Mẹ tôi không phải người Quảng nhưng bà lại làm hai món bánh truyền
thống của quê chồng rất ngon đó là bánh thuẩn và bánh nổ nếp rang.
Những năm
cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, cuộc sống rất khó khăn, nhà quê thì càng chật
vật hơn nhiều. Tết đến có được tấm áo mới, cái bánh cho con trẻ, có bữa cơm
đoàn tụ đạm bạc là tốt lắm rồi. Tuy vậy, cuối năm nhà nào cũng tranh thủ làm
vài thứ bánh quê để cúng ông bà, đãi khách ba ngày tết. Mùa gặt xong thường thì
nhà nào cũng để dành một ít thóc nếp dùng làm bánh tết. Cuối năm nhà tôi là nơi
nhộn nhịp nhất trong việc làm các bánh mứt. Tôi nhớ nhất khi làm bánh thuẩn, loại
bánh giống bánh bông lan nhưng nó cứng và xốp hơn. Đổ bánh phải có khuôn sắt
mang từ xứ Quảng vào, muốn bánh nở bung đẹp thì tỷ lệ hỗn hợp bột, trứng, đường
phải đúng yêu cầu và đánh cho thật tới để dậy bột. Những việc này thường thì mẹ
sai tôi làm nhiều nhất vì trẻ khỏe. Nếu mà làm biếng, đánh bột không tới thì
bánh sẽ xấu không nở chẳng đạt yêu cầu. Thường thì làm bánh vào ban đêm vì ngày
đi làm ngoài đồng, mà vất vả lắm vì ngày ấy có điện đâu, nhà tôi chẳng có con
gái nên mẹ tập cho anh em tôi cùng giúp bà. Cực nhất là làm bánh nổ, vì thứ
bánh này phải qua mấy công đoạn. Đầu tiên là chọn thóc nếp ngon, phơi khô và
rang cho nổ bung khỏi vỏ. Sau đó là sàn sảy loại hết vỏ thóc. Nói thật chứ, việc
sàn sảy nhặt cho hết vỏ thóc ra khỏi nếp đã nổ bung cũng chẳng sướng gì. Làm chừng
20 – 30 cây bánh là làm đuối người cho công
đoạn sàn sảy này. Công đoạn đóng bánh là mệt nhất vì con trai có sức khỏe
mới làm được. Ngày ấy, đâu phải nhà nào cũng có khuôn để đóng bánh, chỉ có ở
nhà các ông thợ mộc. Vì vậy là phải đi mượn trước đó mấy ngày. Cái khuôn được làm bằng gỗ gồm hai phần ghép
lại, hai đầu khuôn có hai cái vòng sắt để tròng vào khi đóng bánh. Ruột khuôn
hình trụ cao khoảng 50 – 60 cm, một cây nén bánh vào khuôn và một cây vồ (búa gỗ).
Trước khi đóng bánh nổ, mẹ tôi nổi lửa để nấu nước đường, gọt một vài củ gừng,
giả nhỏ cho vào nồi nước đường để bánh có mùi thơm. Cái nong tre được ba tôi
bày ra giữa sân, trải giấy báo sẵn sàn. Nổ bung được đổ vào cái thau, nước đường
sôi lên sùng sục trên bếp múc cho vào trộn đều cùng nổ bung sau đó là dồn vào
khuôn. Muốn đóng bánh phải có 3 người; một người trộn nổ cho vào khuôn, một người
giữ khuôn và một người đóng bánh. Tiếng vồ đóng thình thình vào cây nén bánh
liên hồi sau mỗi lần dồn nổ vào. Nếu mà đóng nhẹ bánh sẽ dễ bễ ra, còn đóng mạnh
quá thì cứng ăn không ngon. Cho nên mẹ cầm nhịp để anh em tôi đóng vừa lực, nén
đều cây bánh. Cây bánh đóng xong, tháo hai cái vòng sắt lấy ra cây ra và đem
phơi sương ở chiếc nong. Cây bánh đầu không đẹp lắm do chưa đều tay. Những cây
tiếp theo mới đều và đẹp hơn. Đêm nào giỏi lắm cũng được 10 cây là đến 12 giờ
khuya, tối bữa sau cả nhà làm tiếp. Bánh phơi sương xong phải phơi nắng đến vài
ngày mới giòn và ngon. Muốn cắt bánh
thành từng miếng phải con dao to bản thật bén thì bánh mới bắt mắt. Bánh này đậm
đà mùi vị quê hương nên ba tôi thích lắm dù rằng nó khá dân dã.
Năm tháng qua đi, cuộc sống đổi thay nhiều, chúng
tôi đi học đi làm nên cũng ít có thời gian cùng ba mẹ làm những món bánh truyền
thống. Sau này một người bà con của ba tôi cứ gần tết là chở bánh nổ, bánh thuẩn
từ Quảng Ngãi vào cho mẹ tôi bỏ mối. Bánh làm khéo hơn nhà tôi nhiều, hương vị
cũng đặc trưng hơn nhưng tôi vẫn thích những chiếc bánh nổ, bánh thuẩn ngày xưa
cả nhà cùng làm vào những đêm cận tết. Ngày xuân, trên bàn thờ ba hầu như mẹ
tôi đều sắp một đĩa bánh quê hương của ông nhất là món bánh nổ. Nhớ những cái tết
ngày xưa. Cuộc sống khó khăn nhưng gần tết là cả xóm cùng nhau làm bánh, tiếng
chày tiếng nổ của nếp, ánh lửa bập bùng… làm cho không khí tết quê rộn ràng hẳn
lên.
NGUYỄN VĂN KỶ (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét