Cũng xin lưu ý là GS Trần
Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong
Chính phủ lâm thời từ ngày 28 - 8 - 1945 đến ngày 1 - 1 - 1946, rồi
Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời
từ ngày 1 - 1 - 1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại
kỳ họp Quốc hội ngày 2 - 3 - 1946, nghĩa là trong thời gian xảy ra sự kiện Kho
xăng Thị Nghè bị đốt cháy, chứ không phải trong thời gian "1946 -
1948?" sau sự kiện trên.
Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau
này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó
tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có
người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ
của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất
trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và
đối với lịch sử.
GS Trần Huy Liệu là một con người rất
trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên
trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi lĩnh hội lời
dặn của GS như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm túc.
Tôi kể lại câu chuyện này một cách
trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.
Ngày nay, từ đầu thế kỷ XXI
nhìn lại, trong hoàn cảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ hơn 30
năm, đất nước đã giành lại độc lập, thống nhất, tôi xin đặt ra hai vấn đề
sau đây để thế hệ chúng ta cùng bàn luận.
- Xác minh rõ sự kiện Kho xăng
địch bị đốt cháy trong tháng 10-1945.
- Thái độ ứng xử đối với
biểu tượng Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ nhất là cần
cố gắng sưu tầm tư liệu đáng tin cậy để xác định
rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10-1945:
Tôi nói tư liệu đáng tin cậy
trong trường hợp này không phải là các sách báo viết về sau này,
mà là tư liệu gốc khai thác từ nhân chứng lịch sử
hay những thông tin trực tiếp từ sự kiện thời bấy giờ và dĩ nhiên đều
phải đối chiếu, xác minh một cách khoa học.
Nhân chứng lịch sử:
Tôi đã có dịp hỏi GS Trần Văn
Giàu - lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ,
thì GS khẳng định có sự kiện Kho xăng địch ở
Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta
đốt, nhưng không biết ai tổ chức và người nào thực hiện.
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang
Đông trong hồi ký viết rằng, người đốt Kho đạn Thị Nghè ngày
1-1-1946 không phải là Lê Văn Tám mà là tổ đánh mìn
của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán (tạp chí Xưa & Nay số 154).
Tư liệu báo chí:
Tư liệu báo chí lúc bấy
giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được
rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin
liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết
chiến là "cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân", tòa soạn
đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa; báo Cờ giải phóng là
"cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương" và
báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số
không liên tục, không đủ.
Báo Quyết chiến số
ngày thứ sáu, ?- 10 - 1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ
ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Piétri với nội dung như sau: "Một
gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa
đã đốt được kho dầu Simon Piétri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày. Đài Sài Gòn
trong buổi truyền thanh tối 17 - 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị
thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng".
Ngày phát hành số báo, in
ngày "thứ sáu", số ngày không rõ và có người viết thêm bút
mực con số 7, tiếp theo là tháng "10 - 45". Theo lịch năm 1945, trong
tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi
phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày
đó và có thể xác định là ngày 19 - 10 - 1945.
Báo Thời mới số
6 ngày 28 - 10 - 1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội
sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong
cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn
theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau: "Một
người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều
tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó.
Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao
su sống ở Sài Gòn.
Có người nói rằng nhà chiến
sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi
lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao
su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ
khi chưa tới cửa kho.
Thực ra thì nhà chiến sĩ
của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của
chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những
cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề.
Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo
súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp.
Chúng bâu lại như đàn ruồi.
Chiến sĩ Việt Nam biết không
thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai
bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào
người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.
Trong lúc đó, cả mình mẩy anh
bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng
thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người
đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và
trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập
tắt".
Báo Cờ giải phóng số
ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc
cháy xông về phía trước kèm theo lời "Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam
Bộ muôn năm".
Báo Cờ giải phóng ngày
5-11-1945, trong mục Mặc niệm: "trích đăng một vài tấm
gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam", có
đoạn đưa tin: "Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn,
Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.
Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định
không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn
vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa,
miệng tung hô "Việt Nam vạn tuế", chân chạy đâm sầm vào kho đạn.
Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng
rồi ngồi dậy chạy luồn vào.
Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra
ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn
Thị Nghè của giặc".
Dưới bản tin có ghi chú "Kèn
gọi lính, ngày 8 - 10 - 1945". Như vậy báo đưa tin theo tin của
báo Kèn gọi lính ngày 8 - 10 - 1945 và theo đó, kho đạn bị
đốt cháy phải trước ngày 8 - 10 - 1945, ít ra là ngày
7-10-1945.
Trên đây là một số thông
tin lấy từ báo chí ở thời điểm gần nhất với sự kiện liên quan
đến chuyện Lê Văn Tám. Tôi hi vọng là những người quan tâm đến chuyện này có
thể tìm kiếm và thu thập thêm thông tin báo chí mà tôi chưa được tiếp cận.
Còn sự kiện quân ta
phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8-4-1946 mà Đại
tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký "Những năm tháng không thể nào
quên" thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.
Trong những báo trên, thông tin sớm nhất
là "Kèn gọi lính" do báo Cờ giải phóng trích đăng ngày
5-11-1945. Rất tiếc là tôi không tìm thấy báo Kèn gọi lính mà căn cứ theo đoạn
trích của Cờ giải phóng. Theo thông tin này thì "một em thiếu nhi 16
tuổi" đốt kho đạn Thị Nghè trước ngày 8-10-1945, chứ không phải kho xăng
Thị Nghè.
Báo Quyết Chiến ngày 19? - 10 - 1945 lại
đưa tin "kho dầu Simon Piétri" bị "một chiến sĩ ta" đốt
cháy vào trước ngày 17 - 10 - 1945. Kho đạn ở Sở thú và kho xăng ở Thị Nghè là
hai địa điểm gần nhau. Như vậy theo những thông tin gần thời điểm xảy ra sự
kiện thì vẫn còn phải tìm thêm cứ liệu để xác định là kho đạn hay kho xăng và
thời điểm là ngày nào, chắc hẳn trước ngày 17 - 10 - 1945.
Rồi người thực hiện là "em
thiếu nhi 16 tuổi" (Kèn gọi lính) hay"một chiến sĩ
ta" (Quyết chiến) hay "anh dân quân tẩm dầu vào
người" (Thời mới). Việc tẩm xăng vào người, lúc đó cũng đã gây ra sự
bàn luận.
Thời mới đã bác bỏ chuyện người chiến sĩ tẩm
dầu vào người xông vào kho xăng vì "không phải thế, làm thế thì cố nhiên
giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho" và cho rằng người chiến
sĩ phải "dùng mưu nhiều lắm" để lẻn vào gần kho xăng rồi mới
"tẩm dầu vào người", dùng súng bắn thủng các thùng xăng và châm diêm
vào người, nhảy vào đám thùng xăng. Không biết tác giả dựa trên căn cứ nào
nhưng về khách quan, cách trình bày này hợp lý hơn.
Với những thông tin đã tập hợp, tuy chưa
đủ và còn một số khía cạnh chưa xác minh được (kho xăng hay kho đạn, thời điểm,
người đốt) nhưng sự kiện kho xăng (hay đạn) của địch ở Thị Nghè (hay gần Thị
Nghè) bị ta đốt cháy là có thật.
Ngay lúc đó, trên báo chí đã
xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy
nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng
địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hi sinh.
Điểm lại những tư liệu đã thu thập được
thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người
chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng "ngọn
đuốc sống" gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ hai là cách ứng
xử đối với biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám":
Trong bàn luận, cũng có người
nghĩ rằng, "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" đã đi
vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó
có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một "biểu
tượng", một "tượng đài" yêu nước. Tôi quan niệm hoàn
toàn khác.
Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra
sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức
năng của nhà sử học. Dĩ nhiên, với trách nhiệm công dân, có những sự thật trong
một bối cảnh cụ thể nào đó liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng đến lợi
ích sống còn của dân tộc, nhà sử học chưa được công bố.
Về nguyên lý, mọi kết quả nghiên
cứu sử học càng khách quan và trung thực, càng có tác dụng tích
cực xây dựng nhận thức lịch sử đúng đắn và không có gì mâu thuẫn với các
biểu tượng lịch sử, các tượng đài yêu nước có giá trị được nhân dân tôn vinh.
Ngay đối với những biểu tượng mang tính
huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Con Rồng-Cháu Tiên,
Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả Gươm thần ở
hồ Hoàn Kiếm..., kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở
khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng.
Ví dụ những phát hiện khảo
cổ học về đồ sắt trong văn hóa Đông Sơn, kho mũi tên đồng
ở Cổ Loa và gần đây, hệ thống lò đúc mũi tên đồng
ngay trong thành Nội của thành Cổ Loa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt lõi
lịch sử của hình ảnh ngựa sắt của Thánh Gióng, vai trò của nỏ thần của An Dương
Vương. Chuyện vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm vẫn nguyên giá trị thiêng liêng,
không hề bị ảnh hưởng bởi việc nghiên cứu giống rùa và tuổi thọ của rùa Hồ
Gươm...
Biểu tượng "ngọn đuốc sống
Lê Văn Tám" thực sự đã được quảng bá rộng rãi,
đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng,
ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ
kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê
Văn Tám. Lời dặn của GS Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói
lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám.
Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử
có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì
Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và
thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền
tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn
Tám.
Tôi nghĩ rằng tất
cả các đường phố, trường học, công viên... mang tên Lê Văn Tám
vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội
dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám
như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật
này.
Đến đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối
với lời dặn của cố GS Trần Huy Liệu, kèm thêm một số đề xuất để xử lý câu
chuyện Lê Văn Tám. Tôi hoàn toàn không coi đấy là việc làm trái với phẩm chất
trung thực hay lương tâm của nhà sử học, cũng không ảnh hưởng đến uy tín của GS
Trần Huy Liệu và càng không làm đổ một biểu tượng hay tượng đài yêu nước. Tôi
nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có
sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở
khoa học khách quan, chân thực.
PHAN HUY LÊ
_______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét