Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chùng hiu hắt nỗi không tên
(Tô Thùy Yên)
Đoàn tàu lầm lủi rời chợ Phước Xuyên, chạy về phía Tuyên Nhơn, rồi âm thầm thả trôi vào điểm kích. Trời đêm cuối tháng chạp yên tĩnh đến rợn người. Bóng cây hai bên bờ rạp chúi vào dòng kinh làm thành vệt đen mờ chập chờn trước mặt.
Đoàn tàu như bị nuốt trửng vào cuống họng đang hả lớn của một con rắn khổng lồ. Quấn mình trong chiếc mùng nhà binh, tôi nằm lăn trở trên nóc phòng lái của chiếc giang đĩnh vì muỗi Đồng Tháp cứ mãi vo ve bên tai. Tiếng nước vỗ nhè nhẹ vào thành tàu nghe như tiếng vọng từ một đêm biển lặng xa vời.
Điệu hò phương Nam chở lời kinh sâu lắng vào lòng người nghe. Ngôi chùa nằm bên bờ kinh tắc nối liền Phước Xuyên với Mỹ An, mỗi lần tàu chạy ngang bóng người ni cô chống xuồng hái sen, áo nâu sồng thấp thoáng cuối hàng điên điển bông vàng sao thanh thoát quá...
Cành sen lá trĩu sương trong
Áo ni xám hạt trời nong buồn về
Tay nào nghiêng nón thơ che
Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao...
(Phạm Thiên Thư)
Bóng ngôi nhà cuối cùng của khu dân cư lờ mờ hiện ra trong bóng đêm. Tôi chồm người vói lấy cái ống nói liên hợp gọi dặn ba chiếc tàu đi sau quan sát cẩn thận. Cách đây không lâu du kích về đào hầm sát theo bờ kinh ngay trước ngôi nhà, bắn vào tàu tuần làm bị thương hết mấy người lính. Ngôi nhà hiện nay gần như không có ai ở. Bà mẹ thỉnh thoảng về quét dọn cho đỡ hoang vắng. Đứa con gái đã lấy chồng lính Giang Đoàn. Tháng trước Phát thuyên chuyển về tàu biển nên con Mười cũng khăn gói lên Sài Gòn ở với gia đình bên chồng.
Tiếng khè khè từ ống liên hợp chợt đứt quãng bởi giọng Huế nhỏ nhẹ đang gọi tên nhà binh của tôi. Người trưởng đồn Địa Phương Quân mới về nhậm chức muốn được gặp tôi. Giọng Huế hiền như con gái của người Sĩ Quan Thủ Đức mới ra trường đã gây cho tôi không ít tò mò.
Trong màu lục nhạt huyền ảo của chiếc ống dòm hồng ngoại tuyến, dãy rào phòng ngự quanh đồn dựng bằng cây tràm và bốn vọng gác thấp lè tè trông quá mỏng manh. Tôi gọi máy cho những tàu đi sau tấp vào bờ đối diện của đồn lính. Người lính gác lúi húi rọi đèn bấm tìm cái neo phụ kéo chiếc tàu tấp vào bến nhỏ dựng bằng mấy tấm vỉ sắt công binh trước cổng đồn.
Ông Chuẩn úy trưởng đồn đứng nghiêm chào. Mấy tháng Thủ Đức đã tập cho người sĩ quan mới ra trường có cái chào đúng cung cách nhưng dáng dấp thư sinh vẫn còn rõ nét trên khuôn mặt thanh tú. Câu chuyện nổ giòn khi tôi biết được Tấn là người Phú Cam. Tấn cười ngạc nhiên.
- Nghe Trung úy nói chuyện cứ tưởng là người Nam chớ đâu có biết là dân Bến Ngự.
Hai người ngồi nói chuyện Huế đến quá nửa đêm. Quán cà phê nhỏ gần cầu Bến Ngự dưới chân con dốc đi về Từ Đàm vẫn còn. Quán cà phê mái tranh tôi vẫn thường ngồi chờ o tôn nữ đi học về. Ngôi nhà trên đỉnh dốc với hàng chè tàu kín cổng cao tường.
- Chị Lựu có chồng rồi, đám cưới năm ngoái. Hai vợ chồng cùng dạy ở Kiểu Mẫu.
Sân đồn vắng lặng. Bóng đèn dầu từ dãy nhà gia binh cuối đồn hắt ra mấy vệt sáng mờ ảo. Tiếng khóc dạ đề thoát theo, nhỏ nhoi, đứt quãng. Tôi vỗ vai người sĩ quan trẻ lúc đứng dậy bước xuống tàu.
- Thôi, vào ngủ đi! Mai dậy sớm đi chợ uống cà phê.
Tiếng xuồng máy vội vã cho kịp phiên chợ sớm đánh thức dòng kinh đang ngái ngủ. Người lính gác ca chót ngáp dài lom khom chui xuống khoang tàu sửa soạn giấc ngủ bù. Một đêm đi kích bình yên đã qua. Trong ánh sáng đầu ngày còn lẩn quất hơi sương, khu rừng tràm trở nên xa xôi và hiền hòa hơn. Tấn từ trong đồn đi ra, nước da trắng xanh như con gái. Tôi cười chào:
- Ráng tắm nước phèn nhiều vào cho đen, chớ không ban đêm đi tới đâu là làm bia tới đó, nghe chưa cha nội!
Đoàn tàu ngóc đầu phóng nhanh về Phước Xuyên. Tôi dẫn Tấn vào quán cà phê trước nhà lồng chợ. Thắp điếu thuốc đầu ngày, nhấm nháp ly cà phê đen đậm, tôi nói đùa.
- Cậu thấy chưa, đâu có thua gì cà phê Lạc Sơn.
Chợ cuối năm đông đúc và màu sắc hơn ngày thường rất nhiều. Xuồng máy đuôi tôm đậu san sát dưới bến. Con gái mặc áo ni lông màu vàng, màu đọt chuối, đầu quấn khăn rằn hớn hở đi chợ Tết. Hai dãy phố chợ đối diện nhau, phía trước là hàng quán phía sau là nhà ở. Khu nhà lồng giữa chợ lèo tèo mấy quán cà phê, quán ăn, và vài tiệm vải tiệm may. Nơi nhóm chợ phiên là khoảng sân xi măng rộng trước nhà lồng chợ nối dài xuống tận bến đò. Tấn e dè nhìn những lồng chuột, lồng rắn và mấy con trăn dài thân to gần bằng cổ chân.
- Lính bẫy chuột về nấu nướng mời ăn nhưng em ớn quá không dám.
- Chờ bữa nào có bạn rượu sai con gái khìa thịt chuột với nước dừa nước cam vàng trộn chút mắt đưa mày liếc làm mồi nhậu thì lúc đó quên cả ớn luôn.
Tấn nhìn về phía ngôi nhà thờ bên kia bờ kinh, tiếc rẻ.
- Nhà thờ đẹp như rứa mà bỏ hoang uổng quá.
Tôi nghĩ tới nhà thờ Phú Cam và những bậc cấp dẫn lên khoảng sân rộng trước nhà thờ. Từ trên cao nhìn xuống, mấy chiếc cầu trắng bắc qua sông Bến Ngự chảy ôm quanh chân đồi đẹp như tranh vẽ. Tan lễ chiều con gái xóm đạo đi dọc theo bờ sông về nhà, áo dài huệ trắng phất phơ trong gió. Tôi nghĩ tới Tần Hương, tóc ngắn, cổ cao, nước da thắm màu nắng. Không một chút xíu Huế mô hết mà đẹp thì thôi thê. Chiếc váy ngắn màu xanh nước biển và chân-sáo-tần-hương làm nắng nhấp nhô.
Chúa chỉ tới vùng đất này mỗi năm một lần vào ngày lễ Giáng Sinh. Cha ở Cao Lãnh đi tắc-ráng vào đem theo tượng Chúa. Bàn thờ máng cỏ dựng lên sơ sài nhưng những ngọn nến hiếm hoi đã đủ làm sáng lòng con chiên nghèo khó trong vùng đất bất an này. Con chiên đa số từ Khu Mười. Họ là giáo dân di cư từ vùng quê nghèo đất cày lên sỏi đá Quảng Bình mà nền Đệ Nhất Cọng Hòa đã đưa vào đây lập nghiệp. Tiếng máy đuôi tôm nổ rộn rịp giữa đêm vui như tiếng cười hiếm hoi. Sáng sớm hôm sau Cha mang tượng Chúa xuống tắc-ráng chạy về Cao Lãnh. Ngôi giáo đường bơ vơ hoang phế nằm chịu đựng thêm mùa nước chờ đêm Thánh sang năm. Cao Lãnh. Chữ nghĩa người xưa giờ sao nghe quá đắng cay. Ông quan Tổng Đốc lãnh mệnh Chúa phái vào sâu trong đất Nam Ky giữa vùng nước thấp mênh mông tràm đước để mở mang bờ cõi. Mơ ước lớn lao của người xưa đã thể hiện qua những địa danh đẹp như Mỹ An, Mỹ Phước, Phước Xuyên... Có lẽ giữa cảnh trời nước mênh mông, nhớ người còn ở lại đất Thần Kinh, ông quan trẻ trong giây phút lãng mạng đã lấy tên vợ Vĩnh Tế mà gọi dòng kinh mới. Và lạ chưa, có một buổi chiều gió Tịnh Biên rợp vàng trí nhớ, rượu uống ngà ngà say, đứng bên dòng Vĩnh Tế dõi mắt về phương xa nhớ thương ngày cuối biển. Dòng nước cưu mang nỗi lòng Thất Sơn, Hồng Ngự chảy qua vùng đất Giang Thành qua miệt Hà Tiên rồi đổ vào biển lớn. Đứng đó bên bờ kinh nhỏ mà nghe lòng mình xôn xao tiếng sóng.
Người lính dưới tàu lên tìm tôi nói có Thiếu úy Chiến đang chờ. Đi ngang qua tiệm may bên hông nhà lồng chợ, cô thợ may cuống quít nụ cười tươi, con mắt nhìn theo dài có đuôi. Chiến trong bộ bà ba đen và cái nón bê rê Người Nhái cố hữu trao ống nói liên hợp cho tôi. Liên lạc với phòng hành quân giang đoàn xong tôi bảo các thuyền trưởng cho tàu chạy về bến và nhờ Chiến cho Tấn quá giang về đồn.
Đứng trên mũi tàu giữa dòng kinh, Chiến khum tay bỡn cợt nói vọng vào bờ.
- Ông coi chừng thằng nhỏ! Để con Bé Lâm nó bẻ như bẻ cổ mấy con trăn là coi như dẹp tiệm luôn.
Bé Lâm là cô thợ may ở nhà lồng chợ. Cách đây vài tháng, một lần Chiến và tôi vào tiệm la cà tìm chuyện nói cho qua thì giờ. Đang tán phét thì một vật gì đó trong bao cát cột kín để trên nền xi măng cựa quậy làm tôi giật mình nhảy lui. Cô thợ may khoan thai mở bao cát lôi ra một con trăn dài khoảng gần hai mét, hai tay bóp chặt ở phần đầu và cổ, bẻ thật mạnh. Cô ta dồn con trăn vào lại bao cát nhìn tôi.
- Trung úy đừng lo, nó còn sống nhưng hết cựa quậy gì được nữa rồi.
Tôi hoàn hồn giở giọng đểu:
- Ở đó mà đừng lo. Nhìn cô bẻ cổ con trăn tôi lại càng lo thêm.
Cô thợ may đỏ mặt cười bẽn lẽn. Trên đường về Giang Đoàn, Chiến nói với tôi.
- Người ở chợ nói con Bé Lâm có chồng đi làm ăn xa nhưng gần hai năm nay tôi chưa bao giờ thấy mặt. Ở đây lý do dễ nói nhất là chồng bỏ, chồng đi lính, đi làm ăn xa... Ông nên để ý, biết đâu thằng chồng nó theo du kích làm giao liên ở đâu đó.
Bé Lâm có khuôn mặt duyên dáng và biết nói chuyện nên sau những lần uống cà phê tôi thường ghé lại tiệm may tán tỉnh bâng quơ. Một lần Bé Lâm hẹn mời về nhà ăn cơm. Ngôi nhà chỉ cách chợ khoảng nửa cây số. Tôi dè dặt nhìn cái mương nước ở hông nhà. Dân thường chống xuồng theo những mương nước vào sâu trong đồng để thăm lúa, đặt lờ, bẫy chuột. Du kích giao liên cũng thường dùng những tuyến nước này để chuyển quân, chuyển vũ khí, hoặc về thăm nhà. Ngoái nhìn bóng mấy chiếc giang đĩnh ẩn hiện sau lùm cây điên điển phía cuối xóm, tôi yên tâm đi về phía sau nhà nhìn quanh. Xóm nhà vắng lặng. Cánh đồng bao la không một bóng người.
Gian nhà sau khuất kín, nền đất mát lạnh lổ đổ vài vệt nắng nhỏ xuyên qua từ cánh cửa sổ bằng phên đã sập xuống. Cặp gối sắp ngay ngắn trên tấm phản dày nâu bóng màu gỗ quý. Tấm phản vừa dùng làm giường vừa là nóc của cái hầm tránh đạn, bao cát dựng quanh chắc chắn. Bếp vừa nhen, ngọn lửa nhảy múa náo nức. Người đàn bà nằm dễ dãi trên tấm phản, mắt nhắm đợi chờ sau chiếc khăn rằn sổ tung lệch lạc. Vùng bóng tối giữa thân thể man khai lồng lộng. Thân xác hừng hực cơn sốt vụng trộm. Nồi cơm nồng mùi khê cháy khi tôi bỏ đi ra trước hiên nhà. Lấy cái gáo dừa múc nước mưa trong lu, tôi uống từng hơi dài như người đang chết khát. Chậu cúc vàng trước sân nhà không kịp chờ tết nở rộ. Tôi rưới miếng nước mưa còn sót trong cái gáo dừa lên mấy nụ bông.
Con đường làng nằm im mệt nhoài dưới nắng trưa. Tôi nghĩ tới những người đàn ông đã bỏ đi xa. Cũng như tôi, bỏ đi xa. Hoặc đã không về kịp cho những cơn cần thiết. Tôi nghĩ tới những người đàn bà ở Đồng Tháp Mười, cô gái chợ Phước Xuyên, Khu Năm, Khu Bảy. Những người đàn bà không có đàn ông ở nhà, sống dọc theo dòng kinh Đồng Tiến, Mỹ An. Cuộc sống can qua nhưng ước mơ và thân xác vẫn có đó rất thực. Khẩn thiết và không che đậy. Những cô gái mơ lấy chồng Sài Gòn để được đi xa khỏi vùng đất tai ương với từng mùa nước buồn tù túng, từng đêm lẻ loi trên chiếc chòi cao bên hàng đáy. Giấc mơ đơn giản. Mơ được uống nước máy, coi cải lương truyền hình, chân đi dép. Những người đàn bà trong vùng đất giao tranh đã sống và chịu đựng với trái tim thật bền bỉ và đơn giản. Những điều tôi chứng kiến và hiểu ra đã trở thành nỗi buồn theo đuổi hoài trong trí.
Một buổi trưa ở mặt trận Mỹ An, vùng kinh Bà Bèo. Lính của một tiểu đoàn bộ binh thay phiên nhau về nghỉ ở tuyến sau. Vợ lính đi xuồng từng đoàn vào thăm chồng và để lấy tiền lương tháng đem về. Tôi chú ý tới một cặp vợ chồng còn rất trẻ. Người vợ tình tứ đút cơm cho chồng ăn. Sau đó hai người ôm ấp nhau, làm tình dưới tấm poncho trùm kín. Người chồng cầm súng ôm vợ từ giã, về lại mặt trận phía trước. Khoảng nửa giờ sau người chồng tử trận, xác kéo ra lúc người vợ đang dọn dẹp hành trang chưa kịp về. Người đàn bà trẻ ôm xác chồng còn hâm hấp cơn sốt hân hoan, khuôn mặt điên cứng mắt ráo hoảnh vô hồn. Tôi chưa hề thấy một cảnh sống nào tang thương đến thế.
Lần đi kích đêm ở Khu Bảy. Lính gác báo cáo thấy có bóng người di chuyển. Súng trên tàu bắn như mưa vào mục tiêu nghi ngờ. Lúc đổ bộ lên, xác người du kích nằm vắt bên bờ mương ngang hông một nhà dân, cây súng AK còn trong tay. Lục soát ngôi nhà, không ai nhận là có bà con quen thuộc gì với người lính Cộng Sản nằm chết ngoài sân. Nhìn khuôn mặt người đàn bà trẻ đứng khuất trong góc nhà tôi nghĩ đến người vợ lính bên bờ kinh trưa ở Mỹ An. Tôi ra hiệu cho toán lính của mình xuống tàu rồi quay lại nói nhỏ với người đàn bà.
- Chị lấy mền ra phủ xác lại để ngày mai Xã tới đem đi chôn.
Xin lỗi người đàn bà ở Đồng Tháp Mười. Điều tôi chỉ có thể làm được là để cho chị vài phút riêng tư với xác người mà chỉ phút chốc trước đây đã hòa chung với chị cơn rung cảm hiếm hoi. Trên đường xuống tàu tôi nghe văng vẳng tiếng nấc nghẹn ngào của người đàn bà.
Đoàn tàu để máy nhỏ chạy về lại căn cứ. Đêm thật sâu. Trăng thượng tuần xa xôi soi chút ánh vàng mơ hồ lên dòng nước đen hun hút trước mặt. Ngọn đèn dầu treo trên nóc hàng đáy mờ mờ soi bóng con Bé Út đang ngồi chờ kéo đáy trông thật cô đơn. Một bầy anh chị bảy tám người, đứa chết trong bưng, đứa đi lính sư đoàn đổi ra Trung đã mấy năm chưa về, đứa lấy chồng xa, để lại cô em út ở nhà hẩm hiu với người cha lúc tỉnh khi say.
Ông già ngồi móm mém hớp từng hơi rượu đế, nhìn dòng kinh nước đục nói chuyện hồi nẳm, thời Bình Xuyên.
- Út, chiên cá linh cho anh Hai mầy uống rượu đi con.
Người đàn bà trẻ im lìm như bóng. Chiếc khăn rằn quấn che gần kín khuôn mặt làm đôi mắt nhìn thật sâu và xa xôi. Bé Út xõa tóc múc nước lóng phèn trong lu ra rửa mặt, không quen với những lời khen tặng của đàn ông, nàng mỉm cười ngượng ngùng. Bé Út ngồi nói chuyện mùa nước đi buôn ở Cao Lãnh. Cô quấn lại chiếc khăn rằn, đôi mắt nhìn trở về với chiều sâu của nó. Tôi tiếc không nhìn được cặp môi dày mọng cười mỉm chi lúc tôi hỏi xin học cách kéo đáy, một đêm nào đó.
- Ông già biết, ổng rầy chết.
Tôi lên nhà trên ngồi lơ đãng nghe chuyện Bình Xuyên Hòa Hảo, mắt nhìn cái chòi chênh vênh bên hàng đáy. Nóc chòi cao vượt khỏi lùm cây điên điển rực bông vàng phía trên dòng nước. Cái chòi chênh vênh trên triền đêm xõa tóc. Đôi môi dày háo hức. Tiếng cá linh quẩy động lòng đáy làm người đàn bà tiếc rẻ cơn ham muốn. Ngọn đèn dầu trên nóc hàng đáy dạn dĩ soi bóng xuân thì lên cặp vú nhọn lểnh đong đưa.
Chiếc giang đĩnh chở lính đi chợ bớt máy lại để cập bến. Trước mũi tàu lố nhố bốn năm ông sĩ quan Giang Đoàn. Tôi chào ông Phó Thành.
- Bộ ông Phó tính họp bộ chỉ huy Giang Đoàn ở quán cà phê hay sao đây.
- Đâu có, Tết nhứt tới nơi, tao dẫn thằng Thiện thằng Mẫn đi làm rể cho phải phép.
Mẫn cao lều khều trong bộ đồ Thủy Quân Lục Chiến bỏ ngoài quần. Khẩu rouleau nòng dài lủng lẳng bên hông.
- Ông Phó dẫn thằng Thiện đi mua than. Tao thì chàng ràng vậy thôi chứ xơ múi gì đâu.
Bầy con gái ở chợ hiếm hoi đếm được trên đầu ngón tay. Mẹ mất, hai chị em Hạnh sống hẩm hiu với nhau. Đứa em trai tật nguyền đang học Trung học ở ngoài Khu Hai, chỉ về nhà những ngày cuối tuần. Thiện và con Hạnh những ngày này rất khắng khít với nhau. Mẫn ngoài những ngày đi tuần thường hay la cà ở tiệm Thành Phát, nhà hai chị em con Dung. Anh chàng tham lam tính chuyện hoa thơm đánh cả cụm nên mãi vẫn lơ lửng chưa ngắt được bông nào. Chiến tuy hay bông đùa với con Nam, con Bé Ba nhưng vùng hoạt động chính của hắn đổ dài từ Khu Bảy ra tới Khu Ba, Chi Khu Đồng Tiến. Chiến vẫn thường ba hoa.
- Cứ theo chiến thuật trực thăng vận là ăn chắc. Bốc xong là nhảy. Dại gì phải ra ngoài chợ tranh giành cho tốn sức lao động.
Tôi chậm chân lại ghé vào tiệm may của Bé Lâm.
- Tối này Trung úy có ra coi hát không. Đoàn hát ở Cai Lậy về hát Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài. Ban văn nghệ Xã diễn ca nhạc trước rồi mới tới diễn tuồng.
- Hèn nào con nhỏ Huệ vừa bưng cà phê trong căng-tin Giang Đoàn vừa ca sáu câu vọng cổ. Ờ nếu không đi công tác thì ghé coi.
Bé Lâm lửng lơ nhìn cái ghế bố nhà binh ở góc tiệm.
- Coi hát xong tui ở lại để cúng tiệm, gần Giao Thừa mới về nhà. Trung Úy nếu không thích coi hát thì ra đây nghỉ.
Tôi nháy mắt cười bước vội ra khỏi tiệm cho kịp với nhóm sĩ quan bạn đang đi về phía quán cà phê ở cuối nhà lồng chợ.
Trụ sở Xã nhộn nhịp người đang dựng rạp cho đêm văn nghệ đón Giao Thừa. Ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát kiêm Trưởng Ban Văn Nghệ Xã đang hò hét chỉ trỏ mấy cậu Nhân Dân Tự Vệ treo cái màn nhung đỏ cũ mèm lên phía trước sân khấu dựng bằng thùng phi lót ván ép. Phía trong trụ sở, Tài thuyền trưởng đang đệm đờn cho con Huệ dợt lại mấy câu vọng cổ. Tiếng đàn trống, tiếng ca, pha lẫn với tiếng người cười nói xôn xao... Bờ sông xa mờ nhạt khói hoàng hôn. Con nước lớn lục bình trôi rời rạc. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát. Mà bóng người xưa còn lẩn quất giữa sông dài...
Ông Trưởng Ban Văn Nghệ ra chào chúng tôi. Nụ cười dễ dãi, cái đầu hói bóng lưỡng.
- Mấy ông nghe con nhỏ Huệ ca ngon lành không! Tối nay nó là Tân Bạch Huệ hát sáu câu Tuyệt Tình Ca.
Ông Phó nhìn Mẫn châm chọc:
- Còn cô Dung thì ca bản gì vậy.
Ông bầu văn nghệ trịnh trọng lấy trong túi áo ra tờ chương trình viết tay.
- Con Dung ... à Tân Mỹ Dung sẽ ca bản Chuyện tình Lan và Điệp.
Tôi đứng lên xạo với Mẫn.
- Thôi tao đi về Giang Đoàn ngủ lấy sức tối coi văn nghệ. Mầy vô trỏng dợt với ca sĩ Tân Mỹ Dung đi chớ. Đừng để bể dĩa mất mặt lắm đó nghe!
Ông Phó tay cầm cây cơ bi da.
- Lấy tàu mà về, tới trưa nói tụi nó ra đón tôi về.
Tôi từ chối. Từ chợ về Giang Đoàn chỉ hơn một cây số. Tôi vẫn thường một mình đi dọc theo bờ kinh. Chân bước, lòng bâng quơ nhớ về những điều rất cũ. Một khuôn mặt, một góc phố đâu đó trong đời. Và như thế, hình như buồn phiền đã bay đi ít nhiều theo con gió châu thổ mênh mang trời nước.
Hạnh ngồi phía sau quầy hàng bánh kẹo chào vọng ra. Tôi bước len lỏi qua khu chợ phiên đi về phía bến sông. Con gái đi chợ Tết xong bơi xuồng về nhà. Trên xuồng ngổn ngang hàng vải và những nhánh mai nhánh cúc bằng nhựa vàng sặc sỡ. Từ trên cầu nhìn xuống lòng ngã tư kinh, hàng mấy chục chiếc xuồng bơi tỏa ra bốn hướng trông như những chiếc lá tre trong vũng nước mưa đọng thời tuổi nhỏ.
Nắng cuối năm ở đồng bằng nhàn nhạt ngây ngây, phảng phất cơn gió nhẹ có vừa đủ thênh thang để cánh đồng đước bao la cũng xao xác nghiêng mình. Gần hai năm ở vùng nước thấp làm tên lính thú thực sự. Và còn bao lâu nữa. Cho tôi. Cho bạn bè. Cho những người trong cuộc chiến tranh này.
Ngôi giáo đường trước mặt vẫn im lìm kiên nhẫn soi bóng xuống dòng kinh chờ mùa nước rút, điêu tàn tượng Chúa Hài Đồng bơ vơ đêm thánh. Bóng chiếc thập tự trên nóc tháp chuông lung linh đáy nước, gãy đổ lời nguyện không thành. Lời kinh man mác điệu hò châu thổ từ ngôi chùa bên bờ kinh Mỹ An vẫn quyện trong gió sớm, trong hương nồng buổi trưa những điều nhân ái. Những người đàn bà ở Đồng Tháp Mười vẫn sống với trái tim đơn giản thiết tha.
Cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Và tôi chợt thèm một giấc ngủ.
PHAN THÁI YÊN (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét