Trong sự háo hức mong chờ, tôi nghĩ đa phần người dân thị xã dễ dàng vui vẻ chấp
nhận sự đổi thay nhưng, cũng sẽ có không ít người vốn tính cầu toàn, thường hay
xét nét, ngó trước ngó sau và so sánh, để rồi nhận ra chiếc áo mới vẫn còn đôi
chỗ xộc xệch, thậm chí khó coi.
Dù dễ tính hay cầu toàn, dù dễ dàng chấp nhận hay xét nét đắn
đo về bộ cánh dân thành sẽ diện sáng mai, dù có hoài niệm chiếc áo dân thị quen
thuộc mấy trăm năm qua, tôi tin chắc rằng, mọi thứ đâu sẽ vào đấy. Chuyện cơm
áo gạo tiền hàng ngày khiến hơn một trăm ba chục ngàn người chẳng thể cứ ngồi
đó mà bận tâm hay so sánh mãi. Và rồi, chỉ một vài năm thôi, với cơ chế tự
thích nghi, với khả năng và tốc độ phát triển nhanh như chàng thanh niên đang hồi
trổ mã, chúng ta sẽ lại tự giật mình khi nhận ra chiếc áo thành phố đang trở
nên vừa vặn, bắt mắt hơn. Phải chăng, ngày xưa, khi từ huyện lỵ Trà Vang chuyển
lên thị xã Trà Vinh, bên cạnh sự hoan hỉ không ít người trong các thế hệ tiền
nhân cũng từng trải qua sự đắn đo, xét nét như chúng ta hôm nay vậy!
Sự sinh thành, lột xác nào cũng trải qua không ít đớn đau, vật
vã!
Dù vươn cao hay bay xa, dù đang sở hữu đôi hia vạn dặm hay
thăng hoa sức vươn Phù Đổng, thành phố Trà Vinh vẫn phảng phất hồn thiêng trong
từng cội cây góc phố, trong từng bến nước tên đường, trong thảng thốt tiếng quốc
gọi hè, trong thâm u tiếng bìm bịp kêu con nước lớn…
*
* *
Tôi lang thang tìm về nơi hồn xưa thành phố đang u hoài phảng
phất. Không biết tự bao giờ, người Việt luôn gắn đời mình, thôn xóm, làng mạc của
mình bên những dòng sông. Một ngày nào đó, vì một cơ duyên nào đó, làng biến
thành đô, thôn biến thành thị, thì đô thị vẫn gắn mình với dòng chảy sông nước.
Đi dọc từ Bắc chí Nam, ngẫu nhiên chăng, khi toàn bộ các đô thị Việt Nam đều nằm
bên dòng sông, cửa biển. Hồn xưa thành phố mới Trà Vinh, vì vậy, chỉ có thể tồn
tại đâu đó hai bên dòng chảy sông Long Bình.
Ô hay, sao lại là sông Long Bình? Có phải vì đoạn chảy qua
làng Long Bình xưa là phần quan trọng nhất nên tên đoạn sông đã được quen dùng
cho cả dòng sông. Những năm tháng xuôi ngược làm tư liệu cho các công trình lịch
sử, tôi tìm được “bổn chánh giấy khai sanh” của nhiều vùng đất, con sông Nam bộ
trong phần Địa vực của Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí và nhiều
tài liệu xa xưa khác. Ở đó, tên cúng cơm của dòng sông chảy qua huyện lỵ Trà
Vang được minh định là sông Trà Vang. Sau này, theo cách gọi tên đất, Trà Vang
đổi thành Trà Vinh. Trong dân gian, xưa nay, nơi tiếp giáp với sông cái Cổ
Chiên là Vàm Trà Vinh chớ có ai gọi là Vàm Long Bình bao giờ. Vốn thạo nghề
sông nước và giỏi thủy chiến nên trên bước đường khai hoang mở cõi phương Nam,
các thế hệ lưu dân người Việt luôn xem các vàm sông sóng dữ là vùng hiểm địa. Dọc
theo sông Cổ Chiên có nhiều hiểm địa. Nhưng hiểm địa của những hiểm địa vẫn là
Vàm Trà Vinh. Bờ bắc Vĩnh Hưng, Vĩnh Yên, bờ nam Vĩnh Trường, Vĩnh Bảo… lúc nào
cũng trên bến dưới ghe tấp nập. Thuyền quân sự, thuyền buôn, thuyền đánh cá…
xuôi ngược vào ra, làm thành một vùng đô hội sầm uất ven biển. Các triều chúa
Nguyễn chọn luôn bến Vĩnh Trường làm lỵ sở cho huyện biên địa Trà Vang.
Vua Minh Mạng, khác với các bậc tiên vương, xem chuyện xây dựng
nhà nước tập quyền mạnh là ưu tiên số một trong phép trị nước. Chính vì vậy,
ông muốn tách bạch giữa hành chánh - quân sự với thương mại. Huyện lỵ Trà Vinh
được dời sâu theo sông Long Bình vào giồng Thanh Lệ và Vĩnh Trường chỉ còn là bến
cá, bến chợ. Biến cố dấy binh của Sa Sầm vây hãm huyện lỵ Trà Vinh, khiến triều
đình Thiệu Trị, một lần nữa, dời lỵ sở huyện biên địa còn nhiều biến động này,
xuôi theo sông Long Bình, về phía nam một đỗi, ổn định ở đuôi giồng Minh Đức.
Long Bình, Thanh Lệ, Minh Đức ba làng nhập một thành làng đô hội Long Đức, sau
đổi thành xã Phú Vinh, tức nội ô thị xã Trà Vinh, nay là nội ô thành phố Trà
Vinh.
*
* *
Chiều. Tôi một mình ngồi lại bên công viên bờ kè, lặng ngắm
dòng sông Long Bình thân yêu. Ánh hoàng hôn tắt dần sau những tàn xanh cổ thụ
phía sau lưng. Cơn gió chướng từ ngoài sông cái Cổ Chiên hào phóng thổi về mát
rười rượi. Những ngọn đèn đứng giữa công viên bắt đầu đội lửa, tỏa ánh sáng mờ ảo
làm cho hàng liễu ven sông thêm phần tha thướt. Trong tiếng gió rì rào, trong
tiếng sóng lăn tăn hình như có cả anh linh người xưa một thời vung phảng phát rừng,
vung gươm giữ đất cho thành phố Trà Vinh hôm nay trở mình vươn tới tương lai…
Tôi đã đọc đâu đó, những lưu dân người Việt đầu tiên trôi giạt
đến đất phương Nam là những người tứ cố vô thân, sẩy đàn tan nghé, cầu thực tha
phương… Chắc thế hệ những người khai phá vùng hiểm địa bên Vàm Trà Vinh cũng nằm
trong số đó. Nhưng vàm sông sóng dữ đâu là nơi dành cho người yếu bóng vía hay
những phường giá áo túi cơm. Dòng sông cất tiếng sóng, kể tôi nghe những người
con bình dị thân yêu và nghĩa khí oai hùng của mình…
… Mạn bờ bắc, vùng Vĩnh Hưng là nơi hùng cứ của kiến họ Trần.
Cụ Hương trưởng Trần Văn Thơ, thuộc thế hệ thứ ba của kiến họ này, là một trong
những bậc tiên hiền cưỡi sóng sang khai phá dải cù lao Long Trị. Sức mạnh, võ
nghệ của cụ Trưởng Thơ, gần hai trăm năm qua, luôn được các thế hệ sinh sau đẻ
muộn kể nhau nghe với tất cả lòng tự hào và kính trọng. Đất bãi bồi cù lao hồi
đó ngút đầu đưng sậy, ai có sức khẩn tới đâu cắm cọc làm ranh tới đó. Nhà nào
cũng anh em, chồng vợ vừa hì hục khai hoang vỡ đất vừa túm tụm che chắn cho
nhau trước rừng thiêng nước độc. Duy cụ Trưởng Thơ một mình một phảng lấn rừng
đi tới, đưng sậy gục đầu, rái đàn, khỉ bầy nghe hơi gió vội lánh đi xa. Cứ vậy,
trên bước đường khai khẩn, vị tiên hiền họ Trần ấy từng vung cây diệt heo độc,
bẻ nanh làm vòng đeo chơi, từng bứt mây trói sấu, lôi về cùng bà con xẻ thịt
phơi khô… Chiều, anh em, chồng vợ gọi nhau xuống xuồng, kẻ chèo mũi người chèo
lái, rời cù lao Bàng mà miệng thì thầm van vái bà cậu gia ơn độ trì cho an toàn
vượt hơn ngàn thước mặt sông Cổ Chiên ầm ào sóng dữ. Về đến bờ Vĩnh Hưng, ai nấy
dụi mắt tới mấy lần mà vẫn chưa tin được người đàn ông tươi cười trên bến là cụ
Trưởng Thơ một mình ôm bập dừa vừa bơi qua sông vừa tắm cho… mát. Hết mùa khô,
ông trời chuẩn bị rớt hột mưa, người ta vừa cào vừa đốt, làm nền gieo mạ, giật
mình nhìn lại thấy đất vỡ hoang nhà cụ Trưởng Thơ liền một dải, vừa rộng vừa
xa. Sau này ruộng vườn thành khoảnh, tuổi già sức yếu, cụ hay chống gậy lang
thang bờ mẫu, dạo quanh điền xem nhơn công cày thuê gặt mướn. Gặp người chí thú
siêng năng, cụ hào phóng tạo chỗ ở lẫn công ăn việc làm để họ sanh cơ lập nghiệp.
Gặp người lười nhác, cụ ngoắc lên, đãi một bữa rượu thịt no say rồi mượn lời mềm
mỏng tống thẳng khỏi đất cù lao. Phải chăng nhờ vậy mà thế hệ cháu con ở cù lao
Long Trị, người nào cũng siêng năng giỏi giắn.
Những người con trai của cụ Trưởng Thơ - những Năm Năng, Sáu
Lự, Tám Tiễn… - đều mạnh mẽ, võ nghệ đầy mình, tiếp chí cha thuộc hóa đất cù
lao và tận tâm cùng chuyện dân, chuyện nước. Bác Năm Năng, hồi chín năm, công
tác ở Xưởng Tạo tác tỉnh. Không may, giặc càn đúng vào kho Quân giới. Ông một
mình kê vai đẩy chiếc trẹt chứa đầy vũ khí vượt bãi luồn sâu vào rừng. Của thì
giữ được mà người không phương cứu chữa vì quá ráng sức đến lênh láng máu qua
đường thổ tả. Bác Sáu Lự thời trai trẻ lang bạt giang hồ với võ sĩ huyền thoại
Sáu Cường, tên tuổi vang danh khắp võ đài Lục tỉnh Nam kỳ, sau khởi nghĩa cầm gậy
tầm vông huấn luyện võ nghệ cho Thanh niên Tiền phong. Bác Tám Tiễn từng tham
gia chỉ huy trung đội Trần Trung Tiên chiến đấu trên phòng tuyến mặt trận Vàm
Trà Vinh buổi đầu chống Pháp. Sau này, tuổi ngoài tám mươi, bác còn là thầy nghề
võ nổi tiếng đất cù lao với các bài đơn đao, song kiếm, trường côn, đoản côn,
phóng phi đao… Còn người con gái út của ông Trưởng Thơ, cô Chín Thệ, hồi chống
Pháp công tác Phụ nữ huyện Châu Thành. Một đêm, đi công tác về ngang ngã tư bờ
mẫu, từ tứ phía bốn thanh niên lực lưỡng xông ra, định giở trò… Chỉ với hai cú
đá, cô Chín cho bốn anh chàng đo bốn góc bờ. Xem ra, mới biết chẳng phải ai xa
lạ, chẳng qua mấy anh bên Huyện đội nghe danh cô Chín giỏi võ nên muốn thử sức
xem thế nào.
Chuyện võ nghệ binh đao bên sông Long Bình - Trà Vinh được
quyển lịch sử thị xã ghi nhận khá tường tận. Khởi đầu là trận đánh cuối mùa gió
chướng năm Cộng hòa dân chủ thứ nhứt. Ngày Mười hai tháng Mười hai, thực dân
Pháp cho hai tàu binh từ sông cái Cổ Chiên, định theo sông Long Bình vào tái
chiếm Trà Vinh. Tướng Bùi Cát Vũ, mà những người lớn tuổi bên sông Long Bình vẫn
quen gọi với cái tên thân mật là Cò Bê, chỉ huy mặt trận Vàm Trà Vinh cản bước
quân thù. Những chiến binh “nóp với giáo, mang ngang vai” mà “giàu lòng yêu nước”
quả cảm đương đầu với đội quân xâm lược viễn chinh nhà nghề, tạo điều kiện cho
các cơ quan lãnh đạo và nhân dân thị xã kịp thời “tiêu thổ kháng chiến”. Sau
này, trong chuyến công tác ở Khánh Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh
Triệu Văn Bé vô tình phát hiện và sao lại mang về bức Công điện của Chủ tịch Hồ
Chí Minh biểu dương chiến tích oanh liệt này của quân dân Trà Vinh đang được
lưu giữ tại Bảo tàng Khánh Hòa:“Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi
các chiến sĩ ở mặt trận miền Nam. Đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh
đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Biết ơn các bạn! Toàn thể đồng bào noi
gương các bạn!”.
Bùi Cát Vũ, tên thật Bùi Văn Bê, sanh quán tại làng Hưng Mỹ,
huyện Châu Thành. Thuở nhỏ, do gia cảnh khó khăn, ông phải lưu lạc nhiều nơi và
dừng chân tại Sài Gòn với nghề sửa chánh tả cho báo Dân chúng, trước khi giác
ngộ cách mạng trở về Trà Vinh chiến đấu. Quen theo cách gọi những viên sếp nhà
binh thời thuộc địa, tên tuổi các vị chỉ huy quân cách mạng sau khi khởi nghĩa
cũng được người dân gọi kèm với các chức danh Đội, Cò, Quản… Không giống các đồng
sự của mình, Bùi Cát Vũ tuy cũng có tên Cò Bê nhưng đó lại là “cò” chánh tả nhà
in. Sau trận đánh bên Vàm Trà Vinh, Cò Bê, “theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”,
lên đường “xuyên Đông” tham gia xây dựng bộ đội chủ lực miền. Ông trở thành cặp
bài trùng với tướng Huỳnh Văn Nghệ trên chiến trường Thủ Biên, chiến trường miền
Đông gian lao mà anh dũng. Nếu Huỳnh Văn Nghệ được biết đến như vị tướng tài
hoa, với những vần thơ hào sảng “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ ngàn năm
thương nhớ đất Thăng Long”thì Bùi Cát Vũ lại vừa là vị tướng quân, nhà văn, nhà
khoa học quân sự với học vị phó tiến sĩ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tướng
Vũ là Tư lệnh Pháo binh Quân Giải phóng miền Nam và được báo chí phương Tây
kiêng nể với biệt danh “Trùm đại bác Đông Dương”.
Sanh sau gần ba thập kỷ nhưng cuộc đời chiến binh Phạm Văn
Phụng có khá nhiều điểm tương đồng với tướng Bùi Cát Vũ, tất nhiên là mức độ
khiêm tốn hơn. Cũng giống Cò Bê, Ba Tiến - tên gọi thân mật của Phạm Văn Phụng
- cũng có thời trai trẻ lang bạt kỳ hồ, lớn lên lập nhiều chiến công oanh liệt
khởi đi từ vùng đất bên sông Long Bình đến mọi miền Tổ quốc, phía Bắc lẫn phía
Tây Nam. Và, cuối cùng, cũng như Bùi Cát Vũ, Phạm Văn Phụng dừng lại, nghiền ngẫm
cuộc đời trên mặt trận chữ nghĩa, văn chương. Hồi những năm đầu thập niên Sáu
mươi của thế kỷ trước, cố vấn Mỹ xuất hiện rải rác tại các đô thị miền Nam. Những
ngài cố vấn đi tới đâu là máy bay, tàu chiến, xe tăng, đại bác… đi theo tới đó.
Người Mỹ mạnh như cọp, đừng dại mà vuốt râu hùm - cả thị xã ai cũng nghĩ vậy,
trừ một người - người đó là cậu thiếu niên Ba Tiến! Thân ở mướn cho một nhà
buôn, hàng ngày Ba Tiến có điều kiện đạp xe rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm
để giao hàng cho mối. Mỗi ngày một chút, anh để ý thấy mấy ngài cố vấn cũng
khoái chiều chiều la cà ăn nhậu, khoái đêm đêm lang thang lùng gái điếm. Vậy là
anh kết luận: Chơi được! Nghĩ là làm, không đợi sự chỉ đạo của ai, Ba Tiến tìm
cách xoay xở được mấy quả lựu đạn, rồi rủ thêm một người bạn “cùng chơi” cho ấm
lưng. Hai lần lựu đạn nổ giữa đêm. Năm ngài cố vấn gục xuống không bao giờ ngồi
dậy nữa. Ba Tiến và bạn cùng chơi thoát ra vùng giải phóng an toàn. Sau này,
anh bạn cùng chơi ấy không chịu nổi gian khổ trở về thành. Cấp trên muốn “gom
công” cho anh đủ tiêu chuẩn dũng sĩ diệt Mỹ. Ba Tiến lắc đầu: Hai người cùng
chơi, giành làm riêng của mình coi sao được! Chơi vậy, mai mốt ai chơi với
mình!
Hồn thiêng thành phố không ở đâu xa!
*
* *
Nghiệp súng - nghiệp văn. Vừa đánh giặc vừa làm thơ. Tan giặc
nước trở về nghiền ngẫm cuộc đời qua những áng văn chương. Tướng quân Bùi Cát
Vũ, chiến binh Phạm Văn Phụng khiến tôi xao lòng chợt nhớ vị quan tri phủ hay
chữ thanh liêm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Sinh thành bên dòng sông Hậu Bình Thủy,
Ô Môn (nay thuộc thành phố Cần Thơ), lớn lên miệt mài cửa Khổng sân Trình bên
dòng Đồng Nai Châu Phố (nay thuộc thành phố Biên Hòa), Bùi Hữu Nghĩa sẵn lòng vị
nghĩa vong thân bên dòng Long Bình Trà Vang (nay là thành phố Trà Vinh). Đậu đầu
trường thi Gia Định, được triều đình phong hàm tri phủ (lục phẩm) nhưng Thủ
khoa Nghĩa không nệ hà nhậm chức tri huyện (thất phẩm) miền biên địa Trà Vang.
Trước bất công, trước thói đời trọng phú phụ bần, tri huyện Trà Vang một mình đứng
ra bảo vệ quyền lợi tầng lớp dân nghèo chuyên nghề hạ bạc để phải rơi vào vòng
tử lộ. May mà, vợ ông, người phụ nữ một đời khuê môn bất xuất, trước họa phu
thê sinh tử biệt ly đã không thể ngồi yên, lúc mũi thuyền khi lưng ngựa, thân
gái dặm trường ra tận kinh đô Huế gióng trống kêu oan, làm kinh động cả triều
thần. Bất kể khi ung dung ngồi giữa huyện đường Trà Vang hay là kẻ tội đồ chốn
ngục tối Vĩnh Long hoặc là người lính già ngoài miền biên tái Hà Âm… Thủ khoa
Nghĩa vẫn an nhiên múa bút đề thơ, vẫn nặng tấm lòng vì dân vì nước, vẫn nhẹ tựa
lông hồng cái chết nhục thân. Đọc câu ca dao truyền miệng xứ Vãng: “Vĩnh Long
có cặp rồng vàng/ nhứt Bùi Hữu Nghĩa nhì Phan Tuẫn Thần”, tôi thầm nghĩ mà tự
hào những năm tháng đáo nhậm tri huyện Trà Vang, ngụm nước sông Long Bình, hột
cơm đồng Thanh Lệ đã góp phần hun đúc tài năng, khí phách vị tri phủ hay chữ,
thanh liêm ấy.
Nếu Tri huyện Nghĩa vừa làm thơ vừa hộ dân giúp nước, nếu tướng
quân Bùi Cát Vũ vừa đánh giặc vừa viết văn, nếu chiến binh Phạm Văn Phụng vừa
gác tay súng liền cầm vội trang văn… thì, chính tại thành phố này, hơn trăm năm
về trước, đã có người làm thơ để đánh giặc. Thơ là vũ khí. Nói theo cách nói của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ ấy có thép! Tôi đã dành mấy năm ròng rã lang thang mọi
xóm phố, tìm đến mọi văn bản tàng thư mà vẫn chưa yên trong lòng, bởi không xác
định được tuổi tên con người đặc biệt ấy. Thôi thì cứ tạm gọi là NGƯỜI THÀNH PHỐ
TRÀ VINH! Hồi đó, vào những năm cuối cùng của thế kỷ Mười chín, chế độ thực dân
thống trị tại Nam kỳ đi vào buổi hoàng kim. Hoành qua đương hổ còn dễ hơn đụng
tới sợi lông chân ông tây. Vì chén cơm manh áo, không ít người buộc phải mang
thân ra cộng tác với chúng. Trong đó có thông phán Nguyễn Hữu Chánh. Thầy Thông
Chánh có người con gái là cô Ba Thiệu tuyệt sắc giai nhân, từng là hoa hậu Nam
kỳ, từng được in hình trên con tem Nhà Dây thép, từng được đứng tên quảng cáo
cho hãng xà bông Trương Văn Bền - Xà bông Cô Ba! Con gái đã vậy, mẹ - nghe kể -
còn đẹp hơn. Nhan sắc của người đàn bà Á Đông đang độ mãn khai rực rỡ khiến cho
tên Biện lý Tây dương Jaboin chết mê chết mệt và rắp tâm chiếm đoạt. Không thể
nhẫn nhịn mãi, thầy Thông Chánh ra tay bắn chết tên Biện lý dâm ác, dẫu biết rằng
án tử hình chắc chắn sẽ chờ mình. Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng NGƯỜI THÀNH PHỐ
TRÀ VINH ấy đã, nhân đó, sáng tác thành một truyện thơ hàng trăm câu. Trong
truyện thơ, từ một thầy Thông Chánh chí khí uất biến thành vị anh hùng đởm lược,
vị nghĩa vong thân, ngay thanh thiên bạch nhât, giữa hội chợ mừng lễ Chánh
chung (quốc khánh Pháp) đã nổ súng tiêu diệt hàng loạt tên thực dân cỡ bự khắp
các tỉnh Nam kỳ. Tiếng súng đơn độc của thầy Thông Chánh ngoài đời được nâng
thành khẩu liên thanh của nền văn hóa đạo đức truyền thống Việt Nam đánh thẳng
vào sự xâm lược ào ạt của văn hóa phương Tây, nếp sống phương Tây. Tôi thán phục
và chia sẻ cách nhận xét của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh “Cùng với Thơ Sáu Trọng,
Thơ Thầy Thông Chánh là hai truyện thơ làm rung rinh chế độ thực dân Pháp ở Nam
kỳ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX!. NGƯỜI THÀNH PHỐ TRÀ VINH ấy không chỉ
là một người, hoặc một số người, trực tiếp sáng tác mà, theo tôi, còn bao hàm cả
đại đa số quần chúng nhân dân, những người đã can đảm lưu giữ, truyền lại cho
nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, bất chấp sự ngăn cấm gắt gao của quân xâm
lược.
Hồn thiêng thành phố không ở đâu xa!
*
* *
Đoạn sông Long Bình, trước mắt tôi, rộng và thẳng. Cũng lạ,
sông Trà Vinh phía ngoài vàm và phía trong ngọn đều ngoằn ngoèo những dòng chảy
tự nhiên, hà cớ gì đoạn giữa chảy qua nội ô thành phố cứ như có bàn tay vô hình
khổng lồ nào đó nắn lại. Mang thắc mắc đó, tôi lại lang thang tìm về các bậc
trưởng thượng, tìm về các văn bản tàng thư. May mắn thay, cách đây độ chừng hai
chục năm, tại nhà vị công chức già về hưu họ Tiết, vốn trải hai trào Pháp Mỹ, tọa
lạc trên Đường số Hai vẫn tồn lưu một kệ sách quí giá, trong đó có những tài liệu
địa chí Nam kỳ được xem là độc bản. Trước mắt hai thầy trò chúng tôi là bức địa
đồ làng Minh Đức cuối thế kỷ Mười chín được in trong tập Monographic de
Travinh, mà chính quyền thực dân Pháp xuất bản vào năm đầu tiên của thế kỷ Hai
mươi. Giấy đã đôi chỗ ố vàng, mực đã lắm nơi nhòe nhoẹt. Những dòng ghi chú bằng
chữ Pháp lẫn chữ quốc ngữ không dấu khiến tôi như lạc vào mê hồn trận, mặc dù vẫn
mang máng nhận ra vóc dáng của khu vực nội ô thị xã với những đường phố ngang dọc
thẳng như kẻ chỉ, giao nhau bằng những ngã tư chỉnh chu như những ô vuông bàn cờ.
Ông cựu công chức già họ Tiết vốn nổi tiếng khó tính. Cả thị
xã như ai cũng biết điều đó. Rể ông, cũng là ông giáo về hưu, từng một thời oai
phong ngồi ghế hiệu trưởng ngôi trường trung học bán công tỉnh lỵ, mà trước mặt
nhạc gia còn rụt rè khép nép, hà huống đứa hậu sinh hỉ mũi chưa sạch như tôi. Vậy
mà, không hiểu sao, chiều hôm ấy, ông vui đến lạ. Gương mặt trổ đồi mồi dưới
mái tóc phơ phơ trắng như lão tiên ông cứ vương nụ cười móm mém. Trương đôi mục
kỉnh trễ xuống sống mũi, bàn tay nhăn nheo và run run lần theo bức địa đồ, như
con thuyền đưa tôi xuôi theo dòng chảy sông Trà Vinh gần trăm năm trước. Từ Vàm
Trà Vinh, chiếc thuyền hư ảo đưa tôi và vị cựu công chức già họ Tiết ngược về
phía ngọn. Qua khỏi Vĩnh Bảo, Vĩnh Trường bên bờ nam, Vĩnh Hưng, Vĩnh Yên bên bờ
bắc, chúng tôi vào địa phận làng Long Bình xưa. Vào sâu hơn chút nữa, chắc là
đoạn Cầu Tiệm Tương ngày nay, dòng chảy con sông bỗng rẽ ngoặt về hướng tây. Đụng
thành Cây Dương, nó lại đổi hướng chảy xeo xéo về tây nam. Men theo chân giồng
Thanh Lệ một đỗi, tới ngôi chùa Bến của người Miên, con sông chuyển dòng theo
hướng đông nam, rồi theo hướng nam chừng dặm đường, nó lại đột ngột rẽ hẳn sang
hướng đông, trước khi quay trở về hướng nam, đi thẳng vào Trốt. Tôi ngồi nhắm mắt
định thần và hình dung. Giọng run run của vị tiên ông họ Tiết vẫn cứ nhẹ trôi:
Thành Cây Dương nay là cơ quan Thị đội, chùa Bến là cách gọi hồi đó của chùa
Ông Mẹt… Chỉ vậy thôi, tôi lờ mờ nhận ra dòng chảy cũ của sông Long Bình còn in
dấu trên kinh Tiệm Tương, đường Ngô Quyền, đại lộ Phạm Thái Bường, xuôi ra Rạp
Thái Bình, rồi đổ trở về dòng chảy bây giờ.
Rời bức địa đồ và ngôi nhà ngói chứa đầy sách cũ, vị công chức
già họ Tiết cùng tôi đi dạo quanh khu phố cổ ấy. Trải hơn trăm năm nhiều thăng
trầm biến động, hết cuộc “tiêu thổ kháng chiến” đến hồi “chiến sự Xuân Mậu
Thân” nhưng thị xã Trà Vinh thập niên Tám mươi của thế kỷ Hai mươi vẫn giữ được
cho mình tươi nguyên dáng vẻ ban đầu, ngoại trừ Tòa bố sau cơn lửa đạn buộc phải
xây dựng lại vào những năm Bảy mươi. Còn đây Nhà Dây thép trên Đường số Bốn,
Nhà thương lớn trên Đường số Bảy, Trường Tiểu học Ecole Primaire Complementaire
de Travinh trên Đường số Sáu… Ông truyền cho tôi chút kinh nghiệm trong nghề khảo
cứu, khi tìm hiểu tuổi tác, linh hồn một khu đô thị tỉnh lỵ bất kỳ, nhất thiết
phải quan tâm đến các kiến trúc Tòa bố, Tòa án, Bót Ông cò, Nhà Dây thép, Nhà
thương… Bởi không có nó, đô thị không thể là tỉnh lỵ. Đứng trước Bót Ông cò, tức
trại lính hiến binh tỉnh hồi đó, nay được chuyển công năng thành cơ quan Bộ Chỉ
huy Bộ đội biên phòng, ông giảng giải niên đại của Bót Ông cò, một cách gần
đúng, được xác định là tuổi của đơn vị hành chánh (sau này, trong một dịp tham
gia làm Đặc san cho đơn vị, tôi được các cán bộ chỉ huy mời vào khảo sát kiến
trúc này và thấy trên các vì kèo đều có khắc dòng chữ Marseille - 1887). Chỉ
vào bốn góc ngôi nhà là bốn tháp canh mà lối đi lại giữa các tháp canh đều có
tường bao vững chắc, ông hỏi tôi có nhận xét gì không? Là kẻ sinh sau đẻ muộn lại
nhìn cuộc đời qua sách vở nhà trường là chủ yếu, tôi chỉ thấy ngôi nhà có vẻ
thô cứng quá. Ông cười bảo, người Pháp làm cái gì cũng có cái lý của họ. Không
phải ngẫu nhiên mà lối đi lại giữa các tháp canh đều có tường bao bọc, chẳng
qua cho lính đổi phiên gác được an toàn, tránh sự tập kích bất ngờ từ bên
ngoài. Điều này chứng tỏ tình hình an ninh đối với thực dân Pháp ở Trà Vinh là
rất kém, nghĩa là truyền thống và ý thức phản kháng trước quân xâm lược đã được
vật chất hóa ngay trong kiến trúc này (sau này, nhà Nam bộ học Sơn Nam cho tôi
biết thêm, cả hai mươi mốt tỉnh Nam kỳ, chỉ bốn đô thị mà Bót Ông cò buộc phải
xây dựng với kiến trúc đặc biệt như vậy. Tiếc rằng, tôi quá đoản trí mà không hỏi
ông, ngoài Trà Vinh, còn lại là những đô thị nào?). Tôi bất ngờ trước cách lý
giải của người đàn ông suốt đời mẫn cán trong bộ máy cai trị của thực dân và thầm
mong công trình kiến trúc này mãi tồn tại với thời gian, để các thế hệ Trà Vinh
hôm nay, mai sau cùng bạn bè trong và ngoài nước còn được tận mắt chứng kiến nỗi
sợ hãi của thực dân Pháp khi chúng đặt chân lên vùng đất này.
Hồn thiêng thành phố không ở đâu xa!
*
* *
Chiều nay, từ bờ kè Long Bình, tôi dõi mắt nhìn về khu phố cổ
từng một thời là niềm tự hào của cư dân Trà Vinh. Thời gian vẫn là kẻ hủy diệt
vô tình và hung hãn nhất. Hàng trăm ngôi công thự, biệt thự cổ kính rêu phong
đã lùi xa vào miền ký vãng. Chứng nhân cuối cùng, Bót Ông cò, đã trở nên già
nua, yếu ớt, không còn sức chống chọi cùng nắng mưa, bão táp của thiên nhiên và
của con người.
Những công trình cao tầng hơn, hiện đại hơn, nhiều công năng
hơn đang hối hả và chen chúc nhau mọc lên, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, mạnh
mẽ của một thành phố trẻ, trung tâm tỉnh lỵ của một tỉnh đang trong giai đoạn đẩy
nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Bậc tiên hiền Trưởng Thơ và các con Năm Năng, Sáu Lự, Tám Tiễn…
tướng quân Bùi Cát Vũ, chiến binh Phạm Văn Phụng, lão công chức về hưu họ Tiết…
đã là người thiên cổ.
Những thế hệ trẻ giàu học vấn hơn, giàu kiến thức khoa học
hơn, biết cách sống hơn, năng động và giỏi giang hơn trong cơ chế kinh tế thị
trường ra đời đảm nhận vai trò chủ nhân đưa thành phố trẻ vươn mình tới trước,
bằng vai phải vế với bao thành phố khác trong khu vực và cả nước.
Vẫn biết tử sinh, vong tồn là qui luật muôn đời của con người,
của thiên nhiên, của trời đất. Ngay trên mặt sông Long Bình trước mắt, sóng sau
đè sóng trước, dòng nước xuôi chảy hôm nay đâu phải là dòng nước của ngày hôm
qua. Ngay trên tán lá của ngàn cây cổ thụ trụ vững như cột thép giữa nội ô
thành phố, lớp lớp chồi non vẫn ngày đêm thay thế bao cội già nhánh cỗi…
Và, tôi tin rằng, dù gì đi nữa, hồn xưa thành phố mới vẫn
còn lẩn khuất quanh đây!
TRẦN DŨNG (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét