Một hôm đi học về, Thu Trân - đứa con gái nhỏ của tôi - ẵm
trên tay một con chó vừa thôi sữa. Nó xin của ai đó và đặt cho con chó cái tên
thật mỹ miều nhưng chẳng hiểu ý nghĩa gì: Mi Na. Mi Na là loại chó lai xi, lùn,
mắt to đen trên nền lông trắng như tuyết nổi lên mấy đốm nhỏ màu cà phê sữa
trông thật ngộ nghĩnh.
Thu Trân thường ẵm nó vào lòng vuốt ve: “Tội nghiệp cục
cưng, con nhà nghèo mặc áo vá” - Tôi chọc: “Vậy con gọi nó là Mi Vá đi”. “Xấu
lắm! Gọi Mi Na à”.
Mi Na lớn nhanh như thổi, qua tháng thứ ba Thu Trân không
còn ẵm nó nổi - Nhờ có Mi Na, cây ổi, cây mận trước sân nhà mới được yên thân.
Khi thấy lũ trẻ thập thò ngoài rào, nó lao ra sủa quấu… quấu như đe dọa.
Càng lớn Mi Na càng nghịch ngợm.
Một lon sữa rỉ sét cũng thành món đồ chơi. Bằng mõm, bằng chân nó hất hộp lon
chạy loằng ngoằng khắp sân gạch rồi nhảy lưng tưng theo ra chiều thích thú lắm,
nhưng với tôi tiếng lốc cốc lộc cộc lúc 12 giờ trưa là điều tối kỵ. Muốn được
yên thân chợp mắt tôi phải xách roi ra.
Đôi khi thoát được ra cổng, Mi Na chơi giỡn với lũ chó láng
giềng hồi lâu rồi tha về cho gia chủ nhiều thứ, khi thì bọc nilon, chai dầu gội
đầu, khi thì cây viết bể, mẩu cạc tông, khi thì… một con chuột chết! Với nó có
lẽ là một công trạng. Với bà xã tôi người thường xuyên quét dọn thì… Để đề huề
cho cả hai, tôi phải xắn tay dọn dẹp “chiến lợi phẩm” cho Mi Na và mỗi lần như
vậy không quên đe nẹt nó vài câu. Nó đang vào lứa tuổi nghịch ngợm, biết làm
sao hơn!
Một hôm bà bạn của vợ tôi tới nhà chơi. Khi ra về bả cứ đứng
lóng ngóng mãi ngoài sân. Thì ra đôi dép bà chỉ còn một chiếc! Mọi người túa ra
kiếm, hồi lâu tôi mới phát hiện chiếc dép nằm ở góc sân, khuất trong một chậu
kiểng. Ai dám đùa như vậy, ngoại trừ Mi Na!
Giày dép của Thu Trân và mẹ nó để
trong nhà đôi lần cũng bị Mi Na chơi khăm như vậy. Song Mi Na chỉ giấu đâu đó
trong sân như muốn thử tài mọi người trong nhà thôi. Riêng tôi chỉ có một đôi
giày dính da, từ khi có Mi Na trấn giữ tôi thường để nó ở ngạch cửa. Sáng sớm
tôi đẩy cửa ra, xỏ giày đi làm. Chiều về cởi ra để y cũ. Bà xã tôi rất hài lòng
vì khỏi mất công cầm cây lau nhà chạy theo giấu giày như lúc trước.
Như thường lệ, sáng hôm đó khi đẩy cánh cửa ra, tôi ngạc
nhiên khi thấy giày chỉ còn một chiếc phải. Thủ phạm là Mi Na chứ chẳng ai
khác, tôi nhanh chóng kết luận và ra sân ngó quanh quất, chẳng thấy. Lục tìm
từng khóm bông chậu kiểng cũng chẳng thấy. Tôi hò hét vợ con lục tìm khắp gầm
giường, gầm tủ cũng chẳng thấy chiếc giày đâu. Trong khi đó Mi Na ngồi xổm
ngoài sân ve vẩy đuôi, vẻ đắc thắng. “Trễ giờ làm mẹ nó rồi!”. Tôi bực tức la
lên rồi xỏ chiếc dép da sứt sẹo vô, Mi Na chạy lại dúi mõm vào chân tôi như an
ủi người thua cuộc. Tức quá, tôi co giò tống mạnh. Mi Na kêu lên một cái “cẳng”
rồi văng ịch vô gốc mai. Trước khi ra cổng tôi còn quay lại đưa nắm đấm về nó:
“Chiều về không thấy chiếc giày, mầy biết tay tao!”.
Chiều đó khi thấy tôi đi làm về Mi Na
không dám chạy ra chồm lên ôm mừng như mọi khi. Nó nằm im thin thít bên kẹt
cửa, giương đôi mắt nhìn tôi buồn bã. Tôi huy động toàn lực lượng trong nhà
truy tìm từ trước ra sau, từ sau ra trước nhưng chiếc giày như độn thổ mất tăm.
Khi niềm hy vọng hầu như lụi tàn, tôi hậm hực xách cây roi ra. Mi Na hoảng hốt
chạy vụt ra sân nép mình bên chậu bông ở góc rào, rên ư ử. “Trốn hả?”. Tôi hét
lên nhưng Thu Trân nhào tới ôm chân tôi, khóc: “Ba ơi! Đừng đánh Mi Na tội
nghiệp! Cho con xin đi! Hu… Hu!...”. Thấy con chó sợ đòn chạy trốn, vợ tôi cũng
mủi lòng: “Thôi anh à, có đánh nó thì cũng mất rồi. Mai tôi mua cho đôi khác”.
Tôi hậm hực liệng cây roi rồi cầm chiếc giày còn lại, bằng tất cả sự bực tức
tôi ném chiếc giày bay vèo ra đường.
… Mấy ngày sau Mi Na lâm bệnh bỏ ăn, mắt đỏ ngầu đầy ghèn,
mình nóng hâm hấp. Tôi mời cán bộ thú y tới chích liên tục ba ngày, nhưng bệnh
tình của Mi Na ngày càng nặng. Đến ngày thứ năm Mi Na tắt thở. Thu Trân ôm nó
vào lòng khóc như mưa bấc. Đôi mắt vợ tôi cũng đỏ hoe. Tôi bỏ xác Mi Na vô bao
tải, đem ra đồng, lòng bần thần tiếc thương và hối hận.
Như thường lệ mỗi sáng sớm tôi đẩy
cánh cửa kính khung sắt ra để đi làm, tối trước khi đi ngủ tôi kéo cánh cửa
khóa lại. Một đêm nọ - khoảng một tuần sau ngày Mi Na mất - Tôi kéo cánh cửa
đóng lại. Cửa bị kẹt. Tôi bật đèn hàng ba bước ra xem, bất chợt gặp chiếc giày
trái nằm chỏng chơ bên kẹt cửa.
ĐOÀN VĂN ĐẠT (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét