Xuân đến
trời đất sẽ ấm hơn sau bao ngày rét đậm rét hại, ấm cả phố phường, ấm khắp nhân
gian, ấm cả lòng người và ấm cả nụ cười. Trước thềm xuân ta thương ai đó chẳng
có chốn đi về, kiếp người hắt hiu nơi quán chợ, thiếu một tấm áo lành giữa mùa
đông. Thương những em bé vùng cao phải đốt lửa cho thêm hơi ấm, nên ta ước cho
muôn người được ấm áp khi xuân về.
Ngoảnh
lại năm cũ 365 ngày qua đi, đất nước vượt lên trên những thử thách cam go của nền
kinh tế vừa thoát khỏi nước nghèo lại liên tiếp chịu ảnh hưởng của suy thoái
kinh tế toàn cầu. Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả leo thang, tiềm ẩn những
rủi ro, đời sống khó khăn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Trăm người, trăm
nghề, người nào việc ấy hết thảy trong guồng máy khổng lồ xã hội của vòng quay
thời gian, trong tất bật công việc và những lo toan thường ngày.
Khi các
cơn bão dư luận còn chưa tan về hiện tượng “Bà Tưng” chọn cách khác người để
mua vui, thì câu chuyện về người nông dân trồng ổi lại thổi bùng lên những cơn
bão mạng một thời gian khá dài. Cũng từ đấy, xã hội bị khuấy động từ các nhóm
cư dân mạng có chung tâm lý tôn sùng sự khác biệt, bất kể sự khác biệt ấy hình
dạng méo mó ra sao. Khi người ta mệt mỏi với các chiêu trò thô thiển, kệch cỡm,
gian dối, bất chấp công luận của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, hoa hậu nhằm mục đích để
được nổi tiếng, thì trong vòng vài tuần chỉ bằng giọng hát ở dưới mức trung
bình Lệ Rơi dường như đã làm lu mờ bao tên tuổi đình đám khác trong giới
showbiz Việt và trở thành một trường hợp khá hy hữu. Lệ Rơi được nhiều người biết
đến không nhờ tài năng xuất chúng, không cần những tuyên bố “đao to, búa lớn”,
không cần gây hiệu ứng sốc, không cần ngoại hình bắt mắt, không cần công nghệ
lăng xê và cũng chẳng cần… cởi áo cởi quẩn. Ai đó thật có lý khi phân cấp nghệ
sỹ rằng, nghệ sỹ hạng 1 đi lên bằng sự sáng tạo và cái tâm với nghề, còn nghệ sỹ
đi lên nhờ đám đông là nghệ sỹ hạng 2. Câu chuyện của Bà Tưng và Lệ Rơi là câu
chuyện của những đám đông, để khi Lệ Rơi đã đi rồi vẫn bỏ lại ở sau lưng là những
ngày rơi lệ…
Một cơn
gió lạnh chợt tràn qua làm lạnh vai ta mỗi lần xuống phố. Bồi hồi điểm lại những sự kiện nổi bật của năm
qua từng bài học. Có nhiều bài học đã trở thành nghịch cảnh mà ta phải vượt qua
những trải nghiệm để trưởng thành. Dù cho vạn vật đảo điên thì ngày nhà Giáo vẫn
là dịp để cho ta tri ân và cùng ta nhắc nhau tôn trọng việc học. Học để biết
trước sau, để biết đỉnh cao của tự ti là tự cao. Học là một quá trình lắng
nghe, thu nạp và trải nghiệm. Học là nhiệm vụ thiêng liêng. Vì thế mà con người
chúng ta luôn tiến về phía trước khi không ngừng học hỏi trong cả lúc khổ đau.
Học để thấy nghị lực phải đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Bởi lẽ, tổn thương là
cái giá mà chúng ta phải trả nếu muốn học hỏi và trưởng thành chứ không đơn giản
chỉ là sai để sửa. Học để thấy rằng muốn xây dựng đất nước vững mạnh thì “hiền
tài” là vẫn mãi nguyên khí. Học để thấy sự khác biệt rõ rệt của học xưa và học
nay. Xưa kia cha ông chúng ta học là để kiến thúc cho bản thân phục vụ đất nước,
còn con em chúng ta bây giờ là học để thi. Vì thế, con em chúng ta cứ những chiếc
chong chóng lắc lư, quay tròn trước những những phương án tuyển sinh mới của Bộ
giáo dục…
Người
ta gọi năm 2014 là năm thảm họa hàng không của Việt Nam và thế
giới. Câu chuyện của MH370 còn chưa nguôi ngoai thì chiếc máy bay QZ8501 chở 162
hành khách bỗng nhiên biến mất khỏi bầu trời một cách bí hiểm đang là vấn đề
nóng bỏng trong mấy ngàyqua. Cũng là con người cả đấy, mới hôm qua ta vẫn còn sờ
nắn được vậy mà hôm nay lại biến đi không để lại một dấu vết gì. Sự cố mất điện
ở sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ gây thiệt hại tiền tỷ, mà còn làm cho uy tín của
hàng không Việt Nam giảm
nghiêm trọng. Nạn trộm cắp vẫn hoành hành tại các sân bay cũng là nỗi lo của hành
khách và ta không khỏi ngạc nhiên khi 2 sân bay lớn nhất của Việt Nam có tên
trong danh sách 10 sân bay tồi nhất châu Á.
Việc
tiêm nhầm vắc xin ở các bệnh viện và việc khởi tố vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường
đã 1 lần nữa lại thổi bùng lên tinh thần trách nhiệm và đạo đức của nghề Y. Chính
vì thế, việc người ta đã đề xuất các trường Y cần đưa môn văn vào xét tuyển với
hy vọng rằng chúng ta có thể tìm thấy những “bậc lương y như từ mẫu” ở các thế
hệ bác sỹ tiếp sau…
Không
ai là không buồn khi trên sân Mỹ Đình đội tuyển của chúng ta “thua sốc” Malaysia một
cách vô thức. Trong khi lãnh đạo VFF bận rộn với việc điều tra để tìm xem có nguyên
nhân bán độ hay không, thì HLV Miura Toshiya đã dũng cảm đứng ra xin lỗi và nhận
trách nhiệm thuộc về mình khiến cho tất cả mọi người đều không khỏi suy nghĩ.
“Đừng trách các cầu thủ, tất cả lỗi đều ở tôi. Tôi thành thật xin lỗi người hâm
mộ Việt Nam”, đó chính
là lý do vì sao đất nước Nhật Bản phát triển nhanh như vũ bão trong suốt mấy chục
năm qua. Người dám đứng ra nhận lỗi chưa hẳn đã là người có lỗi, nhưng lại là
người có tinh thần trách nhiệm. Các tuyển thủ Việt Nam đã nợ
ông ấy một lời “xin lỗi”. Còn những người hâm mộ chúng ta lại nợ ông ấy một lời
“cảm ơn” .
Cả nước như
đã vỡ òa niềm vui khi 12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng tại thôn Păng
Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được cứu thoát sau 81 giờ đối mặt với
tử thần . Không chỉ vui vì việc giải cứu thành công 12 công nhân mà còn là niềm
vui khi thấy con người trong xã hội đã bớt phần vô cảm. Chính sự ấm áp của tình
người đã làm xua đi cái mệt lả vì lạnh, vì sợ hãi và vì đói của con người. Thời
gian cứ thế vùn vụt trôi đi, ước gì mỗi người nhận ra điều mình làm chưa đúng
để quý hơn tình người bao dung. Cũng trong những ngày rét mướt cuối năm này, một
nhóm nhà báo khởi xướng và phát động chương trình thiện nguyện chia sẻ quần áo ấm
cho người nghèo. Ta cảm thấy như mùa đông đang ngắn lại. “Sống trong đời sống
cần có một tấm lòng” để ở đâu đó xung quanh mình tình đồng loại vẫn còn ở trong
tim mỗi chúng ta.
Chiều nay nắng. Nắng chợt bừng lên yếu ớt lúc cuối chiều chẳng
thể làm ấm thêm những chiếc lá mùa Đông. Từng cơn gió lạnh cứ len lỏi vào làn
tóc rối nên ai đó đã gọi mùa Đông là “mùa tóc rối” đấy thôi. Những chiếc lá
bàng màu đỏ mận cuối cùng đang rơi xuống lòng đường để hàng cây khẳng khiu đi
vào những tháng ngày ngủ nghỉ, tích lũy dinh dưỡng đợi xuân về sẽ nảy những chồi
non. Một cậu bé học trò vừa lò cò nhảy chân sáo vừa hát một bài đồng dao mang
màu cổ tích. Nơi góc sân trường, một tốp học sinh đang tập chơi trò “Bịt mắt bắt
Dê” thưở nào để gìn giữ một trò chơi dân gian nhiều ý nghĩa. Nhắm mắt rồi, sao
bắt được Dê chứ ? Nhà báo Hà Nhân cho rằng, “nhắm mắt không phải để thờ ơ, vô cảm
và lãng quên mà nhắm mắt sẽ dễ ghi nhớ, dễ hình dung hơn”. Khi nhắm mắt ca sỹ
thường hát hay hơn vì “khi nhắm mắt ta có thể nhìn thấy được những điều mà ta
khó nhìn thấy khi mở mắt”. Còn khi mở mắt thì sao? “Mở mắt sẽ làm cho ta hiểu
biết nhiều hơn”. Ta có thể đi từ nhìn thấy, đến cảm thấy, nhận thấy, rồi nhìn
thấu”. Để không còn phải thấy 3 sự kiện buồn bên cạnh 7 sự kiện vui. Để không
còn phải treo giải thưởng Nobel cho ai chữa được căn bệnh vô cảm của con người.
Để nghe thấy tiếng ồn ào của mưa, ngửi thấy mùi hanh hao của gió, say trong bộn
bề công việc mà vẫn kịp cảm nhận và yêu thương một năm mới đã về.
NGUYỄN THÚY HẠNH
______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét