Tiếng chuông Nhà thờ vang lên từng hồi êm
ả. Chiều buông, những cơn gió biển mang theo hơi lạnh thổi vào không gian yên
bình, lác đác vài hạt mưa nhẹ rơi. Thằng bé con chạy về phía bố, vừa chạy vừa
ngoái nhìn người Sơ thân thiết. Người ấy cứ đứng nhìn theo cái dáng bé nhỏ của
thằng bé cho đến khi tôi giơ hai tay đón con vào lòng và bế nó lên. Dõi theo
bóng con người ẩn sau lớp áo dòng tu đang bước vội về Tu viện, vừa đi vừa đưa
tay lên mặt, bỗng dưng tôi thấy mắt mình ươn ướt.
Có ai đang khóc đâu đây…
*
Gần mười năm trước. Một lần cùng người bạn
đi lễ ở nhà thờ, tình cờ tôi gặp một cô gái đang cúi nhặt những bông hoa sứ
trong khuôn viên. Tôi lặng ngắm khung cảnh ấy như bị thôi miên, cho đến khi
người con gái ấy ngẩng lên và bắt gặp tôi đang nhìn đắm đuối thì tôi mới sực
tỉnh. Ngượng ngùng, người con gái bỏ chạy, quên giỏ hoa.
Từ hôm ấy, lấy cớ trả đồ, tôi tìm cách
tiếp cận và làm quen với nàng. Càng tiếp xúc nhiều, tôi càng thấy nàng đẹp. Màu
mắt thơ ngây cứ như trói trái tim tôi lại. Thời gian trôi đi bên những giỏ hoa
sứ ngát hương. Thời gian trôi bao nhiêu thì tôi lại nhận ra tôi không thể sống
thiếu nàng bấy nhiêu. Nhưng… Ngày tôi ra mắt bố mẹ nàng cũng là ngày chúng tôi
nhận ra giữa chúng tôi không thể có một mối quan hệ nào khác ngoài tình bạn. Bố
mẹ nàng và cả nàng đều là người theo đạo Thiên chúa. Họ không chấp nhận cho con
gái lấy người ngoại đạo, hơn nữa người ấy lại theo đạo Phật. Họ còn nói họ chỉ
có một người con gái, không muốn gả chồng xa (quê tôi tận ngoài Bắc). Họ tìm
mọi cách ngăn cản, từ cấm đoán đến đe dọa. Trong những lần lén lút gặp nhau,
tôi đã tính cùng nàng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nàng không chịu. Nàng không thể
từ bỏ gia đình mình, từ bỏ Chúa…
Rồi một ngày. Nàng gặp tôi nói chia tay.
Ánh mắt thơ ngây ngày nào và ánh mắt đẫm lệ ngày nào lúc ấy đầy cương nghị. Tôi
biết, mình đã mãi mãi mất nàng. Tôi không dám oán giận nàng vì tôi là kẻ đã yêu
nàng trước và cuốn nàng vào tình yêu đầy ngang trái này. Trước khi chia tay,
nàng nói muốn cùng tôi uống rượu. Tôi say, không phải do rượu mà do đau lòng.
Đêm ấy tôi không biết gì, tôi chỉ biết tôi mơ thấy nàng làm vợ tôi và cuộc sống
gia đình vô cùng hạnh phúc…
*
Ở tuổi ba mươi, tôi đã là một người đàn
ông thành đạt với cương vị giám đốc kinh doanh của một công ty cổ phần. Nhưng ở
tuổi ấy tôi lại là con người có trái tim khép kín khi bao cô gái xinh đẹp đem
lòng yêu mà tôi không mảy may rung động. Và ở tuổi ấy tôi gây sốc cho mọi người
khi có một đứa con.
Bố mẹ tôi điếng người vì con trai tuyên bố
đứa con trên tay là đứa con rơi của mình. Đứa con trai duy nhất rất đỗi mẫu mực
làm họ quá thất vọng. Vợ không chịu lấy mà thòi lòi một đứa con rơi. Tôi bị bố
mẹ từ mặt từ khi ấy.
Lãnh đạo công ty quở trách tôi thậm tệ.
Thậm chí Chủ tịch hội đồng quản trị phải gặp riêng tôi nói chuyện vì ông ta
đang nhắm tôi cho con gái mình. Cơ sự như thế thử hỏi ai mà chấp nhận cho được.
Rồi tôi bị giáng chức vì nguyên nhân hết sức vô lí: Có vấn đề về thần kinh. Đồng
nghiệp thì nhìn tôi bằng con mắt thương hại lẫn khinh khỉnh.
Kể ra mọi người cũng có lí khi xử sự
như vậy. Tôi cam chịu không một lời biện minh…
Anh!
Em xin lỗi vì tất cả mọi chuyện. Em không
đáng và cũng không mong anh tha thứ cho em khi em đã bỏ rơi anh. Mong anh có
thể quên đi quá khứ trước kia để tìm cho mình một hạnh phúc mới bên người con
gái khác, hơn em.
Anh! Thật là đáng nguyền rủa khi em đã làm
khổ anh nhiều mà bây giờ lại trao đứa bé này cho anh. Nhưng xin anh, hãy vì
lòng thương hại mà cứu vớt lấy nó. Em không thể nuôi được con em. Em chỉ là kẻ
khốn nạn.
Xin anh vì lòng thương hại, vì em lần
cuối!!!
Đấy là bức thư đi kèm với thằng bé được
đặt trước cửa nhà tôi. Người viết bức thư ấy là người đã vô tình đóng cửa trái
tim tôi mãi mãi. Không giận, không oán, cũng không miễn cưỡng. Tôi nhận thằng
bé làm con, yêu thương nó như con đẻ của mình bởi một lẽ thằng bé là con của
người yêu tôi, người yêu duy nhất và mãi mãi. “Thằng bé vô tội, không đáng để
bị hắt hủi, bị bỏ rơi”. Và cũng như một định mệnh, giữa tôi với thằng bé có một
sợi dây vô hình liên kết như ruột thịt.
Một người cha chưa một lần lập gia đình,
chưa biết làm cha là như thế nào, con thì còn bé. Bố mẹ đã từ mặt rồi, chẳng
biết nhờ ai. Công việc, gia đình và con cái, đường nào cũng khó.
Cô nhi viện Nhà thờ Quy Nhơn là nơi tôi
gửi con để lo công việc. Thằng bé cần được ở với những con người nhân hậu nơi
ấy, chỉ có nơi ấy mới khiến tôi yên tâm về con. Rảnh rỗi lúc nào tôi đến thăm
con lúc ấy, đi đi về về như con thoi.
Năm năm trôi qua. Cha con tuy không ngày
ngày gần sát bên nhau, nhưng thằng bé không hiểu sao rất quý mến cha. Và một
điều đặc biệt là chưa một lần nào nó hỏi về mẹ nó, cứ như nó chưa bao giờ biết
mẹ là gì. Với thằng bé, chỉ có bố là người thân duy nhất, người nó chờ mỗi cuối
tuần. Mỗi lần tôi đến thăm con, thằng bé vui mừng nhảy chân sáo, cứ quấn lấy
bố, như con chim sẻ ríu rít cả ngày. Bên con, bao mệt mỏi dường như tan biến
hết.
Thời gian qua dần xóa đi những kí ức đau
buồn. Cho đến một ngày kia…
-
Ba! - Thằng bé reo lên sung sướng rồi chạy tới ôm lấy cổ cha đu lên hôn hít,
mặc khuôn mặt đầy râu còn chưa kịp cạo.
- Nhớ ba lắm hả?
- Dạ nhớ! Nhớ lắm. Ba đi đâu mà không đến chơi với con! - Thằng bé ngước khuôn
mặt bé thơ hỏi ngây ngô.
- Cho ba xin lỗi nhé con trai! Ba phải lo công việc. Giờ ba đến đưa con đi chơi
này. Con có vui không!?
- Dạ vui.
- Vậy ba con mình đi nhé! - Tôi cầm tay con dắt đi.
- Ba… - Thằng bé níu tay cha.
- Gì vậy con trai?
Thằng bé ghé sát vào tai bố thì thầm:
- Con muốn vào chào một người, ba chờ con nhé!
Tôi gật đầu, đứng nhìn cái dáng bé nhỏ của con xa dần nơi hành lang tu viện.
Thằng bé đến đứng sau tự khi nào mà tôi không hay, tiếng gọi cắt ngang dòng suy
nghĩ miên man của tôi.
- Ba!
Tôi quay sang bế con lên, thấy một người
Sơ đang quay lưng lại, tôi định chào. Người ấy quay sang. Bất chợt, tôi ngỡ
ngàng bắt gặp một ánh mắt quen thuộc. Trong giây lát, tôi đứng chết lặng như
không tin vào mắt mình.
Người ấy…
HOA SẦU ĐÔNG (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét