1. Chuyện tình 1
Hạnh phúc là gì? Khái niệm ngỡ như tường minh mà hóa ra cũng thật mù mờ,
hư ảo. Điều này cũng từa tựa như người ta muốn đi tìm định nghĩa về thơ, về
nhạc. Ai có thể dám đoán định một cách dứt khoát và bình thản về con đường tình
duyên của mình. Mà nếu vậy thì người đời đã chẳng bị ám ảnh, day dứt bởi tình
yêu và hạnh phúc.
Tôi có anh bạn tài hoa và đôn hậu. Anh từng có tiếng từ thuở cắp sách tới
trường: hiền lành, học giỏi, mê thích văn chương và nghệ thuật. Vào đại học
khoa văn Tổng hợp, anh đều là sinh viên xuất sắc qua các năm học. Anh yêu và
lấy cô cũng chỉ bởi giọng hát trời phú của cô. Khi ấy anh được nghe cô hát
trong một lần hội diễn của thành phố tổ chức cho các trường đại học.
Hôn nhân đến với anh bạn tôi đâu chỉ vài ba tháng sau khi gặp và quen cô
bạn hát của mình. Đám cưới đến gần như cùng một lúc với thời điểm họ ra trường.
Anh được nhận dạy ở một trường phổ thông trung học. Còn vợ anh nhận được một
chân hành chính, kiêm phụ trách văn nghệ ở một cơ quan dân chính. Thế cũng là
tạm ổn về công việc. Rồi họ cũng thuê được một căn nhà tầng năm ở một chung cư
ven thành phố.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ từng có một tình yêu “sét đánh”, những
thánh đầu quả là thi vị hết chỗ nói. Dẫu cũng sắm sanh được một số đồ dùng cho
sinh hoạt bình dị của một gia đình song cả hai anh chị đều ý hợp tâm đầu ở điểm
coi trọng những phút ngẫu hứng. Nhất là cái khoản cơm nước, bếp núc. Thích thì
nấu nướng xì xụp đêm ngày. Không thích hoặc bận thì đã có “cơm bụi ca”. Tất cả
sẽ thành quen thôi mà!
Nhưng, sự thăng hoa của những ngẫu hứng triền miên lại trở nên vênh váo
với cuộc sống gia đình. Lại còn sở thích. Lại còn cá tính của từng người nữa
chứ. Một thời gian chừng già nửa năm, anh bắt đầu mang máng nhận ra sự bất ổn
trong sinh hoạt gia đình và cả trong quan hệ vợ chồng. Từ thơ đến với đời cứ
như những “cú nhảy” kỳ lạ. Giữa thế giớ lãng mạn sang thế giới của hiện thực
hình như không tìm ra khoái cảm êm ái. Ai đó từng nói rất gợi và rất thấm rằng:
khi hôn nhân đi vào cửa chính thì tình yêu lập tức lao qua cửa sổ mà “xuất
dương lưu biệt”. Anh bạn tôi bắt đầu “ngộ” ra mối tương quan không mấy đống bộ
với cô vợ của mình. Ngay sự vênh váo trong sở thích của hai người cũng dần dần
dẫn đến cảm giác xa xa, là lạ. Anh yêu thích thơ phú văn chương như yêu thích
sự tinh tế, lắng sâu của cuộc đời. Còn cô vợ anh lại đam mê với những lễ hội
với hát hò, dancing… Anh cần sự thanh đạm trong một không gian tĩnh lặng để suy
ngẫm. Ngược lại cô luôn khao khát những không gian bốc lửa.
Nhiều lần cô muốn anh cho đi xem ca nhạc, vũ hội, anh lại lần khân, lơ
đãng hoặc chối từ với lí do công việc bận bịu. Thế là giận hờn. Thất vọng. Hụt
hẫng. Rồi cô chủ động gây ra “chiến tranh lạnh”. Không nói. Không hỏi. Và anh
hình như cũng không để ý đến điều đó. Anh còn mải đeo đuổi với chữ nghĩa, ý tứ
cho bài giảng của mình. Anh còn mê hơn với những tứ thơ chợt hiện trong tâm
trí; với những bài viết công phu và tâm huyết mà anh dự định gửi cho tờ báo
này, tạp chí nọ.
Thời gian cứ trôi đi lặng lẽ và bình thản. Có điều, tình cảm vợ chồng của
anh bạn tôi cũng chuyển quá nhanh từ sự ngỡ ngàng, rạng rỡ của buổi bình minh
đôi lứa, sang một đối cực của hoàng hôn u ám, mỏi mệt ngự trị trong từng người.
Cho tới lúc anh bạn nhận ra giờ giấc thất thường khi trở về nhà của vợ
anh. Anh vẫn cứ băn khoăn, day dứt mãi một điều: Tại sao lại nhanh thế! (?)
Nhanh ở thời gian. Nhanh ở tình yêu đến rồi đi. Hay nhanh ở sự nồng –
phai của lòng người. Có phải người đa tình cũng thường là người đau tình, thất
tình không.
Khi tòa án Quận chất vấn lần cuối, anh bạn tôi bình tĩnh và cương quyết
xin được nhận nuôi đứa con gái của mình. Lúc đó cháu mới ba tuổi. Còn chị vợ
cũng không ra lời. Chị ta chỉ thả ra một nụ cười nhạt vừa bâng quơ, lại vừa như
bí hiểm.
Rời tòa án, anh như đi trong mộng du với trạng thái thật lạ: đau đớn và
thanh thản.
Đến nay, anh bạn tôi vẫn chưa đi đến hôn nhân cùng ai, dẫu cho khá nhiều
cô gái trẻ đẹp muốn “xin chết” cùng anh. Hình như anh vẫn ngơ ngác trong cuộc
kiếm tìm mà vẫn chưa định danh được khái niệm tình yêu và hạnh phúc.
Tôi cũng muốn biện minh thêm cho anh một điều: xin đừng nghĩ anh là
“Thằng Ngốc” chỉ ngáo ngơ, viển vông với văn chương. Anh vẫn dạy học (cả giờ
giấc chính quy và thêm nếm như nhiều người dạy có tay nghề, có uy tín). Anh vẫn
viết lách đều những bài viết có chất lượng trên báo chí. Nghĩa là anh bạn tôi có thu nhập đều và ổn. Có điều, anh
chưa (hoặc ngần ngại) dấn thân để tìm đến “thu” một người tình mới và “nhập”
vào cuộc sống gia đình chồng vợ.
Cô bạn ấy than thở với tôi một cách thực lòng và thấm thía: em đã bị
“choáng” thực sự khi gặp anh ta (người mà em đã gọi là chồng một thời!). Anh ấy
cao ráo, đẹp giai và tỏ ra rất sốt sắng và nhiệt tình khi mới gặp em ở nhà bà
chị họ của em. Anh ta cũng cùng cơ quan với chị ấy. Chỉ một hai ngày sau, anh
ta tìm đến tận trường em dạy học ở thị xã Tam Điệp.
Đám cưới sau đó chừng năm tháng, giản dị mà vui vì bạn bè của em toàn
cánh nhà giáo trường huyện. Cuộc vui lại tổ chức ngay tại trường em và anh hiệu
trưởng làm chủ hôn.
Em đã choáng váng bởi tình yêu gặp gỡ. Và, cuộc sống gia đình chồng vợ,
lại làm em choáng váng, thảng thốt theo một chiều hướng khác. Hình như (lại
hình như!): khi đã về sống với nhau, chân tướng “đích thực” (của chồng hay của
vợ) mới bộc lộ một cách đủ đầy, trọn vẹn với cả cái hay ho lẫn cái buồn dở.
Điều này khác hẳn với khi yêu nhau, người ta dễ bỏ qua cho nhau. Độ lượng vì
nhau. Ngắm nhìn nhau trong thứ màn sương huyền thoại của vẻ đẹp tình ái.
Anh ấy (kỹ sư hẳn hoi) thích rượu chè. Thích bạn bè tụ tập. Và, mỗi lần
chén chú chén anh, ngợp tràn trong cảm hứng bằng hữu, huynh đệ, anh ta như muốn
khẳng định uy thế của một ông chồng. Anh ta sai khiến. Anh ta quát mắng em, cứ
như quát mắng một đứa ô – sin rẻ tiền vậy.
Muốn gìn giữ không khí gia đình (sau ngày cưới chưa lâu), em đã nín nhịn.
Em muốn giữ tiếng cho người mà mình đang gọi là chồng. Thế mà, con người có lẽ
quá đơn giản ấy không nhận ra những gì tối thiểu mang chất văn hóa trong quan
hệ giao tiếp. Em càng nín nhịn, lại càng kích thích tính hung hăng, thích ra
oai của anh ta. Từ chỗ quát mắng bất kể có khách hoặc khi chỉ có hai vợ chồng,
anh ta tiến tới “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với em. Nhiều khi chỉ vì những
lý do rất vu vơ như không kịp lấy tăm, không kịp lấy nước uống cho chồng sau
bữa ăn. Hoặc có khi chỉ là em nhắc anh ấy cần đánh răng trước khi đi ngủ. Thậm
chí anh ta có thể bạt tai sau những lời thô lỗ với vợ mình mà nhiều khi em cũng
chưa kịp hiểu nguyên nhân vì sao mình bị đối xử như vậy.
Cô bạn tôi nghẹn ngào: bây giờ kể lại chuyện buồn đau, em vẫn thấy rùng
mình về những tháng năm bên người chống bất đắc dĩ ấy. Tình yêu và hạnh phúc
của con người ta giống như một giấc mộng đời người. Đó là giấc mộng lành, bình
dị hay chỉ là một cơn ác mộng khiến người ta thảng thốt, đau lòng mỗi khi nhớ lại.
Nếu gọi đó là cái thuở ấu thơ vợ chồng thì đối với số kiếp của em lại là cái
thời cỗi cằn, băng giá trong những ngày đầu của quan hệ chồng vợ.
Em đã chia tay với anh chồng cũng như trút được khỏi mình gánh nặng. Tính
đến nay đã ngót chục năm rồi. Em sống với đứa con gái và cháu đã sang tuổi 13.
Cháu xinh xắn, dễ thương. Với em, con là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống
với bao tất bật, lo toan. Em đã chuyển từ quê lên Hà Nội, ngay khi có mang
cháu. Trong cuộc mưu sinh độc lập, không nương tựa vào ai, em nghĩ mình cũng là
người đàn bà có nghị lực. Ấy thế mà thật lạ, có nhiều lúc – nhất là mỗi khi con
đi học, mình ở nhà những hôm không có giờ dạy, em lại chợt thấy trống trải và
thấm thía trong nỗi cô đơn…
Thế rồi lại đến một ngày, em gặp anh Đ.B ở một trung tâm luyện thi. Em
dạy ngoại ngữ. Còn anh ấy dậy toán. Em cũng chỉ được biết qua về anh ấy. Anh
cũng có cảnh ngộ éo le: vợ anh sau một thời gian chung sống, đã có với nhau hai
mặt con thì chị mắc chứng thần kinh. Anh phải đảm đương cuộc sống cho cả ba mẹ
con. Đến với người vợ thứ hai, sau khi có một đứa con trai, anh vẫn không tìm
được hạnh phúc…
Chuyện tưởng chỉ có thế. Ai ngờ tháng trước đây, em nhận được điện thoại
của anh ấy báo tin anh đã li hôn với người vợ thứ hai. Anh thành thực và thẳng
thắn đặt vấn đề muốn xây dựng cuộc sống gia đình với em.
Lại một bất ngờ nữa khiến em phải suy nghĩ cho con đường đi của số phận
mình. Anh ấy đã ở tuổi ngoài 50. Còn em cũng đã ngót 40 rồi. Đâu còn trẻ nữa.
Ngày một, ngày hai anh Đ.B năng đến thăm em và cháu. Anh thổ lộ: muốn tìm
nơi nương tựa bình yên cho cuộc sống vốn đã nhiều lo toan, vất vả và phiền
muộn. Anh lại yêu cầu gấp gáp được tác thành cùng em. Thực tình em đang rất
phân tâm trong sự lựa chọn: tiếp tục sống nuôi con hay lại cùng anh đi bước
nữa. Em biết, nếu em chấp thuận cuộc sống gia đình mới này, em không thể vượt
thoát được những quan hệ ràng buộc mới. Không thể không gánh vác, sẻ chia: Anh
vẫn còn cha mẹ già đã ngoài tám mươi. Hơn nữa anh vẫn còn trách nhiệm với người
vợ bị tâm thần cũng những đứa con của cả người vợ đầu, rồi người vợ thứ hai
nữa…
Tôi biết sự lỡ dở trong tình duyên thường khiến người ta mang nỗi ám ảnh
và thảng thốt như những cánh chim trời từng bị thương. Hóa ra, bao nhiêu chuyện
tình trên cõi thế này cũng tương ứng với bấy nhiêu đáp số của số phận. Có đáp
số nào giống và trùng khít với đáp số nào đâu.
Tôi muốn gửi lời tâm tình cùng anh bạn tôi đã lỡ dở một đời vợ. Tôi cũng
muốn tâm tình cùng cô bạn tôi từng nhầm lẫn một đời chống. Thế mà sao khó quá.
Trong cái được hay cái mất của hạnh phúc gia đình dường như có cả cái duyên
tiền định của ông trời xe kết (hoặc tách chia, li tán)? Cái mà thiên hạ khi
phải đối mặt với buồn vui, được mất vẫn quen hạ một lời bình (hoặc một lời an
ủi): thôi cũng là tại “ái số Giời”!
Tôi chẳng dám bình luận gì thêm. Điều đáng nghĩ là, nhiều lúc con người
ta lại quá mê muội về số phận của mình mà đi tìm tới những quẻ bói. Họ chờ đợi,
phấp phỏng ở những lời phán định của các thầy tướng số đang nhan nhản làm tiền
bằng nhiều cách và luôn có mặt đúng lúc ở những nơi đói tin, khát tin cho “cái
số” của mình.
Tôi muốn góp một lời giản dị: tình yêu và hạnh phúc, trước hết và chủ yếu
là tự tại ở bản thân ta – trong tình cảm và khả năng tự ý thức của mỗi người,
để rồi tìm đến một quyết định của mình, cho mình. Không ai quyết định thay ta
trong cuộc kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc.
Có điều, sự vấp váp, sa xảy ta từng gặp, chẳng phải là lời cảnh báo, là
cái giá mà ta phải trả đó sao? Hỡi những cánh chim trời từng mang thương tích!
Có ai mà tránh được nỗi khát khao tình yêu và hạnh phúc. Với những ai đó
từng héo vì tắc cạn nguồn nước yêu thương; từng rơi vào chốn sa mạc khát cháy,
thường lo lắng liệu có tìm ra nguồn nước lành nuôi dưỡng cho mình không; liệu
có còn nhận được nguồn nước trong lành cho số phận. Hay lại rơi vào rã rời, mỏi
mệt trên lộ trình đời người mà cái “Ốc đảo xanh” chỉ còn là hình ảnh chập chờn
trong tâm tưởng.
Tôi đang tâm sự với những người bạn tôi hay đang nói với lòng mình đây.
Tôi cũng chẳng thể tìm ra đáp số tường minh cho thuở ấu thơ tươi tắn của tình
chồng vợ hay những tháng năm nặng nề, thảm đạm của hoàng hôn số phận?
TRẦN NĂNG TĨNH
__________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét