Dù là trần ai lận đận,
nguời ta khuyên không nên nói về mình. Nói về “tôi” là cá nhân chủ nghĩa. Văn
học nghệ thuật cũng xem “cái tôi” không đắc dụng. Đúng. Nhưng đôi khi ta cũng
viết về mình, để lột tả nội tâm như kiểu chụp ảnh “tự sướng” (từ mới có gần đây
mang tính nghệ thuật dùng chỉ những người tự chụp ảnh mình, chớ không phải hiểu
theo nghĩa kia!).
“Tôi ơi” là tiếng kêu khắc
khoải vọng lại từ bản ngã, khi ta cảm nhận ngoại cảnh không ai can gián hóa
giải nỗi cô đơn tiếp với lòng mình để nó trở thành thân phận, sự cô độc đến độ chỉ
có mình kêu gọi mình thương xót, đôi khi tiếng kêu ấy nghe cũng êm đềm, da diết,
lãng mạn, đa tình...
Mười bảy tuổi tôi lang
bạt một mình nơi đất An Giang, do hoàn cảnh chiến tranh ngày ấy không cho phép
yên thân học hành tại địa phương. Nhưng cũng không lâu, đậu Tú Tài 1 tại “hội
đồng thi Cần Thơ 2” (Long Xuyên), vào trường Thoại Ngọc Hầu để học lên chưa
được ngày nào thì một tai nạn chụp xuống tôi phải về quê mua sách tự học...
Mười bảy tuổi nghe như
mình già, giờ nhớ lại lúc ấy thấy quá trẻ để tiếc nuối khi thời gian đã chất
đầy lên đầu xưa những sợi chỉ bạc mà mình có cảm giác như không phải là tóc từ
bản thể! Hơn bốn mươi năm một dĩ vãng ngắn ngủi chừng như giấc chiêm bao, tâm
hồn chưa đủ thời gian để lưỡng lự nghe mình già, tôi vẫn trẻ nên mỗi lần may
mắn gặp lại bạn bè cũ mãi gọi nhau “mầy, tao” khi “thằng” nào cũng có cháu nội
cháu ngoại! Một cảm nhận có khi do tôi “tự quên” mà bên đời sức đào thải rập
ràng muôn điệu tơ vương xô nhau về cát bụi...
Cái nơi mà tôi tạm dung
thân ngắn lắm ấy lại chất chứa bao kỷ niệm yêu thương, xốn xang trong lòng của thời
hoa niên vụng dại.
Năm ấy nhiều lần cùng
bạn lớp đi lên núi Sam nam, có nữ có, những ngày cận hè hoa phượng trổ rợp cả
khung trời từ chân núi lên đỉnh, có những cánh phượng cũng tan tác vì bơm đạn,
anh em trèo lên các nơi thật cao để nhìn trời gần hơn, để tâm sư triền miên
chuyện dưới đất, nói về các em nữ sinh trung học Thoại Ngọc Hầu, Chưởng Binh Lễ,
Bà Chúa Sứ (nay là Xứ)...
Nhớ mùa tết, ngày đó
các trường học hay làm báo xuân phân công mang đi các trường khác bán vừa vui
vừa làm qũy học tập. Viết báo xuân nói về xuân, về các vị anh hùng dân tộc, về
tuổi học trò, về tình yêu mộng mị... Có nhóm các anh chị lớn tuổi làm văn thơ mời
họp bạn, tác giả tự in sách bán, tặng anh em, nội dung có bài khó hiểu vì giai
đọan ấy có một trường phái thơ văn “người viết không hiểu mình viết gì, người
đọc không hiểu sách nói gì” như ta ngẫu nhiên cắt chữ trên báo kết lại thành
dòng! Tôi vẫn đọc để chứng tỏ mình “trí thức” giống như người dốt gật gù nghe
nhạc thính phòng! Tôi còn nhỏ xíu cũng được các anh chị chiếu cố mời dự họp bạn
văn cuối năm chỗ hàng dừa cặp mé lộ đường về Thốt Nốt, được anh chị tác giả tặng
sách, ôm vào mình nghe sung sướng vui vui bên không khí xuân sang rộn ràng...
Chung qui những nhộn nhịp ấy cũng là dễ thương khi chúng ta còn trẻ.
An Giang có nền văn học
lâu đời bàng bạc trong dân gian như sự khai mở của Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh
Tế. Văn học mộc mạc chân chất của tình người cuối đất Tây Nam.
Phụ nữ Long Xuyên có
nét đẹp hiền thục, đoan trang... Tết về họ từ các cù lao bên kia sông Hậu sang
mua bán rất cuốn hút đàn ông, con trai. Không nên so sánh các nơi nhưng phải
nói họ có vẻ gì đặc biệt lạ lùng trang trải đều khắp cho nhau như “chất thánh”
lưu dòng đến cả hôm nay…
Lần nữa xuân mấp mé bên
khuôn cửa, tôi lại nhớ về An Giang.
THÀNH NAM (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét