Nhiều người ở miền
Bắc đã biết đến “Lá diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm từ lúc bài thơ nầy ra đời
cách nay 56 năm. Sau ngày nước nhà thống nhất, những người yêu mến văn học ở miền
Nam mới tiếp cận được bài thơ qua sách báo và những nhà phổ nhạc.
Cho đến nay bài
thơ “Lá diêu bông” đã trở nên phổ biến trong giới văn học người Việt trong lẫn
ngoài nước, rất nhiều người đã thuộc lòng nó.
Ta cùng đọc lại
bài thơ nầy:
“Váy Đình Bảng
buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều cuống rạ/ Chị bảo: Đứa
nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng./ Hai ngày em tìm thấy lá/ Chị
chau mày: Đâu phải lá diêu bông./ Mùa đông sau em tìm tháy lá/ Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông./ Ngày cưới chị/ Em tìm thấy lá/ Chị cười xe chỉ ấm
trôn kim./ Chị ba con/ Em tìm thấy lá/ Xòe tay phủ mặt chị không nhìn./
Từ thuở ấy / Em
cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi diêu bông hời... ới diêu
bông...!”
Bài thơ tình làm
xao xuyến lòng người qua hơn nửa thế kỷ từ ngày nó được tác giả “đẻ đau” sau thời
gian dài “mang nặng” và “thai nghén” đứa con tinh thần tuyệt tác nầy.
Tác giả đã tâm sự
với nhiều bạn đọc: tình cảm xảy ra vào mùa đông năm 1934 lúc ông lên 8 tuổi đã
bị “tiếng sét ái tình” đầu tiên giáng xuống đời mình do chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần
khiết gợi cảm lạ lùng của một phụ nữ 16 tuổi. Tác giả nuôi nấng tình yêu đơn phương
“lệch đũa” nầy bốn năm sau, tức lúc ông 12 và nàng 20 tuổi, vào một chiều định
mệnh ông theo chân nàng ra cánh đồng trơ rạ. Và các cuộc gặp gỡ trao duyên của
ông vĩnh cửu không thành vì chiếc lá chị đòi hỏi không có thực trên cõi đời.
Cái định mệnh thương đau ấy đeo mang theo Hoàng Cầm qua nhiều mùa đông thương
nhớ, nó phát triển mạnh vào cuối năm 1959 sau 25 năm bị đè nén trong mỏi mòn
tuyệt vọng, tác giả viết bài thơ “Lá diêu bông” trong trạng thái vô thức, nó trở
thành tuyệt tác mãi đến hôm nay và cho đến bao giờ.
“Lá diêu bông”
là bài thơ tình lãng mạn nói lên tâm sự của một con trai si mê một phụ nữ lớn hơn
mình 8 tuổi mà tác gỉa là nhân vật chính. Nói chính xác hơn “Lá diêu bông” là
bài thơ tự tình của Hoàng Cầm, chứa tứ thơ lạ, chuyển tải nỗi lòng đa mang với
sắc thái buồn vương khác đời.
Bài thơ “Lá diêu
bông” đầy ý vị trữ tình. Phát tiết hương lửa lạ lẫm nên người đời đã gán cho
nhiều từ hàm chứa tính không thực, không thành: mộng mị, mộng mơ, mộng tưởng,
ảo tưởng, ảo giác, mơ hồ, trừu tượng, hư vô, vô thường, vô ảnh, vô vọng, vô
căn, bãng lãng, phảng phất, bi kịch, bi thương, trớ trêu, cay đắng, cay nghiệt,
khắc nghiệt, nghiệt ngã, phũ phàng, ẩn số không lời đáp v.v và v.v...
Là vì, người ta
cho rằng một cậu bé tám 8 tuổi đã thầm yêu trộm nhớ mộ phụ nữ 16 tuổi là hiện tượng
tảo hôn không bình thường. Lá diêu bông là thứ lá gì mà theo thời gian dâu bể,
đắng cay qua thử thách, tác giả và nhiều người quan tâm gắng công lặn lội tìm
kiếm, lục soát trong kho tàng văn học và đời sống thực dân gian, trong các sách
thực vật, trong danh mục cây thuốc của các lương y Nam, Bắc hốt sắc cho bịnh
nhân uống… hoàn toàn không thấy?
Việc trai nhỏ tuổi
ngầm yêu chị lớn tuổi, xưa nay đã thường xảy ra. Thời phong kiến xa xưa, nhiều
hài nhi nam mới chào đời cha mẹ đã chọn trước cho một “hôn phụ” chờ khi nó trưởng
thành tác hợp nên duyên, người phụ nữ ôm “chồng” tắm giặt, chăm sóc, mớm cơm… đến
một ngày làm lễ thành hôn chính thức. Xưa nay với ái tình, nhiều người thường
nói “không phân biệt tuổi tác” kia mà!
Điều đó đã thể hiện bàn bạc trên khắp mặt đất ngay cả với các nhân vật nổi
tiếng. Và gần đây thôi, xã hội ta, việc “phi công trẻ thích lái máy bay già” đã
thành đề tài râm ran... Hoàng Cầm không sai khi để con tim non trẻ tự thân rung
lên những nhịp tơ tình, những cung bậc đàn lòng, những khát vọng ái ân muôn thuở
để phải đau buồn với nỗi trộm thương trộm nhớ người con gái Kinh Bắc cao tuổi hơn
mình, khiến bị nàng cao ngạo trong tình yêu, thách đố món lễ vật mà không bao
giờ tìm thấy hoặc do nàng muốn chối từ khéo.
Thực tế trên cõi
đời có một số cây lá lúc đầu không thấy thật nhưng do nhu cầu sử dụng trong tẩm
bổ, trong tâm linh… người ta có thể tìm ra hình tượng và ráp tên mang ý nghĩa
cho nó. Ví dụ theo phong tục đón rước ông bà ba ngày tết Nguyên Đán, bà con ở
miền tây Nam bộ tôi hay dọn cúng mâm trái cây có mãng cầu, đu đủ, xoài (tượng
trưng cho “cầu đủ xài”). Do tình hình kinh tế đất nước phát triển, bà con không
muốn làm “đủ xài” nữa mà muốn “dư xài”. Khổ nỗi trái “dư” không có, bà con phải
lặn lội đi tìm khắp nơi cho ra để thay trái đu đủ. Thế mà cuối cùng, những năm
gần đây tết về trên mâm trái cây vùng tôi có trái “dư” (ăn không được nhưng có
màu vàng rất đẹp, nó có vài mô cơ nhô ra ý nghĩa như cục thịt “dư”, như bàn tay
con người năm ngón “dư” thêm vài ngón!).
*
Hoàng Cầm diễn đạt
trạng thái tình cảm nhân vật nữ trong bài thơ “Lá diêu bông” rất tâm lý, một
bài văn tả thực về người hoàn toàn không hư cấu.
Vào bài, tác giả
tả tâm trạng hồn nhiên của người phụ nữ mình yêu, dẫu nàng lớn tuổi hơn. “Giữa
đồng chiều cuống rạ”, thiếu nữ linh cảm đang bị e ấp đeo đuổi, tỏ ra hồi hộp
khó thể yêu mà cũng khó thể từ chối bằng thái độ thẳng thừng ngang xương dứt
khoát cục bộ sợ gây cú sốc cho “chàng”, buộc lòng nàng phải “hư cấu” ra chiếc
lá diêu bông vừa tế nhị vừa mang chất đùa bỡn. Nàng có ngờ đâu đùa với tình yêu
hậu quả nguy hiểm như mang xăng đùa với lửa!
“Đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay
ta gọi là chồng”.
Câu nói trên có
thể bất chợt vô tình nàng đọc tên một loại lá cây hoặc lá cỏ mà mình chẳng hiểu
nó có trên trái đất nầy không? Có thể nàng biết chắc không bao giờ có loại lá ấy,
do đó từ chối khéo duyên nợ trái ngang không bao giờ đến tránh đau lòng đứa em
trai si tình mình? Lúc mới nó là câu đùa duyên thách thức. Nàng đâu ngờ rằng
chiếc lá “thần khẩu” mình nêu tên là thách đố tuyệt cùng, làm khổ đau “chàng”
suốt kiếp! Dù không có, mãi mãi lá diêu bông không có, nhưng cái thách đố đùa bỡn
ấy đã trở thành định mệnh cho một bài thơ, gắn chặt với một con người có hiên
ngang trong lặn lội, có tìm kiếm trong vô ưu vô vọng một tình yêu không thể cho
đến ngày xuôi tay nhắm mắt.
Hết sức thật, hết
sức hồn nhiên khi tác gỉa sử dụng từ “chau mày” để diễn đạt trạng huống
tình cảm người thiếu nữ đang bị bám tình. Không ngờ mình bỡn cợt thách thức mà đứa
em trai làm thiệt, cố mang về chiếc lá mơ hồ tưởng tượng chỉ hai ngày sau, để:
“Chị chau mày
/ Đâu phải lá diêu bông”
Chau mày là
cử chỉ duyên dáng, tâm trạng hạnh phúc kèm với phủ nhận thay cho lời muốn nói
“không được!”.
Lại ngạc nhiên,
không ngờ tròn một năm sau đứa em “ngoan cố” muốn thực hiện ước mơ đeo đuổi.
Tâm trạng người phụ nữ trở nên bồi hồi, bối rối có lẽ rồi thương hại. Vì cảm nhận
có sự bẽ bàng hoặc đã tiên liệu mình sắp trở thành vợ một người không phải em
trai bé bỏng. Mang tâm sự ngập ngừng, khó nói mà buồn vương như ngầm hiểu cái tơ
duyên nầy khó kéo dài, nên:
“Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông”
Ngày
cưới mình chị nghe hạnh phúc ngập cả lòng khi được gần với tân lang, nghe lâng
lâng cả tâm hồn lẫn thân xác. Mâu thuẫn là chàng trai nhỏ vẫn cố tình đeo bám,
vẫn mang đến chiếc lá gọi là “diêu bông”, khiến nàng đang ngồi chăm chút tơ
duyên cho ngày hạnh phúc phải nực cười mà nghe âm ấm vui vui:
“Chị cười xe chỉ
ấm trôn kim”
Trạng thái cuối
cùng của người phụ nữ ba con được Hoàng Cầm nêu lên một nét sâu lắng gây xúc động
người yêu thơ ông và chuyện tình chung thủy ở ông. Người đàn bà ba con đã mỏi mệt,
có thể bị va đập trận lòng khiến bà quay quắt với kỷ niệm xưa mơ tìm lại vẻ hồn
nhiên đã mất khiến bà trở nên đau khổ, có thể bà hối hận vì câu thách đố từ
mình làm chết rũ một thề nguyền, để kẻ thực tâm yêu mình, mãnh liệt yêu mình mải
miết đi tìm một báu vật vô vọng, để Hoàng Cầm cả đời nhìn lá gì cũng mường tượng
là lá diêu bông và nằng nặc cho rằng mình đã bắt gặp nó, sẽ phải được yêu ngay
khi nàng đã nheo nhóc một đàn con! Nỗi đau nầy lớn không nhỏ, nên:
“Xòe tay phủ mặt
chị không nhìn”.
*
Đọc kỹ lại bài
thơ “Lá diêu bông”, ta nhận thấy khía cạnh nào đó, nó là lời thách cưới duyên
dáng mà nhẫn tâm hơn bài ca dao ta đã học hồi nhỏ:
“Em là con gái nhà giàu/ Mẹ cha thách cưới
da màu xanh xao/ Cưới em trăm tấm gấm đào/ Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông
sao trên trời/ Tráp tròn đếm đủ trăm đôi/ Ông thuốc bằng bạc, ống vôi bằng
vàng/ Sắm xe tứ mã đem sang/ Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu/ Ba trăm nón Nghệ
đội đầu/ Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh/ Anh về sắm miễu Nghi Đình/ May
chăn cho rộng ta mình đắp chung/ Cưới em chín chĩnh mật ong/ Mười cót xôi trắng,
mười nong xôi vò/ Cưới em tám vạn trâu bò/ Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm/ Lá
đa mặt nguyệt hôm rằm/ Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi/ Gan ruồi mỡ muỗi
cho tươi/ Xin chàng chín chục con dơi
góa chồng/ Thách thế mới thỏa trong lòng/ Chàng mà lo được thiếp cùng theo
chân”.
Bài ca dao
“Thách cưới” xưa tại thời điểm đó được xem là không tưởng, không thể đến được đối
với chàng trai nghèo mà “đèo bòng” đòi cưới con gái nhà giàu. Nhưng ta thử đặt
nó vào hoàn cảnh thời điểm hôm nay và làm bài học so sánh lượng định số phận
chàng trai bị thách cưới trong ca dao so với “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm, ta
thấy bài “Thách cưới” có nhiều con đường dễ “gỡ”:
+ Trăm tấm gấm đào,
một trăm hòn ngọc, tráp tròn trăm đôi, ống thuôc bằng bạc, ống vôi bằng vàng,
xe tứ mã, ba trăm nón Nghệ, quạt Tàu, miễu Nghi Đình, chăn rộng, chín chĩnh mật
ong, mười nong xôi vò, chín vò rượu tăm, tám vạn trâu bò, bảy vạn dê lợn:
Những lễ vật đòi
hỏi trong nhóm nầy đối với phái nam ngày xưa và con trai nhà nghèo ngày nay
không khả năng sắm nổi. Nhưng với “đại gia”, tỷ phú, đại tỷ phú… thì rất dễ vượt
qua thách đố. Công tử Bạc Liêu lúc sinh thời có thể làm được!
+ Lá đa mặt
nguyệt, gan ruồi mỡ muỗi:
Lá đa thiên
nhiên không tròn như mặt trăng được, ruồi không có gan, muỗi không có mỡ. Nhưng
chàng trai khát tình có thể nhờ các nhà khoa học gây lại giồng theo ý muốn: lai
ghép cây đa có lá tròn vo, ruồi có gan và muỗi có mỡ để đáp ứng! (Tợ như người
ta cho ra đời thế hệ bầu, dưa hấu, bưởi… hồ lô; phượng vĩ xanh; nuôi heo cho
nhiều mỡ nạc là tùy cách nuôi và chế độ cho ăn…)!
+ Dơi góa chồng:
Bắt
chín chục con dơi cái nhốt riêng không cho tiếp xúc dơi đực!
+ Ông sao trên trời, răng nanh thằng
Cuội, râu hàm Thiên Lôi:
Là những món lễ
vật không thể thực hiện được. Có điều sao trên trời người ta nhìn thấy, thằng
Cuội có mẫu chuyện dân gian, Thiên Lôi có chủ thuyết tôn giáo, còn lá diêu bông
cho đến thời điểm nầy hoàn toàn hư ảo không có một cơ sở dữ liệu nào tìm ra.
Bài ca dao
“Thách cưới” nếu là bây giờ có thể giải quyết 90% để chàng trai còn hy vọng, vì
phấn đấu đạt 90% là thông cảm được rồi. Không phụ nữ nào tàn nhẫn đến độ phải
đòi cho được ông sao trên trời, răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi khi
chàng trai đã quyết tâm thỏa lòng mọi báu vật có mặt trên trái đất? Còn “Lá
diêu bông” chỉ một món thách đố thôi mà nhân gian “bó tay”, với Hoàng Cầm cũng
chỉ là “nghìn thu vĩnh biệt”!
Vậy bài thơ “Lá
diêu bông” là bài thách cưới không ai trên đời có thể thực hiện được. Quả tình
người phụ nữ mơ mộng của Hoàng Cầm khước từ khéo tình một tình yêu lý thú, lý tưởng
một cách chắc chắn và an toàn.
Thông cảm thay
cho nhà thơ trường thọ thuở thiếu nhi, thiếu thời đeo mang một mối tình vong
niên mộng bạc. Đã hết kiếp dã tràng nhưng chưa chắc gì bên kia thế giới ông gặp
được lá diêu bông? Chiếc lá mà cho đến cuối đời, nơi cõi trần ai lai khổ nầy
Hoàng Cầm và mọi người vẫn tìm nó trong vu vơ hoang tưởng. Hoàng Cầm còn mãi gọi
“diêu bông hời... ới diêu bông...!” bao kiếp nữa?
Xin ai đó hãy vẽ
lên mộ phần Hoàng Cầm chiếc lá diêu bông ảo để kỷ niệm tháng 5 ông mất
(6/5/2010) để mọi người thêm trĩu lòng với mối tình trong sáng chân thực của
ông, trân trọng giá trị đứa con tinh thần ông “mang nặng đẻ lâu” ra đời hơn nửa
thế kỷ vẫn bỏ trơ lý lịch: có tên mà không hình thù dẫu chỉ là xác lá.
“Lá diêu bông” cũng
là bài thơ thách cưới? Hơn chăng nó rất nghiệt ngã so với bài ca dao “Thách cưới”.
THÀNH NAM
_______________
Bài viết sâu sắc.Biết bao người từng mượn chiếc lá diêu bông ...để vào thơ thương nhớ .HHT cũng :
Trả lờiXóa...Thà như thể lạc nhau từ thuở ấy
Chiếc lá diêu bông biền biệt phương nao
Trong nuối tiếc ta còn nhau kỷ niệm
Hạt sương long lanh đằm thắm ngọt ngào
(Hạt Sương Long Lanh Ngày Cũ)
Chúc Bạn vui, viết nhiều nhé! HHT
Rất cám ơn chị Hoài Huyền Thanh đọc và đánh giá bài viết.
XóaBài viết thật tự nhiên,thật hay như bài thơ "Lá diêu bông" của Thi Lão Hoàng Cầm...Cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóa...