Với nhiều người thì hình ảnh của Tết xưa có lẽ chẳng bao
giờ có thể nhạt phai
trong tâm thức bởi vì họ được sinh ra và lớn lên từ những vùng quê nghèo, đói khổ về vật chất nhưng lại rất nặng tình với những
nét văn hoá cổ truyền của đất nước. Cũng có thể do cả tuổi thơ của họ đã trải
qua nhiều kỉ niệm với cả một giai đoạn mà cái gì cũng thiếu trong những tháng
ngày bao cấp của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Có lẽ thế nên mỗi dịp
tết về họ lại mong được sống lại những khoảnh khắc ấm áp của những ngày tết xưa
khi mà một phần cuộc đời của họ đã từng gắn bó. Bởi vậy mà với họ tết sẽ là những
ngày ý nghĩa nhất vì tết là đoàn viên, tết là sum vầy.
Ngược lại với họ, thế hệ trẻ hôm nay được đón những cái tết
theo phong cách trẻ và hiện đại. Mọi thứ sẵn có đủ đầy, chỉ cần đi siêu thị một
ngày là có tết. Đó là những cái tết của thời kì công nghệ số, tết online, tết
trên bàn phím.
Đã có nhiều ý kiến tranh luận so sánh về sự khác nhau giữa
tết xưa và tết nay. Phải thừa nhận rằng nhiều vẻ đẹp của tết xưa đã không còn
giữ được cho đến ngày nay, hay nói cách khác là hình bóng của tết xưa đang ngày
càng bị mờ nhạt. Khác với sự ấm cúng, vui vẻ của tết xưa thì tết nay được đánh
giá là kém vui và nhạt nhẽo hơn nhiều.
Khi tết xưa không còn thì trách nhiệm thuộc về ai? Phải
chăng do cuộc sống thời kinh tế thị trường xô đẩy mà nhiều người đã coi Tết đơn
thuần chỉ là những ngày nghỉ dài nên đã làm mất ý nghĩa của những ngày tết ? Hay
là do thế hệ của những người đi trước đã không làm tròn trách nhiệm truyền lại
giá trị truyền thống cho các thế hệ sau? Những người thu nhập thấp thì tết đến với
họ như là một gánh nặng. Nhiều người thu nhập cao thì sắm tết thật hoành tráng
và du xuân từng bừng… Không ít người có cách sống giản đơn thì cũng đơn giản
hoá luôn cả những cái tết: “Thôi thì, thời nào tết đó”! Những người làm việc xa
quê hương thì luôn mong ngóng từng ngày tết về để sum họp.
Mỗi người nghĩ về tết và đón nhận nó một cách khác nhau,
người này thích tết hiện đại, người khác lại thích tết cổ truyền. Vì vậy, tết
có thực sự vui hay không còn phụ thuộc nhiều vào kinh tế, tâm trạng cảm nhận và
tâm lý đón tết của mỗi người, mỗi gia đình. Tết Việt là một nét văn hoá đẹp của con người Việt Nam.
Một cái tết ấm áp, vui vẻ và sung túc đáng để cho chúng ta hưởng thụ sau một
năm lao động vất vả, nhưng không nên chỉ cảm nhận và hưởng thụ những cái đẹp ấy
mà quên mất nó từ đâu mà có. Bởi lẽ tết chính là sự gắn bó, kết nối con người với
con người gần lại với nhau hơn chứ không đơn giản chỉ là những ngày nghỉ hoặc
những bữa ăn ngon.
Để chung tay giữ gìn vẻ đẹp của tết Việt, 15 sao việt đã
cho ra đời cuốn sách điện tử viết về tết thật ý nghĩa. Báo tuổi trẻ và Báo
VnExpress cũng đã tổ chức những cuộc thi rầm rộ viết về tết Việt với chủ đề “tết
của tôi”, “tết đoàn viên”, “tết sum vầy” đã thu hút được đông đảo mọi người
tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Điều đó cho thấy giá trị của tết luôn là bất biến
và ý nghĩa của nó sẽ không bao giờ thay đổi.
Hơn bao giờ hết, ý nghĩa của những cái tết và nét đẹp văn
hóa của nó chỉ còn nguyên giá trị khi mỗi người chúng ta thực sự yêu quý nó. Vì
vậy, yêu quý và giữ gìn bản sắc của tết Việt không phải là chuyện của riêng ai mà đó còn là
trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
NGUYỄN THÚY HẠNH
______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét