Có một chiều tháng Năm (*)
"Thầy
còn nhớ con không...?"
Tôi giật mình nhận ra
người đàn ông áo quần nhếch
nhác
Người đàn ông gầy gò
ngồi sau tủ thuốc ven đường
"Thầy
còn nhớ con không...?"
Câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng
Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè
Rụng xuống trên vai người thầy học cũ
"Không...
xin lỗi... ông lầm...
Tôi
chưa từng dạy học
Xin
thối lại ông tiền thuốc... cám ơn..."
Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ mười năm không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
Giấu mình trong hoa phượng rụng buồn tênh
Còn biết nói gì hơn
Đứa học trò tâm sự
Người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm
Chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng
Biết yêu anh em – đất nước – xóm giềng
Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão
Bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên.
Và hôm nay
Bên hè phố im lìm
Vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt
Câu phủ nhận phải vì manh áo rách
Trước đứa học trò quần áo bảnh bao?
Tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào
Những đứa trẻ tan trường đuổi nhau trên phố
Mười năm nữa đứa nào trong số đó
Sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?
1987
Tháng Năm sắp đến. Hoa bằng lăng tím thầm
lặng, hoa ti-gôn tím lặng lẽ, quý phái, hoa phượng tím trầm buồn vừa nở, hoa
phượng đỏ rực rỡ, xinh tươi cũng rộ. Mùa
hè sắp đến, học sinh sắp bãi trường. Tôi lại nhớ đến những câu thơ làm chảy
nước mắt viết về tháng Năm về nhà giáo của nhà thơ Đỗ Trung Quân và muốn giới
thiệu những vần thơ đó với bạn đọc,
thân hữu.
Bài thơ“Có
một chiều tháng năm” có một cái tứ “thật
thà”, rất đơn giản mà gây ấn tượng và
xúc động: Người học trò cũ gặp lại thầy cũ của mình sau mười năm: "Thầy
còn nhớ con không...?", nhưng
“câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng” vì
người thầy “giấu mình sau tủ thuốc - giấu
mình trong hoa phượng rụng buồn tênh”
"Không... xin lỗi... ông lầm...
Tôi chưa từng dạy học
Xin thối lại ông tiền thuốc... cám ơn..."
Nhà thơ, người học trò cũ tự
hỏi:
Câu phủ nhận phải vì manh áo rách
Trước đứa học trò quần áo bảnh bao?
Câu hỏi xoáy sâu vào tâm can
người đọc, vì ai cũng từng có một người thầy. Nhưng tôi nghĩ, không hẳn là thế, không hẳn chỉ vì lòng tự
trọng mà người cũ chối từ một lòng thương hại. Cao hơn thế nữa, thầy phủ nhận
quá khứ của mình, vì thầy yêu quý nghề dạy học mà vì hoàn cảnh thầy phải rời
bỏ, thầy không muốn hình ảnh người thầy
giáo trong mắt học trò mà lại “nhếch
nhác” như thầy ngày nay. Thầy phủ nhận quá khứ, chối từ kỷ niệm, chối từ
những bài giảng ngày xưa, còn là vì thầy yêu thương học sinh của mình -thầy không muốn đứa học
trò cũ đánh mất hình ảnh đẹp về người thầy cũ của nó. Hình ảnh người thầy vì
thế dù “gầy gò ngồi sau tủ thuốc ven
đường” vẫn làm chúng ta
xúc động và kính trọng.
Không dừng lại ở thủ pháp vừa tự sự,
vừa trữ tình - vừa kể lại sự việc, vừa biểu hiện, nhà thơ kết tứ bằng một thông
điệp đầy trách nhiệm gởi lại cho thế hệ đàn em:
… Những đứa trẻ tan trường đuổi nhau trên phố
Mười năm nữa đứa nào trong số đó
Sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?
Không trau chuốt hoa mỹ,
không cần nhiều đến tưởng tượng, chỉ bằng cảm xúc chân thành, nhà thơ truyền đến
người đọc một nỗi buồn, một niềm đau nhói tim, nhưng lại có sức nâng đỡ tâm hồn
con người và đánh thức tình cảm thầy trò cao đẹp có thể tiềm ẩn rất sâu trong mỗi
chúng ta.
Cảm ơn nhà thơ, cảm ơn Đỗ, cảm
ơn cả “một chiều tháng Năm”…
TP. Bà Rịa,
một chiều cuối tháng Tư.
Lê Thiên Minh Khoa
_________________________________________________________
(*) Ơn Thầy - tập thơ nhiều tác giả, NXB Đồng Nại, tái bản 1996, tr.99.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét