- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Khi tháng Năm sắp đi qua để đón tháng Sáu về cũng là khi gặt chiêm bắt đầu vào vụ. Có lẽ những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở những vùng quê chẳng thể nào quên mùi hương ngai ngái của vụ chiêm từ những bờ lúa chín. Nhớ nhiều hơn cả là cái màu rơm đủ nắng cứ vàng ươm được xếp thành đống cao ngất ở góc vườn. Người ta không gọi là đống rơm mà gọi là “cây rơm”. Cái loài cây không quá cao, không cành lá, không hoa quả nhưng đủ rộng dài để ôm ấp vỗ về tuổi thơ ai đó.
Khi còn bé sau mỗi lần bị mẹ mắng ta vẫn thường đứng tựa bên cây rơm, nghiêng người áp tai vào nó để lắng nghe những tiếng thì thầm nhè nhẹ bơi tiếng rơm là tiếng lòng. Lớn lên rồi thì cây rơm cũng chính là nơi hẹn hò của tình yêu đôi lứa. Nhặt cọng rơm vàng trên mái tóc ai xưa, để đến bây giờ nhớ lại lòng cảm thấy nao nao thổn thức, cứ nuối tiếc một thời khờ dại, đã trôi vào miền ký ức xa xăm… Rơm còn là thức ăn của trâu bò vào những ngày nông nhàn hay mùa đông rét mướt, nhờ vậy mà nông dân quê tôi bảo tồn được sức kéo, để rồi lại có những mùa vàng tiếp theo. Rơm còn là chất đốt, mọi nhà dùng rơm để đun nấu, cơm vừa chín tới đem ủ rơm lên đốt, cơm sẽ chín đều, ngon nhất là mùa cơm mới tháng mười được om bằng lửa rơm. Có ai mà không biết tối lửa tắt đèn có rơm.
Đời sống phát triển, rơm dần dần thoát khỏi sinh hoạt của con người. Trâu bò không còn là sức kéo chính, thay vào đó là máy móc hiện đại, rơm không còn là thứ được dự trữ mà sau mỗi mùa gặt, rơm được đốt tại chỗ để làm phân bón trực tiếp cho ruộng đồng.
Tiếng rơm như như tiếng người bạn thân thiết sẵn sàng tri ân sẻ chia những ân tình giữa trưa hè oi ả. Trong cái ngột ngạt của những ngày tháng Sáu nức nở tiếng ve với những kỳ thi bận rộn. Ta vẫn thấy phảng phất đâu đó mùi của rơm ngái ngái nồng nồng nơi những thửa ruộng vừa gặt vội vàng chạy những cơn mưa không mong đợi. Đâu đó vọng về phảng phất lời ca làm ấm lòng con trẻ: “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm…”
Năm tháng qua đi từ mỗi làng quê Việt Nam vẫn còn in đậm hình bóng từng lụn khói len lỏi bay lên từ chái bếp. Nắng tháng Sáu vẫn mê mải vỗ về làm chín vàng khóm lúa để đưa ta về với cái thời “chổi to, chổi nhỏ” lên ngôi… Mỗi khi mùa về, rơm lại được phơi giăng khắp đường làng ngõ xóm đến cả từng ngách nhỏ. Nhớ đến cọng rơm vàng là nhớ tuổi thơ với những năm tháng ở nơi miền quê trung du nghèo xơ xác, cuộc sống hiền hòa và dung dị đơn sơ. Đó là những miền quê bình yên, đầy ắp nghĩa xóm tình làng luôn làm ấm nồng chiếc kiềng ba chân đỏ lửa. Để sau bao năm đi xa, giờ trở lại quê với nồi cơm vùi bếp rạ vẫn ngon đến lạ lùng.
Lúc này đây khi tháng Sáu đang chờ những mùa thi cũng là khi mọi nơi đang chộn rộn vào mùa gặt. Gặt tránh mưa, gặt tránh nắng, những tiếng sấm động đầu mùa. Gặt từ sáng sớm tinh mơ để khi chiều về khói rơm lại mịt mùng bay lên làm cho những ai chưa kịp bước chân về nhà chợt thấy lòng mênh mang tột cùng nỗi nhớ.
Nếu nói tiếng rơm là tiếng quê thì khói đồng lại chính là cái hồn của đồng quê. Khói lặng lẽ nhẹ nhàng đi qua bao thế hệ với những tháng ngày lam lũ. Ngọn khói đồng bay lên từ những đám ruộng vừa là niềm vui, nỗi buồn của người nông dân và cũng là thước đo sản lượng của bao mùa lam lũ. Vẫn nhớ như in những chiều đi học về lại lao ngay ra cánh đồng để cố gắng ngửi cái mùi cay xè đến chảy nước mắt ấy. Khói đồng vẫn âm ỉ cháy như đang nhẫn nại vắt cạn mình để tích tụ lắng đọng tránh rửa trôi cho đất rồi lại âm thầm đợi một mùa mới sẽ về cho cây lúa tốt tươi.
Ngày nay, xã hội ngày càng văn minh phát triển. Những mảnh ruộng năm xưa giờ đã được quy hoạch để dồn điền đổi thửa. Mỗi mùa gặt về, lại nghe đâu đó vang lên tiếng máy gặt, máy tuốt lúa râm ran. Mọi hoạt động để mang hạt thóc về được diễn ra ngay tại ruộng. Cũng vẫn còn mùi thóc, mùi bùn, mùi rạ ướt rơm khô và mùi mô hôi lẫn lộn. Vừa đủ nồng nàn, vừa đủ làm cho tháng Sáu vốn sẵn oi nồng lại càng thêm khắc nghiệt mặn mòi hơn. Chính cái mặn mòi ấy đã làm nên hương vị, màu sắc rất đặc trưng của ngày mùa.
Tháng Sáu ơi! Khi lọn nước theo bờ kênh chảy về mát rượi, làm cho ta càng cảm thấy ấm lòng hơn giữa xào xạc tiếng ve kêu. Cất điệp khúc gọi mùa hè ngồn ngộn nắng. Đốt cọng rơm vàng bỏng rát dưới chân. Tháng Sáu đã về rồi! Khi thì mưa sầm sập đổ xuống những ruộng lúa chín vàng đang chờ gặt làm cho lúa đổ rạp xuống ruộng, rơm mục ngấu thóc nảy mầm trương nổi chình ình đầy ruộng. Nắng từ sáng sớm tinh mơ đến tận khi trời nhá nhem tối, nắng ngập trời ngằn ngặt trên đầu như trêu như thách thức, trêu ngươi. Rồi cứ thế, nắng tháng Sáu sẽ lại đưa ta đi qua từng mùa hạ. Ta ước sao cho mình như những cánh chim biết bay cao bay xa, bay qua giới hạn tự do để nhận ra những cái hữu hạn của riêng mình, để thêm yêu con người, ruộng đồng và bờ tre khóm lúa. Vui cùng những vụ gặt chiêm, say trong mùi lúa tiếng rơm để mỗi khi ve kêu, phượng nở, nắng chói chang ta lại muốn gục đầu úp mặt vào tháng Sáu, hỏi với chính lòng mình để xem trong muôn vàn yêu thương ấy có yêu thương nào không mong manh…
Nguyễn Thúy Hạnh
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét