Chính vì thế mà nghề viết thời nào cũng được coi là một hướng
phát triển của xã hội và hàng năm thường xuyên được bổ sung
lực lượng thông qua quá trình tuyển chọn từ các cuộc thi viết
và các trại sáng tác văn học nghệ thuật. Viết có rất nhiều thể
loại như: Thơ, văn, kịch, báo, luận văn, báo cáo, biên bản... Một người viết
giỏi sẽ là người luôn viết mỗi ngày và thường đọc lại những gì mình đã viết. Lý
do quan trọng nhất để có những tác phẩm hay là người viết phải thực sự hiểu và
yêu nghề viết. Bởi lẽ trên đời không ai tự nhiên có được khả năng viết này mà tất
cả đều phải trải qua rèn luyện mới có được. Ngoài ra, muốn viết giỏi còn cần phải
có trí tưởng tượng phong phú. Bác học Einstein đã từng nói: "Trí tưởng
tượng quan trọng hơn cả kiến thức”. Vì con người chúng ta bị giới hạn bởi lượng
kiến thức mà chúng ta có thể học, nhưng chúng ta không bao giờ bị giới hạn bởi
những gì mình có thể tưởng tượng được ra. Ông cũng cho rằng, thước đo của
cuộc sống nói cho cùng, không phải là ở độ dài của ngày tháng, mà là độ rộng của
tấm lòng. Gần đây, vì bị nhiều yếu tố chi phối mà văn hóa đọc có phần nào bị lu
mờ hạn chế và nhiều người không còn thích đọc nữa. Nếu không đọc, không mở rộng
trí tưởng tượng thì kỹ năng viết sẽ bị hạn hẹp, hao mòn.
Tuy
nhiên có một điều quan trọng đáng nói là ở Việt Nam cho thấy thực tế nhà văn Việt
Nam đương đại không sống được bằng nghề viết. Vì thế mới có chuyện người viết
"đá lấn sân” hoặc hình thành nên nghề tay trái, nghề tay phải trong nghiệp
viết lách…Với các nhà văn, nếu được trả nhuận bút là 10-20% giá bìa cho mỗi đầu
sách thì mỗi cuốn sách họ được nhận mười đến vài chục triệu đồng. Thời gian để
họ viết ra một tác phẩm cũng phải thai nghén mất vài tháng. Điều này cho ta thấy
nhà văn khó có thể sống được bằng nhuận bút. Với mức chi tiêu và thu nhập hiện
nay, thử hỏi nhà văn chân chính sẽ sống bằng gì và lấy gì để nuôi dưỡng ý tưởng.
Vì thế mà ta thấy những người viết thường phải năng động hơn, bươn chải hơn vì cơm
áo gạo tiền. Cho đến nay, nhà văn đã không còn là nhà văn đơn thuần nữa mà nhiều
người đã phải chuyển sang kết hợp cùng các mảng nghệ thuật khác. Những cái tên
quen thuộc như Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị
Thu Huệ, Đoàn thạch Biền, Di Li…đã phải gắn kèm với một công việc khác để duy
trì và ổn định cuộc sống. Nghề tay trái của các nhà văn chủ yếu là chuyển sang
làm báo, biên tập cho các nhà xuất bản, công ty truyền thông, biên kịch phim
truyền hình, kinh doanh và họ cũng đã gặt hái thành công nhất định. Cũng có một
số người chuyển sang viết luận văn, biên bản…
Tôi
có một người bạn đã từng một thời gắn bó với nghề viết và để lại được ấn tượng,
tên tuổi trong làng nghệ thuật. Giờ đây chị đã từ bỏ nghề viết và chuyển sang sản
xuất và kinh doanh…ô mai. Theo quan điểm của chị: "Nghề viết văn cũng giống
như nghề làm ô mai vậy. Cũng chỉ với từng ấy các nguyên liệu như muối, đường, gừng,
mơ, sấu…nhưng không phải quầy ô mai nào cũng đông khách như nhau. Cũng bút ấy mực
ấy để dùng viết lại những một câu chuyện xảy ra trong đời thường nhưng không phải
người viết nào cũng có thể để lại ấn tượng sâu trong lòng độc giả”. Với chị, một
tác phẩm hay phải là một tác phẩm được nêm vừa đủ gia vị chua cay mặn ngọt.
Đặc
thù của văn thơ là tưởng tượng, đặc thù của làm báo là chạy theo tin tức sự kiện
và tính thời sự của sự việc, đặc thù của kinh doanh là mua nhanh bán nhanh. Do
đó nhà văn, nhà thơ hay nhà báo đều đòi hỏi phải vận động. Có một số người vẫn
sống được bằng nhuận bút từ nghề viết nhưng không nhiều. Những người này luôn tỉnh
táo, quan sát, năng động và biến mình trở thành người của công việc. Nhiều khi
áp lực của công việc của họ càng lớn thì lại càng giúp họ viết tốt hơn.
Nhìn
chung nhiều năm trở lại đây, trên thực tế ta đã gặp rất nhiều nhà báo viết văn,
nhà văn viết báo và các nhà văn thành công ở nhiều lĩnh vực khác. Nhiều quan điểm
cho rằng đây là một giải pháp cầm cự vì bát cơm manh áo, vì cái bụng. Phải
chăng đó cũng là một hình thức thích nghi để tồn tại khi tình trạng nhuận bút cho
các phẩm văn chương hiện nay còn chưa phù hợp, chưa thỏa đáng cho công sức lao
động nghệ thuật sáng tạo. Do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các loại báo
giấy, báo hình, báo nói, báo đài, báo điện tử lần lượt ra đời đã có những ảnh
hưởng đến việc duy trì bản sắc của văn hóa đọc. Do sự cạnh tranh của nhiều loại
hình nghệ thuật nên nhiều người đã bỏ tiền từ túi cá nhân ra để in tác phẩm và
cũng không ít tác phẩm được trả nhuận bút bằng…sách. Cũng từ đó không ít câu
chuyện thật như bịa đã xảy ra, để lại nhiều tiếng cười bi hài trong làng viết.
Xin được kể ra đây một câu chuyện nhỏ. Anh H bạn tôi làm nghề viết đã khá lâu.
Sau khi có bài thơ đăng trên tạp chí TGTT, anh được tạp chí này gửi cho 5 cuốn
sách kèm theo một lá thư có nội dung:
"Thưa cùng bạn viết! TGTT vui
mừng thông báo bài thơ có tựa đề…đã đăng trên số…ngày…tháng…và được trả nhuận
bút là 50 ngàn đồng. TGTT cũng vui mừng báo tin chia sẻ với bạn đọc, nhà báo
ĐKV trong nhiều năm miệt mài viết sách tin bài và chụp ảnh. Ngoài viêc làm báo
anh còn cần mẫn viết truyện ngắn. Cuối năm Mão vừa qua anh đã tổng hợp và ra mắt
bạn đọc tập truyện ngắn có tựa để…với giá bìa là 50 ngàn đồng. Trân trọng giới
thiệu và mong bạn viết ủng hộ số tiền nhuận bút nói trên. TGTT cáo lỗi vì một
việc "tiền trảm hậu tấu”. Rất mong được thông cảm và lượng thứ”.
Không
biết trong làng văn nghệ còn có bao nhiêu chuyện khóc dở mếu dở kiểu như thế…
Văn
là nghề nhưng với đa số người cầm bút thì chưa hẳn văn đã là nghiệp. Thầy giáo
- nhà thơ Lê Bá Duy cho biết anh đã sống và làm thơ, viết văn bằng chính đồng
lương giáo viên ít ỏi của anh. Nhà báo - nhà văn Phong Điệp vẫn miệt mài chắt
chiu thời gian công sức trí tuệ để nuôi mình, nuôi con, nuôi văn và nuôi web.
Thầy giáo - nhạc sỹ - nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam đã có khá nhiều thành công
trong việc tạo nên những bức tranh đá vùng Bảy Núi và anh đã đem những linh hồn
của đá để gửi vào những tác phẩm văn học của mình. Nhà báo - nhà văn Nguyễn Hồng
Thái nhận định rằng "chính sự phong phú của thực tế xã hội đã là chất xúc
tác mạnh mẽ và hình thành nên tố chất nhà văn trong nhà báo”. Nhà văn Chu Lai
còn gọi nghề viết văn là "nghề tự ăn óc mình”…Còn rất nhiều người viết
khác đã viết ra những tác phẩm bằng tâm huyết của mình. Họ đã đổ lên giấy từng
câu từng chữ, họ viết để trải lòng và viết vì bạn đọc. Với họ, viết văn không
giàu tiền bạc nhưng những tác phẩm của họ chính là tài sản vô giá mà họ đã để lại
cho bạn đọc và con cháu sau này.
"Ai bảo dấn thân vào bút mực
Suốt đời mang cái kiếp long đong
Người đi tìm kiếm giàu sang cả
Minh chỉ mơ toàn chuyện viển vông”
Gần
đây, công cụ hỗ trợ cho nghề viết ngày càng hiện đại tiên tiến và đa dạng. Chỉ
cần một cái click chuột mở một cửa sổ windows là có thể thỏa sức khai thác ý tưởng
để làm nên những sản phẩm mới. Nhiều người viết đã lang thang cả ngày trên mạng
chỉ để khám phá, tìm tòi kiến thức mới và tìm những trang Web có nhuận bút. Phải
chăng đó cũng chính là vì họ muốn bứt phá để thoát ra khỏi cái kiếp long đong ấy.
Đối với người viết, hạnh phúc là viết được ra những điều có ích và để lại ấn tượng
sâu sắc trong lòng bạn đọc. Nhưng, trong muôn vàn những lý do xoay quanh bốn
từ "cơm áo gạo tiền” ấy, thử hỏi trong tất cả những nhà văn, nhà thơ và những
người cầm bút yêu nghề viết hôm nay, ai đã đủ dũng cảm để coi văn là nghề và sống
được bằng nghề.
NGUYỄN THÚY HẠNH (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét