Hồi nhỏ ba mẹ giàu tới cỡ nào không biết, chỉ biết bây giờ,
nó nghèo tới mức khạc ra tro, ho ra bụi. Không nói quá một chút nào, cuộc đời của
một con bé vừa học xong lớp năm nhìn đâu cũng thấy bụi.
Căn nhà xiêu quẹo, nền đất lở lói,
mọi thứ đều đóng một lớp bụi. Bộ đồ dính đầy đất đỏ cứ ngâm vào chiếc thau nhựa
rồi dập dập xuống đem phơi. Mặc áo cứng đơ, có khi còn rơi vãi đất cát xuống.
Đó là kết quả những ngày nó lang thang ruộng mì để mót đấy. Bàn tay của một cô
bé tuổi ăn ngủ đã có vết chai, móng tay dính đất cát. Ôi trời, ai biểu nó là đứa
nhỏ mồ côi, sống với bà ngoại bịnh đau…
Bà ngoại bị bịnh gì không biết,
nó chỉ biết đêm nào cũng nghe bà rên la, những cơn đau chắc khủng khiếp lắm, tiếng
bà ư ử khóc nghe thiệt là tội, nó chỉ chực khóc theo những cơn đau khi thấy bà
quằn lên nhức nhối. Một đứa nhỏ không nơi dựa dẫm, nó chỉ có bà, bà lại đau bịnh,
nó thật không biết phải làm sao...
Những lúc hiếm hoi, cơn đau lặn
xuống, nó thường nghe bà tiếc nuối kể chuyện hôm qua. Ngày xưa ba mẹ nó sống rất
đủ đầy. Trên cả sung túc luôn. Áo quần xênh xang, ăn uống thừa mứa, chi tiêu
không dòm ngó. Ba mẹ nó là chủ huê. Chơi huê hụi, tính toán làm sao không biết,
đang phong lưu xa xỉ thì ầm một cái vỡ nợ. Nhà cửa bị tịch thu, mẹ ngồi tù, ba
phệch phạc đi cuốc cỏ gấu kiếm ăn. Đâu được một tuần thì ông mất ngoài ruộng mì
luôn. Người ta kể, ông đang đứng làm thì bất ngờ ngã nhào tắt thở. Một năm sau,
có người tới nhà báo với ngoại, mẹ nó cũng mất trong tù, người ta phát hiện khi
xác bà đã cứng lạnh.
Ba mẹ lâm cảnh khốn cùng, nhà cửa
bị tịch thu, bà cháu chuyển qua sống nhờ trong căn nhà dột nát của một người
hàng xóm tốt bụng. Bà bịnh nên gần như nằm một chỗ, nó vừa mót mì, vừa đi ăn
xin. Không phải đi đâu xa hết, cứ lê lết hết nhà này đến nhà khác trong xóm, ai
cho gì nhận nấy. Người ta thấy nó tội nghiệp nên cho chén cơm, trái chuối, gói
mì tôm, cái bánh tráng…. Có người lớn nóng nảy, thấy bộ dạng thảm hại của nó
thì bực dọc nói “ Đời cha ăn mặn đời con khát nước!”. Có lẽ nó chẳng hiểu hay
chẳng để tâm tới những lời như thế nên không biết oán than, giận dỗi gì hết. Nó
chỉ nghĩ một điều thôi, đó là nó đang mồ côi, đang trông chờ sự ban ơn của người
xung quanh.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, nó chỉ có một ý nghĩ
trong đầu, không biết ngày mai có xin được cái gì bỏ vào mồm không. Điều lo lắng
như thế là thừa bởi ngày nào nó cũng được bà con chòm xóm cho nhiều. Những lúc
nghĩ như vậy, nó cũng tự biết mình lo sợ viễn vông vì có một ngôi nhà mà mỗi lần
ghé lại thì nó đều được nồng hậu tiếp đón. Cô Luyến ép nó ăn no nê tại chỗ và
cho thêm mang về. Cô gọi nó là “con gái”…
Ngôi nhà nó đang ở gần trường cấp 2, mỗi
chiều đi qua trường nó đều đưa mắt vào cánh cổng đang khép kín. Nhìn vói vào
bên trong, thấy cây phượng chỉ xót lại một vạt hoa đỏ rạng. Cánh hoa chao chao
trong gió, mùa hè sắp vãn rồi, nó rầu rĩ đem chiếc cặp cũ bỏ vào xó nhà. Từ nay
sẽ không dùng nữa, phải nghỉ học thôi. Nó nghĩ như vậy, đôi mắt đong đầy nước…
Những ngày cuối hè, nó thường lảng vảng ở sân trường giữa trưa. Nó đứng
trước cổng ngó vào, ngôi trường bỗng trang nghiêm, cao lớn hơn thường ngày. Bước
vào sân trường, nó lấy chiếc khăn quàng đeo vào rồi đi dọc các hành lang. Đứng
ngoài cửa nhìn vào các phòng học. Nó ước
mình được ngồi bàn thứ hai, dãy bàn từ cửa lớp tính vào. Nó nhỏ con, ngồi như
thế để nhìn bảng cho rõ, để nghe thầy cô giảng bài thật chăm chú. Đang miên man
với những ước mơ về lớp học, bỗng nó nghe tiếng ngoại kêu, luống cuống chạy về...
