|
Ảnh Internet |
Ông bà Tử có hai đứa con trai, khi hai đứa cưới vợ đều dẫn về ở chung vì không có đủ điều kiện kinh tế để ra riêng. Vì sống chung một nhà nên ông bà Tự quyết định cả nhà cùng ăn chung cho đầm ấm như cái thời hai đứa con trai chưa cưới vợ.
Từ khi nhà ông bà
Tư có hai cô con dâu thì cuộc sống cả nhà không có lấy được một ngày bình yên.
Ông bà Tư là người miền trung, cô dâu cả là người miền bắc, còn cô dâu út lại
là người miền nam. Vì là người miền bắc nên cô dâu cả ăn nói rất khách sáo lại mắc
bệnh nói nhiều. Cô nói ra rả suốt ngày, the thé như xé vải. Nói từ lúc sáng sớm
khi cả nhà còn đang ngủ. Nói đến khuya nếu như có ai đó làm cô khó chịu. Mỗi
lần giận ai chuyện gì là y như rằng cô
ca cẩm, càm ràm, chuyện gì cũng nói, mà khi đã nói thì không chịu dừng, nói như
hát, không nói thẳng vào vấn đề chính mà cứ hát vòng vòng.
Những ngày đầu mới về ra mắt dâu cả, vì là gái
bắc nên dịu dàng, nhỏ nhẹ có thừa, mỗi lời dâu cả nói, ngọt và dịu như mía lùi,
ai nghe cũng hả lòng hả dạ. Cả gia đình nhà bà Tư chết đứ đừ, ai cũng muốn nghe
dâu cả nói nhưng cô chỉ khẽ khàng cười. Mọi chuyện chỉ bắt đầu từ khi dâu cả
sinh được cháu nội đích tôn. Dâu cả bảo rằng cô đã hoàn thành trách nhiệm to
lớn với dòng họ nhà chồng rồi nên bây giờ việc chăm em bé là trách nhiệm của
chồng và ông bà nội. Hàng đêm dâu cả vẫn ngủ ngon lành cho dù em bé có khóc đòi
bú. Nếu bị dựng dậy nửa đêm thế nào dâu cả cũng kể lể 9 tháng mang thai mệt
mỏi, ốm nghén, không ăn không ngủ được khiến cả nhà cũng mất ngủ theo. Vậy nên
kể từ đó dâu cả chỉ có mỗi một nhiệm vụ là cho con bú…
Rút kinh nghiệm từ cô dâu cả nên ông bà
Tư quyết chọn con dâu út là người miền
nam lại hết sức kiệm lời. Cô hiếm khi nào nói mà chỉ nhìn thôi, một đôi mắt
biết nói thay cho cái miệng. Mỗi lần cô giận dỗi ai chuyện gì thì đều im như
thóc, cứ lầm lầm lì lì như cái xe lu, lù lù tiến, lù lù lui, chẳng kèn, chẳng
trống, chẳng phát tín hiệu gì cả. Hai cô con dâu tính nết hoàn toàn trái ngược
nhau. Tất nhiên là họ không thể đoàn kết, yêu thương nhau như chị em ruột thịt.
Họ cứ đụng độ nhau suốt, bằng mặt chứ không bằng lòng mặc dù vẫn sống chung
dưới một mái nhà.
Thời gian đầu mới cưới cô dâu út, thì cô dâu
cả thoạt mừng “ Càng tốt, đỡ phải điếc cái lỗ tai ” nhưng thời gian sau đó thì
cô dâu cả lại bứt rứt không yên. Cảm thấy như là cô dâu út đang xem thường
mình, giống như là chấp không thèm nói. Chắc nó lại ỷ thế học cao hơn mình,
dạng như biết gì mà nói, có nói cũng chả hiểu đâu, vậy thì nói chi cho mệt.
Mỗi lần hai cô con
dâu không vừa ý nhau điều gì thì khỏi cần phải nói là cô dâu cả hát véo von
chửi xéo như thế nào, ví như hóa đơn tiền điện tháng vừa rồi trên cả một triệu
đồng, bình thường những tháng trước đây ông bà Tư giao kèo là mỗi cô con dâu
chịu một nửa tiền điện vì ông bà hổng xài bao nhiêu. Nhưng tháng này cô dâu cả
đình công bảo chỉ chịu một phần ba thôi, người nào ưng chưng diện, mỗi ngày mấy
sắc đồ nên giặt đồ bằng máy liên tục thì làm sao mà không tốn nhiều điện cho
được. Còn cô dâu út là nói câu nào chắc câu đó, cứ thẳng tuột ra mà nói: “Máy
giặt hổng tốn bao nhiêu điện hết, tui giặt nhiều nhưng toàn những loại vải
không cần ủi. Sáng nào chị cũng ủi cả chục bộ đồ cho chị, cho chồng, cho con,
riêng đồ chị đã vài bộ, bộ đi làm, đi chơi, ở nhà như vậy mới tốn nhiều điện,
sao chị không dồn áo quần lại ủi luôn
một thể cho tiết kiệm mà sáng nào cũng ủi đồ như thế cho tốn điện. Trong các
loại thiết bị điện, bàn ủi là hao điện nhất, còn máy giặt là tốn ít điện nhất
”. Nói xong cô dâu út cứ im im nhìn
chẳng thèm nói thêm câu nào nữa trong khi cô dâu cả tái mặt chưa tìm được câu
nào để hát tiếp. Mỗi lần hai cô con dâu đụng độ nhau là ông bà Tư cảm thấy như
máu trong người ngừng chảy, khắp người bức bối, ngột ngạt, khó thở, vậy mà ngày
xưa ông bà lại muốn sống chung với con cái cho ấm cúng.
Không
biết cô dâu cả đi xem bói ở đâu rồi về nhà bảo: Thầy phán là tuổi con rất tương
hợp với tuổi mẹ chồng. Nếu hợp tác làm ăn sẽ cực tốt. Gia đạo hạnh phúc vô
cùng, giàu lên như diều gặp gió, không làm thì cũng dư ăn, tiền bạc sẽ tự nhiên
tìm đường mà đến… Vì là dân kinh doanh nên dâu cả rất coi trọng việc hên xui,
tin vào sự giúp đỡ vô điều kiện của các đấng tâm linh. Chuyện lễ bái đối với
dâu cả giống như là tín ngưỡng hàng đầu. Cô sùng đến mức bất kể việc gì cũng xin phép hỏi “thầy”, lời thầy phán là
thánh chỉ, nhất định phải làm theo. Con dâu cả tỉ tê mẹ chồng hùn vốn làm ăn
cùng cô, chỉ cần mẹ bỏ tiền ra thôi còn mọi cái cô lo hết:
- Cha
mẹ ruột cho con hình hài nhưng cha mẹ chồng mới là người cho con hạnh phúc,
giàu sang. Ai cũng bảo con có tố chất
kinh doanh, cuộc sống sau này của cả gia đình con phụ thuộc cả vào quyết định của mẹ…
Ông
bà Tư suýt khóc khi nghe lời dâu cả nói nhưng cũng thừa hiểu bỏ tiền ra thì dễ
nhưng lấy lại khó như hái sao trên trời. Sẵn dịp vợ chồng dâu út phản đối quyết
liệt, vậy là ông bà Tư có cớ từ chối thẳng. Vậy là từ đó dâu cả ghét dâu út như
kẻ thù, trước mặt thì chị chị em em nhưng sau lưng thì mong dâu út bị bệnh gì
đó không nặng thì cũng nhẹ cho hả dạ, chứ nhìn cái mặt nó im im thấy mà ghét
quá. Không biết ông trời có hiểu được lòng mong muốn của dâu cả hay không, mà
một hôm dâu út chở mẹ chồng đi chợ giữa đường thì gặp trời mưa như trút nước.
Có mỗi một cái áo mưa thôi nên buộc phải để dành cho mẹ chồng mặc. Không biết
có phải dầm mưa hay không mà dâu út bị cảm, không biết đau nhức đến đâu mà rên
rỉ quá trời. Dâu cả chưa kịp hả dạ đã bị mẹ chồng sai khiến nấu nước xông cảm
và cháo hành: Vì nhường áo mưa cho mẹ mà em nó mới bị ốm, con chịu khó chút
nhé. Trước mặt mẹ chồng thì vâng vâng dạ dạ nhưng trong bụng thì tức tối vô
cùng…
Mới sáng
sớm, khi cả hai ông bà Tư còn đang trong giấc nồng vì thức khuya thì nghe tiếng đập cửa phòng rầm rầm, ngay
sau đó là một giọng hát véo von của cô dâu cả cất lên, hai ông bà Tư ngồi bật
dậy như bị điện giật. Tiếng cô con dâu cả choe chóe chửi rủa cô dâu út từ ngoài
cửa cho đến khi ông Tư mở cửa vào tận trong phòng. Tiếng cô dâu cả kể tội cô
dâu út như bắn súng liên thanh xối xả vào hai ông bà Tư: Chả là hôm nay đến
lượt cô dâu út làm bữa sáng với món lẩu hải sản gồm: Mực, tôm, cua… Ý của cô
dâu cả là hôm nay mồng một dâu út ăn chay hổng ăn lẫu được nên cố tình nấu vì
biết dâu cả đang uống thuốc bắc phải kiêng hải sản. Theo sau cô dâu cả là cô
dâu út kiệm lời, cô dâu này không nói
không rằng nhưng đôi mắt vằn lên tia lửa dữ tợn nhìn cô dâu cả đang hát nói
đúng một câu: “Chị không ăn được nhưng chồng và con chị vẫn ăn tốt kia mà. Nếu
chị kiêng thì có thể ăn món chay chứ tôi
đâu có để chị nhịn…”. Cái nhìn ấy như muốn thiêu cháy người đối diện. Một ánh
mắt thể hiện sự coi thường bề trên làm trái tim hai ông bà Tư rỉ máu.
Vậy là ông bà Tư
hết chịu nổi, giọt nước đã tràn ly liền triệu tập một cuộc họp gia đình khẩn
cấp. Ông bà Tư nói thẳng vào vấn đề chính là đề nghị hai gia đình vợ chồng của
hai anh con trai dọn ra ở riêng, ông bà già rồi cần không gian yên tĩnh. Tưởng
rằng hai gia đình chúng sẽ hối hận, biết điều mà xin lỗi rồi tự bảo ban nhau mà
sống cho tốt. Ai dè hai thằng con trai ruột thịt của ông bà lại làm cho ông bà
Tư sốc nặng thật sự khi phán một câu xanh rờn lại rằng: Tụi con sẽ ra riêng nếu
ba mẹ đồng ý bán nhà chia cho tụi con. Đang cơn sốt nhà đất rất được giá, bán
bây giờ là lựa chọn thông minh. Hai ông bà Tư thở dài ngán ngẩm, tưởng rằng
cuối đời sẽ được con cháu hiếu thuận, phụng dưỡng. Ai dè có mỗi cái nhà chui ra
chui vào mà bọn chúng còn đòi bán chia nốt. Lại còn bảo bán nhà chia đôi, ông
bà Tư mỗi người ở với một đứa con trai. Ông bà Tư đã sống chung hạnh phúc mấy
chục năm nay rồi không có gì có thể chia cắt được. Vậy mà bây giờ chính hai đứa
con trai ruột thịt lại muốn chia cắt chính bố mẹ ruột của mình. Đúng là già rồi
vẫn còn khổ vì con. Ông bà Tư còn khổ hơn nữa khi ngày nào cũng có người đến
hỏi thăm mua nhà. Người mua chính thức thì ít mà cò thì nhiều khiến ông bà hết
sức đau đầu. Đó là chưa kể đến vợ chồng của hai đứa con ngày nào cũng hối thúc bán
nhà đến cả lúc ngủ cũng không yên.
Ông bà Tư bán nhà chia làm ba, thằng cả một
phần, thằng út một phần và hai ông bà một phần đủ mua căn nhà nhỏ ở ngoại ô
thành phố khi cơn sốt nhà đất đi qua. Sau khi chồng bà qua đời, bà vẫn sống một
mình trong căn nhà nhỏ, không muốn sống cùng đứa con trai nào hết. Các con bà
thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe của mẹ nhưng vì bận rộn công việc nên
thi thoảng mới ghé thăm bà được một lúc. Trước khi chồng bà qua đời, ông có đưa
cho bà một viên kim cương nhỏ xíu, bảo với bà rằng:
- Viên kim cương
này là của mẹ cho tôi trước khi bà qua đời, bây giờ bà hãy giữ lấy để phòng
thân lúc tuổi già. Nếu sau này bà mất mà viên kim cương vẫn còn thì bà hãy cho
lại đứa con nào mà bà cảm thấy có hiếu nhất.
Viên kim cương này
các con bà không hề hay biết. Bây giờ bà Tư cảm thấy sức khỏe của mình một ngày
yếu đi, bà không biết nên giao lại viên kim cương này cho đứa con nào đây, có
là điều khiến bà lo lắng nhất.
Món ăn mà bà Tư yêu
thích nhất là bột ngũ cốc nhưng bột này phải tự tay làm bà mới ăn. Bột ngũ cốc
được làm từ nhiều loại đậu khác nhau, sau khi mua nhiều loại đậu về thì phải
rang vàng thành nhiều mẻ nhỏ, sau đó trộn chung các loại đầu lại với nhau và đi
xay thành bột. Chỉ cần năm loại đậu thôi là đủ nhưng bột ngũ cốc sẽ càng ngon
nếu làm từ nhiều loại đậu khác nhau. Trước đây, bà Tư đều tự tay làm lấy nhưng
bây giờ bà cảm thấy sức khỏe không được tốt nên muốn nhờ các con dâu làm. Bà Tư
gọi điện cho anh cả:
- Con bảo vợ con sang
nhà mẹ nhờ chút việc nhé.
Anh cả nói:
- Dạ, con bảo vợ con
chiều nay tan sở ghé về nhà mẹ ngay.
Buổi chiều, anh cả
gọi điện lại cho mẹ bảo:
- Mẹ ơi! vợ con bận
họp không sang nhà mẹ được, mẹ có cần giúp việc gì thì bảo thiếm út mẹ nhé.
Bà Tư gọi điện cho
anh con út. Anh con trai út trả lời :
- Mẹ ơi! Vợ con đi công tác
rồi, mẹ có cần giúp việc gì thì bảo bác cả mẹ nhé.
Đặt máy điện thoại
xuống bàn, bà lắc đầu thở dài.
Vài năm gần đây, bà
Tư thấy sức khỏe của mình yếu đi nhiều. Bà biết bà có thể ra đi đột ngột bất cứ
lúc nào. Bà Tư buồn trong người, bà nghĩ bụng, giá mà mình có con gái! Bà chợt
nghĩ ra điều gì, bà đứng dậy, đi từng bước, đến gần chiếc tủ đứng. Bà móc trong
túi áo ra một chiếc chìa khóa, bà mở khóa, thò bàn tay run run vào trong, dò
dẫm. Bà lấy ra một cái gói bằng vải. Bà quay người, đến bên gường ngồi xuống,
cẩn thận mở các lớp vải ra, một viên kim cương nhỏ xíu lấp lánh hiện ra, đẹp
đến mê hồn.
Bà Tư nâng viên kim
cương lên, chợt nhớ đến chồng mình, nước mắt bỗng trào ra. Bà Tư đặt viên kim
cương xuống, đi lấy một cái thùng thiếc loại nhỏ, bà gói viên kim cương lại
trong các lớp vải, rồi bọc bao ni lon ra bên ngoài, cột lại cẩn thận rồi đặt
viên kim cương xuống đáy của thùng thiếc. Xong đâu đấy, bà lấy các loại đậu đã
mua sẵn đổ đầy lên trên cho đầy thùng thiếc.
Vài ngày sau, bà Tư
gọi điện cho cô con dâu cả:
- Mẹ muốn nhờ con một
việc. Mẹ đã mua sẵn các loại đậu rồi, con ghé nhà mẹ mang về nhà rang vàng rồi
đi xay thành bột dùm mẹ với nhé.
Cô con dâu cả trả
lời:
- Con sẽ mua biếu mẹ
bột ngũ cốc loại đặc biệt mẹ nhé.
Bà Tư trầm giọng:
- Thế thôi, mẹ không
dám làm phiền con nữa.
Bà Tư chần chừ một
lát mới chậm rãi bấm số máy của con dâu út. Cô con dâu út thật thà trả lời:
- Con có thể làm cho
mẹ, nhưng mẹ cũng biết là con còn con nhỏ, con không hứa chắc được với mẹ là
khi nào thì con mới làm xong.
Bà Tư nói:
- Thế thì thôi vậy.
Hàng ngày, bà Tư
ngồi thẫn thờ, thừ người nhìn cái thùng thiết nhỏ chứa đậu. Chẳng bao lâu, bà
lại ốm, ốm mấy ngày liền. Các con, các cháu bà đều có mặt đầy đủ, thuê một
người giúp việc chăm sóc bà, trong nhà chen chật người, bà nói:
- Mẹ muốn ăn bột ngũ
cốc nhưng phải loại tự tay làm lấy, mẹ đã mua sẵn đậu đựng trong cái thùng
thiếc nhỏ kia.
Bà Tư chỉ tay vào
cái thùng thiếc nhỏ đựng đậu để cạnh chân gường, ánh mắt con trai, con dâu đổ
dồn về đấy, rồi lia đi nơi khác.
Anh con trai út nói với vợ :
- Em làm giúp cho mẹ đi.
Cô con dâu út gật đầu, nhưng cô
con dâu cả xen vào :
- Thôi em để chị làm cho…
Vậy là hai cô con dâu khách sáo tranh nhau việc làm bột
ngũ cốc cho mẹ. Cuối cùng việc này rơi vào tay cô con dâu cả, cô này thuộc dạng
dẻo miệng và khôn ngoan hơn.
Cô con dâu cả mang thùng thiếc đậu
về nhà, anh con trai cả nhắc vợ :
- Em làm thật nhanh cho mẹ
nhé.
Cô con dâu cả trả lời :
- Ngồi rang hết chổ đậu này
có mà khòm lưng, lại tốn ga, lấy đâu ra thời gian. Em sẽ ghé chổ xay bột làm
ngũ cốc mua một ít bột xay sẵn cho nhanh.
Anh con trai cả nói :
- Vậy cũng được.
Vậy là bà Tư đã mãn nguyện vì được
ăn bột ngũ cốc do con dâu cả làm. Khóe mắt đục mờ, chậm chạp, chút sinh khí gần
tàn trong thân thể ốm yếu của bà Tư, chợt sáng bừng lên giây lát, như tia nắng
của buổi chiều hoàng hôn không bình thường, tín hiệu sắp tới là một trận mưa
rào đến kinh thiên động địa. Siết nhẹ bàn tay của các con, đôi mắt bà khép lại,
cánh môi khô héo thoáng hiện nụ cười gượng gạo, mấy sợi tóc bên thái dương khẽ
dựng lên khô quạnh. Bà Tư trút hơi thở cuối cùng.
Không biết thông tin thất thoát từ
đâu mà hai người con trai bà Tư biết mẹ mình có một viên kim cương
trước khi qua đời. Lúc đầu ông anh trai
cho rằng mẹ mình đã cho viên kim cương kia cho thằng út vì bà vốn cưng nó nhất
nhà. Thế là ông anh trai phục rượu thằng
Út để lấy lời khai nhưng khổ nổi nó chả biết gì. Nghi án được chuyển ngược lại
cho anh trai cả vì nghĩ anh là trai trưởng chắc được mẹ truyền cho báu vật. Nhưng
anh trai cả lại bảo tuy anh là trai
trưởng nhưng cả nhà anh không ai được lòng mẹ thì làm gì được hưởng ân huệ đó.
Sau khi hai ông con trai đều thề độc rằng mình chẳng được mẹ cho viên kim cương
nào cả thì một cuộc truy lùng viên kim cương được bắt đầu. Trước tiên là ngôi
nhà của bà Tư được rà soát kỹ lưỡng từ cái tủ đựng áo quần đến cái tủ bếp đựng
chén bát. Sau bao nhiêu ngày lùng sục khắp nhà mà không phát hiện được gì thì
hai ông con trai lại nghĩ đến việc bà Tư đã chôn viên kim cương ở đâu đó trong
nhà. Vậy là họ gỡ từng viên gạch lát nền, lát tường, kể cả gạch lát trong
tollet cũng không chừa. Thế nhưng viên kim cương giống như là nó có chân biết
chạy trốn lũ con bất hiếu. Viên kim cương ám ảnh hai thằng con trai đến nổi
quên luôn cúng 100 ngày mất của mẹ mình.
Thay vào mâm cúng cơm là một bãi chiến trường ở nhà bà Tư, khắp nơi đồ đạt vứt
bừa bãi, từng đống gạch vẫn còn chất ngổn ngang khắp nhà. Chính nhờ viên kim
cương chưa được tìm thấy nên ngôi nhà ông bà Tư vẫn còn đó khi cơn sốt nhà đất
quay trở lại, nếu không hai thằng con trai đã bán chia nhau rồi.
Một năm sau, trong một lần dọn
dẹp nhà cửa, cô con dâu cả vô tình nhìn thấy cái thùng thiếc nhỏ đựng đậu. Cô
mở ra thì thấy đậu đã bị kiến và mọt ăn một ít rồi, sẵn nghe thấy tiếng xe rác
trước cửa nhà, luôn tiện cô mang thùng thiếc đậu ném luôn vào xe rác. Vậy là
viên kim cương bây giờ đã nằm trong xe chở rác.
Nhưng sự thật không phải như vậy.
Bà Tư là người rất cẩn thận, viên kim cương nằm trong xe rác là viên kim cương
nhân tạo. Viên kim cương thật đang nằm dưới đáy lư hương của chồng bà Tư. Bà
muốn dành món quà này cho người con hiếu thảo nào thay cát cho lư hương của cha mình. Vậy mà vài
năm trời đã trôi qua kể từ khi bà Tư mất, viên kim cương vẫn nằm nguyên vị trí ban
đầu.
Thu Hiền
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét