Đất nước
thống nhất, chương trình học trong nhà trường ngay từ chập chững i tờ đã có rất
nhiều tác phẩm thi thơ - văn xuôi viết từ miền Bắc, còn khá lạ lẫm với “dân
miền Nam”. Tôi học văn tốt, ngay tiểu học đã là học sinh giỏi cho dù bây giờ
đối với nhiều người điều đó rất chi tượng trưng. Ngoài chương trình trích giảng văn học trong nhà trường,
tôi đọc nhiều.
Thầy Nguyễn
Đức Ngọc, một giáo viên tăng cường đến từ Hải Hưng là “thầy ruột” của tôi. Ông
đam mê văn chương, tốt nghiệp Đại học sư phạm I Hà Nội, suốt ngày đêm cắm cúi
với các tác phẩm “đỏ”. Và Thầy nói rất nhiều với tôi về quê mình có con sông
Kinh Thầy, có thi sĩ tài hoa Trần Đăng Khoa và nhiều thứ khác mà miền Nam không
có. Riết, cái tên nhà thơ họ Trần trở thành thân quen, và những bài thơ của ông
trở nên rất gần gụi với tôi, nhất là tác phẩm nổi tiếng “Hạt gạo làng ta” da
diết, rất Việt và mang hơi thở ái quốc, sức nóng chiến chinh. Bài thơ ấy nhịp
nhàng, ngọt ngào, xa xót, rất đặc biệt, và tôi thuộc nằm lòng. Nhà thơ họ Trần
viết sớm ngay từ thiếu niên, ngoài bài “Hạt gạo làng ta” có rất nhiều bài hay,
như “Sao không về Vàng ơi!” chẳng hạn, song không hiểu sao tôi cứ mang hoài
trong lòng bài “Hạt gạo làng ta” như chính tâm hồn câu cú của mình vậy...
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Của hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay”
Tôi đọc,
hát, thấm thía ngay từ lúc chưa ý thức hết cái hay của “nó”, một bài thơ, có lẽ
có những nguyên nhân bên trong thầm kín?
Mẹ tôi, một người đàn bà Nam Bộ rặt ri, lọt lòng đã
cắm cúi dưới cánh đồng miệt Điền Chủ Út, trên đất của ngoại chạy dài ngun ngút
cả trăm công, và cấy thuê cho nhà người quanh năm suốt tháng. Mẹ tôi như thế,
tảo tần, chỉ biết có lúa và đất cùng tiếng đạn pháo cùng máy bay đầm già quần
thảo trên đầu. Mẹ tản cư, cũng “cấy” gian lao ngoài chợ đời, cơ cực không đỡ
hơn mà chỉ có thêm. Khi ngoại chia cho mấy công đất, mẹ dắt tôi về làm đồng khi
đến vụ. Tôi đã từng nhổ cỏ, be bờ, bỏ mạ, gặt… Tất nhiên không hay không giỏi,
song trãi nghiệm những gì mẹ đã đi qua. Cực lắm, khổ lắm. Sáng tinh sương đã có
ngoài đồng với lon cơm nén chặt mang theo cùng dụng cụ, bấy nhiêu mà cắm cúi
ngoài nắng mưa đến tối mịt mới về, liu xiu trên bờ ruộng trong tiếng cúm núm
kêu từ mấy chòm mả ở đầu đất, thanh âm ấy theo tôi...
Bạn có sống
như thế, dù ít hay nhiều, có thấy đỉa đen xì và hung dữ quấn dưới chân hút
máu trong cái lạnh mưa dầm, bạn có biết
lấy nhánh đu đủ thả xung quanh chân để “chống đỉa”, biết cái nóng kinh người
nung mặt nước cạn giữa trưa hè, cái đói lã người cuối buổi làm đồng… mới thấy
Trần Đăng Khoa viết thay mình, nói hộ mình. Sự giống nhau giữa hai cánh đồng
Bắc - Nam xa nhau nghìn cây số đến kinh ngạc: từ tiếng đạn pháo, máy bay… của
không khí chiến tranh, cái nóng đến cua đồng bò lên mà mẹ vẫn cúi xuống, dáng
oằn của thân lúa, những trận lốc “rồng đi” kinh hoàng một vùng... Bắc – Nam có
khác chi cái khó cái khổ nghèo, người mẹ người má người bà, ở đâu cũng vậy. Và
có lẽ đấy là nguyên nhân sâu xa khiến bài thơ “Hạt gạo làng ta” hút hồn tôi, do
nói thay mình về cánh đồng quê, người mẹ mẹ và chiến tranh.
Là học sinh giỏi văn, làm rất nhiều đề văn, song tôi chưa bao giờ gặp đề nào liên
quan đến bài “Hạt gạo làng ta”, vậy mà vẫn nhớ vẫn thích thú đọc mỗi khi có xúc
cảm.
Chuyến đi Bắc đầu tiên chen lẫn trong lòng
ngổn ngang cảm xúc. Tôi tay nách xách mang bắt xe lên sân bay Cần Thơ, rồi bay
ra Bắc trên chiếc Aribus- 321 sơn xanh tuyệt đẹp của Hãng Hàng không Quốc gia
Việt Nam. Một tuần ở đất Bắc, chân tôi dẫm chân trên đất Hà Đông, mắt mải miết
nhìn những cánh đồng lúa qua kính xe trên đường đi Uông Bí, rồi thấm cái lạnh
trên dãy Yên Tử mây mù… Miền Bắc nằm trong chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ xíu:
mấy trăm tấm ảnh, có những bức chụp bà mẹ đất Bắc cúi mình trồng rau cạnh đường
ray xe lửa, và những mẩu đất thật nhỏ ngoài cửa kính khách sạn ở Mạo Khê. Màu
vàng khác nhau, từng ram màu nhạt đậm cho thấy chủ nhân khác nhau, những mảnh
đất bé chừng sân nhà trong thôn quê Nam Bộ, những cánh đồng mà từ đó cất lên
lời thơ “Hạt gạo làng ta” mà thầy tôi mang vào Nam.
Mẹ tôi chưa
đi đâu xa cánh đồng của mình, mẹ cũng không học nhiều để biết những cánh đồng
miền Bắc qua tiết địa lý, mẹ không biết, nhưng tôi biết. Dưới những cánh đồng
miền Bắc, những bà mẹ Việt cũng như mẹ tôi, thân cò tảo tần hôm sớm để có hạt lúa vàng ngon
thơm nhà người, thiếu trước hụt sau cùng đàn con dại... Bắc Nam cũng là dất
Việt. Ơi bà mẹ Việt Nam!
Mẹ tôi đã già rồi, lưng còng, nhưng mỗi khi kể chuyện
Người vẫn chỉ quẩn quanh những cánh đồng miệt Phong Thạnh, có đất của Điền Chủ
Út ngày xưa. Và nhà thơ Trần Đăng
Khoa chắc chắn không biết tất cả những điều này?
NGUYỄN THÀNH CÔNG
________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét