Năm Ất Mùi đến. Hình ảnh, câu chuyện về con dê đã nhan
nhản trên các báo xuân. Con dê là đề tài phong phú, hấp dẫn viết mãi, nghe mãi
không hết, không chán. Tết con dê ta cũng nên nói nhiều chuyện về nó qua kiến
thức tìm hiểu trong sách báo, trên mạng và thực tiễn cuộc sống rong ruổi của mỗi
ngươì.
Lan man về con dê:
Con dê đi vào văn hoá dân ta từ lâu đời thể hiện qua tranh ảnh,
hò vè, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, văn thơ... Về kinh tế con dê mang lại cho
người chăn nuôi nhiều lợi tức. Thịt dê là món ăn của toàn cầu, ít nhiễm bệnh. Đầu
tư thức ăn cho dê dễ, không bị động nhiều bởi rào cản cung cầu vì không bán ra
thị trường bên ngoài vẫn tiêu thụ được nội địa. Nuôi dê để vắt sữa, cung cấp thịt
cho nhà bếp, nấu cao, ngâm rượi, làm đồ dùng thuộc da... Trong quá trình tiến
hoá từ khai thiên lập địa con dê chịu nhiều thành kiến, nhiều người xem nó là
biểu trưng của tà dâm, bị sắp vào "Tam sinh lục súc". Ngẫu nhiên hay
cố ý, xa xưa cổ nhân chọn lựa trong các loài vật lấy ra 12 con gọi là "Thập
Nhị Chi", nói nôm na là mười hai con giáp. Trong 12 con giáp, có 11 con hiện
hữu bằng xương thịt, đặc biệt Thìn (rồng) nhân loại chỉ thấy qua hình vẽ, chạm
khắc. Hằng năm xoay vòng từ "anh" Tý (chuột) nhỏ nhắn nhất đến
"chú" Hợi (heo, lợn) ục ịch, mỗi con đều mang bản sắc riêng, ít nhất
phân nửa bị gán cho bản chất vật dục. Tý mang tính vụng trộm: Chuột kêu chút
chít trong rương/ Anh đi cho khéo kẻo đụng giường má hay (Ca dao). Mẹo
(Mão, mèo) và Dậu (gà) gán cho tính lang chạ ngoại tình: Mèo ăn vụng, mèo mỡ
gà đồng... Ngọ (ngựa) gán nặng cho giới phụ nữ lẳng lơ: Ngựa đứng đường,
đồ ngựa, đĩ ngựa... Hợi (heo) bị gán cho bản chất ham hố thô tục: Bồ bịch,
phim heo. Mùi (dê) đứng hàng thứ 8 như đã nói bị người đời thị phi gán cho
hỗn danh và nhiều nỗi oan khiên. Dê dùng ám chỉ những đàn ông không đúng đắn,
sàm sỡ, háo sắc, dâm đảng, thiếu kiềm chế bản năng, thể hiện quá đà phong cách
tình cảm đối với phụ nữ giống như dê đực tò dè ho he bên con cái. Người ta hay
nhắc từ "dê" với một thái độ mỉa mai, diễu cợt, thiếu tôn trọng: Râu dê, máu dê, già dê, dê cụ, dê xồm, dê
gái, tánh dê, dê như quỉ, dê thành dịch, dê bà cố, dê chính hiệu, dê đệ nhất
thiên hạ, dê be he...Và chửi, xỏ xiên: "Phụng hoàng đậu nhánh sa-kê/
Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi!" (Ca daoVN), "Dê xồm
ăn trái khổ qua/ Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm", "Giả vờ bịt mắt
bắt dê/ Để cho cô cậu dễ bề với nhau" (Vè VN)... Trong tập thơ "Lục
Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu có câu nói về tính xấu của Bùi Kiệm cũng đề
cập đến từ "dê": "Con người Bùi Kiệm máu dê/ Ngồi chai bộ mặt
như giề thịt trâu"... Những điều bất nhất trong xử sự ở cuộc sống,
trong lề lối làm việc, trong quan hệ qua lại... người ta cũng có thể dùng câu
có từ "dê" để ám chỉ xa gần về một người hay nhóm người nào đó: "Treo
đầu dê bán thịt chó" (nói một đường làm một nẻo), "Bịt mắt bắt
dê" (làm việc lờ mờ không hiệu quả), "Cà kê dê ngỗng" (ăn
không ngồi rồi), "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê"...
Vì đâu dê bị mang tiếng dâm ô tà đạo? - Người đời cũng có
lý khi phê phán tư chất, luận tội đàn ông qua hình ảnh con dê. Trong các loài vật
lang thang trên trái đất dê có một sức sống dẻo dai lạ kỳ, chúng có mặt trên
hành tinh nầy trên 50 nghìn năm khởi nguyên từ những khu đồi núi cao hiểm trở trước
khi bị loài người mang một số xuống thuần dưỡng thành gia súc. Hàng hàng lớp lớp
những dê con tử nạn khi chạy nhảy đùa giỡn bên các vách đá cheo neo thời hồng
hoang. Để duy trì nòi giống nhỏ con trước thiên tai địch họa khi bản thân không
được Tạo Hoá ban cho vũ khí tốt phòng thân, giống nòi dê tiềm ẩn "kỹ
nămg" đặc biệt: một dê đực có khả năng giao phối với nhiều dê cái cùng một
lúc. Dê đực có thể "tiếp khách" nhiều lần trong ngày do đó tạo ra nhiều
thế hệ dê con. Một đàn dê cái trăm con chỉ cần vài ba "gã" đực là đủ
đáp ứng nhu cầu cho cuộc sinh sôi nẩy nở! Riêng dê cái mỗi lứa có thể đẻ trên
chục con và suốt cuộc đời có thể đẻ đến trăm lứa! Như chịu một nguyên lý oái
oăm trong thế giới động vật muôn màu vì hiền nên chết bao nhiêu dê cứ đẻ ra bù
đắp, còn ác như rắn độc sinh con ra chặn đầu miệng hang ăn thịt con bớt, con
nào thoát được thì tự toan tự tính tránh sinh sôi nhiều.
Dê cái được tôn sùng hơn dê đực, nó được xem là biểu tượng
của sức sinh sản nhọc nhằn, cho nhiều sữa quí để nuôi trẻ em lẫn người lớn
tránh suy dinh dưỡng, nhiều mệnh phụ phu nhân dùng sữa dê tắm cho da dẹp. Loài
dê có một đặc thù lạ là cả dê đực lẫn dê cái đều có râu và sừng. Nếu đàn ông
đàn bà như vậy khỏi ai "cắm sừng" ai, khỏi mang "râu ông cắm cằm
bà" nhưng bù lại rất khó khăn về mặt thẩm mỹ cho phái đẹp!?
Thịt dê ngon ta không phủ nhận. Việc dùng thịt dê trong mọi
tiệc tùng, trong quán xá, trong các bữa ăn gia đình là nhu cầu cần thiết. Nhưng
chứng kiến cảnh bắt dê làm thịt nhiều khi ta cũng nao lòng. Ngày xưa người ta lấy
thịt dê rất công phu và hơi tàn nhẫn: do dê có tuyến hôi, trước khi cắt tiết ra
thịt người thợ cho dê uống rượu mạnh rồi đánh cho nó chạy lòng vòng kêu la thống
thiết trong chuồng đến mỏi mòn hơi hám, mồ hôi toát ra mang theo hết mùi khó ngửi
trong cơ thể con vật mới bắt cắt cổ làm thịt! Sau nầy khoa học tiến bộ có cách
loại trừ mùi hôi để tranh thủ thời gian xuất khối lượng lớn thịt dê theo nhu cầu
tiêu thụ ngoài thị trường. Da, lông dê làm chăn, áo chống rét, thậm chí thời xa
xưa người ta còn dùng lớp da dê làm "quan tài" bọc thây người chết.
Ruột dê làm lạp xưởng, xúc xích. Thịt dê làm các món đặc sản: nem, tái, lẩu, hầm,
nướng, quay, xào lăn, cà-ri. Xương nấu soup, nấu cao...
Ở phương Tây dê cũng được đưa vào 12 Cung Hoàng Đạo nhưng
nó không được ưu ái vì người ta xem con vật nầy biểu trưng cho một loại tội đồ
dùng tế thần. Từ xa xưa một số quốc gia xem dê là con cưng của quỉ Satan nên hằng
năm mang dê ra tạ tội: có khi giết cả chục con đực tế thần hoặc "tha bỗng"
một vài con bằng cách xua nó vào sa mạc mênh mông không thể tìm thấy một cọng cỏ,
một giọt nước để tồn tại. Ở Ai Cập cổ sau thời gian giết người tế thần, họ quay
sang dùng dê thay thế vì nhận ra sát nhân là tội ác.
Trong các menu ẩm thực, món thịt dê có một vị trí đáng lưu
ý. Thịt dê rất bổ khoẻ nên xưa nay nó được sử dụng rộng rãi trong các nhà hàng,
quán ăn và tại các mâm cơm gia đình. Người ta dùng thịt dê để chế biến nhiều
món ngon. Nhiều nơi đầu tư lớn vào các chuồng trại chăn nuôi, nhiều trang trại
nuôi dê được mở rộng. Ở Việt Nam tỉnh thành nào cũng có nhà hàng quán xá bán
món thịt dê từ Cao Bằng cho đến Cà Mau. Lẩu dê là món người ta không quên nó
khi vào tiệm. Lẩu dê thường nấu chung với nhiều thứ khác như củ sen, chuối sống
nêm gia vị tiêu, hành, tỏi, ớt ăn với rau
ôm, húng tía, ngò gai... Nhiều quán dùng thịt dê nấu thuốc Bắc một món ăn rất bổ
dưỡng. Nói chung món dê có khắp nơi tùy mật độ quán xá thưa dầy, tùy cách chế
biến thu hút hay thực khách không. Tại Mỹ cũng có một số chỗ bán thịt dê, người
Việt mới sang thích tìm để ăn xem có ngon không so với ở quê nhà. Một số người
Mỹ gốc Việt mua thịt dê về nhà tự nấu ăn cho thích hợp khẩu vị. Khác bên quê
mình ở bên nầy chỉ sử dụng thịt nạc, huyết da và bộ đầu lòng quăng bỏ. New York
so với một số bang lớn khác của Hoa Kỳ như California chẳng hạn thì có ít người
gốc Việt sinh sống tuy nhiên vẫn có một số nơi bán các sản phẩm thuần túy Việt
Nam trong đó quán thịt dê.
Những giả thiết xưa nay người ta đưa ra để giải thích về
con số 35 liên quan đến số phận loài dê:
+ Con dê chi Mùi, nằm hàng thứ 8 trong Thập Nhị Chi, mà số
8 là tổng của hai chữ số 3+5 đọc nhanh: 35!
+ Tuổi sung mãn đời người là từ 30 đến 40, trung bình là
35!
+ Số 35 là lượng dê cái mà một dê đực có thể giao phối một
lúc!
+ Ngày xưa ở Sài Gòn có số người chơi đề ghi từ 00 đến 99
trên tờ giấy, người ta chọn tùy hứng các con vật kèm theo hai chữ số để người dốt
không đọc được số thì nhìn con vật nhớ nằm lòng để chơi. Con dê ngẫu nhiên được
vẽ kèm bên số 35 và 75. Khi nhìn thấy con dê non người ta biết ngay số ra 35 và
thấy hình con dê già là biết ngay 75! Từ đó trở đi khi đề cập đến những người
đàn ông không nghiêm chỉnh trước phái đẹp người ta lại liên tưởng đến con dê
non 35 không đề cập đến số 75 dù đó là ông già 75! Gỉa thiết về số đề theo tập
tánh cờ bạc của người Sài Gòn xưa xem ra có lý và thú vị hơn cả.
Thời quân chủ phong kiến xa xưa, các ông vua bắt rất nhiều
mỹ nữ vào cung. Nhiều cung phi không được một lần kề cận quân vương cho đến
ngày già nua rời cung cấm hoặc nằm dưới mộ sâu. Do có quá nhiều mỹ nhân mà khả
năng tình ái vua cũng có giới hạn, người nào cũng đẹp lộng lẫy vua không biết
phải chọn ai để vui thú trong đêm nên có vua chọn theo kiểu ngẫu nhiên ngồi
trên lưng con dê tùy nó ghé phòng nào thì "thiên tử" vào đó "trị
vì" theo kiểu "bắt thăm" hên xui. Các cung phi khao khát được kề
cận vua nên sáng kiến treo lá dâu non hoặc đọt so đũa ngoài cửa để dụ dê cũng
là dụ... vua! Trong cuốn "Cung Oán Ngâm Khúc" Ôn Như Hầu có nói
lên nỗi lòng trắc ẩn ấy nơi các cung phi: "Trải vách quế gió vàng hiu hắt/
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng".../"Phải duyên hương lửa cùng nhau/ Xe
dê lọ rắc lá dâu mới vào"...
Dê là loài động vật chủ yếu ăn cỏ, một số ngũ cốc. Dê sống quen với khắc
nghiệt nên cỏ, lá cây nào chúng ăn cũng được không kén lừa như một số loài ăn cỏ
khác, riêng đọt so đũa chúng rất thích. So đũa thuộc họ đậu phát triển nhiều ở
các nước thuộc vùng ôn đới, tại Việt Nam khí hậu rất thích nghi cho loại cây nầy.
Hồi xưa so đũa chỉ cho bông trắng một vụ vào khoảng tháng mười âm lịch. Bông so
đũa nấu canh chua với tôm, cá, lươn... rất tuyệt. Mật bông so đũa ngọt bổ trẻ
em hút uống thành ghiền. Sau nầy người ta lai tạo loại so đũa cho bông tím đỏ
và nhập cây từ Thái Lan về bông có màu trắng ngà. Các loại so đũa sau nầy cho
bông quanh năm nên trồng vừa làm kiểng vừa ăn bông có hai cái lợi, chúng cũng
ngon nhưng phẩm chất hơi kém so với bông so đũa "cố cựu". Bây giờ do
nhu cầu xây dựng và trồng các cây có giá trị cao hơn, người ta phá bỏ nhiều cây
so đũa. Thập niên 80 về trước cây so đũa rất cần trong xây dựng, bắc cầu, làm củi
trụm... Thân cây suôn nên ngày trước so đũa được chuộng làm cột, kèo nhà. Để
tránh mối mọt ăn người ta đốn cây so đũa ngâm một thời gian mới mang lên đẽo,
bào. Theo các nhà nghiên cứu trong bông, hạt, lá so đũa hàm lượng dinh dưỡng rất
cao: ngoài bông ra lá non có thể ăn sống, trái non có giá trị như đậu đũa, hạt
có thể nấu chè, làm giá. Thông thường ở VN người ta sử dụng bông so đũa làm thức
ăn còn các thành phần khác như đọt, trái, hạt ít ai để ý đến vì dồi dào rau
xanh thiên nhiên như rau muống, rau trai, rau diệu, rau má, rau dền, cải trời,
nhãn lồng, các họ môn... dễ tìm và hấp dẫn khẩu vị. Do những yếu tố dinh dưỡng
trong lá so đũa cao loài dê cảm thấy thích hơn nhiều loại cỏ khác. Bà con xứ ta
khi nói đến con dê là hình dung nó mê so đũa. Cận tết Ất Mùi nhiều bà con xa xứ
tưởng tượng những cây so đũa bên nhà trổ hoa trắng màu lung linh trong gió sớm,
hồi ức ngọt ngào về quá khứ trôi xa...
Một sản phẩm
"độc" của giới mày râu. Cạnh các thức ăn bồi dưỡng chức năng phái
tính, các thuốc tăng cường độ sung mãn mà các nhà khoa học nghiền ngẫm nghiên cứu
tạo ra giúp điều trị bệnh xuống sức, rượu ngọc dương cũng là đề tài hấp dẫn cho
ta bàn tới. Thảo dược, côn trùng, động vật đồng hành góp phần tạo nên sức quyến
dụ đa dạng về đề tài muôn thuở nầy của con người. Từ khi trái đất có động vật
và nhân loại, những khát vọng bản năng giới tính đã trỗi dậy theo bầy đàn, bộ lạc
và vĩnh viễn với thời gian nó chỉ có tăng mà không giảm. Loài nầy ăn thịt loài
kia theo qui luật sinh tồn. Con người ăn cả động vật lẫn thực vật có lựa chọn.
(Nếu Tạo Hoá sinh loài người cho ăn cỏ thì chắc chắn các cuộc chiến giành cỏ sẽ
tàn khốc hơn mọi loaị chiến tranh khác đã xảy ra!?). Ngoài mục đích lấy thịt để
ăn, loài người còn sẵn sàng tiêu diệt các loài động vật hoang dã quí hiếm để lấy
bộ phận mà họ cho là có khá năng làm thay đổi hệ thống tuần hoàn huyết mạch
trong cơ thể để tăng cường ham muốn dục tính. Một số người trách Tạo Hoá
"chế tạo" ra loài người cho một bộ não thông minh cao cấp hơn muôn
loài (chỉ có thể thua các động vật ngoài hành tinh?) nhưng chưa mấy hoàn chỉnh
về chức năng sinh lý so với một số loài vật khác: hải mã, hải cẩu, hào, sò huyết...
trong lòng đại dương; cọp, ngựa, tê giác, dê... trong sơn lâm cùng cốc; se sẻ,
bìm bịp... trên bầu trời; bửa củi, mối chúa... ấn khuất tận trong thân cây lòng
đất... đã bị "dâm tặc" lùng sục để ăn, để làm thuốc, để ngâm rượu uống.
Các kích thích tố chứa trong cơ thể các loài vật ấy thế nào, muôn người sử dụng
kẻ ca ngợi người phủ nhận, người cho là "nhất dạ đề vương" kẻ "tụng
sám hối cho cuộc tình" và nhóm thứ ba thì bảo "vô thưởng vô phạt".
Con dê ngoài việc bị giết để lấy thịt, lấy da khổ nhục hơn
nó còn bị người đời lấy máu, lấy thận, lấy pín... ngâm rượu uống để phục vụ nhu
cầu ham muốn xác thân. Do người ta dựa vào bản chất lạ lẫm của loài dê trong
truyền giống, trong sinh sản. Những người kinh qua nhiều trên mâm tiệc thịt dê
đã cảm nhận nó là loại thưc phẩm quí giá. Đàn ông háo sắc thấy khả năng mạnh mẽ
kỳ quặc của dê đực, muốn chia sẻ "năng khiếu bẩm sinh" bằng cách
"ăn gì giống nấy" cho thỏa mãn lòng ham muốn tận cùng nhân thế nên
nhiều người chạy tìm bộ phận sinh dục dê đực ngâm rượu uống xem nó quí như ngọc:
"Rượu ngọc dương" ("dương" theo nghĩa chữ Hán là con dê). Số
phận trớ trêu của loài dê trở nên khắc nghiệt hơn trước sức sục sạo của số đàn
ông trên trái đất xem khuynh hướng tình dục đứng hàng đầu! Họ miệt mài nghiên cứu
sử dụng món ngọc dương. Ngọc dương là tinh hoàn dê còn gọi là ngọc hành, cà dê,
pín dê... Xa xưa chỉ có vua chúa mới rớ tới món nầy. Ngọc dương có thể ăn ngay
như nướng, hầm, nấu lẩu... Và người ta ngâm rượu ngọc dương để dành uống lâu
dài. Theo nhiều thầy thuốc tác dụng của rượu ngọc dương làm tăng cường khả năng
tình dục, chữa bệnh đau lưng mỏi gối suy thận hiếm muộn con cho nam giới. Rượu
ngọc dương được đồn thổi có sức hấp dẫn lớn nên nhiều nơi sản xuất, nhiều nhà
hàng trưng bày bán, nhiều người tìm mua để "thoả chí nam nhi". Người
ta lấy thận và bộ sinh dục dê đực trộn với gừng tươi ngâm vào rượu trên 40 độ cồn
trữ uống. Để tăng độ kích thích họ hòa nó vào rượu thuốc khác nấu sắc từ hà thủ
ô, ba kích, dâm dương hoắc, trần bì, nhân sâm, kỷ tử, nhục quế... Có người dùng
thêm loại rượu tiết dê (huyết dương tửu) uống ngay tại chỗ. Để có huyết dương tửu
người ta dùng dao nhọn bén thọc sâu vào động mạch cổ con dê cho máu chảy thẳng
ra hứng vào hũ rượu uống tại chỗ không để lâu vì là máu sống dễ hư biến thành
nhiễm độc.
Khi mức sống phát triển cao người ta chú ý nhiều đến nhu cầu
hưởng thụ, nhiều đôi uyên ương thiếu đầm ấm phát xuất từ những nguyên do trong
đó có việc phía ông chồng không đáp ứng khát vọng thầm kín cho hiền thê. Nhiều
ông sợ đánh mất người bạn đời hoặc "bồ nhí" chê nên cố mày mò tìm kiếm
đồ ăn thức uống nhằm bồi dưỡng cơ thể mong cải thiện được khả năng phũ phàng ấy.
Điều đó không gì quá đáng để ta phê phán đạo đức theo quan điểm phong kiến xưa,
bởi thời ấy chỉ vua chúa mới được nghĩ đến thiên hướng nầy, còn bàn dân thiên hạ
là phải chuẩn mực không ai có quyền đòi hỏi nó. Có người bào chữa "vua
chúa thuộc con trời (thiên tử) còn ham hố huống chi những người phàm tục như
ta?". Duy có điều chuyện nửa thế giới loài người muốn cải hiện khả năng
như mơ ấy gây tác hại thành thảm hoạ lớn cho trái đất. Hủy hoại, diệt chủng các
loài động vật quí hiếm để phục vụ cho nhu cầu "sung" và "sướng"
là điều bất nhân, tạo ra nhiều trạng huống uyển hoặc. Bao nhiêu con tê giác
trên trái đất bị tàn sát để lấy sừng? Bao nhiêu con cọp bị giết lấy pín? Bao
nhiêu con gấu bị chặt lấy chân ngâm thuốc? Bao nhiêu lộc nhung bị bẻ gãy lúc
còn non nớt trên đầu? Bao nhiêu hải cẩu bị giết lấy bộ phận truyền giống? Bao
nhiêu bìm bịp không còn kêu chiều báo động nước đứng lớn không còn ròng?...
Sinh thái toàn cầu có một phần bị biến đổi do từ khát vọng thèm thuồng của
chúng ta, nghĩ lại nghe cũng kỳ! Mỗi lần nghe an ninh các sân bay nơi nào bắt
bao nhiêu tấn sừng tê giác ta nghe hơi mắc cỡ! Rượu ngọc dương trong thực tế
không nhất thiết hoàn hảo, ngược lại có khi nó trở nên khôi hài:
- Có trường hợp ông uống bà khen thật. Vì uống đúng độ,
đúng liều, đúng chất kết hợp với cảm xúc tinh thần.
- Có trường hợp ông uống bà... hàng xóm khen! Vì uống quá độ
bà nhà chịu không nổi ông phải chạy tìm thêm "đối tác"!
- Có trường hợp ông uống bà... khóc! Vì uống nhầm rượu giả,
rượu ngâm có độc dược, ảnh hưởng bệnh cao huyết áp, tiểu đường,"gút",
nổi mề đay, nhức khớp, suy thận, suy tim, đau gan... đưa đến bại não, liệt toàn
thân... chết!
Cái huyền thoại rượu ngọc dương, có một số chuyên gia
nghiên cứu thấy rằng nó chỉ là "năm-mươi/ năm-mươi" chớ không phải ai
uống cũng sung hay sưng! Vì cái nhu cầu cải thiện bản năng ấy phần lớn phụ thuộc
vào tâm sinh lý từng người. Khi tâm trí con người bị tồi túng, quẩn bách... nói
chung là thiếu thoải mái thì dù có gặp rượu... trời uống vô cũng khó cải thiện!
"Uống gì bổ nấy" có khi do "tâm lý cảm thấy", giống như người
bệnh nhẹ bác sĩ chích cho mũi nước cất cảm thấy hết! Leo núi mệt muốn đứt hơi
nghe nói nhai lá thần dược có cảm giác khoẻ! Uống rượu bổ lắm khi cũng vậy, có
nhà tâm lý giải mã: ta cảm giác rượu hay thì bộ não sẽ cho ra luồng thần kinh
"sung" chạy lè tè trong huyết quản xuống tận chỗ ta cần!
Không thể tổng kết hết các trò chơi dân gian của người Việt
mình từ trẻ đến già vì nó là cả một kho tàng do ông cha ta hình thành qua các
giai đoạn dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi... nhằm phục vụ vui chơi giải
trí, tăng cường sức khoẻ nghị lực... Có thể từ hình ảnh lờ mờ đôi mắt của con
dê đực đùa giỡn xà quần với các dê cái bên bãi cỏ bất kể trời đất sớm hôm giữa
bầy đàn khiến người xưa cảm kích bày ra trò chơi "Bịt mắt bắt
dê"(BMBD)? Trò chơi nầy
đã lan sâu kéo dài và phát triển qua nhiều thời kỳ trở thành một phần văn hoá
dân gian nổi cộm vào các dịp lễ hội, tết Nguyên Đán... Và hiện nay người ta
phát huy cao giá trị nó đưa vào chương trình học cho môn rèn thể lực qua trò
chơi giải trí ở các lớp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học bên nhà. Thanh
niên, sinh viên có cả du học sinh đến VN ngoài các chương trình đào tạo chính
khoá tại một số trường đại học cũng xông xáo nhảy vào khi gặp chơi trò BMBD lúc
đi dã ngoại, cắm trại, xem nó cũng là bộ môn Xã hội học. Trò chơi BMBD dễ tạo
tiếng cười vì mỗi khi nghe đến "dê" là bà già khó tính cũng muốn nhếch
miệng cười!
BMBD do một hoặc nhiều người dùng khăn bịt chặt đôi mắt lại
không còn thấy gì, hai tay quờ quạng mò tìm con dê thật hoặc bắt những người
chung quanh làm "dê". Trò chơi nầy được người đời chỉ trích một cách
ví von những người làm việc không mục đích, không mang lại lợi ích rõ ràng chỉ
trông đợi vào hiệu quả ngẫu nhiên hên xui may rủi như kẻ mù vớ phải vật. Trên
các bức tranh cổ xưa ta thấy xuất hiện nhiều trẻ em để tóc "ba chỏm",
nhiều người lớn cơ bắp vạm vỡ đóng khố ở trần chơi trò BMBD rất ngộ nghĩnh thu
hút đông đảo người xem. Tết Nguyên Đán là dịp dân ta hay chơi trò BMBD nhất là
đầu năm Ất Mùi nầy càng ý nghĩa hơn, nó mang đúng hình tượng con vật của năm.
Cùng mục tiêu là mò mẫm bắt con dê nhưng mỗi lứa tuổi, mỗi
tổ chức, mỗi địa phương, vùng miền chơi có khác nhau về tình tiết. Đối với trẻ
con chúng cử một em lấy khăn bịt mặt, nhiều trẻ khác đứng thành vòng tròn bao
quanh giả làm dê kêu "be be" cho em bịt mặt tìm, chạm đứa nào thì lôi
vào thay mình và cứ thế chơi tiếp tục hết em nầy sang em khác có khi suốt buổi.
Người lớn thì có khi nam nữ cùng vào trò chơi, một hoặc nhiều người bịt mắt, cổ
đeo lục lạc rủng rẻng tìm được người nào cũng ôm gọi là bắt được "dê"
giúp mọi người vui cười thoả thích, lắm khi ông bắt được bà, bà bắt được ông
như ngầm ý để nam nữ có dịp "bắt nhau" không còn "thọ thọ bất
thân". Cuộc chơi ngoài mục đích vui còn mang ý nghĩa đoàn kết, cởi mở, xoá
bỏ mọi mặc cảm tỵ hiềm, không xảy ra hiện tượng ghen tương xăm xỏ nhau cả những
người đang có gia đình. Nhưng thỉnh thoảng trò chơi nầy cũng có vài
"cha" lạm dụng để thỏa mãn "máu 35", nên có câu: "Giả
vờ bịt mắt bắt dê/ Để cho cô cậu dễ bề với nhau!". Câu vè nhằm răn đe
những ai mang tư tưởng mờ ám biết thức tỉnh, biết chừng mực kẻo bị các bà cho bạt
tay sưng mặt nghỉ dự lễ, nghỉ ăn tết!
Trò chơi BMBD lắm lúc thay con dê hay người bằng các loài vật
khác như gà, vịt, heo... khi điều kiện không cho phép tìm được dê nhưng vẫn
mang ý nghĩa "bắt dê". Ngày
nay nó còn bị cải biến trong cuộc sống lứa đôi, vài cặp vợ chồng trẻ muốn thêm
nồng nàn, tạo mới cho cuộc yêu thương lãng mạn dễ thăng hoa, tăng cường cảm
giác ái ân nhàm chán thường nhật... họ cũng làm trò BMBD: cô vợ trẻ bịt mắt chạy
tìm chồng trong buồng ngủ xem chàng như là con dê! Trò chơi BMBD dễ tạo tiếng
cười khi len lỏi vào đầu óc ta sự liên tưởng đến bản chất một loài động vật la
lẫm. Nghe đến "dê" là thấy vui. Mà tết vui là số một. Đầu năm vui vẻ
để tạo niềm tin cho người người nhà nhà trong năm mới phấn chấn, bình an, hạnh
phúc, phát triển...
Năm Ất Mùi đến, hình ảnh con dê, các món ăn đồ uống,
trò chơi dân gian và các sự kiện liên quan đến con vật nầy dễ làm rộ lên trong
ta nỗi bồn chồn. Những người Việt xa xứ hướng lòng về mâm cơm chiều ba mươi
cúng rước ông bà chung vui ba ngày tết bên quê hương hình dung thấy nhà nhà tề
tụ kể chuyện con dê, chơi trò BMBD, bàn việc cưới vợ gả chồng cho những đôi
trai gái tuổi con dê, chuẩn bị cho những bé sơ sinh ra đời năm con dê, những
người đúng sáu mươi chuẩn bị tổ chức lục tuần nghe lòng sảng khoái tự hào vì
mình đã sống tròn một chu kỳ can chi Ất Mùi dù đã trải qua nhiều thăng trầm biến
động với đủ thứ vui buồn trằn trọc của kiếp nhân sinh. Sự nguội lạnh trong tâm
hồn với nhau giữa không gian luôn ồn ào tốc độ của bước chân người đi trên phố,
tiếng ầm vang của các đoàn xe điện ngầm càng dễ làm cho ta da diết nhớ mùi lẩu
dê quê nhà với nhóm bạn bè thiếu thốn tiền bạc mà chan chứa tình người đến
thiên thu.
Ta có cảm giác như dê cùng mình đi khắp phương trời vạn dặm,
đâu cũng thưởng thức được món trăm năm huyền thoại như quê nhà. Bổn mạng con dê
làm tươi tắn cho mùa xuân, nó rất lạ lẫm và kỳ cục. Có điều như mọi tuổi khác
những người sanh năm Mùi phần lớn cũng hiền từ, đức độ, dễ yêu... Đời dê khổ nhục
nhưng năm Ất Mùi sẽ mang đến cho con người nhiều thú vị... Quả là nhiều chuyện
con dê...
THÀNH NAM
_____________
Ái chà!Buổi sáng còn một đống công chuyện đang chờ trước khi đi tập yoga mà …đọc tựa bài tò mò quá nên len lén cắt bớt thời gian nhập cuộc điểm tâm bằng “Nhiều Chuyện Con Dê”.Truyện hay nhờ công khó sưu tầm tài liệu phong phú, kiến thức uyên thâm của tác giả và nhất là tấm lòng của người viết gởi gắm cho người đọc. Cám ơn Anh Thành Nam nhiều nhiều nhé! Chúc mùa xuân nhiều niềm vui.Một năm mới An lành,hạnh phúc.Trọng kính, Hoàihuyềnthanh.
Trả lờiXóaCám ơn chị HHT nhé! Chúc chị năm mới trẻ, khoẻ, hạnh phúc...
Xóa