Chỉ là cô giáo của những năm xưa… Vậy mà….
Cảm ơn các em đã nhớ về cô nhân ngày 20/11.
Ngày 20/11/1989…
Ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường PTTH Châu Phú A (thuộc
huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), mình đã bị “sốc” thật sự khi nghe tiếng của một
nhóm học sinh lớp 12 đứng trên lầu vọng xuống: Em ơi em! Em đi đâu đó? Lúc đó,
mình mặc chiếc áo sơ mi trắng, vóc dáng lại nhỏ xíu (nặng chưa được 40kg) cho
nên các em không biết mình là giáo viên mới của trường mới dám buông lời chòng
ghẹo. Nhưng mình biết, giờ chào cờ ngày thứ hai của tuần lễ sau đó, khi thầy Hiệu
trưởng giới thiệu mình là giáo viên mới về trường, trong đám học trò có đứa giật
mình, lo âu…. Mình xem đó là chuyện vui thôi, tuổi trẻ mà, đâu cần chấp nhất
làm gì. Một kỷ niệm dễ thương, đầy nghịch ngợm của lũ học trò bé bỏng….
Mình nhớ nhất là lớp chủ nhiệm 10A1, là một trong số 5 lớp
mình được nhà trường phân công đứng lớp ngày ấy. Lúc đó, mình mới ra trường, 23
tuổi. Tuổi trẻ đầy khát vọng.
Đó là một lớp đặc biệt với mình. Ngày đó, cô trò cách
nhau có mấy tuổi, đôi khi đùa nghịch cứ như trẻ con. Vậy mà học trò rất thương
và tôn trọng mình. Nhớ những giờ ra chơi, đám học trò nam trong lớp cứ chạy ùa
ra trước, đứng thành hai hàng ở hành lang trêu đùa làm mình quíu chân mỗi lần
đi từ cửa lớp lên phòng Giáo viên. Nhắc nhở bao lần mấy đứa cũng không bao giờ
bỏ được cái tật ấy… Nhớ trong giờ học, nhìn đứa học trò nam có cái mặt bầu bĩnh
như con nít, đôi mắt tròn xoe chăm chú nhìn lên bảng… mình lại bồi hồi. Trong
đám học trò nhỏ ấy, bây giờ có đứa là Kiến trúc sư, có đứa là Kỹ sư xây dựng, đứa
làm chủ Shop Thời trang, đứa là Kế toán, đứa là công nhân,.. Ngoài giờ lên lớp,
đám học trò nữ hay đến phòng mình chơi và tâm sự đủ điều….
Nhớ mãi kỷ niệm đau đớn nhất là một lần, biết đứa học trò nữ
buồn chuyện gia đình do cha mẹ bất hòa, gặp mình nó tâm sự như “lời trối” khiến
mình cảnh giác. Mình đã chủ động gặp mẹ nó và nói chuyện về nó. Mẹ nó mới giật
mình và hứa sẽ quan tâm đến nó nhiều hơn…Rồi, một chiều thứ bảy, hết giờ dạy,
mình tranh thủ về thăm cha mẹ ở Long Xuyên (cách Châu Phú gần 30 km). Đêm đó
tâm trạng mình cứ nôn nao, không làm sao ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để trở
lại trường… Sáng Chủ nhật, nó uống thuốc rầy tự tử… Mình chỉ kịp lên để dự lễ
tang của nó. Mình đau lòng biết bao nhiêu. Một đứa học trò ngoan, biết thương
cha thương mẹ như nó sao lại có kết cục thảm thương ấy… Mình cứ ước: phải chi
thời gian trở lại để hôm đó mình không về nhà, biết đâu có thể nó còn ở trên
cõi đời này. Nó đáng được sống biết bao…
Ngày Nhà giáo 20/11 của những năm mình dạy ở đó (từ năm 1989
đến 1993) thật sự là niềm vui. Bởi vì, mình thương học trò như những đứa em của
mình. Dạy vô tư, công bằng và đầy tình thương, trách nhiệm. Từ lớp A (hệ công lập)
cho đến cả lớp C (hệ bán công)…không phân biệt. Có lẽ vì thế, đối với mình, những
ngày dạy học ở trường PTTH Châu Phú A là thời gian hạnh phúc nhất và nhớ nhất
trong quãng đời đã qua của mình….
Hôm nay, ngày
20/11/2011…
Nhắn thật nhiều tin chúc mừng bạn bè đang là thầy giáo, cô
giáo…
Ừ, cũng đã hơn hai mươi năm rồi kể từ ngày ra trường đi dạy….
Bây giờ, không còn cơ hội lên bục giảng nữa. Nhớ trường, nhớ
lớp đến nôn nao….
Ngồi xem bộ phim “Giờ học Bình thường” do Đài Truyền hình Việt
Nam giới thiệu ngay trong đêm 20/11/2011. Bộ phim tuy ngắn nhưng thật xúc động
biết bao nhiêu! Thấm thía biết bao!
Chuyện xảy ra trong một ngôi trường có bề dày thành tích, có
một lớp tiên tiến - lá cờ đầu của trường - lớp 12A….đang có Đoàn Thanh tra của
Bộ Giáo dục về dự…Trường chạy theo thành tích, giáo viên dạy học sinh chạy theo
thành tích, học sinh bằng mọi giá phải đạt thành tích…
Một thầy giáo lớn tuổi, chưa lập gia đình - là thương binh cụt
một chân phải mang chân giả - dạy Môn Địa lý. Thầy có chiếc xe đạp cà tàng, hỏng
đến nỗi không thể hỏng thêm – chiếc vỏ xe mục nát bung cả vành, ruột xe xì bong
bóng rồi nổ tung…Ông thợ sửa xe muốn chào thua nhưng thương thầy quá lại cố sửa
theo ý thầy. Ngày thường, thầy chẳng hề được quan tâm. Nhưng khi Thanh tra Bộ về
thì: Thầy có khó khăn gì sao không nói. Xin thầy cứ đề đạt nguyện vọng, Công
đoàn sẽ hỗ trợ,…Và, thầy được tặng một món quà trong đó có mấy quyển Tạp chí, sổ
tay và một…cái áo thun của bé trai chừng 4-5 tuổi… Cái thầy cần thì không có.
Cái chẳng cần thì….được gửi tận tay. Sao chua xót quá!
Một thầy giáo không còn trẻ nhưng chưa già, dạy Môn Toán mà
tâm hồn thấm đẫm chất nhân văn,…Giờ Kiểm tra môn Toán. Thầy giáo ra hẳn ngoài
hành lang hút thuốc. Đây rõ ràng là một hành động không thể chấp nhận được. Rồi,
Đoàn Thanh tra thăm lớp. Một bài diễn văn trơn tru với những lời hứa thành tích
vang lên từ miệng một em học sinh nữ trong lớp.
Khi Đoàn Thanh tra ra về. Thầy giáo đứng tựa vào bàn giáo
viên, mắt đăm đăm ngó xuống lớp…Trong đầu thầy, vang vang lời phát biểu của cô
học trò nhỏ….Rồi, thầy mở cặp, lấy ra một tờ giấy trắng…trải xuống bục giảng…và
ngồi xuống. Cận cảnh học sinh lên nộp bài, đi sát chỗ thầy ngồi, che lấp cả
khuôn mặt thầy,…Rồi, thầy giáo đứng lên, cố kìm nén cơn giận, thầy hỏi lớp trưởng:
- Tại sao bàn Giáo viên không có ghế?
- Thưa thầy, trực nhật phải lo việc này! Hôm nay, không phải
em trực nhật.
Vẻ mặt lớp trưởng lạnh băng.
- Trực nhật lớp đâu?
- Thưa thầy, hôm nay, trực nhật vắng!
Không chịu nổi… thầy bỏ lên phòng Giáo viên. Lớp trưởng chạy
theo năn nỉ thầy phê vào Sổ đầu bài vì lớp phải giữ vững thành tích là lớp tiên
tiến của trường. Vì thành tích của trường Lá cờ đầu giáo dục của tỉnh nhà…Đấu
tranh tư tưởng mãi. Thầy phê giờ học: BÌNH THƯỜNG. Học trò nhảy cẫng, reo mừng.
Một học sinh bất bình, đem sổ căn vặn thầy:
- Tại sao vậy? Không thể như vậy, thưa thầy?
Thầy cay đắng viết đơn, dắt xe ra khỏi trường…
Cảnh cuối của bộ phim: Thầy giáo thương binh với vẻ mặt hớn
hở, tay ôm quả Địa cầu, tay kia vừa kẹp nách cặp sách, vừa ôm cuộn bản đồ…khập
khiễng chân cao chân thấp đi lên mấy tầng lầu, đi hết cầu thang dốc đứng, thầy
thở dốc … Chựng một lát, thầy đi tiếp với vẻ mặt phấn khởi, yêu đời, yêu nghề
giáo viên nhiều lắm…Đứng trước lớp 12A, thầy co chân, sựng lại ngay cửa lớp...
Bàn giáo viên không có ghế… Thầy hết nhìn chiếc chân giả lại nhìn chiếc bàn
không có ghế… Vẻ mặt thầy ngơ ngác, đớn đau…
Gieo nhân nào thì gặt quả đó! Quy luật của muôn đời!
Mình nghĩ, bộ phim đáng được chiếu lại nhiều lần để chúng ta
xem và suy ngẫm lắm chứ!
Tuy không còn đứng trên bục giảng nhưng ngày 20/11/2011 khép
lại trong lòng mình bao cảm xúc và nhiều điều đáng nhớ, đáng trân trọng!
Nhân ngày 20/11/2011, mình muốn gửi đến tất cả nhà giáo trên
đất nước Việt Nam một lời chúc chân tình: VỚI CÁC THẦY CÔ, NGÀY NÀO TRONG NĂM
CŨNG LÀ NGÀY 20/11 TRÀN ĐẦY HẠNH PHÚC!
Long Xuyên, ngày 20/11/2011
THỤY AN (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét