Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Hình ảnh những cái ao làng đã tạo nên một nét văn hóa rất đặc trưng cho người dân thôn quê ở nước ta, nhất là khu vực các tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Có lẽ từ lâu trong lòng mỗi người đã sống và lớn lên ở miền quê thuở trước vẫn luôn nhớ về những cái ao làng. Ở đó là những ký ức xa xôi, chất chứa nhiều kỉ niệm hồn nhiên của những ngày thơ bé. Ao làng như bầu sữa nguyên sơ ngọt lành của quê hương tắm táp cho tuổi thơ của mỗi người và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn trưởng thành. Cũng chẳng hiểu từ khi nào, ao làng gắn liền với kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn cho đến tận bây giờ, những cái ao làng thật thân thương và gần gũi như những buổi ngày xưa vọng nói về.
Thuở ấy, những vùng quê nghèo làm gì có nước máy, làm gì có giếng khoan hay nhà tắm được trang bị những thiết bị hiện đại như bây giờ. Nhà nào cũng có một cái ao bên cạnh nhà, rồi ao của hợp tác xã. Ao không chỉ giúp cho người nông dân tắm giặt, rửa ráy hàng ngày mà những cái ao làng đó còn giúp cho người nông dân tưới rau hay mỗi lần mưa gió có nơi tiêu nước… Mỗi khi nóng nực hay những buổi chiều tà sau mỗi ngày làm việc nặng nhọc thì mọi người lại ra cầu ao tắm giặt. Mấy đứa trẻ con lại nhảy ùm xuống ao nhà mà bơi lội thỏa thích và ngụp lặn trong làn nước được quẫy đạp đục ngầu. Để rồi từ đó cứ thế ngày càng lớn lên và trưởng thành khi đi qua những năm tháng của tuổi thơ với nhiều kỷ niệm lấm lem bùn đất.
Yêu lắm cái mùi bùn xen lẫn những cây lục bình ngai ngái đang vươn lên những cánh hoa tím biếc mà ấm áp tình làng nghĩa xóm. Rồi đến những lần cầm cái cần câu nhử nhử để cho tôm, cá cắn câu là giật cần câu lên bờ. Thú vị biết bao khi được chờ đợi cái phao của cần câu nhấp nháy trên mặt nước. Ôi! Khi đó sao mà tôm, tép, cua, ốc lại có nhiều đến thế để đám trẻ con cũng có dịp trổ ra muôn vàn chiêu trò để bắt nó. Gặp những ngày mưa lớn, nước tràn bờ ao nên từng đàn cá bơi ngược xô dạt cả trên sân nhà, con nào con nấy to đùng béo tròn, bắt đến sướng tay.
Chẳng ai có thể quên những hàng cây được trồng xung quanh bờ ao với nhiều chủng loại khác nhau như ổi, khế, sung, dừa… Nhớ mỗi khi trèo lên cây để hái dừa, từng quả dừa rơi tõm xuống ao, nước bắn lên tung tóe trông đẹp mê hồn như những đam mê khát vọng của tuổi thơ trong veo đầy huyền thoại. Tuổi thơ kí ức đong đầy, có mấy ai mà không đu mình theo những cành cây để hái cho bằng được những quả ổi thơm vàng hay quả khế chua gắt giọng giữa những buổi trưa nhiều nắng nhiều gió. Những giàn mướp trổ hoa vàng hòa trong cái rực rỡ. Rồi, chuồn chuồn, bướm, ong… bay qua, bay lại, lúc bay, lúc đậu trên những cánh hoa mướp vàng đung đưa trong nắng…Tất cả đang tái hiện về với những kỷ niệm đẹp rất đỗi thân thương…
Giờ đây làng quê thay đổi, đất chật người đông, nhất là đất mặt đường ngày càng có giá trị thì những cái ao xưa đã bị các gia đình lấp lại chia lô bán hết. Mặt đường quê bây giờ cũng như mặt đường phố, nhà cửa cũng san sát. Người ta đã không còn cần đến ao nữa, hay nói đúng hơn là không còn ao để sử dụng nữa. Những cái ao làng còn sót lại đến hôm nay chỉ có ở những gia đình sống xa mặt đường, hoặc trong những ngõ sâu nơi địa thế đất không có nhiều giá trị. Ao làng ngày nay cũng đã được kè đá, xây gạch gọn gàng nên cũng mất đi cái hồn quê vốn có. Chủ yếu là ao tù, nước đọng và rất dơ bẩn nên trẻ con bây giờ cũng chẳng đứa nào dám nhảy xuống ao để tắm nữa. Chính vì thế mà có lẽ nhiều người đi xa khi trở về quê nhà đều cảm thấy tiếc nuối, ngẩn ngơ khi những cái ao làng ngày xưa bây giờ đã không còn nữa.
Với những người của thế hệ 7x trở về trước, những cái ao làng đã đi sâu vào trong kí ức của họ là như thế. Bởi vì ao làng chính là nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ sâu đậm của nhiều người và nó càng trở nên đặc biệt hơn với mỗi người con đang sống xa quê hương. Với họ hình bóng về những cái ao làng xưa cũ giống như những kỷ vật thân yêu luôn hiện hữu khi mỗi lúc da diết nhớ về.
Nguyễn Thúy Hạnh
(Vietseri)
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét