Bài hát diễn đạt tình cảm của một người con trai yêu cô
gái cùng quê vùng có nước lũ hằng năm. Hai người quen nhau thời còn cắp sách,
nhà sát vách ngăn cách bởi một hàng rào thưa có cây trứng cá mà cả hai thường
trèo hái trái ăn chung. Sau thời gian xa vắng, chàng tìm về thăm lại thì không
thấy bóng dáng nàng đâu cũng chỉ thấy toàn một màu nước lũ...
Đơn giản, nhưng đối với người nghe không sống thực với
vùng quê châu thổ chắc chắn không cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của bài hát
mang đậm chất bi thương và lãng mạn nầy.
Người trai về quê thăm lại kỷ niệm với hy vọng gặp
người em yêu “cô hàng xóm thuở nào”,
nhưng “cơn mưa sa giông chiều nước lũ...”
ngập trắng cả đồng, nhà cửa cây cối chìm sâu ngộp thở trong nước, cây trứng cá
lưu dấu nhiều kỷ niệm ngày nào đã bị tróc trôi, không còn vật gì cố định làm chắc
chân để cột được chiếc xuồng ba lá khỏi bị xô dạt. Đây là thực trạng hiển nhiên
thường xuyên xảy ra ở vùng quê Nam
bộ ngày trước.
Bây giờ kinh tế nông thôn phát triển đều khắp ở đồng
bằng, người ta đã làm đường nhựa, bê tông hóa, đê bao ngăn chặn thảm họa lũ
lụt, đa số nhà cửa thành cốt thép tường vôi, phương tiện đi lại là xe gắn máy,
ô-tô ít khi nhìn thấy được chiếc xuồng ba lá năm xưa, hình ảnh ấy đã trở thành
kỷ niệm xa xôi.
Dù sao, hình tượng nước lũ, cây cầu tre, xuồng ba lá…
vẫn còn sống trong ký ức nhiều người lớn tuổi khi thỉnh thoảng họ hoài niệm về
nó. Người ta xót lệ mỗi khi nghe ai gợi lại dĩ vãng nên mỗi lần nghe bài hát ấy
không thể kềm chế được nỗi xót xa rưng rưng.
Những hình tượng thấy rõ qua bài hát là nước
lũ, xuồng ba lá, cây trứng cá, cầu tre mang đậm sắc màu nghệ thuật
dân gian. Ai sinh ra lớn lên hoặc đã từng sống trên vùng sông rạch chằng chịt
nơi đây, như ở miền Tây Nam bộ nầy mới cảm nhận giá trị sâu thẳm của bài hát mà
chạnh lòng nhớ thương, giờ dù cuộc sống có đổi thay thế nào cũng khó quên đi
hay phũ phàng nó.
Vùng đồng bằng
sông Cửu Long hằng năm nước dâng lên cao điểm vào tháng bảy tháng tám đến cuối
tháng mười, mười một âm lịch nước mới rút đi. Có năm nước đến sớm về muộn kéo
dài đến tết Nguyên Đán. Ngày xưa khoa học kỹ thuật chưa can dự sâu vào thời
tiết khí hậu, người ta trồng chỉ một vụ lúa mùa, lúa “đấu tranh” với nước vươn
thân dài ra thành “lúa nổi”, không chống chọi được thì chết rã giữa trùng khơi
biển lũ nhường ruộng cho bông súng, điên điển... mọc, con người thành đói khổ
triền miên. Người ta đốn chuối bắc cầu đi trong nhà, nghe mưa gió ủ chụp rì rào
trên mái lá, nghe sóng nước nhấp nhô tràn vào tận giường ngủ, nghe tôm cá rắn
lươn lách chách trong vách, nghe da thịt bị nước “ăn” thối móng bốc mùi, ngồi
co ro lạnh lùng mong mùa lũ sớm qua...
Vinh Sử đã nhập tâm vào cõi mộng mơ đồng bằng như một
công dân rặc miền sông nước mới thấu rõ nội tình mà dệt nên khúc hát nỗi niềm
như thế:
“Anh về thăm
quê mưa sa giông chiều nuớc lũ/ Bầu trời âm u xuồng ba lá chẳng nơi neo...”
Nước đổ từ thượng nguồn sông Me’kong vòng vèo qua các
quốc gia lân cận rồi chia hai nhánh đưa về miền Đông, miền Tây Nam bộ,
“châm” thêm phù sa cho đất rồi rút ra biển Đông hòa cùng nước mặn luân lưu với
kiếp hải trình bao la thân phận... Lũ bồi đắp thêm cho đất bớt nghèo dinh dưỡng
nhưng khổ vì nó cũng không ít:
“Chìm vào
phong ba làng quê tan tác điêu linh...”
Ngồi giữa đồng bằng nước lũ nghe mưa, mưa góp phần làm
cao mực nước cho sông. Mưa hợp lực với nước sông tạo ra những cơn triều cường
thành lũ cuốn, làm tiêu tan nhà cửa, rau màu, cây vườn, lúa thóc cùng sinh mạng
con người, gia súc... Đứng trước dòng lũ ta thấy mình nhỏ bé với thiên nhiên hà
khắc. Nó ầm ầm, nó tràn lan, nó như kẻ điên cuồng phá hoại,“nắm kéo xô đẩy” mọi
vật thể cuốn theo, đưa con người có thể đến vô bờ. Hỗ trợ “chúa lũ” còn có các
“thần sấm”, “thần bão”... hủy hại mọi
sự nghiệp gầy dựng từ bàn tay nhỏ bé của người đồng bằng:
“Nước lũ dâng
cao gieo đau khổ nghẹn ngào/ Nước lũ dâng trào làm ruộng hoang xơ xác/ Nuớc lũ
vô tình mang hình hài tang tóc”.
Nước lũ đã làm xóm làng xưa trở nên “tan tác điêu
linh”. Và chung số phận với cây trứng cá, em cũng không còn, em đã theo dòng
nước lũ, đã có chồng hay trôi giạt theo dòng lũ, dòng đời “tê tái”:
“Cơn lũ cuốn
đi rồi đau xót nầy anh sao nguôi”
. Xuồng ba lá
(có khi năm hoặc nhiều lá phụ thuộc cây to hay nhỏ người thợ đóng cho tiện...)
là đặc thù của nền văn hóa sông nước Nam bộ, là sự sáng tạo của dân ta hình
thành từ kỹ năng sống vào thời đại hoang sơ, qua suốt thời kỳ lịch sử mở đất
của ông cha, cho đến thời kỳ khai hoang phục hóa và giai đọan cận phát triển
của nền nông nghiệp lúa nước, nó đồng hành thủy chung với người dân đồng bằng,
đưa rước dân ta trong giai đoạn khắc khổ. Không ai nỡ phũ phàng nó dễ như quăng
xóa một mối tình lãng mạn tới thời kỳ hết quí nhau! Vì thế đã trải qua hằng
trăm năm, cho dù hôm nay đường sá tương đối đáp ứng tốt chuyện đi lại của đại
bộ phận dân chúng nhưng không thể kết thúc số phận những chiếc xuồng con vào dĩ
vãng để chỉ còn là giai thoại. Nhiều người dù không còn sử dụng xuồng làm công
cụ nhưng vẫn cất giữ neo cột nó để nhìn như sự tri ân.
Muốn đóng xuồng ba lá người ta phải ghép ba miếng ván
lại ốp vào các công có chừa “lỗ lù” để thông nước... Ở hai đầu xuồng
có sạp ngồi và thanh ngang cứng chắc
dùng xỏ dây xích cột khóa khỏi bị trôi hoăc phòng tránh kẻ trộm.
Người dân vùng sông nước xem xuồng ba lá như “đôi
chân“ của mình, ngồi trên xuồng xem như “đi bằng tay”. Ngày xưa ở quê đâu phải
dễ sắm chiếc xuồng, ta hình dung khó khăn như bây giờ người ta mua xe tay ga,
hoặc thậm chí cả xe hơi! Nhà nào kinh tế khá dả mới mua nổi chiếc xuồng tốt
bằng ván sao, hộ vừa thì mua xuồng ván dầu; hộ cận nghèo và nghèo thì đóng
xuồng bằng ván mù u, ván xoài, ván gáo đi một mùa nước thì đóng lại gia cố trét
chai lấp vò chống thấm, người lơ đểnh thì móc đại đất sét ven bờ trám chỗ vô
nước đi đỡ, tay bơi xuồng tay tát nước bằng chiếc bẹ chuối cắt làm gào, nếu nó
mục tệ thì mang lên độn phân trồng hành; còn hộ nào quá tệ khong chút khả năng thì
chịu cực lội bộ băng sông, thỉnh thoảng mượn tạm xuồng người hàng xóm bơi đi
chợ, xay lúa, thăm bà con sui gia, đám tiệc... Tình làng nghĩa xóm ở nông thôn
rất tốt người ta sẵn sàng cho nhau mượn qua mượn lại các vật dụng cần thiết xài
kể cả cây kim sợi chỉ, lon gạo cây cù nèo cái phảng phát cỏ… Thời còn chiến
tranh người có ghe xuồng sẵn sàng chỡ người không có đi chung tránh bom, đạn
pháo binh, có khi cùng chết chung một xuồng. Sau nầy có cụm từ “chết chung
xuồng” ám chỉ những người cùng ý tưởng bênh vực nhau trước một sự kiện nguy
hiểm nào đó.
Xuồng ba lá nếu đi hai người thì người ngồi trước dùng
dầm móc, người sau bơi bẻ lái, có ai theo thì ngồi giữa. Nếu sử dụng xuồng làm
phương tiện chài lưới thả câu hì người ta chế thêm cho nó chiếc “bánh lái” bằng
cách đẻo miếng ván mỏng cặp hai thanh tre gắn vào đuôi xuồng một người ngồi
trước móc tới lui xuồng bẻ lái theo ý mình, trông nó rất thơ mộng. Thập niên 60
về sau người ta gắn thêm một cái bệ dầy khoét lỗ đặt lên chiếc mãy “đuôi tôm”
thường là Kohler nhỏ dùng làm động cơ đẩy cho xuồng và ghe đi. Sau nầy phát triển lên chiếc “vỏ vọt tắc ráng”,
ai sở hữu nó xem như thuộc loại nhà giàu có con gái con trai rất dễ gả cưới làm
sui!
Xuồng ba lá đã đi vào văn học nghệ thuật: câu hò, bài
hát, thơ ca, vọng cổ... gắn chặc tình cảm người đồng bằng sông nước từ lâu:
-
“Anh ơi chớ ngại ngần chi/ Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước
lên” (Câu hò).
-
“Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá...” (Câu ca).
-
“Chiếc xuồng nhỏ đưa em về xóm nhỏ/ Nghe rì rầm tiếng
sóng vỗ gần xa...” (Dòng sông quê em –
Trương Quang Lục).
-
“Xuồng em chở chú dân quân/ Chỡ anh cán bộ, chở cô hậu cần..." (Dệt
chặng đường xuân – Anh Động).
Và tác giả Vinh Sử:
-
“Bầu trời âm u xuồng ba lá chẳng nơi neo...
Cây trứng cá
gắn liền với tuổi thơ như tàu mo cau, chiếc nhà chòi xây bằng cột cây lùng lộp
mái bằng lá chuối để các bé thơ vui chơi. Cây trứng cá thường tự mọc lên trên
nhiều loại đất kể cả đất nghèo dinh dưỡng do chim dơi tha hạt ăn rơi rớt phát
tán đi nhiều nơi, trái tròn nhỏ khi chín có màu đỏ nhạt và mùi thơm ăn ngon,
trẻ em hay dùng cây trúc làm cái lồng hái trái, hạt giống như trứng cá rô cá
lóc nên gọi tên nó như vậy. Tuổi thơ và cây trứng cá có mối gắn kết, trẻ nhỏ gặp
trái trứng cá chín là phải trèo hái. Bởi thế ta thấy trong nhạc Vinh Sử xuất hiện vài bài có “cây trứng cá” hình tượng
tuổi thơ không thể thiếu.
Trở về lần nầy người trai đau khổ nhớ nhung cây trứng
cá:
“Cây trứng cá
trôi rồi nay biết tìm em nơi đâu?”.
“Rào nhà
chung sân đâu tàng trứng cá anh ngồi/ Cơn lũ cuốn đi rồi đau xót nầy anh sao
nguôi”.
Và ở một bài hát khác tác giả đã viết:
“Bẻ một nhành
cây nhành cây trứng cá/ Để khi vô trường chia trái cho nhau.../
Nhưng bỗng mưa ngâu trên mấy nhịp cầu... /Mưa vẫn mưa ngâu, anh thẩn
thờ sầu /Qua mấy nhịp cầu chưa hiểu đi đâu….
Bên cạnh hình tượng cây trứng cá, thì chiếc cầu tre
cũng vấn vương tâm tình dân miền sông nước. Hầu hết nông thôn bây giờ cầu đã bê
tông hóa hiếm khi ta còn gặp cây cầu tre. Nhưng cây cầu tre nhiều thập kỷ trước
thân thiết với người dân nông thôn khắp nơi như cây đa mái đình... Trong văn
học nghệ thuật cầu tre trở thành biểu tượng không thiếu trong tranh ảnh văn
thơ, nó là linh hồn của nhiều tác giả. Người ta ca ngợi cầu tre như mối tình
nồng ấm sâu đậm gắn liền với sông nước hiểm trở bao la. Cầu tre khó đi do đó
những ai chưa quen phải khom thân bò qua như khỉ hoặc đanh đá như khỉ mới chuyền
qua nhanh nên nó còn được mệnh danh là “cầu khỉ”! Ngày trước qua được mương
sông phải nhờ cầu tre. Người ta dùng thân cây tre làm nọc chéo, cột dây cho
chắc rồi gát những thân tre khác dài qua một hoặc nhiều đọan phụ thuộc chiều
rộng mương sông, nên nó mới “lắt lẻo rập
rình khó đi”. Nhiều sông rộng cũng bắc cầu tre, thiếu nữ eo thon đội nón lá
đi trên cầu tre mấy nhịp trông rất thơ mộng. Cho đến giờ nhiều tác giả còn hoài
tưởng mãi cây cầu tre:
“Cây cầu tre
năm xưa hai bên đồng lúa trổ/ Mà giờ nơi đây buồn hiu hắt xót thương ai?..”.
Người bạn một thời của Vinh Sử, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
cũng đã gởi tâm hồn điêu linh mình cho “Mấy nhịp cầu tre”:
“Làng tôi, nghe đu đưa mấy nhịp cầu tre /... Hỏi rằng, ai không yêu mấy nhịp
cầu tre.../ ...Cầu tre bao trưa
hè vui một câu vè/ ... Ai đem bắt nhịp cầu tre.../ ... Cầu tre, tích tịch tình tang .../ Cầu tre tang tịch tình tình rằng nhớ ở đây.../ ... Chiều nay trăng sông xanh nhớ
nhịp cầu duyên.../ Cầu ơi, ai đâu
quên những ngày thần tiên/ Lòng
mong, mai cho dù sông cạn đá mòn/ Nhịp
cầu kia muôn kiếp vẫn còn”.
Ngồi giữa đồng bằng ngập nước nghe nhạc “Chiều nước
lũ” của Vinh Sử, xúc cảm dâng trào, mặc dù hình ảnh và sắc màu xưa thời gian đã
biến thái theo qui luật. Chỉ có người đã sống qua cái không gian đầy quyến rũ
ấy mới nói lên và cảm nhận được giá trị tuyệt vời những cảnh vật và tình khúc
miên man nầy.
THÀNH NAM
_______________
Một bài hát đầy tâm trạng trĩu nặng và đau đáu. Cũng may là "mùa nước lũ" miền Tây hiện nay đã không còn quá khổ như ngày ấy.
Trả lờiXóaBài hát đau đáu lòng người, lũ bây giờ ít được về thăm quê lắm. chỉ còn những bờ bao đê dài, nhìn mà buồn cùng lũ.
Trả lờiXóaChân thành cám ơn bạn Trí Tâm, Băng Tâm và Bông Tràm nhận xét bài viết và thay mặt tác giả gởi hồi đáp.
Trả lờiXóaThân ái
TNam