Năm
học mới sắp bắt đầu, bạn nào cũng tíu tít chuẩn bị quần áo, sách vở, nó tủi
thân …
Hôm
đó nó ghé lại nhà cô Luyến. Không bước vào nhà liền mà dừng trước cửa quán. Nhà cô có một gian hàng bán đồ
dùng học tập cho học sinh. Nó vân vê vạt áo, tròn mắt ngắm nghía chiếc cặp xinh
xắn, ngoài có in hình một con chim tung cánh. Nó đứng không rời mắt khỏi chiếc
cặp đó, bỗng nó khựng người quay lại khi nghe giọng nói hiền lành quen thuộc:
- Thích chiếc đó hả ?
Cô Luyến đi lại chỗ chiếc cặp,
đưa tay tháo sợi dây nhựa, nó ấp úng nói:
- Đừng cô! Em thích nhìn con chim
thôi!
- Thì em vẫn cần cặp để đi học
mà. Nè, cô tặng em! – cô vừa nói, vừa ấn dúi cái cặp vào tay nó. Không biết làm
sao, nó đưa tay đỡ cái cặp và đẩy về phía cô:
- Em không cần cặp đâu cô ạ!
- Cặp cũ bỏ đi. Cặp này cô tặng!
- Thưa cô… em… em không đi học nữa!...
– nó ngập ngừng nói, giọng nghe đã nghèn nghẹt.
- Sao thế ?
- Thưa cô… ngoại em… bịnh…Em
không có tiền…
- Cô cho em mượn.
- Em không... em… nghỉ học thôi.
Dù cô Luyến có hứa hẹn gì, nó vẫn
khăng khăng đòi nghỉ học. Cô không bảo
nó đi học nữa. Cô thu dọn mấy quyển vở bỏ vào một góc, đính cái cặp vào móc định
treo lên. Bỗng cô mỉm cười, âu yếm chỉ vào tấm hình ngoài bìa cặp rồi nói:
-Em có biết, đây là con gì không?
– cô chỉ tay vào bìa cặp.
Nó rụt rè:
- Dạ, con gà ạ.
- Không phải.
- Con công ạ.
- Cũng không phải luôn.
- Thế đó là con gì hả cô?
- Con phượng hoàng.
- Em không biết nó?!
- Phượng hoàng có đầu của con gà, chiếc cổ
cao của chim hạc, và bộ đuôi thướt tha rực rỡ của loài công. Tiếc rằng chúng chỉ
tồn tại trong trí tưởng tượng của con người.Theo như truyền thuyết, một con phượng
hoàng có thể tồn tại hơn 500 năm . Khi đã quá mệt mỏi, phượng hoàng thu nhặt những
nhánh cây thơm và chất thành một cái tổ lớn ở nơi cao đến mức không ai có thể đến
được. Nằm trong cái tổ ấy và phượng hoàng sẽ nổi lửa, tự thiêu chính mình. Tuy
nhiên, sau ba ngày, phượng hoàng sẽ tái sinh từ đống tro tàn. Người ta cũng nói
rằng những giọt nước mắt của phượng hoàng có thể chữa lành vết thương.
- Câu chuyện hay quá, em chưa được
nghe những điều như thế!
- Ừ, khi em đi học, em sẽ biết được
những điều mới lạ khác.
- Bà không có tiền cho em đi học.
- Cô sẽ cho em mượn.
- Làm sao em trả nợ cho cô?
- Bằng cách em hãy học thật giỏi.
- Em…
- Em hãy tái sinh từ đống tro
tàn, như loài phượng hoàng vậy.
- Em giống con cóc ghẻ hơn!
- Em giống con phượng hoàng, nó có
khả năng phục sinh sau khi bị thương.
Cô nói xong thì đẩy chiếc cặp vào
tay nó, nó ôm chiếc cặp, không nói gì mà chỉ nhìn cô bằng ánh mắt hàm ơn. Đôi môi he hé, mở ra niềm hy vọng
thênh thang./.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________________
Cảm ơn tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn cho ra tác phẩm hay. Chúc tác giả vui. Thân, Khánh vân
Trả lờiXóa