Những câu thơ,
khúc hát nói về ve, về phượng, về hè xưa nay luôn thay cho lời
muôn triệu trái tim của nhiều thế hệ học trò. Nỗi thổn thức buồn
vương trong lòng học trò không gì bằng nhìn những cánh phượng hồng trổ bông
khoe sắc, bởi màu hoa ấy rất kỳ diệu. Mỗi khi nó nở ra là có cuộc chia tay, chia
ly bên sân trường, ngắn nhất cũng ba tháng hè, dài nhất là vĩnh viễn!
Những người trưởng
thành đã rời hẵn ghế nhà trường, mỗi khi bất chợt gặp lại nơi đâu màu hoa ấy,
lòng cũng da diết nhớ nhung về quá khứ. Nhớ thầy cô, bạn bè, mái trường, cố xứ…
thành ký ức triền miên theo tháng lụn năm dài.
Màu phượng gắn
bó với ta như định mệnh, đi vào tiềm thức làm xốn xang lòng người từ thời cấp
sách đến mãi về sau, nó có giá trị mầu nhiệm theo thời gian dâu bể dù những lượn
sóng đời có chồng lên bao trắc ẩn, dù ta đang đối diện với sức đào thải của tuổi
tác, đắng cay với mái tóc bạc màu… Từ thơ dại lặc lờ cho đến già nua yếu lại
lòng ai cũng e ấp vấn vương màu phượng vĩ, để nhớ về mối tình đầu, những ly đá
đậu, những thỏi kem thơm, những viên ô mai… bao hồi ức ngổn ngang, hỗn độn:
vui, buồn, bùi ngùi…
“Mỗi năm đến hè lòng man mát buồn…”. Lời trong bài
hát “Nỗi buồn hoa phượng” của cố nhạc sĩ Thanh Sơn đã gây cảm xúc rất
nhiều cho ta mỗi lần nghe lại nó.
Có nhiều bài thơ,
câu thơ của những cây bút nổi tiếng nói về phượng, về hè đọc lên khó ngăn nỗi
xúc cảm:
Nhà thơ tình
lãng mạn Xuân Diệu cho đến phút cuối đời vẫn thốt lời yêu: “Xin hãy cho tôi
được giã từ / Vẫy chào cõi thực để vào hư / Trong hơi thở cuối dâng trời đất /
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư” đã chan chứa nỗi đam mê về loài
hoa học trò. Ông từng kêu lên lời nhớ nhung thương tưởng loài hoa nầy như gọi
người yêu trong mộng:
“Phượng trong
sáng nảy hồng trên một cõi
…
Tấc lòng hè kiều
diễm hóa li tao
…
Phượng, phượng
hỡi, cớ sao mà man mác
Mỗi mùa hè run
rẫy với triều môi…
…
Trống sân trường
văng vẳng đánh mười năm,
Mười năm phượng,
phượng huy hoàng vẫn phượng
Phượng mười
năm… hiu hắt gió mười năm
Yêu mười năm… nhớ
muôn thuở… mười năm"
(Phượng mười năm)
Nhà
thơ Tế Hanh đã từng xem phượng là hoa máu của linh hồn mình:
“Cầu
ngươi hỡi Phượng tươi như máu
Dâng
sáng linh hồn cánh dợn bay"
(Phượng)
Tình
nghĩa thầy trò mỗi lần chia xa gây nỗi chạnh lòng, nhớ nhất là vào mùa phượng nở:
“Thầy
sắp đi xa trò ở lại
Mùa
hoa phượng cũ úa phai rồi"
(Tóc thề xứ Huế - Kiên Giang)
Nhà
thơ kì bí Bùi Giáng với ngữ thơ siêu nhiên thoát tục cũng yêu phượng và nhìn nó
qua sắc thái riêng theo nhãn quan mình:
“Trang
hồng kim rải ra hoa
Trổ
bông mùa phượng cũng đà hồ phai"
(Mùa phượng cũ)
Tình yêu của tuổi
học trò dễ phát tiết vào mùa ve kêu phượng trổ nhất là hè cuối cùng ra trường
chia tay hẵn với bạn bè, lứa tuổi mười bảy mười tám ấy thiết tha với mối tình đầu,
nuôi dưỡng mộng mơ. Đỗ Trung Quân không cầm lòng được khi bất chợt nhìn thấy
trên đường ai chở nhiều hoa phượng về đâu như chở cả mùa hè của mình:
“Những chiếc giỏ
xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của
tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ
em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai
hay thầm lặng – mối tình đầu"
(Chút tình đầu).
Có lẽ khắc sâu
tình cảm với cô em học trò tên “Phượng”(?) nên mãi sau nầy vẫn còn ký ức về
loài hoa ấy mỗi khi nhà thơ bắt gặp nó trên mọi nẻo đường rong ruổi. “Nàng Phượng”
và loài hoa phượng không còn riêng chung
mà được nhà thơ cảm thụ như sự hóa kiếp
vào nhau để thành sức tác rưng rưng khuấy động hồn mình:
“Và lại đến cái
mùa hoa phượng đỏ
Kỷ niệm xưa
chìm khuất ở nơi nào
Tiếng ve vỡ ra
trăm nghìn mảnh nhỏ
Em không về nhận
mặt tháng năm sao
…
Để mùa Hạ nắng
mưa là trai gái
Phượng cũng từng
hồi hộp lúc kêu tên
Và lại nhớ vòm
trời hoa phượng cũ
Khép rưng rưng
mùa Hạ giữa tay cầm".
(Sau
lưng mùa hạ cũ - Trương Nam Hương).
Dù đã xa rồi
ngôi trường xưa nhưng hình ảnh, âm vang của các nữ sinh áo trắng, của hoa phượng
đỏ của tiềng dế kêu vào hè cũng gây cho nhà thơ nhiều nhung nhớ bồi hồi:
“Tà áo trắng em
có còn xếp giữ
Một mùi hương sương
cỏ của sân trường
Một chú dế tìm
hoài theo tiếng gáy
Ở trên đầu hoa
phượng đỏ bâng khuâng…"
(Mây
và áo trắng - Thanh Nguyên)
Hoa điệp cùng họ
hàng hoa phượng, cũng nở đồng thời vào lúc hạ sang. Hai linh hồn ấy “khiêu gợi”
giống nhau vào lòng học sinh, sinh viên mỗi khi chúng cùng trổ rợp lên nền trời:
“Mai em xa chắc
nhớ lắm nơi này,
Chiều giảng đường
sân vàng hoa điệp
Đừng vội trách
nhau như lời thơ anh viết
… Rồi quên như
tháng sáu mưa mau!”
(Bài thơ tình trên bao thuốc lá - Nguyễn Thúy Bắc)
Có những tuổi thơ
thờ ơ một cách vô tư với phượng, không chú ý nhận ra giá trị sâu lắng mùa hè mà
chỉ nhìn về tương lai và sự phát triển trên đường đi tới công danh nên quên đi
mỗi lần hè về có tiếng ve sầu kêu, có màu hoa phượng nở chói chang khung trời mơ
ước:
“Ngày xưa ấy em
còn thơ dại quá
Chưa biết nghe
tình khúc của ve sầu.
…
Anh cũng thế
sao ơ hờ cao ngạo
Quên ngắm mùa
son hoa phượng năm nào".
(Ngày xưa - Bích
Thủy)
Để rồi khi đã
thành đạt hoặc gặp phải một trạng huống nhớ nhung khiến lòng mình nhớ lại thời
hoa niên cấp sách có cả phượng hồng làm “chứng nhân” thì cảm giác nó không còn
thuộc về mình, sinh ra tiếc nuối:
"Phượng giờ là của
người ta
Mỗi năm nhìn trộm
hoa mà tái tê".
(Dấu tình - Bích
Thủy).
Tuy nhiên mùa hè
không hẵn với ai cũng vấn vương, hoa phượng nở không hẵn với ai cũng bi thương,
vẫn có lớp người trẻ cảm giác mừng vui đã đến cơ hội về quê ba tháng với cha mẹ,
làng bản… Ở tâm trạng nầy, người ta xem mùa hạ như là mùa xuân, nhiều mùa xuân
gọp lại. Đấy là trạng thái hưng phấn nơi những người trẻ lạc quan yêu đời cần sức
mạnh tinh thần cho mọi công cuộc như lao động, chiến đấu… Họ xem mùa hè là mốc
thời gian giúp chuyển tiếp chặng đường đi lên làm xán lạn cho thân thế:
“Sung sướng quá,
giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn
hở rủ nhau về
Chín mươi ngày
nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa
xuân trong mùa hạ.
…
Trong khoảnh khắc
sách bài là giấy cũ
Nhớ làm chi thầy
mẹ đợi, em trông
Trên đường làng
huyết phượng nở thành bông…"
(Nghỉ hè - Xuân Tâm)
Phượng
nơi nào cũng có mỗi khi hè về, tất cả cảm nhận nó gắn bó với tình cảm mình từ
thời cấp sách, không thể nào quên. Phượng là loài hoa “guinness” của sân trường,
loài hoa luôn là kỷ niệm trôi mơn man trong mạch máu học trò.
THÀNH NAM
_____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét