chiều là nguyên nhân chính của những vụ ùn tắc, kẹt xe ở Sài Gòn.
Ðể giúp hướng dẫn giao thông, giải quyết một phần nạn
ùn, tắc đường, Sài Gòn đã có chương trình phát thanh “VOV giao thông” phát vào
những giờ cao điểm sáng-trưa-chiều. Ðây là chương trình Radio tương tác duy nhất
ở Việt Nam. Chương trình thường xuyên thông báo nạn kẹt xe đang xảy ra trên tuyến
đường nào để các tài xế xe lưu thông qua tuyến đường khác. Làm được việc đó,
chương trình nhờ vào hệ thống Camera gắn tại các ngã tư trên những tuyến đường
hay bị kẹt xe, nhưng chủ yếu là dựa vào sự cộng tác của các “bác tài” mà hầu
như xe tải, xe bus, xe taxi nào cũng đều có gắn radio và họ thông báo tình trạng
giao thông trên các tuyến đường về đài qua điện thoại di động được mở trực tiếp
trên sóng phát thanh.
Ngoài thông báo tình hình giao thông cho đài, đồng
nghiệp và khách đi đường thì các bác tài cũng phản ánh những bức xúc về những
hành vi nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông, hay giao lưu trực tuyến cùng các
MC của đài hay các bác tài đồng nghiệp khác. Chương trình VOV giao thông khá
vui và hiệu quả, ngoài việc hướng dẫn giao thông thì VOV còn giáo dục ý thức và
hướng dẫn luật giao thông cho người dân thông qua những câu hỏi và câu chuyện kể
thực tế của các tài xế trên khắp các cung đường không chỉ ở Sài Gòn mà còn từ
các tỉnh lân cận... Nhờ có VOV mà không khí Sài Gòn những chiều bức xúc phần
nào giảm xuống, không chỉ nhờ những bản nhạc hay, những câu chuyện vui của các
bác tài được radio trên các xe Bus “tiếp âm” mà còn vì hiệu quả thiết thực của
VOV.
Như có một chiều hồi năm ngoái, tôi đang ngồi trên xe Bus
thì nghe sóng phát thanh của VOV thông báo qua radio của xe Bus là hiện lúc đó
một chiếc sà-lan của nhà thầu Trung Quốc đã “xúc dây” trôi và va đập vào cầu Thị
Nghè gây nứt cầu, hiện các cơ quan hữu quan đã phong tỏa cầu để cứu hộ và khắc
phục hậu quả, đề nghị các xe đang lưu thông về hướng cầu Thị Nghè xin chuyển
sang hướng khác. Lập tức một anh ngồi gần tôi lấy ngay điện thoại ra gọi cho cô
bạn làm ngoài Sài Gòn thông báo tình hình và kêu cô bạn khi tan sở không đi về
qua hướng Thị Nghè mà lên qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Tin hư cầu nhờ vậy lan đi rất
nhanh...
Sài Gòn những buổi chiều làm người ta cay mắt bởi khói nướng,
khói xe hay những sợi khói nhớ, khói thương nào đó về trong hoài niệm một đêm
mơ, ta nào biết. Nhưng có những lúc ta cũng làm dấy lên làn khói mờ ảo trong
tâm thức bằng những hành vi như người thi sĩ ly hương Hồ Dzếnh: “Nhớ nhà châm
điếu thuốc, khói huyền bay lên mây”...
VĂN LANG (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét