Hội Nhà văn Việt Nam - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
NHÀ THƠ TRƯƠNG CÔNG THUỐT
Sinh ngày 17.10.1957.
Quê quán xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
Sau thời gian lâm bệnh nặng, nhà thơ Trương Công Thuốt đã từ trần vào hồi 16 giờ 5 phút ngày 2.8.2011 (nhằm mùng 3.7 năm Tân Mão) tại Bệnh viện 115 - TP.HCM sau một thời gian dài bị căn bệnh nan y, hưởng dương 54 tuổi.
Tang lễ cử hành tại nhà riêng ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. An táng vào lúc 14 giờ ngày 3.8.2011 (nhằm mùng 4.7 năm Tân Mão) tại quê nhà.
Nhà thơ Trương Công Thuốt nguyên là giáo viên, sau đó là Chủ tịch Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Chợ Mới trước khi chuyển về công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang. Anh đã ấn hành các tập thơ: Mây trắng (1991), Cổ tích cho em (1995), Cỏ đêm (2000), Nỗi nhớ ngày xanh (2004)... Anh cũng đã đạt nhiều giải thưởng văn học.
BÔNG TRÀM
*
NHÀ THƠ TRƯƠNG CÔNG THUỐT
RA ĐI CÒN LẠI BIẾT BAO NHIÊU TÌNH...
ĐÔNG TRIỀU
Gần ba mươi cuộc gọi nhỡ đến máy điện thoại tôi trong chiều nay.
Về đến nhà, trước khi mở cửa tôi vẫn còn nghe tiếng réo rắc ấy đã đến không biết tự bao giờ. Tôi lần lượt gọi lại chỉ một đôi số và biết rằng anh đã ra đi – Người thơTRƯƠNG CÔNG THUỐT đã vĩnh viễn ra đi…
Xong hết rồi, trong bộ nhớ của máy, trong bộ nhớ của người tôi đã loan tin cho tất cả bè bạn của Anh, và của cả tôi – cũng đã từng có lúc thương yêu, buồn, giận. Tôi vội quay trở về ngôi nhà của những năm đen tối nhất cuộc đời anh như cố tìm chút gì đó còn sót lại cho sự sống. Nhưng tất cả đã im lặng, chỉ còn trong tâm trí tôi tiếng vang vang của anh gần như là tưởng nhớ... Có những lúc thèm làm thơ lắm, nhưng lọt nửa chữ ra ngoài ý nghĩ là nó tan chảy về đâu trong cuộc biển dâu kiếp người. Đó là những lúc thật xót xa khi tôi ngồi nghe anh nói. Tâm trạng đau đớn và thèm khát khi ấy cũng gần như ước muốn sản sinh ra đứa con hay đang nhìn những thương yêu từ từ chìm lấp. Rồi căn nhà này sẽ không còn hình bóng một con người khi cười vui như đứa trẻ thơ, rồi khi buồn ngồi thu lu trong bóng tối mà đôi mắt ánh lên, dong dỏng niềm đau.
Chúng tôi có biết anh đau ! Không phải cho thân xác rồi mai theo bụi bặm mù trời, mà anh quặn thắt khi từng ngày qua đi những bài thơ dở dang còn đó, lòng người còn bỏ ngỏ cho nhau, tình yêu người trôi nhanh như cái vẫy tay chào, và đường phố... khuya rồi còn những tiếng rao cút côi, nhỏ dại. Đó là những năm tháng Anh trãi lòng cho tôi nghe trên những trang viết chưa gửi đi đâu, những ý tưởng tác phẩm chưa thành hình, những trái ngang bẽ bàng duyên kiếp. Chúng tôi chưa kịp nghĩ ngày ấy thì nay nó đã ào đến bằng một sự buông xuôi vào vĩnh cửu.
TRƯƠNG CÔNG THUỐT – Anh đã ra đi thật rồi sao ?
Đã hơn hai mươi năm tôi và Anh quen nhau trên mê lộ văn chương biệt trùng này. Quen từ những niềm vui, quen từ những nỗi sợ người buồn. Có những năm tháng chỉ là một góc quen quán nhỏ nhưng là mãi mãi trong anh và tôi. Những hôm anh đợi mình lâu quá, xong mấy bình trà rồi lặng lẽ bỏ đi. Nơi đó, đi qua bao mùa mưa dầm nắng bỏng... Nơi đó lâu rồi mình không gặp tay này trên văn đàn nữa, tay kia viết mãnh liệt một thời quá, giờ đã biến đâu ? Rồi bây giờ phải xem lại thơ mình có quá cũ không... Anh băn khoăn với mình mà như thầm nhủ với tôi.
Với TRƯƠNG CÔNG THUỐT tôi biết anh còn thơ hay, còn tác phẩm văn chương hay nhưng có lẽ hôm nay anh đã buồn bã ôm theo mãi mãi để lại trong lòng chúng ta một khoảng trắng không thanh âm, không ký tự nào hơn đầy rẫy những tiếc nuối tưởng ước, những viễn vọng muôn trùng. Cuộc đời đã mang anh hiến tặng cho văn chương và hôm nay con đường về nơi ấy chắc cũng sẽ có mênh mông hoa tím qua chiếc cầu tre, có con mương nhỏ ngóng cánh cò chao trên triền đê, có người mẹ nghèo chốn quê trong giấc mơ thường vướng vấp, và anh đã kể tôi nghe.
Có cảm giác cuộc đời nhà thơ TRƯƠNG CÔNG THUỐT không có nơi chất chứa những oán hận trong cõi lòng mình. Những người đã mang đến cho anh nỗi buồn, rồi đánh cắp niềm vui trong anh bay đi. Về bên kia có lúc nào ngồi ngẫm lại không biết anh còn nỗi ray rức nào không cho cuộc bôn đào ở trần thế quá nhiều mất mát. Người ta mượn của anh nhưng rồi không quay trở lại. Họ thẫm thấu lòng bao dung nơi anh để đối phó bằng ba tấc lưỡi... Nó là kết quả của những ngày cách nay ít năm anh đói và bệnh nằm co ro trên căn gác, bởi chén cơm ai đó đã mượn của anh đi mãi rồi, bởi manh áo anh đã nhường cho ai kia mặc rồi ! Còn lại tháng năm buồn ít khi hiển hiện trên gương mặt, anh đã che giấu tận đáy một tấm lòng kia, một tâm khảm kia đa đoan và yếu đuối.
Chiều hôm nay tôi ngồi trong ngôi nhà cũ của anh, rồi mường tượng đến ngày đôi chân ấy đã bước đi mãi không về. Anh Hai Điển ngồi ngửa mặt há hốc – người anh Hai của nhà thơ TRƯƠNG CÔNG THUỐT ở tận huyện An Minh (Kiên Giang) ngồi đấy như vô hồn và khóc không thành tiếng, tôi chợt nhớ câu thơ bùi ngùi, uất nghẹn tựa như dành cho anh :
Con chim núi nợ rừng hương rối cỏ
Tiếng khóc ngửa trời há mỏ kêu khan...
Tiếng kêu tứa máu và thất thanh, nó gần bằng như chết lặng. Anh em tình già nếm trải, kể đến phút lâm chung ít gặp cảnh ngộ thương người anh em đến vậy. Sự vượt thoát này nó khiến bạn bè chúng ta còn phải định thần huống chi anh Hai Điển chỉ còn biết nhìn ngôi nhà và tuôn nước mắt. Trong các nhà văn Việt Nam ở khu vực ĐBSCL, TRƯƠNG CÔNG THUỐT được xem là một trong số những nhà thơ hiền, ít nói, được lòng nhiều người. Anh ra đi để lại vô vàn tiếc thương trong lòng những người yêu mến thơ anh, những bạn bè đồng nghiệp. Cái tình – là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình thơ của TRƯƠNG CÔNG THUỐT, không cầu kỳ làm dáng chữ nghĩa, nhưng bản thân những từ ngữ ấy đầy những ẩn ý cho thơ. Những năm sau này anh ít gửi thơ về báo Văn nghệ TW cũng như các ấn phẩm phía Bắc, tác phẩm chỉ tập trung dành phục vụ cho tạp chí Thất Sơn (An Giang) quê nhà. Anh nói lý do với tôi rằng : “Chưa xuất sắc lắm !”
Đối với ai khác, nhưng theo tôi tin rằng trong lần ra đi này anh nghĩ nó xảy đến không phải hôm nay, bởi trong thâm tâm tôi hiểu đây là thời điểm sung mãn nhất trên trang viết của mình khi anh sắp hoàn toàn vượt qua những vây bám lo toan cuộc sống. Có phải trong lòng anh đã nghĩ đến những công trình “dài hơi” ? Có phải anh đang âm thầm chuẩn bị “tung” ra những trăn trở bức phá trong tác phẩm vì một nền văn học của đất nước ? Ước mơ nào cũng phôi thai trong tầm vóc, nhưng chẳng dễ chút nào ! – Lời anh thì thầm với tôi mới hôm nào nay sắp trở thành dĩ vãng.
Thôi anh cứ an lòng đi, màu tím hoa ô môi còn đây, trái ô môi chúng ta tìm thấy rồi ngồi bệt bên vệ đường quê ăn ngấu nghiến vẫn còn chừa dở dang mãi đến bây giơ... Tôi tin nơi ấy anh về rồi sẽ vui, có chim hót mây trôi, cùng nhau thỏa ước nguyện lang thang qua những nẻo đường đất nước để làm thơ, những vầng thơ yêu thương không còn cay đắng vị đời, anh THUỐT ơi !...
ĐÔNG TRIỀU
______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét