Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Có mấy ai đi qua thương nhớ mà quên được nhau, như cái cách khi đi qua mỗi miền ký ức từng có hình bóng nhau thì dẫu thời gian có là một thế lực vô hình ỷ mình hùng cường đến mấy cũng không che nổi từng mảng màu ký ức. Tháng năm hạ về, tôi nghe tiếng ve gọi lại tôi trở về miền sông nước Hậu Giang năm ấy, nơi tôi đã bỏ quên đâu đó tại nhánh sông buồn một người con gái mà mình đã từng thương.
Hậu Giang ngày tôi về vẫn đương mùa nước nổi. Lung Ngọc Hoàng như vẫn đang chờ tôi với những cánh chim mỏi về tìm chốn ngủ, như cái cách nhắc nhở tôi dẫu tôi có quên người thì từng ấy thời gian người vẫn đợi chờ tôi. Quay về nơi đây như cảm giác quay lại chốn xưa, dòng thời gian mà tôi tưởng chừng đã ngủ quên như một dấu lặng trên nốt nhạc để trổi mình réo gọi một thanh âm. Vẫn con ghe xưa, nơi em từng ngồi đầu ghe với bóng dáng nhỏ bé tưởng chừng như bị cả một khoảng không gian bao la rộng lớn của những con kênh xanh dài chằng chịt nơi đây bao phủ lấy. Chiếc áo bà ba với chiếc khăn rằn trên cổ là hình ảnh mà tôi có lẽ không bao giờ quên nổi khi nhớ về bóng hình mà tôi đã từng thương. Tôi nghe dưới ánh chiều tà hàng ngàn con chim nước như réo rắt gọi tên nhau, chúng cũng có một chốn về chăng, sao chính tôi như đang tìm về vô định?
Em nói chia tay tôi vào lúc mình đang đi trên chợ nổi. Con ghe nhỏ vốn không chòng chành như cái cách tim đang dội từng hồi vào những nhát thật êm trong lồng ngực. Người ta nói hồn sông chính là chợ nổi, còn hồn tôi chính là em, chợ nổi vẫn tồn tại thật êm như tầng sâu văn hóa bản địa của không chỉ Hậu Giang này mà cả một miền tây rộng lớn, sao em nỡ cướp đi hồn tôi trong một ngày trời cháy nắng oi hè như thế?
Một dây buộc neo nổi một con ghe nhưng một cuộc tình không phải lúc nào đúng người cũng là một bến đậu. Vị Thủy vẫn xanh um từng mảng bèo trôi, như cái cách để người đương nhớ về hồi ức xưa không soi nổi một màu mắt buồn của mình dưới nước. Trong không gian trầm tĩnh và vắng lặng của khu rừng tràm, từng đôi chim thi thoảng đậu xuống nghịch nước, những cây tràm giấu nửa thân mình dưới nước như một bức tranh hữu tình có tĩnh có động nghe sao thật mát mẻ và yên bình.
Thật kỳ lạ khi ký ức cứ ùa về từng chút một, tôi lại thèm nghe được những thời gian nhuộm màu quen thuộc ấy. Cứ nghĩ sẽ rất khó khăn khi đối mặt nhưng cuối cùng lại thèm: thèm nghe thanh âm của lũ cò rả rích, nghe tiếng bèo trôi hững hờ từng mảng trên sông, thèm cả đến độ dù chỉ là tiếng khua chèo của những con ghe vẫn ngày ngày ngược xuôi trên những con kênh, con lạch nhỏ. Tôi thèm nghe giọng nói ngọt như mía lùi của những cô gái miền Tây, những vườn trĩu quả chín đượm mùi thịnh vượng. Và tôi thèm nghe giọng nói em dẫu biết đã không còn một ký ức thuộc về.
Con người ta có nhiều cách để quên đi, tôi chọn cho mình lấy nhớ lại để lãng quên, lấy ký ức của bây giờ để từ từ từng chút đè lên kỉ niệm buồn bằng những khoảnh khắc mới. Có thằng bạn gọi tôi: “Muốn quay lại Hậu Giang không?”, tôi liền đồng ý không do dự. Đơn giản con người không thể cứ sống với một cuộc đời trốn tránh được. Thời gian không phải lúc nào cũng khiến người ta quên, nên mình phải chọn cách đối mặt. Nếu đã không thể quên đi thì hãy nhớ về nó như một trang kỷ niệm, để biết rằng trên đường đời, có những con người vì ý do nào đó vô tình để lạc mất nhau…
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét